Tỉnh mộng

Ta đã gặp em từ lúc nào? Ta cũng không nhớ nữa. Chỉ biết rằng trên chuyến tàu sinh - tử, tử - sinh, ta và em đã từng bao lần vô tình đi ngang qua nhau. Nay trong ta chỉ còn một cõi lòng rỗng lặng hằng tri, ta muốn được cùng em chia sẻ với những gì đã qua.

“Ảo ảnh phù du, một kiếp người
Vô thường thay đổi, tựa mây trôi
Hằng ngày, tự thân mài bút mực
Ươm mầm tuệ giác, xây mộng đời”. (T. Trí Giải)

Là ta đây? Em nhận ra ta không? Một buổi chiều bên núi đồi chỉ còn mình ta với đôi vần thơ ta viết tặng em. “Ảo ảnh phù du, một kiếp người”, có bao giờ em nhận ra cảm giác này chưa? Khi xung quanh ta bây giờ là những nấm mộ, rêu xanh đã phủ lối, gió vẫn thổi vào mỗi buổi chiều về và dường như đâu đó có tiếng khóc than cho số phận của một kiếp người đã qua. Tiếng khóc hòa trong gió và chỉ mình gió nghe được để rồi cùng hòa điệu giữa tiếng than khóc của nhân sinh giữa cuộc đời. Ôi! “Vô thường thay đổi, tựa mây trôi”. Ta có được gì trong vạn kiếp đã qua? Tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, địa vị ư? Ta đã bỏ lại chúng giữa vòng quay của sinh diệt, diệt sinh. Chúng đều là những thứ không thể ở mãi bên ta được và rồi bỗng chốc cũng hóa thành hư không mà thôi.

Em hãy nhớ lấy câu này:

“Hằng ngày, tự thân mài bút mực
Ươm mầm tuệ giác, xây mộng đời”.

Đừng lãng phí thời gian trong lúc này khi chính em có thể làm được tất cả. Ta đã đánh mất thời giờ quý báu đó rất nhiều và ta cũng không muốn em đi theo vết xe đổ ấy. Hãy tự thân, tự lực mài bút mực để chính tay em viết lên những niềm đau của cuộc đời. Đừng nhờ ai viết thay cho mình, khi em đã hiểu được nỗi khổ niềm đau của chính mình thì em mới cảm nhận được nỗi khổ của tha nhân, của chúng sanh. Đã viết được niềm đau do chính mình nghiệm thấy thì sẽ viết lên được những lối thoát cho thế nhân còn hụp lặn trong biển khổ, hãy ươm mầm tuệ giác, hãy buông bỏ tất cả với những ý nghĩ lăng xăng để tâm an định mong hiển bày trí tuệ chân thật của chính mình, đó cũng chính là tánh giác tròn đầy của mỗi chúng ta. Ta tập ngồi lại với chính mình, ta lắng nghe những tiếng than thở của cõi lòng và lau chùi những bụi bặm đang che mờ tánh giác của chính ta. Biển mê của con người chính là đây. Phiền não, chấp trước, không xả bỏ, lăng xăng trong dòng suy nghĩ để rồi từ ngàn năm trước đến ngàn năm sau vẫn còn trôi lăn mãi giữa dòng sinh tử. Ta chưa từng cảm nhận được sự an lạc nội tại, chưa một lần ta ngồi lại với chính con người thật của mình, đó chính là lý do tại sao ta chưa từng một lần biết “xây mộng đời” bằng chính cái rỗng lặng hằng tri của chính ta.

“Ngược dòng xa bến mộng niềm riêng
Vơi nhẹ trong tâm rũ não phiền
Gác nẻo mộng mơ, về bến Giác
Thuyền Từ lướt sóng, tâm an nhiên” (T. Trí Giải)

Đã vạn kiếp ta “mộng” cùng thế gian, với những gì của kiếp sống phù du để rồi ta ra đi cũng chỉ hai bàn tay trắng giữa cuộc đời. Con thuyền ngược dòng xa bến cõi tạm, ta ôm ấp với nỗi niềm của riêng mình. Ôi! Ảo ảnh phù du, đời vô thường. Ta muốn ngược dòng thế sự trong chính cái “hằng yên tĩnh, sáng suốt” bên trong ta để trở về bến Giác “gác nẻo mộng mơ” giữa cõi đời ô trược. Ta chợt nhận ra một điều rằng dường như ta chưa từng một lần ngồi lại như thế này với chính mình bao giờ. Xin rũ bỏ những nỗi phiền muộn trong lòng này, những ganh đua, não phiền với danh lợi phù du, xin gác lại tất cả những gì của một thời mộng mơ giữa cõi tạm, vững mái chèo “tâm an nhiên” trên chiếc thuyền Từ lướt sóng về bến Giác an vui.

“Vân trời lãng đãng, cảnh thiên nhiên
Suối chảy dịu êm, tọa tâm thiền
Núi non hùng vĩ chim vui hót
Cảnh trần thơ mộng, chẳng phan duyên” (T. Trí Giải)

Mây vẫn thong dong trên nền trời xanh, suối vẫn chảy, chim vẫn hót vang tiếng hoan ca. Ngày mới đã đến trong ánh bình minh nắng chiếu qua từng kẽ lá và tất cả tấu lên điệu nhạc giao hưởng dịu êm của thiên nhiên. Ta tọa tâm thiền trong sự yên bình của đất trời, mọi sự giao tiếp thế sự hay sự vận hành của tâm thức dường như cũng đang dừng lại, ta không còn khởi tâm niệm trước mọi cảnh giới bên ngoài, soi vào trong tự tánh chẳng động, cảnh và trí đều lặng, tâm an nhiên, thanh tịnh, chẳng tham chẳng nhiễm, “chẳng phan duyên” trước “cảnh trần thơ mộng”. Tâm không dong ruổi, cũng chẳng trụ, tất cả chỉ thuần một tánh di nhiên.

Em biết không? Đó chính là sự hiện hữu của một con người chân thật với cõi lòng rỗng lặng hằng tri không dính mắc và vướng bận trước sự biến chuyển của vạn vật, của lòng người ở cõi nhân thế. Lặng hết các duyên, thân tâm đồng như hư không cũng là lúc ta đã không còn bị tác động trước sự thật giả của cuộc đời. Ta cùng em dạo bước trong một khu vườn hoa xuân tươi đẹp, diệu kỳ, bao la diệu vợi. Ta đang an trụ trong sự hài hoà của đất trời và vạn vật cũng chính là lúc ta đang an trú trong một mùa xuân miên viễn, một mùa xuân sung mãn đang hiện diện khắp nơi từ ngoại cảnh đến tận đáy sâu của tâm thức.

“Dòng suối rì rào, khúc nhạc êm
Vi vu tiếng gió, cảnh êm đềm
Cỏ xanh thơ mộng, dòng thác chảy
Cung đàn dạo khúc, mặc cảnh tiên” (T. Trí Giải)

Cảnh đẹp như một bức tranh với khúc nhạc dòng suối rì rào hòa trong tiếng gió vi vu, êm đềm với thảm cỏ xanh thơ mộng, dòng thác cung đàn vẫn dạo khúc tấu bản nhạc của núi rừng vang xa vào thái không. Ta mỉm nụ cười an lạc trong sự vững chãi vì từ nay ta đã không còn phải dong ruổi hay vướng mắc bởi cảnh tiên. Ôi! “Đâu ngờ rằng tánh mình xưa nay thanh tịnh”, đâu ngờ rằng ngay trong tấm thân ngũ uẩn sinh diệt này vẫn còn có một con người chân thật, thường hằng, bất sanh bất diệt. Bấy lâu nay, ta chưa một lần thể nhập vào cội nguồn uyên nguyên của vạn pháp. Thế mới biết tại sao từ ngàn năm trước đến ngàn năm sau, ta vẫn cứ mãi là khách phong lưu trên chiếc thuyền lội giữa dòng sinh tử, quán trọ trần gian đã bao lần đến và bao lần đi, lang thang từ muôn kiếp trên cuộc hành trình thiên lý. Chính sự dong ruổi, vướng mắc, tham nhiễm trước cảnh tiên, và cũng vì ta chưa một lần trở về với sự vắng lặng của dòng tâm thức, không còn lay động bởi ngoại cảnh nên ta chưa tìm ra được con người thật của chính mình, một con người không hình tướng, không chịu sự chi phối của vô thường, vượt trên cả không gian và thời gian, cảnh đẹp lắm nhưng “mặc cảnh tiên”. Ta đã không còn đắm nhiễm, tâm này đã trở về trong sự tĩnh lặng và an định nhưng vẫn tồn tại một cái biết có trí tuệ, không hư vọng. Em hãy cùng ta bước những bước chân thật vững chãi và thảnh thơi. Hãy cùng thở và cười để cảm nhận được sự hiện hữu của ta giữa vũ trụ này, em nhé!

“Khoác áo nâu sầm, dứt trần duyên
Tình nhiều oan trái, lắm lụy phiền
Bao người tham ái, sầu đau khổ
Đường trần mở lối, vui cảnh thiền” (T. Trí Giải)

Màu áo nâu sồng, màu áo của sự đơn sơ và giản dị, màu áo của sự khiêm nhường, của thiểu dục tri túc, cuộc sống đạm bạc và trầm tĩnh, màu áo của một cuộc đời thanh đạm để quán chiếu về lẽ vô thường, duyên sinh, bất tịnh và đó cũng là màu áo “dứt nợ duyên”. Ta cắt đứt những duyên trần bụi bặm, tình cảm luyến ái đã từng làm ta không ít lần “lắm lụy phiền” vì những cuộc “tình nhiều oan trái”. Vì tham ái, con người đã phải nhiều lần hụp lặn trong biển khổ sinh tử, nước mắt cho những cuộc tình chia ly, sầu đau trong sự nhung nhớ, tuyệt vọng để rồi ta và người được gì trong vạn kiếp trầm luân. Nay trần duyên đã dứt, đường trần mở lối, ta vui cảnh thiền, xin xả bỏ tất cả những vướng mắc, buộc ràng ở thế sự, những giàu sang, phú quý, danh lợi phù du để bước chân ta thong dong, vững chãi giữa đôi dòng thuận nghịch.

Xin hát tặng cuộc đời, hát tặng cho người những câu ca của tình thương và những vần thơ của niềm tin trí tuệ để giữa dòng đời vạn biến này tâm ta không buông lung, tham đắm hay dong ruổi trước sự quyến rũ bởi những cặn bã lợi danh của chợ đời.

“Bình minh thức dậy, thật sáng trong
Mặt trời tỏ rạng, thấu cõi lòng
Chợt nhận kiếp người, là ảo mộng
Dòng đời trôi mãi, tựa dòng sông” (T. Trí Giải)

Ta đang sống trong mộng nhưng ta chưa từng biết đó là mộng, ta đắm chìm trong những thứ dục lạc của thế gian, vì chấp đó là thật nên ta đã không ít lần gây đau khổ cho người và cả cho chính ta. Trên dòng thác lũ sinh tử, ta để mặc cho dòng nước cuốn trôi, cứ trôi xa và xa mãi, cuối cùng ta đã bị cuốn phăng đi, và, nếu không có sự cảm nhận cay đắng tột cùng đó thì ta đã không biết được giá trị của một buổi sáng bình minh hôm nay khi “mặt trời tỏ rạng, thấu cõi lòng”, ta thức dậy trong ánh bình minh thật sáng trong. Giờ ta mới hiểu một điều rằng đạo lý luôn nằm ngay trong cuộc sống đời thường chứ không phải ở đâu đó xa xôi, hạnh phúc nằm ngay trong chính sự khổ đau, giá trị của chân thường chính là khi ta hiểu được về vô thường. Khi “Chợt nhận kiếp người, là ảo mộng. Dòng đời trôi mãi tựa dòng sông” ta mới hiểu được rằng cuộc đời vốn không thật, là duyên sinh, vô thường và huyễn mộng, vậy mà ta vẫn cứ đau khổ trước sự biến đổi không ngừng của vạn vật.

“Vẫn biết kiếp người là ảo mộng
Tình thương chia sẻ, sưởi ấm lòng
Dù cho thế sự, nhiều trắc trở
Bền tâm, vững chí, sống thong dong” (T. Trí Giải)

Đó là một dòng sinh diệt ảo mộng, sống trong mộng mà chấp là thực nên ta vẫn còn ngơ ngẩn trước cơn vô thường của cuộc đời. Và khi “chợt nhận”, ta biết trong cái tàn hoại của ảo mộng vẫn còn có một lối giải thoát khi ta biết chia sẻ tình thương để “sưởi ấm lòng”, ta “bền tâm, vững chí, sống thong dong” “dù cho thế sự nhiều trắc trở”. Ta không cần em làm gì nhiều vì khi “vẫn biết kiếp người là ảo mộng” thì chỉ như vậy thôi cũng đã đủ lắm rồi!

Mọi thứ rồi cũng qua đi. Ta còn được những gì vào những ngày đã qua đắm chìm trong cõi mộng. Nhưng được hay không cũng chỉ là do ta mà thôi. Đời không ban phát cho ta một điều gì cả. Nếu ngày nào em vẫn còn cuốn theo dòng nước lũ cuộc đời thì ngày đó em vẫn còn hờn trách cuộc đời này sao lắm nỗi đau thương. Cuộc đời vốn dĩ đã là vậy, em ạ! Chính những nốt nhạc thăng trầm đã viết nên một bản tình ca về cuộc đời để nhân loại này cần phải biết xoay tâm mình vào trong để biết nhìn thật, nhìn rõ và nhìn sâu. Lặng hết các duyên, ta không mộng giữa cõi mộng, trong mộng ta nhìn thấy một cái thường hằng hiện hữu, ta thể nhập vào cội nguồn uyên nguyên của vạn pháp, ta không còn mắc kẹt giữa dòng ảo mộng, lội ngược dòng ta viết nên hai chữ “Tỉnh mộng” giữa cuộc đời để xin được tặng em cùng thế nhân.

Thơ: Thích Trí Giải
Bình thơ: Ánh Vy
Pháp Danh: Tịnh Hạnh
Previous Post
Next Post