Con người lầm tưởng mình tự do. Họ ý thức dục vọng và nhu cầu của họ, nhưng không biết vì sao họ họ có những dục vọng ấy. Mặt khác, con người luôn hành động theo một mục đích, mà họ cho là ích lợi, thuận theo những ham muốn của họ.
Vì thế con người luôn gán cho sự vật một mục đích, và, khi có được kẻ nào giảng cho họ biết mục đích ấy, thì họ rất hài lòng, và không còn nghi ngờ gì nữa. Còn nếu không có ai nói cho họ biết điều này, thì họ quay vào trong tâm hồn họ, và tưởng tượng ra những mục đích của sự vật, rập khuôn theo các dục vọng của mình. Họ nghĩ Thiên Nhiên đã làm ra những gì cần thiết cho mình: cặp mắt để nhìn, hàm răng để nhai, cỏ để nuôi bò, bò để ăn thịt, có sữa uống, mặt trời để chiếu sáng, đại dương để chứa cá, .v.v... tất cả đều phục vụ cho các nhu cầu và dục vọng của con người.
Vì con người biết rằng những điều phục vụ cho nhu cầu và dục vọng của họ đã hiện hữu sẵn trong thiên nhiên, nên họ nghĩ rằng có một ai đó đã tạo chúng ra cho họ. Và vì luôn nghĩ đến sự vật như một phương tiện, nên họ không quan niệm được một nguyên do tự nhiên cho sự hiện hữu của chúng.
Vị Thần, Chúa, đã tạo nên các sự vật cho họ, cũng được gán cho một tâm lý rập khuôn với tâm lý của chính họ. Họ cố công ca tụng, cầu xin, cúng tế ... các vị Thần, vị Chúa ấy để được ban cho thêm nhiều lợi ích, để được yêu thương hơn những người khác, để tất cả những gì hiện hữu trong thiên nhiên trở thành phương tiện phục vụ cho sự tham lam mù quáng của họ. Những niềm tin vô nghĩa, những tập tục dị đoan phát sinh, biến thiên nhiên thành sở hữu của dục vọng của con người, và Thần, Chúa, thành những kẻ khùng điên như con người.
Nguyễn Hoài Vân - phỏng dịch Spinoza Ethique I - Appendice.