Sứ mệnh của nhà văn

Tôi cảm thấy rằng giải thưởng này không được trao cho tôi với tư cách một con người nhưng cho tác phẩm của tôi – tác phẩm một đời tạo tác trong khắc khoải và lao khổ của tinh thần con người, không phải vì lợi lộc mà là sáng tạo từ những chất liệu của tinh thần con người một cái gì chưa từng có đó trước kia.

Bởi thế giải thưởng này chỉ là giải thưởng của tôi trong kỳ vọng. Tìm cách cung hiến số tiền trích từ giải thưởng này cho tương xứng với mục đích và ý nghĩa khởi nguyên của nó không phải là việc khó khăn. Nhưng tôi cũng muốn xử sự tương tự như vậy với lời hoan hô nồng nhiệt, bằng cách dùng giây phút này như một chóp đỉnh từ đó tôi có thể được lắng nghe bởi những thanh niên và phụ nữ đã sẵn sàng hiến mình cho sự khắc khoải và lao khổ tương tự, giữa những người đó chắc chắn đã sẵn có một người một ngày kia sẽ đứng nơi tôi đang đứng hôm nay đây.

Thảm kịch của chúng ta hôm nay là sự sợ hãi vật chất chung và phổ quát đến nay đã được chịu đựng quá lâu đến nỗi chúng ta vẫn còn có thể chịu đựng nổi. Không còn có những vấn đề tinh thần nữa. Chỉ còn có một vấn đề duy nhất: Chừng nào thì tôi sẽ bị nổ tung đây? Bởi lẽ đó, người thanh niên hay phụ nữ viết lách hôm nay đã quên mất những vấn đề của tâm hồn con người giao chiến với chính nó, điều duy nhất tạo nên tác phẩm hay bởi vì duy điều đó đáng viết, đáng khắc khoải và lao tâm khổ trí.

Hắn phải học lại những vấn đề ấy lần nữa. Hắn phải tự dạy hắn rằng điều đê tiện nhất trong hắn rằng, hãy quên nó đi mãi mãi, đừng để một khoảng trống nào trong phòng làm việc hắn cho bất cứ điều gì ngoài những chân lý và sự thực xưa cũ của tâm hồn, những sự thực phổ quát cổ điển mà thiếu chúng bất cứ câu chuyện nào cũng chỉ có tích cách phù phiếm và đáng trách bị – đó là tình yêu và danh dự và từ bi và kiêu hãnh và bác ái và hy sinh. Cho đến khi nào làm như vậy hắn tiếp tục làm việc quần quật dưới một lời nguyền rủa. Hắn không viết về tình yêu mà viết về tình dục, về những sự thất bại mà không ai mất mát mảy may gì có giá trị, về những cuộc chiến thắng không hy vọng và tệ hơn cả không từ bi hay bác ái. Những nỗi phiền muộn của hắn không hằn sâu trên một lóng xương nhân loại nào, không để lại một vết sẹo nào. Hắn không viết về trái tim mà viết về trái cật.

Cho đến khi nào hắn học lại những điều đó, hắn sẽ viết như thể hắn đứng giữa đám đông và ngắm nhìn sự tàn lụi của con người. Tôi từ chối không chấp nhận sự tàn lụi của con người. Thật khá dễ dàng khi nói rằng con người bất tử chỉ vì nó sẽ chịu đựng, rằng khi tiếng chuông tận thế cuối cùng vang rền và tiêu tan từ mỏm đá cheo leo vô giá trị không dòng nước muộn tới viếng trong ánh chiều tà le lói cuối cùng, rằng ngay cả khi đó nữa vẫn còn có một âm thanh; đó là tiếng nói mong manh không thể dập tắt hãy còn tiếp nối.

Tôi khước từ không chấp nhận điều này. Tôi tin rằng con người không những chịu đựng; nó sẽ chiến thắng nữa. Nó bất tử, không phải vì giữa muôn sinh vât một mình nó có tiếng nói không thể dập tắt được mà bởi vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng bác ái và hy sinh và chịu đựng. Bổn phận của thi sĩ, của nhà văn, là viết về những điều này. Đặc ân của hắn là giúp con người chịu đựng bằng cách nâng cao tâm hồn con người, bằng cách nhắc nhở con người tới lòng can đảm và danh dự và hy vọng và kiêu hãnh và bác ái và từ bi và hy sinh đã là vinh quang huy hoàng của quá khứ nó. Tiếng nói của thi sĩ không cần chỉ là bia kỷ niệm ghi dấu con người, tiếng nói đó còn có thể là một trong những vật chống đỡ, những cột trụ giúp cho con người chịu đựng và chiến thắng nữa.

Diễn từ của William Faulkner khi nhận giải Nobel Văn chương 1949
Trích Con đường sáng tạo, Nguyễn Hữu Hiệu, 1973
Previous Post
Next Post