Trái đất – ngôi nhà chung, những thù oán vô nghĩa, và những hám lợi nhỏ nhoi

Trái đất nhìn từ phi thuyền Nhà Du Hành 1 (Voyager 1) năm 1990, khi phi thuyền cách trái đất khoảng 7 tỉ cây số. Từ khoảng cách này, trái đất chỉ là 1 điểm sáng nhỏ, nằm giữa 2 vạch sáng trắng (2 vạch này là để đánh dấu vị trí trái đất, hoàn toàn không phải nguồn sáng thực). Hình phóng to bên dưới cũng không khá hơn bao nhiêu.

Nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới, tiến sĩ Carl Sagan của trường đại học Cornell, Mỹ, đã giới thiệu về bức ảnh như sau :

Bức ảnh này được chụp từ khoảng không vũ trụ xa xôi, và khi bạn nhìn vào, bạn sẽ thấy 1 chấm nhỏ. Đó chính là nơi này. Đó là nhà. Đó là chúng ta. Ở đấy, tất cả mọi người mà bạn từng nghe nói đến, tất cả những ai đã và đang tồn tại, họ đang sống cuộc sống của riêng mình. Điểm hội tụ của tất cả những niềm vui và nỗi đau của chúng ta, hàng ngàn niềm tin, lý tưởng, học thuyết kinh tế khác nhau, tất cả những kẻ đi săn hay người cắt cỏ, bậc anh hùng hay kẻ hèn nhát, người sáng lập hay kẻ huỷ diệt các nền văn minh nhân loại, đấng đế vương hay người nông dân, đôi trai gái trẻ đang yêu nhau, đứa trẻ với tương lai tươi sáng phía trước, mỗi bậc cha mẹ, nhà sáng tạo và khai phá, mọi thầy giáo với những bài học đạo đức, những kẻ làm chính trị chuyên tham nhũng, lộng quyền, những siêu sao, những lãnh đạo với quyền lực tối cao, mọi vị thánh và kẻ tội đồ trong lịch sử loài người… tất cả đều sống ở đó, một hạt bụi nhỏ nhoi, treo trên một tia sáng mỏng manh.

Trái Đất chỉ là một sân khấu vô cùng nhỏ bé trong đấu trường vũ trụ khổng lồ. Hãy thử nghĩ về những dòng sông máu, gây ra bởi những vị tướng nọ, những vị hoàng đế kia, để mà trong vinh quang, trong chiến thắng, họ có thể làm chủ, có thế chế ngự được một phần nhỏ của cái chấm đó dù chỉ là chốc lát ngắn ngủi. Hãy nghĩ về những hành động tàn bạo của cư dân của một góc trên dấu chấm ấy đối với những con người không khác họ là mấy của một góc khác. Những mâu thuẫn, hiểu lầm ấy diễn ra thường xuyên như thế nào, họ háo hức giết đồng loại của mình như thế nào, những thù hận ấy của họ sục sôi như thế nào. Những giả tạo của chúng ta, những tầm quan trọng của bản thân mà ta tự tưởng tượng ra, cái ảo tưởng rằng ta có một vị thế đặc quyền đặc lợi trong vũ trụ bao la này, đều bị thách đố, phủ nhận vởi dấu chấm nhạt ấy.

Hành tinh của chúng ta chỉ là một đốm nhỏ cô độc bảo bọc bởi vùng tối vũ trụ vĩ đại. Trong cái tối tăm, mù mịt ấy – và trong tất cả mênh mông này – không hề có một dấu hiệu nào cho thấy sự giúp đỡ sẽ đến từ một nơi nào đó để cứu chúng ta khỏi chính chúng ta. Tất cả đều tuỳ thuộc ở bản thân chúng ta, loài người Trái Đất. Người ta vốn cho rằng Thiên văn học là một môn khoa học rất khiêm nhường, và tôi xin được thêm vào, nó còn là một trải nghiệm để xây dựng tính cách. Với riêng tôi, có lẽ không còn cách nào để minh hoạ cho những hành động, ý nghĩ điên rồ, sân si của loài người tốt hơn hình ảnh từ xa này của thế giới. Nó nhấn mạnh trách nhiệm của chúng ta, phải đối xử và sống với đồng loại tử tế, tốt đẹp hơn; bảo tồn, giữ gìn và trân trọng dấu chấm nhỏ màu xanh nhạt ấy, ngôi nhà duy nhất mà chúng ta có.
Nguồn: thuydu.com

Một chút suy tư

Nếu bạn là người suy tư, trong những đêm tối mịt, ngước nhìn lên bầu trời bao la lấp lánh hàng triệu triệu ngôi sao, đa số lớn hơn mặt trời chúng ta gấp trăm lần, chắc hẳn bạn cũng nẩy ra câu hỏi: Loài người từ đâu đến đây? Rồi khi bạn chứng kiến những cảnh giết chóc trong chiến tranh, cá lớn nuốt cá bé, những trò tranh dành miếng ăn, địa vị, quyền lợi trên đời thì bạn cũng thắc mắc: Con người sống trên đời này để làm gì? Chẳng lẽ chỉ đi làm, kiếm tiền, bon chen, hưởng thụ rồi qua đời? Ý nghĩa cuộc đời là như thế sao? Và khi bạn tiễn người thân ra phần mộ, chắc hẳn trong đầu bạn cũng nảy ra câu hỏi: Con người chết rồi thì đi đâu nhỉ?

Con người từ đâu đến đây?

Cho đến thời Trung Cổ, người ta vẫn tin rằng quả đất là trung tâm của vũ trụ, và con người là trung tâm của quả đất. Nhưng ngày nay chúng ta biết quả đất chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ rộng lớn vô cùng, và con người còn nhỏ bé hơn nữa. Càng khám phá sự rộng lớn bao la của vũ trụ bao nhiêu, con người càng thấy mình nhỏ bé bấy nhiêu.

Đến giờ này khoa học vẫn chưa tìm ra sự sống ở nơi nào khác trong vũ trụ ngoài quả đất của chúng ta. Cho nên bạn thắc mắc: Thế thì con người từ đâu mà ra? Tại sao loài người và sinh vật chỉ có trên quả đất tí teo này? Để bạn có một ý niệm về sự bao la của vũ trụ: vận tốc ánh sáng là 300.000 cây số một giây. Dù với vận tốc nhanh kinh khủng như thế ánh sáng cũng phải mất 8 phút để đi từ mặt trời đến trái đất, một khoảng cách là 153 triệu cây số. Một điều kỳ diệu: Khoảng cách giữa quả đất và mặt trời là một khoảng cách vừa đúng để sinh vật sống còn. Nếu quá gần mặt trời chúng ta sẽ bị cháy tiêu, nếu quá xa chúng ta sẽ chết cóng vì lạnh. Ngẫu nhiên?

Hiện tại chúng ta vẫn chưa biết giới hạn vũ trụ là bao nhiêu. Láng giềng gần nhất của chúng ta là ngôi sao Alpha Centauri cũng cách chúng ta hơn 4 năm ánh sáng! Với những viễn vọng kính tối tân nhất, chúng ta chỉ mới thấy được những ngôi sao cách chúng ta khoảng 20 tỉ năm ánh sáng mà thôi! Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là giới hạn của vũ trụ! Cho nên sự xuất hiện của con người trên địa cầu nhỏ bé duy nhất này giữa biển vũ trụ bao la gồm hàng trăm tỉ ngôi sao quả là một trong những điều mầu nhiệm vĩ đại trên đời mà các khoa học gia đến giờ này không thể giải thích nổi.

Con người sống trên đời này để làm gì?

Chưa ai rõ con người đã có mặt trên quả đất bao lâu, nhưng kể từ ngày nhân loại có lịch sử ghi lại bằng chữ viết (khoảng 5.000 năm nay) thì trong hơn 90% thời gian ấy, nghĩa là hơn 4.500 năm, con người luôn luôn chém giết nhau qua chiến tranh, giặc giã. Nghĩa là thời gian con người sống trong chiến tranh, chết chóc, nhiều hơn thời gian hòa bình. Hằng ngày chúng ta đọc báo chí thấy những cảnh giết người, khủng bố, thiên tại khắp nơi khiến cho đời sống con người đã ngắn lại càng ngắn thêm. Rồi bạn nhìn những người xung quanh bạn chạy theo vật chất, tranh dành địa vị, quyền lợi đến nỗi làm hại nhau. Bạn tự hỏi: Ý nghĩa cuộc đời là như thế sao?

Sau khi qua đời, con người sẽ đi đâu?

Hằng ngày chúng ta quá bận rộn với cuộc sống nên ít có thì giờ để nghĩ đến cái chết và quên rằng mỗi một ngày qua đi đưa chúng ta gần đến tận cùng của đời mình! Chỉ khi nào chứng kiến cảnh vĩnh biệt đau buồn của bạn hữu hay thân nhân thì chúng ta mới sực tỉnh và tự hỏi: Chúng ta qua đời rồi sẽ đi đâu?
Sưu tầm
Previous Post
Next Post