Stress (Căng thẳng) có thể dẫn đến bệnh hoạn

Một vài loại bệnh có liên quan đến căng thẳng bao gồm những vết loét trong hệ thống tiêu hoá, chứng đau nửa đầu (migraine headaches), chứng trầm cảm, huyết áp cao, đột quỵ và suy tim. Căng thẳng liên tục có thể làm suy yếu hệ miễn dịch (sức đề kháng của cơ thể), và hậu quả là hệ thống này trở nên kém hiệu quả trong việc chiến đấu với những bệnh lây nhiễm. Một số người có thẩm quyền thậm chí còn cho rằng stress (căng thẳng) lâu năm và thái quá có thể góp phần vào sự phát triển và tăng tiến của căn bệnh ung thư.

Đúng vào lúc stress (căng thẳng) cơ thể tiết ra một dòng não chất và những hoóc-môn, bao gồm chất làm hưng phấn (adrenaline) và hydrocortisone, vốn kích thích những gì thường được gọi là phản ứng ‘chiến hay chạy’. Chất hưng phấn (adrenaline) làm gia tăng nhịp tim và nhịp hơi thở, đồng thời chuẩn bị cơ thể để chiến đấu với một đe doạ bên ngoài nào đó, hoặc để chạy trốn khỏi sự đe doạ đó. Hydrocortisone giúp duy trì sự sẵn sàng của cơ thể để đương đầu với tình trạng stress (căng thẳng). Như vậy khi chúng ta nghe những tin xấu trên điện thoại, phản ứng tức thời của chúng ta là phản ứng được thúc đẩy bởi chất làm hưng phấn (adrenaline), và theo sau bởi một sự tiết rỉ chất hydrocortisone càng lúc càng tăng.

Tuy nhiên, những hoóc-môn vốn giúp chúng ta đương đầu với stress (căng thẳng) trong một giai đoạn ngắn lại có thể gây ra những vấn đề cho sức khoẻ nếu chúng ta bị căng thẳng lâu dài. Căng thẳng liên tục khiến cho cơ thể tiết ra chất adrenaline và hydrocortisone cũng liên tục, và đến một lúc nào đó sự hiện diện của những chất ấy trong dòng máu có thể bị suy mòn. Chẳng hạn, những mức cao của chất làm hưng phấn (adrenaline) kéo dài bắt buộc tim và phổi phải làm việc phụ trội thêm đồng thời giữ mức huyết áp trên mức bình thường. Đúng thời những thay đổi này có thể góp phần tạo ra sự đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.

Lo lắng là cảm giác lo sợ, căng thẳng, bứt rứt mà người ta bị khi có sự nguy hiểm đang chờ đợi. Để thực hiện suôn sẻ những công việc khó khăn mọi người chúng ta ai cũng giáp mặt với một sự lo lắng nào đó, nhưng lo lắng quá mức có thể trở thành bất lực. Lo lắng lung tung tạo thành nhóm bệnh tâm thần thông thường nhất, đó là những nỗi ám ảnh, những cơn hoảng sợ và chứng chướng ngại tâm lý sau một thời gian bị căng thẳng quá độ (post-traumatic stress disorder). Nhiều người mắc phải chứng ám ảnh đơn giản, một nỗi sợ hãi vu vơ về những vật hay tình huống đặc biệt nào đó. Chứng ám ảnh sợ đơn giản này khá phổ biến, ảnh hưởng đến 3% dân số thế giới.

Người mắc chứng ám ảnh có khuynh hướng tránh những chỗ đông người để khỏi bị bẽ mặt hay ngượng ngùng. Chứng mất ngủ, hay khó ngủ, cũng là hiện tượng phổ biến trong nhiều người dưới nhiều hoàn cảnh khác nhau. Thực sự có hơn 10% dân số gặp những vấn đề về ngủ này. Nếu một người đang đứng trước thời hạn cuối phải hoàn tất một công việc quan trọng nào đó hay đang ở dưới quá nhiều sức ép, anh ta sẽ rất lo lắng và do đó lâm vào tình trạng mất ngủ. Cơ thể của chúng ta thích hoạt động đều đặn vào ban ngày hơn, vì thế những người làm việc theo ca cũng gặp rắc rối trong việc điều chỉnh những lề lối ngủ của họ.

Điều tốt nhất chúng ta có thể làm để đương đầu với stress hay những tình huống căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, có lẽ dễ hiểu nhưng dù vậy cũng vẫn quan trọng, là một chế độ ăn uống cân bằng, ngủ nghỉ đầy đủ, tập thể dục hằng ngày và dành thời gian để làm những điều chúng ta thích. Không hút thuốc và lạm dụng rượu bia hay các loại thuốc (dược phẩm) khác. Những người dễ bị rối loạn và nhạy cảm với stress có thể cố gắng giảm những phản ứng của họ bằng cách học thư giãn, thiền và những kỹ thuật làm thay đổi hành vi cư xử…

Tác giả: Dr. K. Sri Dhammananda
Dịch giả: Pháp Thông
Previous Post
Next Post