Tản mạn Mắm và Người

Ai biết tui đều biết rằng tui không thích ăn nước mắm.

Và tất cả các loại mắm.

Tui là người Việt Nam “chăm phần chăm”, chẳng qua là tui không có thích ăn cái gì bốc mùi. Và mắm nó bốc mùi rất đặc trưng.

Tui không ăn tất cả các loại mắm sống lẫn nấu chín, không chấm nước mắm, không ăn nước mắm pha, ăn cơm tấm, gỏi cuốn, bánh cuốn vân vân với nước tương.

Tuy nhiên nếu đem mắm đi chế biến, nêm nếm hay làm cách nào đó cho món đó mất mùi thì tui ăn được. Như là tui ăn được bún bò Huế, các món cá kho, gà chiên nước mắm Má làm, và hình như chỉ có bấy nhiêu món đó thôi.

Nhưng có những người rất thích ăn mắm. Và còn khen ngon. Còn pha thêm gia vị này nọ. Còn nổi tiếng vì mắm, vì nước mắm nữa.

Tóm lại là, mắm là món ai thích thì khen thơm, ai không thích thì chê hôi. Mà hình như người Việt Nam mình ai cũng thích. Mà Tây Tàu gì ăn xong cũng thích. Mặc dù ăn mắm xong thì cái miệng hôi rình.

Đó là chuyện mắm muối phàm tục.

Con người, nhiều khi cũng phàm phu tục tử không kém gì những hũ mắm.

Mỗi người là một hũ mắm. Bởi vì chúng ta chất chứa trong “bụng” mình bao nhiêu thứ mà bản thân mình cho là “tinh hoa”, là “giá trị”, là “cần phải được bảo tồn và truyền lại cho thế hệ sau”, là “quan trọng”, là “cần thiết”, là vân vân và vân vân.

Và khi những thứ mà chúng ta cất giấu đó nó đến thời kỳ phân hủy và bắt đầu bốc mùi, tiết dịch ra thì chúng ta sẽ đem ban phát cho người này người nọ, mỗi người một chút, để mọi người thưởng thức những tinh hoa mà chúng ta chế biến được.

Ai thích thì khen hũ này ngon, hũ kia thơm.

Ai không thích thì chê hũ này thúi, hũ này dở ẹt.

Và đôi lúc, chúng ta gom góp mỗi hũ một chút, đem về làm món ăn tinh thần cho chính mình, và tự đắc với cái món “lẩu mắm” mình vừa chế biến được, và rồi húp lấy húp để, mà không nhớ rằng cái lẩu đó chính là tổng hợp những thứ đã phân rã, đã bốc mùi và đã tiết dịch của thiên hạ từ lâu lắm rồi.

Đôi khi, vì một thứ giá trị gì đó mà chúng ta đeo đuổi, chúng ta buộc lòng phải “ngậm đắng nuốt cay” khen cái hũ mắm thúi rùm của thằng kia là “tinh hoa nhân loại”.

Và, phải nói rằng người Việt chịu đựng giỏi thật. Chúng ta cứ thế, chịu đựng sự bốc mùi lẫn nhau của những hũ mắm chính chúng ta chưng cất và chế biến, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ người này sang người khác, và từ nơi này sang nơi khác.

Chúng ta đều biết rằng mắm thì hôi, nhưng chúng ta vẫn ăn. Vì mặc dù nó hôi nhưng nó có cái mà chúng ta cần.

Tui thì không, miễn giùm ba cái loại mắm đó đi… Cần thì thiếu gì cách khác bổ sung, mắc gì phải chịu hít hửi ba cái “hũ”mắm” đó, mắc ói à…

Nguồn: blog.demifantasy.com
Previous Post
Next Post