Tôi nghĩ trong thời đại này chúng ta cần nhiều nghiên cứu như trích dẫn dưới đây. Theo kết quả nghiên cứu này thì có đến 41% sinh viên cho rằng “không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng lại là mù quáng”, và 36% thì nghĩ rằng “làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt”.
Tôi không bàn về phương pháp ở đây (vì chưa thấy bản báo cáo và chi tiết nghiên cứu), nhưng hai chữ “cao thượng” và cụm từ “làm việc theo lương tâm” tuy hiểu chung chung thì có lẽ ok, nhưng cho nghiên cứu thì có vẻ hơi khó hiểu, nhất là đối với sinh viên. Dựa vào kết quả trên có thể suy luận rằng 1 phần 3 sinh viên nghĩ rằng làm việc không theo lương tâm là thắng lợi? Hay trên 40% không cần sống cao thượng. Có thể xem đây là những suy đồi đạo đức, mất lí tưởng không? Nên nhớ đây là sinh viên, những người chủ nhân của đất nước, những người sẽ lãnh trách nhiệm điều hành đất nước sau này. Cũng may con số chưa đến 90%. Nhưng cũng là những con số đáng báo động, bởi vì một quần thể lớn có những suy nghĩ có thể nói là mầm mống của tham nhũng và hối lộ.
Kết quả này làm tôi liên tưởng đến một đồng nghiệp trong nước than rằng ngày nay đi đâu cũng phải “phong bì” thì mới chạy việc. Có những người quyền cao chức trọng cỡ như giáo sư, phó giáo sư không ngần ngại hay xấu hổ gì khi đặt vấn đề tiền bạc, hay thậm chí chuyện sex! Không biết nên gọi mấy người này là giáo sư hay giáo gian? Có lẽ mấy người này thuộc vào loại không muốn sống cao thượng và sẵn sàng vứt bỏ lương tâm để sống theo bản năng thấp của động vật.
Chắc chắn sẽ có người nhìn kết quả trên như là một tín hiệu về suy đồi đạo đức xã hội, và các giá trị đạo đức truyền thống đang bị lung lay. Nhìn theo cách đó thì chuyện tồn vong của đất nước cũng đáng quan tâm. Một thế hệ không có bản lĩnh văn hóa, thiếu lí tưởng quốc gia mà cầm quyền điều hàng đất nước thì đúng là nguy hiểm quá.
Nhưng tôi ngờ rằng kết quả trên phản ảnh một hiện tượng giao thời của xã hội ta. Những năm bao cấp, đạo đức là những tuyên truyền, những lí thuyết mơ hồ được gò ép liên tục. Sau thời bao cấp, các giá trị đạo đức đó bị phá sản, và nảy sinh ra thói thực dụng. Thói thực dụng vừa trở nên phổ biến, vừa trở nên phức tạp hơn. Nó không còn là phản kháng lại sự tuyên truyền các qui phạm đạo đức trước kia, mà đã nhiễm sâu vào lối sống hàng ngày. Cái tính thực dụng, cá nhân chủ nghĩa và theo vật chất mới chính là mầm móng của tình trạng trong lúc giao thời này, chứ chưa chắc là suy đồi đạo đức.