Tấm gương phản chiếu

Nhìn một người siêng năng quy kính, lễ bái tụng niệm, thông thường ai cũng công nhận vị đó thành tâm. Vị đó đích thị ngày càng gần gũi đạo và dể dàng tiếp cận các đấng bề trên trong thế giới tâm linh. Nhưng thử nhìn qua tấm gương phản chiếu chúng ta sẽ thấy điều ngược lại.

Chúng ta đã mất khả năng tiếp xúc với cái đạo tự tại chân thật đang hiện hữu, nên lại đi tìm một cái đạo trong sách vở và trong trí tưởng tượng. Chúng ta vì không buông mình để hòa nhập vào sự toàn thể vũ trụ pháp giới, mà chúng ta cố tình tách biệt thành một bản ngã độc lập, cố hữu. Khi bản ngã độc lập chịu quá nhiều đau khổ và cảm thấy mỏi mệt yếu hèn, chúng ta lại muốn nương tựa vào một đấng nào đó, vào một nơi nào đó để được hà hơi tiếp sức và tiếp tục cũng cố bản ngã. Chúng ta không buông xả bản ngã để đón nhận cái toàn thể trong hiện tại mà chỉ muốn củng cố bản ngã. Việc thực hành lễ lạy để được sự gia trì chính là muốn cũng cố bản ngã thật chắc chắn.

Chúng ta thường mất thời gian cho bái lạy tụng niệm hay thực hành nghi thức. Nếu để thời gian đó cho việc nghỉ ngơi, xả bỏ dần tâm xấu ác, làm vài việc thiện và cảm nhận sự sống trong tâm thái an lành thảnh thơi thì khoảng cách giữa chúng ta và đạo lại rất gần. Cho nên người xưa thường nói: càng tìm cầu đạo càng xa, không tìm cầu đạo ngay trước mắt.

Đọc tụng kinh sách cốt yếu là để hiểu được nghĩa lý và mang sự hiểu biết đó ứng dụng vào đời sống. Nhưng chúng ta thường quan trọng việc tạo lập thời khóa, xem việc đọc tụng như là một thời khóa bắt buộc và xem nó như là sự công phu. Chúng ta lập thời khóa đọc tụng quá nhiều, xem việc đọc tụng là chính. Điều đó khiến chúng ta mất thời gian và khí lực nhưng không hiểu nghĩa. Kinh điển có mầu nhiệm chăng là khi chúng ta hiểu được ý nghĩa và áp dụng vào cuộc sống để mang lại lợi lạc hạnh phúc cho mình và chúng sinh. Dù chúng ta đọc tụng cả đời nhưng không hiểu nghĩa lý và áp dụng làm cho cuộc sống tốt đẹp thì tất cả chỉ tổn phí khí một cách vô ích.

Khí là một trong ba yếu tố (tinh, khí, thần) cực kỳ quan trọng cho sinh mệnh con người. Nếu tổn hại nó quá sức thì thân mạng này suy và dẫn đến tiêu vong. Từ đó khó mà tu luyện thành tựu điều gì. Cho nên việc xem thân thể là đền đài linh thiêng. Các bậc minh triết từng nói ‘một linh hồn minh triết không thể nào trú ngụ trong một thân thể bịnh tật ốm yếu’. Tổn tinh thì tán khí, tổn khí thì thất thần. Cho nên Thái Ất chân nhân đã nói : “ít sắc dục để dưỡng tinh, ít nói năng để dưỡng khí, ít tư lự để dưỡng thần”. Hãy hiện thực hóa kinh điển. Như thế các đấng bề trên có phải rất hoan hỷ hơn chăng? Bởi mục đích của các Ngài đến với thế gian này không gì khác hơn là chỉ cho chúng ta tìm lại bản thể thanh tịnh bên trong hay tìm một thiên quốc bên trong.

Nếu chúng ta buông mình cho cái toàn thể thì cái toàn thể sẽ dung dưỡng chúng ta. Đạo cả chính là sự mênh mông của pháp giới vạn hữu. Khi nào tâm thức cá nhân hợp nhất với tâm thức vũ trụ, sức mạnh cá thể chính là sức mạnh tổng hợp. Chúng ta không cảm thấy yếu hèn và cầu xin ai nữa. Thế thì nhìn qua tấm gương phản chiếu, chúng ta thấy được rằng: càng nương tựa nghĩa là càng cũng cố bản ngã. Không nương tựa, cầu xin, không cũng cố bản ngã chính là sự hợp nhất với đạo. Đạo chính là sự bát ngát mênh mông của vạn loại đang hiện hữu quanh chúng ta. Giáp mặt và tươi cười, trò chuyện và sẽ chia với bất cứ ai, yêu thương và tôn kính với bất cứ thứ gì có mặt quanh ta, trong cuộc đời ta, đó chính là tụng niệm và lễ bái chân thành nhất. Đó chính là sự giao hảo tốt nhất là tình huống của cảm ứng đạo giao nan tư nghì. Giây phút giao hòa với vạn hữu chính là thể hiện niềm quy kính vô biên.

Thông Nhã
Previous Post
Next Post