Sự cần thiết của cô đơn

Cảm giác cô đơn là thuộc tính độc đáo của con người. Một cái cây hay một con chim có vẻ như đang cô đơn, nhưng đó là một cảm giác mà kẻ quan sát đã gán cho chúng. Cảm giác này xảy ra khi một con người đang ở một mình, và, bị tác động bởi xúc cảm của chính mình, y liên kết trạng huống của riêng mình với trạng huống của con chim hay cái cây trước mắt mình. Vì cảm giác này gắn liền với một yếu tố thuộc về việc kiến khảo tự ngã, nó không phải là một sự chiêm nghiệm thuần tuý khách quan. Sinh ra như thế, cảm giác cô đơn là một dạng thức thẩm mỹ, qua đó, trong lúc đang quan sát hoàn cảnh ngoại giới của mình, người ta đồng thời kiến khảo cái tự ngã ở bên trong, và ở một chừng mực nào đó thì đây là một sự khẳng định phẩm giá bản thân.

Cảm giác cô đơn này, mọc lên từ lòng tự yêu mình, có thể gây ra thái độ tự thương hại hay dẫn đến sự lừa dối, và thậm chí có thể hoá thành thứ xúc cảm nông nổi thái quá. Nếu không còn mối quan tâm về ngoại giới, cảm giác này có thể biến thành một mớ rối rắm trong tâm hồn và trở nên một nỗi bi thống làm sinh ra lòng khinh mạn và cố chấp.

Để tiếp nhận sự thú vị từ cảm giác cô đơn thay vì để cho nó trở thành một nỗi bi thống, ta phải kiến khảo cả những gì ở bên ngoài và những gì ở bên trong — nói cách khác, dùng một con mắt khác để lặng lẽ quan sát thế giới ngoại tại cũng như thế giới nội tại của chính mình. Con mắt thứ ba này — con mắt có khả năng vượt lên trên những giới hạn của bản thân — chính là cái mà chúng ta vẫn gọi là ý thức, hay thậm chí là tuệ thức.

Tuy nhiên, tuệ thức hay ý thức cũng sinh ra khi ta có khoảng cách — nói cách khác, khi ta lùi lại một bước. Chúng ta cần một khoảng cách nào đó để có thể thấy rõ và phán đoán chính xác về con người và các sự kiện.

Cô đơn không chỉ là một phán đoán mang tính thẩm mỹ, bởi nó cũng có thể biến thành một động lực. Vì nó đặt tiền đề trên sự khẳng định phẩm giá bản thân, nó góp phần thúc đẩy cá nhân vươn tới và vượt qua những khó khăn, hay theo đuổi một mục đích đặc biệt.
Chỉ khi một đứa trẻ đối diện với cô đơn, nó mới bắt đầu trở thành một người lớn; và chỉ khi một con người đối diện với cô đơn, y mới trưởng thành. Cô đơn thì rất cần thiết cho người đến tuổi thành niên. Nó khuyến khích sự độc lập, và tất nhiên, để làm tăng sức mạnh nhân cách trong những hoàn cảnh xã hội thì khả năng chịu đựng cô đơn là điều không thể thiếu.

Thật tệ hại nếu không có cái khoảng cách thiết yếu này giữa cá nhân và những người khác, nếu lúc nào cũng phải chen chúc với mọi người — dù trong một gia đình hay trong một tập thể khác. Hơn nữa, việc cộng sinh đòi hỏi sự cao thượng và cảm thông, và những phẩm tính này tuỳ thuộc vào chúng ta có đủ không gian thích hợp giữa bản thân và người khác hay không.

Mở rộng hơn nữa, cô đơn là một điều kiện tiên quyết cho tự do. Tự do tuỳ thuộc vào khả năng tư duy phản tỉnh, và tư duy phản tỉnh chỉ có thể bắt đầu khi con người ở trong cô đơn.

Thế giới không chỉ gồm có những cặp nhị phân — đúng hay sai, đồng tình hay phản đối, chính trị khéo hay hay chính trị không khéo. Trước khi chọn lựa, chẳng có hại gì nếu ta lưỡng lự và để dành ra một chỗ nho nhỏ cho tư duy phản tỉnh độc lập.

Khi những ý thức hệ, những trào lưu ý tưởng, những trò thời thượng và những trò điên khùng đang ngự trị khắp nơi, thì chính sự cô đơn khẳng định sự tự do của mỗi người.

Trong cái thế giới ồn ào hối hả hôm nay, sự tuyên truyền qua phương tiện thông đại chúng đang lan rộng khắp mọi nơi, thì nếu đôi khi một cá nhân muốn lắng nghe tiếng nói của trái tim mình, y sẽ cần sự hỗ trợ của cảm giác cô đơn. Cho đến khi nào cô đơn không biến thành một thứ bệnh, nó là điều cần thiết cho mỗi cá nhân để xác lập chính mình và để đạt đến những thành tựu.

Tôi xin cảm ơn tất cả quý vị hiện diện hôm nay tại cuộc hội nghị lừng danh này đã kiên nhẫn lắng nghe tôi nói về những ý nghĩ mà tôi đã thâu thái được từ những kinh nghiệm của bản thân. Tôi tin chắc rằng tất cả quý vị cũng có những ý nghĩ như thế.

Cao Hành Kiện
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
---------
Diễn văn nhân dịp lãnh giải thưởng "Golden Plate Award" tại International Achievement Summit (Hội Nghị Thượng Đỉnh về Thành Tựu Quốc Tế) lần thứ 41 của American Academy of Achievement, tổ chức tại Dublin vào ngày 8 tháng Sáu 2002.


Dịch từ bản tiếng Anh của Mabel Lee, "The Necessity of Loneliness", trong Gao Xingjian, The Case for Literature (Sydney: HarperCollinsPublishers, 2006). Nguyên tác của bài diễn văn này được đăng lần đầu tại Đài Loan, với nhan đề 必要的孤獨 [“Tất yêu đích cô độc” (Yêu cầu tất nhiên của sự cô độc)], trên phụ trang văn học của tờ 聯合報 [Liên Hiệp Báo], ngày 11/07/2002.
Previous Post
Next Post