Tình yêu sự vật và tình yêu con người

Thưa tiến sĩ Adler,

Hình như có nhiều đối tượng của tình yêu. “Tôi yêu cà phê, tôi yêu trà,” một ca khúc thời danh bắt đầu như vậy, trước khi nói tới tình yêu của các cậu trai dành cho các cô gái. Nhưng phải chăng không có điều gì khác biệt căn bản giữa tình yêu dành cho thức uống, thuốc lá, tiền bạc, tiếng tăm, v.v... và tình yêu dành cho một người khác? Có phải nó nằm ở sự khác nhau giữa tình cảm thuần ích kỷ và tình cảm có phần nhân ái? Hay nó là vấn đề quan hệ một chiều đối chiếu với quan hệ qua lại? Vậy chính xác điều được gọi là “tình yêu” là gì?
B.B.
B.B. thân mến,

Descartes lưu ý trong The Passions of the Soul rằng từ “tình yêu” có thể áp dụng cho “những đam mê của một người tham vọng đối với vinh quang, của kẻ nghiện rượu đối với rượu, của người đàn ông đầy thú tính đối với người phụ nữ mà hắn muốn chiếm đoạt, của người đàn ông đứng đắn đối với người bạn hay tình nhân của ông ta và của người cha tử tế đối với con cái của ông ta.” Bởi vì Descartes định nghĩa tình yêu như ý chí tự thắt chặt mình với điều gì hay ai đó, ông ta xem tất cả mọi đam mê như những hình thức của tình yêu. Tuy nhiên, ông đưa ra một sự phân biệt thiết yếu.

Người tìm kiếm vinh quang, người keo kiệt, người nghiện rượu và kẻ hiếp dâm, ông nói, chỉ tìm cách chiếm đoạt đối tượng để riêng mình sử dụng và khoái cảm mà không lưu tâm đến mặt tốt của đối tượng. Trong loại tình yêu này, ngay cả những con người đầy nhân tính cũng bị đối xử chỉ đơn thuần như những công cụ sử dụng hay khoái cảm. Người bạn, người tình và người cha tử tế, trái lại, mong muốn điều tốt cho những người họ yêu. Trong loại tình yêu này, người yêu thường sẽ hy sinh quyền lợi riêng của mình vì người yêu dấu.

Tuy nhiên, Descartes phản đối sự phân biệt truyền thống giữa tình yêu “dâm dục” và tình yêu “nhân ái”, vì ông nghĩ rằng trong thực tế tâm lý, hai thứ ấy luôn luôn quyện vào nhau. Chúng ta cảm thấy có thiện cảm với cái gì chúng ta mong ước được hợp nhất và hơn nữa chúng ta khao khát nó, “nếu chúng ta phán đoán rằng sở hữu nó là điều tốt... bằng cách nào đó khác hơn thông qua ý chí”. Vậy thì có vẻ như rằng những quan hệ công cụ đơn thuần không thực sự là tình yêu, ngoại trừ trong một ý nghĩa hình thức hay trống rỗng nào đó.

Loại tình yêu biểu hiện trong quan hệ người yêu – nhân tình là tình yêu giới tính hay nhục dục. Nhiều người coi đó là dạng rõ rệt nhất của tình yêu, còn tất cả dạng khác của tình yêu là những biểu tượng và sự thăng hoa của nó. Nhiều người khác coi nó chỉ là sự tự thỏa mãn, và vì thế, không thực sự là tình yêu. Tolstoy, kẻ thù đáng kể của tình yêu nhục dục trong những năm cuối đời của mình, gọi nó là “cảm giác lầm lẫn mà con người gọi là tình yêu, và nó không hề giống với tình yêu cũng như đời sống của con vật không hề giống đời sống của con người.”

Tuy nhiên, nỗ lực giảm trừ tình yêu giới tính thành sự hài lòng ích kỷ đơn thuần gặp phải một số khó khăn. Trước hết, chính tình yêu giới tính là yếu tố quan trọng của tình yêu vợ chồng, mà dựa trên đó gia đình, kiểu mẫu của sự hợp nhất nhân ái, được hình thành. Thứ hai, ngay cả trên phương diện thể chất và thẩm mỹ, sự chia sẻ cho nhau và lòng nhân ái là thiết yếu cho hành động thành thân lý tưởng của tình yêu giới tính. Thứ ba, tách rời mặt thể chất và mặt tinh thần trong một quan hệ con người thân mật như thế là cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả.

Điều gì đó của sự không thể tách rời này được gợi lên bằng một từ trong Kinh Thánh chỉ quan hệ giới tính. Từ đó là “biết rõ”. Có lẽ từ đó ngụ ý rằng trong chuyện này, như trong mọi quan hệ tình ái đích thực, người ta đi đến chỗ biết rõ nhau trong sự trọn vẹn và đơn nhất của họ. Và trong khi biết rõ người kia họ cũng có thể đi đến chỗ biết rõ chính mình. Nhiều người lần đầu tiên nhận thức được yếu tính và giá trị của chính mình trong khi yêu và được người khác yêu.

Những người hoài nghi và những bậc uyên thâm gọi sự biết rõ riêng tư trong tình yêu nhục dục như thế là “sự lý tưởng hóa” hay “sự đánh giá quá cao” đối tượng yêu. Nhưng có lẽ điều người ta gọi là “lý tưởng hóa” chỉ là sự nhận thức cái gì hiện hữu tiềm tàng trong người yêu dấu và lần đầu biến thành thực tế trong tình yêu. Điều này cũng có thể đúng trên bình diện ngoại tại của cái đẹp thể chất. Sự kiện khuôn mặt thô kệch của người ta yêu tỏ ra xinh đẹp đối với ta là kinh nghiệm thường tình của con người.

Một dẫn chứng cho sự kiện này được tìm thấy trong tiểu thuyết A New Life của Bernard Malamud(1), trong đó nhân vật nam yêu một người phụ nữ hầu như không có vú là điểm mà ngày nay được coi là thiết yếu cho sự quyến rũ của phụ nữ. Tuy vậy anh ta thấy bộ ngực phẳng của nàng đẹp và bình thường, vì nó là một thuộc tính của người phụ nữ anh yêu.

Nguồn:  Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại

(1) Bernard Malamud (1914 – 1986): nhà văn Mỹ, viết tiểu thuyết và truyện ngắn. Nổi tiếng với những truyện ngụ ngôn về đời sống của người Do Thái. Ông đoạt giải Pulitzer năm 1966 với tiểu thuyết The Fixer (Kẻ hối lộ).
Previous Post
Next Post