Kính bạch chư Tôn Đức Tăng, Ni,
Kính thưa Đại Hội,
Cho đến hôm nay, có lẽ vẫn không ít người còn quan niệm rằng Đạo Phật chỉ là một tôn giáo đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thần quyền và lễ nghi tế tự như cầu an cầu siêu không hơn không kém. Đối với một số người khác, Đạo Phật dù mang trong nó giải pháp toàn hảo cho việc cứu tế con người vẫn chỉ hạn cục trong lãnh vực tâm linh và cá nhân mà không có đáp án cho những vấn đề nhiêu khê mang tính vĩ mô của xã hội. Họ viện chứng rằng tại các nước mà Đạo Phật chiếm đa số ở khu vực Đông Nam Á Châu như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Việt Nam, v.v..., xã hôäi vẫn còn bị chìm trong bất an, khủng hoảng, bế tắc, khổ não và nghèo đói. Nhận định ấy, trong một chừng mức nào đó, không phải là điều hoàn toàn không thực tế, hơn nữa nó thật đáng để cho những người Phật tử quan tâm và suy nghiệm nghiêm túc về sứ mệnh chuyển hóa con người và xã hội của đạo Phật trong bối cảnh của thời đại hôm nay.
Tuy nhiên, có điều cần nhấn mạnh ngay ở đây rằng, chúng ta không thể tìm đâu ra trên thế giới này một nơi chốn nào đó hoàn toàn không có những bất an, khủng hoảng, bế tắc, khổ lụy và nghèo đói. Bởi vì bất an là bản chất không thể tách ly khỏi thế giới của chúng sinh còn vô minh và phiền não. Nơi nào mà chúng sinh còn vô minh và phiền não thì nơi đó nhất định còn bất an và đau khổ. Lý do là vì vô minh và phiền não chính là căn nguyên của mọi bất an và khổ lụy. Ngược lại, chính vì còn bất an và khổ não cho nên người Phật tử cần phải thi thiết hạnh nguyện chuyển hóa để giải khổ và mang lại sự an lạc cho mình và tất cả chúng sinh.
Vậy sứ mệnh chuyển hóa của đạo Phật là gì? Trải qua quá trình tu chứng giác ngộ nơi tự thân, đức Phật đã nhìn thấy một cách chân xác rằng thực trạng muôn đời của chúng sanh là chìm ngập trong vòng sanh tử khổ đau mà nguyên nhân chính là do vô minh và các phiền não. Chỉ cần chúng sinh nỗ lực tu tập để đốn phá vô minh và tận trừ phiền não thì có thể giải thoát mọi khổ đau và đạt được sự an lạc trường cửu. Khi một chúng sinh bắt đầu vén màng vô minh và diệt trừ các phiền não thì cũng chính là lúc chúng sinh ấy đang chuyển hóa cuộc đời của họ. Chuyển hóa từ cuộc đời chìm ngập trong tối tăm khổ não sang cuộc đời giải thoát và an lạc. Công cuộc chuyển hóa ấy ảnh hưởng một cách trực tiếp và tận gốc rễ đến chánh báo và y báo của một chúng sinh. Điều này có nghĩa là nhờ tu tập vén màng vô minh và diệt trừ phiền não mà một chúng sinh làm thay đổi hoàn toàn đời sống và môi trường sống của chính họ. Ở đây, chúng ta thấy tác dụng của sự chuyển hóa xảy ra trên cả hai bình diêän: cá nhân và xã hội. Trong thực tế, khi chúng sinh thật sự vén màng vô minh và giải trừ các phiền não thì trí tuệ hiện bày nên có thể nhận thức được mọi điều một cách sáng suốt, và tâm tánh khai mở nên có thể giải thoát được những trói buộc của tham, sân, si để không phải tạo nghiệp bất thiện, gieo nhân đau khổ. Một chúng sinh đã tự chuyển hóa để trở thành người hòan thiện thì sự hoàn thiện của họ cũng sẽ tạo ra những tác hưởng tốt cho tập thể, cho xã hội mà họ đang sống. Thí dụ, một người giữ gìn nghiêm túc giới không uống rượu thì sẽ không những có được một đời sống cá nhân an lành mà còn khiến cho xã hội bớt được những thảm trạng như nạn hành hung trong gia đình, tai nạn lưu thông vì uống rượu lái xe, v.v...
Nhưng vô minh và phiền não trú ngụ ở đâu? Trong tổng thể xã hội hay trong từng cá nhân mỗi người? Tổng thể xã hội chỉ là tên gọi cho một tập thể những cá nhân quần tụ. Không có sự hiện hữu đích thực của từng cá nhân thì tổng thể xã hội chỉ còn là cái tên giả. Tất nhiên, khi nói đến sự hiện hữu của từng cá nhân chúng ta cũng chỉ đứng ở bình diện thế giới tất đàn, bởi vì nếu nghiệm xét đến kỳ cùng theo lý duyên sinh vô tánh thì sự hiện hữu của từng cá nhân đó cũng là giả danh mà thôi. Cùng kỳ lý, vô minh và phiền não thật sự trú ngụ trong tâm thức của từng cá nhân. Nhưng mỗi cá nhân ấy không thể sống độc lập hoàn toàn mà phải có những tương quan tương duyên với tập thể, với xã hội. Chính vì thế, trên bình diện nào đó, xã hội cũng là nơi trú ngụ của vô minh và phiền não xét như là những nan đề của tập thể. Điều này giống trường hợp khi một người vì lòng tham chưa dứt, nên thường nhận tiền của hối lộ của người khác để biến thành cơn bệnh tham nhũng. Nhưng đó chỉ là bệnh của một người. Nếu trường hợp tham nhũng lan truyền ra nhiều người thành một tệ nạn chung của tập thể thì nó là bệnh của xã hội. Khi tham nhũng trở thành tệ nạn xã hội thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người trong xã hội ấy ở mức độ xấu nhất của nó, nghĩa là chứng bệnh tham nhũng sẽ giống như cơn bệnh lây lan đến những người khác chung quanh dù họ trước đó chưa từng phạm vào.
Để hiểu một cách tường tận hơn về ý nghĩa toàn diêän của sự chuyển hóa, chúng ta cũng nên suy nghiệm về giáo nghĩa duyên khởi, một giáo nghĩa cột trụ của tòa nhà Phật Pháp. Giáo nghĩa duyên khởi minh thị rằng tất cả các pháp, không môät ngoại lệ nào, đều do duyên mà sinh khởi, do duyên mà tồn tại và do duyên mà hoại diệt. Trong ý nghĩa đó, các pháp do duyên tụ lại mà sinh thành và duyên ly tán mà hoại diệt. Các pháp, từ săéc đến tâm, từ nhỏ như hạt bụi đến lớn như sơn hà đại địa, đều do duyên mà có. Sự hiện hữu nhờ vào các duyên như vậy là sự hiện hữu trong mối tương quan, tương duyên, tương sinh, tương diệt, nghĩa là không một pháp nào có mặt trong sự độc lập riêng biệt, mà chúng đều có măët trong mối liên hệ hỗ tương tạo thành những mắc xích nối kết vô cùng vô tận gọi là trùng trùng duyên khởi. Trong mối liên hệ hỗ tương ấy, các pháp đều đóng vai trò như nhau nên không một pháp nào là tác nhân ông, là chủ tể của những pháp khác.
Đem giáo nghĩa duyên khởi này để quán chiếu vào bình diện nhân sinh, chúng ta thấy rằng sự hiện hữu của một con người tuyệt đối không là sự hiện hữu độc lập với tập thể người, với xã hội, với thế giới. Mỗi người là một tác duyên bình đẳng trong vai trò hình thành xã hội. Như vậy không ai có thể sống tách rời xã hội. Xét trên ý nghĩa đó, sự an lạc và đau khổ của một cá nhân này tất yếu phải có mối liên hệ chặt chẽ với sự an lạc và khổ đau của cá nhân khác, của xã hội. Ngược lại, sự thịnh suy của xã hôäi cố nhiên phải có tác hưởng thật sự đến từng cá nhân sống trong xã hội ấy. Đặc biệt trong thời đại hôm nay, với sự văn minh và tiến bộ vượt bực của khoa học kỹ thuật, nhất là ngành tin học, làm cho thế giới lớn rộng bao la thuở nào trở thành nhỏ bé thu hẹp. Những tin tức bằng radio, television, internet, báo chí cập nhật mỗi giây phút, ghi nhận và phát đi mỗi sự kiện đang xảy ra, dù ở châu lục nào trên thế giới cũng trở thành gần gũi, nhanh chóng và hiện thực đối với mọi người. Quan niệm về một "làng thế giới" quả thật không còn là ảo tưởng nữa. Trong chiều hướng này, tất cả nhân loại đều chịu sự tác động và ảnh hưởng lẫn nhau không chỉ trên lãnh vực thông tin, thương mại mà cả về mặt văn hóa, giáo dục, đạo đức, tôn giáo,v.v... Đời sống của từng cá nhân đã gắn liền với những sinh hoạt và biến động của thế giới.
Như vậy, mỗi cá nhân giờ đây không thể tìm kiếm và thành đạt sự an lạc và giải thoát cho riêng mình nếu không thật sự tham gia vào công cuộc kiến tạo an lạc và giải thoát cho tập thể người, cho xã hội. Ngược lại, xã hội cũng không thể có được sự bình an và thịnh trị nếu mỗi cá nhân vẫn còn bị trói buộc trong vô minh và các phiền não. Giải pháp thích ứng nhất chính là mỗi cá nhân phải nỗ lực đốn phá vô minh và tận diệt phiền não cho chính mình, đồng thời cũng phải tích cực dấn thân góp phần vào việc giải cứu xã hội thoát khỏi cộng nghiệp bởi những thế lực của vô minh và phiền não. Chính trong ý nghĩa này mà hạnh nguyện cao cả của Bồ tát đạo đã được tuyên dương và thừa truyền. Qua đó, người cầu thành tựu Phật đạo tối thượng lấy sự nghiệp cứu độ cho chúng sinh được giác ngộ và giải thoát làm tiêu đích cho tiến trình thực nghiệm giác ngộ và giải thoát của chính mình.
Nhưng như thế, tự thân người cư sĩ có thể tham dự được gì trong sứ mệnh chuyển hóa này? Phải chăng sứ mệnh chuyển hóa con người và xã hôäi là sứ mệnh riêng của hàng "tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự", hay hàng ngũ những vị xuất gia? Tất nhiên, không ai có thể phủ nhận vai trò "trưởng tử của Như Lai" của hàng ngũ xuất gia, bởi lẽ, hàng ngũ xuất gia là biểu tượng thiêng liêng của đạo đức xuất thế siêu việt, là hình ảnh sinh động nhất minh thị hiệu năng giải thoát và giác ngộ, từ bi và trí tuệ của giáo pháp Phật đà trên thế gian này. Biểu tượng đó không gì có thể thay thế được. Song, tòa nhà uy nghiêm tráng lệ của Phật Pháp cũng mở rộng cửa cho hàng cư sĩ, cũng dành cho người cư sĩ những vị thế xứng đáng mà lịch sử truyền bá Phật giáo thế giới trên hai mươi lăm thế kỷ qua đã minh xác. Người cư sĩ có thể tự hào về những tấm gương sáng ngời trong công cuộc chuyêån hóa con người và xã hội của đạo Phật qua hình ảnh của Bồ tát cư sĩ Duy Ma Cật, của cư sĩ Thắng Man, của Thiện Tài Đồng tử, của trưởng giả Cấp Cô Độc, của vua Tần Bà Sa La, của đại đế A Dục, của hoàng đế Ca Nị Sắc Ca ở Ấn Độ; hình ảnh của vua Lương Võ Đêá, của cư sĩ Bàng Uẩn ở Trung Hoa; hình ảnh của vua Lý Công Uẩn, vua Trần Nhân Tông, Tuêä Trung Thượng Sĩ, Nguyễn Trải, v.v... ở Việt Nam . Còn nhiều và rất nhiều vị cư sĩ đã, đang và sẽ dấn thân vào sứ mệnh chuyển hóa con người và xã hội mà chúng ta không thể biết hết. Bởi vì mục đích có mặt của đạo Phật là chuyển hóa con người và xã hội mà người cư sĩ là thành phần tiếp cận trực tiếp nhất, sâu rộng nhất trong cộng đồng người và xã hội ấy, cho nên, vai trò của người cư sĩ thật quan trọng và kiến hiệu cho sứ mệnh chuyển hóa của đạo Phật.
Đối với việc chuyển hóa tự thân, người cư sĩ có đủ cơ hội và khả năng để thực hiện và đạt đến mục đích tối thượng. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không nhận thức được những chướng duyên to lớn mà đời sống thế tục của người sư sĩ phải đối mặt. Nhưng, nếu người cư sĩ luôn luôn ý thức được điều đó để gia công và nỗ lực vượt bực và liên tục thì sẽ có thể vượt qua được mọi chướng duyên. Điều tối khẩn thiết và trọng đại là người cư sĩ phải ý thức một cách thường trực, mãnh liệt và sâu sắc rằng đời sôáng này thật vô thường ngắn ngủi và đầy dẫy khổ não, răèng chúng ta sanh ra trong đời này gặp được chánh pháp của Phật đà là điều vô cùng quý giá và sẽ không dễ có cơ hội ấy lần thứ hai, cho nên, phải hạ quyết tâm phát đại thệ nguyện tu tập để giác ngộ vô minh và giải thoát phiền não ngay trong đời này mà không thể trì hoãn thêm nữa. Người cư sĩ cũng nên nhận chân được sự thật rằng mọi nỗ lực chuyển hóa tha nhân và xã hội đều phải khởi đi từ việc chuyển hóa chính tự thân của mỗi người. Bởi vì, khi chưa thật sự chuyển hóa được tự thân mà lăn xả vào việc chuyển hóa tha nhân và xã hội thì giống như trường hợp môät người không biết bơi mà nhảy xuống biển để cứu người, cuối cùng cả hai đều chết đuối.
Đối với sứ mệnh chuyển hóa con người và xã hội, người cư sĩ lại càng không thể bỏ quên, vì khi những người chung quanh, khi xã hội mà chúng ta đang sống chưa được chuyển hóa, chưa được an lạc, thì chính chúng ta cũng sẽ không thể sống an lạc, không thể thành tựu việc chuyển hóa tự thân và mục đích cứu cánh giải thoát, giác ngộ. Chính vì vậy, song song với việc chuyển hóa tự thân, người cư sĩ phải nổ lực vào việc chuyển hóa tha nhân và xã hội mà đối tượng trước nhất và gần nhất là gia đình và thân bàèng quyến thuộc. Chuyển hóa băèng cách nào? Trước tiên, chính đời sống với thành quả của sự chuyển hóa tự thân, như cách ứng xử bằng trí tuệ và lòng thương yêu chân thật là sức mạnh cảm hóa những người thân thuộc. Thứ đến, uyển chuyển tùy duyên để đưa người thân thuộc của mình đến với đức Phật và giáo pháp của ngài khi có cơ hội. Sau đó, phải thường xuyên sách tấn người thân thuộc thực nghiệm giáo pháp giải khổ cho người và mình trong đời sống hàèng ngày. Cơ hội ấy ở đâu và khi nào? Câu trả lời phải dành cho mỗi người cư sĩ, bởi vì chỉ có chính môãi người khi tiếp xúc với hoàn cảnh thực tế riêng biệt mới biết chính xác rằng cơ hội là lúc nào và ở đâu. Điều này có nghĩa là gì? Đó chính là trong mỗi phút giây, trong từng hoàn cảnh của đời sống sinh hoạt gia đình, người cư sĩ phải tỉnh giác và bén nhạy để biết rằng đây chính là lúc, là chỗ, là cơ hội mà mình cần phải thi thiết sứ mệnh chuyển hóa thân nhân.
Có một số người nhận định rằng, người cư sĩ Phật giáo thường ít tích cực trong những sứ mệnh chuyển hóa và xây dựng xã hội. Nhận định này không phải là không có cơ sở. Bởi vì có hai lý do khiến cho người cư sĩ không tích cực dấn thân chuyển hóa xã hội. Thứ nhất, khi quán chiếu cuộc đời dưới ánh sáng của chánh pháp, người cư sĩ thấy ràèng các pháp đều vô thường giả tạm, đều khổ não triền miên cho nên khởi tâm yểm ly đôái với các pháp, không thích tham dự vào những sinh hoạt có tính cách thế tục, muốn có thì giờ để thanh tịnh ba nghiệp, để tự chuyển hóa. Thứ hai, vì chưa tự tin vào đạo lực của mình có thể vượt qua được những chướng duyên, sợ bị sa ngã trong tham dục, trong hình danh sắc tướng, vì vậy không dám dấn thân. Thật ra, khi khai thị bộ mặt thật của thế giới tục đế là vô thường, khổ, không và vô ngã, đức Phật không chủ ý khuyên chúng ta chối bỏ cuộc đời, xa lánh thế giới, mà ngài chỉ muốn nhăéc nhởû chúng ta ràèng phải tự giải thoát khỏi những cố chấp vào thật ngã, thật pháp để không bị trói buộc trong vô minh và phiền não. Vì chúng sanh không có pháp nhãn để thấy rõ thật tướng của các pháp nên vọng tâm chấp trước các pháp sinh diệt vô thường cho đó là thật. Vạn pháp tuy là huyễn hóa không thực, song hễ còn là chúng sanh thì còn tạo nghiệp và thọ khổ, chính vì vậy, đức Phật đã tận tụy hoằng dương chánh pháp để giáo hóa quần sanh, chuyển hóa xã hội chứ không an trú trong niết bàn tịch diệt. Trên thực tế, con người làm sao có thể cắt đứt những mối liên hêä với tha nhân, với xã hội, nhâát là người cư sĩ có gia đình, vợ chồng con cái, cha mẹ anh em, bà con thân tộc? Khi con người chưa thể xả ly tất cả liên hêä với người khác, với xã hội thì làm sao có thể tránh được những giao động, trói buộc, chướng duyên, và phiền não? Hơn nữa, là người con Phật, làm sao chúng ta có thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những khổ đau của đồng loại, những bất an, bế tắc và thống hận của xã hội, của cuộc đời? Do vậy, là một cư sĩ, chúng ta phải tinh tấn không ngừng góp phần vào việc giải khổ cho đồng loại và chuyển hóa xã hội, đây cũng chính là phương cách cụ thể nhất để tự chuyển hóa mình.
Chuyển hóa xã hội bằng cách nào? Trước hết chúng ta phải xác định vị thế mà người cư sĩ đứng để từ đó thực hiện việc chuyển hóa. Có hai vị thế mà người cư sĩ có thể đứng để thực hiện việc chuyển hóa xã hội. Đó là vị thế cá nhân và vị thế lãnh đạo quần chúng. Ở vị thế cá nhân, người cư sĩ tùy theo chức nghiệp của mình như nhà giáo, thương gia, kinh tế gia, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ, công nhân thợ thuyền, nông dân, v.v... mà thực hiện sứ mệnh chuyển hóa. Thí dụ, là một nhà giáo, người cư sĩ có thể quan tâm nhiều hơn đến phương cách giáo dục chú trọng vào việc hướng dẫn cho học sinh tự triển khai tinh thần tự giác để mở mang trí tuêä nhận thức một cách khách quan và sáng suốt, cũng như hun đúc cho con em thứ tình thương vị tha cao cả, hướng đạo cho tuổi trẻ biết nhận chân được giá trị làm người và mục tiêu chí thượng của đời sống. Là một nhạc sĩ, người cư sĩ có thể soạn, trình bày và phổ biến những bản nhạc đánh thức con người trước ý nghĩa của đời sống, trưởng dưỡng lòng thương yêu chân thật và cao thượng giữa người với người, làm cho người nghe rũ bỏ những triền phược và khổ não để thể nhập vào cảnh giới siêu thoát . Trong vị thế này, người cư sĩ có thêå ứng dụng bốn phương pháp chuyển hóa tha nhân mà đức Phật đã dạy trong bốn nhiếp pháp. Đó là đem tài sản, của cải vật chất ra ban bố cho mọi người nghèo khó, đem chánh pháp giải thoát ban bố cho chúng sinh đang khổ não, đem oai đức và uy dũng để che chở cho người thế cô sức yếu trước sự đe dọa của bạo lực; dùng lời từ hòa thân thiện, thành thật để cảm hóa người; cùng chia xẻ với tha nhân những việc làm ích lợi chung; tham dự vào dòng sinh hoạt chức nghiệp của người khác để có cơ hội thuận tiện mà chuyển hóa họ.
Mặc dù phương thức chuyển hóa xã hội ở vị thế cá nhân rất cụ thể, tiện ích và dễ thực hiện, nhưng vẫn còn hạn cục trong lãnh vực cá nhân và với một tầm hoạt động nhỏ hẹp, cho nên, thành tựu đương nhiên có giới hạn. Đối với xã hôäi rộng lớn về không gian và bao quát về hành hoạt thì sự chuyển hóa, nếu thực hiện được ở tầm mức xã hội sẽ mang lại thành quả to lớn và sâu rộng hơn. Muốn chuyển hóa xã hội ở tầm mức rộng lớn thì người cư sĩ cần phải ở vị thế lãnh đạo quần chúng. Hay nói một cách cụ thể hơn, để đạt vị thế lãnh đạo này hầu thực hiện phương thức chuyển hóa, người cư sĩ phải dấn thân vào nhiều môi trường hoạt động xã hội đóng vai trò lãnh đạo để thi thiết hạnh nguyện độ sanh. Tùy theo địa vị cao thấp của nhà lãnh đạo, người cư sĩ vốn mang trong mình lý tưởng chuyển hóa xã hội sẽ có cơ hội để thực hiêän những kế hoạch ổn định xã tăéc, cải thiêän dân sinh, phát huy dân trí, xây dựng dân chủ, kiến tạo tự do, phục hoạt nhân và dân quyền, phát triển đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, làm sạch xã hội không còn những tệ trạng như tham nhũng, mãi dâm, ma túy, băng đảng, v.v...
Lẽ tất nhiên, đó chỉ là tâm nguyện, còn trên thực tế, người cư sĩ khi ở địa vị lãnh đạo làm sao và lấy phương thức nào để vừa làm tròn vai trò lãnh đạo quần chúng vừa thực hiện được thành tựu sứ mệnh chuyển hóa xã hội? Hay môät cách trực tiếp hơn, đạo Phật có giải pháp nào hữu hiệu cho việc chuyển hóa xã hội? Hiển nhiên là có, như trong Lý Hoặc Luận của Mâu Tử có nói: "Con đường đó (đạo Phật) ở nhà thì có thể thờ cha mẹ, làm chủ nước thì có thể trị dân, ở môät mình thì có thể trị thân." (1). Xưa ở Ấn Độ có vua A Dục, ở Trung Hoa có vua Lương Võ Đế, ở Việt Nam có các minh quân thời Lý, Trần đều lấy tinh thần của đạo Phật ra mà trị dân, cho nên các thời kỳ ấy xã hội được thăng tiến, đất nước được hưng thịnh, toàn dân được an cư lạc nghiệp. Vậy tinh thần của đạo Phật đó là gì? Đó là nhà lãnh đạo, trước hết, phải tu thân bằng giáo pháp thâm diệu của đạo Phật để có thể khai mở trí tuệ và phát triển lòng từ bi. Nhờ có trí tuệ và từ bi, nhà lãnh đạo có đủ tài năng và tâm lượng để gánh vác việc lớn, có đủ bản lãnh vượt lên trên để điều phối thành phần nhân sự đa năng đa dạng trong việc điều hành các công tác tập thể. Thứ đến, tinh thần đặc thù và nền tảng của Ngũ giới, Thập thiện, Lục độ, lý tưởng Bồ tát đạo, Duyên khởi, v.v... là những kim chỉ nam, những phương thức kiến hiệu có thể ứng dụng trong việc chuyển hóa xã hội.
Kính bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa Đại Hội,
Là một người Việt Nam sống trong một đất nước trải dài qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử hiện đại với biết bao khổ nhục, đau thương, mất mát, khủng hoảng và tăm tối mà cho đến hôm nay dân tộc vẫn chưa thoát khỏi, là một con người sống trong cộng đồng nhân loại đang đối diện với vô vàn những bất an và biến động, mỗi người trong chúng ta với lương tri của một con người, với thức giác của một cư sĩ Phật tử, phải làm gì nhiều hơn và dũng mãnh hơn để góp phần vào việc chuyển hóa con người, đất nước và xã hội! Trật tự của thế giới đang thay đổi tận gốc rễ với viễn tượng chưa mấy sáng sủa, những khuynh hướng cuồng tín, bạo lực của cá nhân và tập thể đang đối diện trước thử thách sống còn, nhân loại trong những lo sợ thường trực vì nạn khủng bố, bạo động và chiến tranh đang dò tìm con đường đến trú xứ của ổn định, hòa bình và an lạc. Đạo Phật chắc chắn giúp ích được rất nhiều cho con người trong hoàn cảnh bất an hiện nay. Vấn đề còn lại là ở nơi hạnh nguyện của người con Phật trong sứ mệnh chuyển hóa mà hàng cư sĩ là lực lượng tiên phong. Kính xin kết thúc bài tham luận này ở đây với niềm tin sắt đá vào việc hoàn thành thệ nguyện và vai trò của người cư sĩ trong sứ mệnh chuyển hóa con người và xã hội giữa thời đại hôm nay.
Trân trọng cám ơn và kính chào quý liệt vị.
Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang