Từ người Pháp trước đây, rồi
người Mỹ và nhiều người ngoại quốc khác sau này khi có cơ hội làm việc, tiếp
xúc với người Việt lại có nhận xét, “một cá nhân người Việt thì có thể hơn một
người khác nhưng ba người Việt ngồi lại thì… lại có vấn đề!”.
Theo ông Trần Sĩ Chương, các nhà
xã hội học dựa vào thuyết “Con người là sản phẩm của môi trường sống”, hiện
tượng này là do sự bất ổn định của hoàn cảnh lịch sử xã hội. Khi sống trong một
xã hội có truyền thống bất ổn định thì con người với bản chất sinh tồn bẩm sinh
sẽ có khuynh hướng muốn hành động tự phát, thiếu lòng tin vào tập thể, vào
tương lai.
Từ đó, người ta không muốn đầu tư
vào những cam kết, đầu tư và gắn bó xã hội có tính lâu dài thậm chí có khi còn
“đạp lên nhau để sống”.
Tuy nhiên, ông Trần Sĩ Chương
chưa nêu được cái gốc của tố chất này. Nền văn minh của nước Việt là văn minh
lúa nước. Dân tộc Việt có tới 80% dân số làm nghề nông. Một nét đặc thù của tư
duy nông nghiệp là tư duy tư hữu; là “con gà tức nhau tiếng gáy”, “sân gạch nhà
ông không thể cao hơn sân gạch nhà tôi”…
Chính tố chất “tư hữu đậm đặc”
này tuy lặn sâu trong tiềm thức con người Việt, khó “điểm mặt chỉ tên”, nhưng
nó lại luôn kề vai sát cánh với mỗi người Việt cho dù họ đã là trí thức, từ cơ
quan nghiên cứu đến công sở…và nó là “người tình” trăm năm thủ thỉ, gắn bó với
ta khi ta cộng tác, làm việc với đồng nghiệp, bằng hữu. Bỗng nhớ tới một câu
“ngụ ngôn” khác sâu cay không kém: “Trong cái sự mất đoàn kết, thì trí thức là
hay mất đoàn kết nhất, rồi mới đến…đàn bà”(!).
“Gieo tư duy gặt số phận”?
Tính cách người Việt ấy, lại được
đặt trong một cơ chế và tư duy quản lý ra sao?
Khi bàn về sự lận đận, yếu kém và
sự tụt hậu của xã hội chúng ta trong những năm tháng thách thức nghiệt ngã này,
có nhà thơ đã nói: Hình như con người có số phận, thì dân tộc cũng có số phận?
Bỗng nhớ tới câu chiêm nghiệm về
luật nhân- quả của đạo Phật, răn dạy con người ở kiếp nhân sinh: “Gieo tính
cách, gặt số phận”. Nhưng luật Đời cũng luôn cảnh báo cho bất cứ dân tộc nào-
gieo tư duy gặt số phận?
Tư duy của dân tộc Việt chúng ta
đã từng đổi mới để thích ứng với đòi hỏi của thời hiện đại, từ bao cấp chuyển
sang cơ chế kinh tế thị trường. Nhưng công bằng mà nói, tư duy đó thực chất vẫn
không thoát khỏi dấu ấn tiểu nông, gia trưởng. Trong tố chất “tính cộng đồng”
còn tồn tại cả tố chất “bầy đàn”, hình thành nên trên hình thái lao động sản
xuất nông nghiệp, tiểu thủ công, không vượt khỏi tầm chắn của lũy tre làng.
Chính tư duy “bầy đàn” và trọng
hư danh của con người tiểu nông, khi có quyền lực, dễ trở nên e ngại, phòng
ngừa với những người có tư duy độc lập khác với số đông. Thời nào, và dân tộc
nào cũng vậy, luôn có những con người thông minh, trí tuệ, luôn có những con
người biết nhìn ra sớm hơn cộng đồng mình, dám nhận thức bằng sự kiểm chứng
thực tiễn. Nhưng tư duy tiểu nông khi cực đoan, dễ nghi ngờ, hoặc đánh đồng sự
“khác biệt” của người tài là sự đối trọng, thậm chí đối nghịch.
Cơ chế quản lý xã hội, một khi
được xây nên từ tư duy tiểu nông ấy, tạo nên một hệ thống chân rết cũng sẽ khó
chấp nhận những cá tính sáng tạo, mà chỉ thích sự ‘cào bằng” và sự nghe lời.
Khi ấy thì sự thông minh, năng lực sáng tạo, và niềm tin lý tưởng chân lý là
thực tiễn, rất có thể trở thành bi kịch cho chính người tài, nếu không, chí ít
anh ta cũng trở nên hoặc đơn độc, hoặc bị vô hiệu hóa trong cộng đồng.
Tư duy và cơ chế quản lý “cào
bằng” ấy tạo ra sự bất công với những người tài, chỉ gặt hái được sự a dua cơ
hội của sự háo danh, sự vô cảm của số đông và làm thui chột tài năng sáng tạo
thực chất. Đó chính là nguyên nhân sâu xa, tạo ra “hố sâu” ngăn cách giữa hai
bờ tụt hậu và phát triển. Một dân tộc có nhiều người thông minh như dân tộc
Việt, vẫn có thể là dân tộc “chậm lớn” vì thế.
Liệu dân tộc Việt chúng ta có
vượt lên được chính mình không?