Hành vi tiêu thụ khoa trương chỉ có một mục đích duy nhất là thể hiện mình; nó thỏa mãn tâm lý của kẻ tiêu thụ khoa trương rằng như vậy là mình đã được có mặt trong tầng lớp thượng lưu, rằng mình đã thuộc vào hàng ngũ sang trọng, quý phái.
1. Vào cuối thế kỷ thứ 19, nhà kinh tế-xã hội học người Mỹ gốc Na Uy Thorstein Veblen(1) nhận thấy những người giàu mới nổi lên trong xã hội Hoa Kỳ lúc bấy giờ thường có khuynh hướng mua sắm các hàng hóa và sử dụng các dịch vụ không vì cần thiết mà chỉ nhằm chứng tỏ cho người khác biết là họ đang ở một tình trạng tài chánh khả quan. Vì không là nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống, việc tiêu tốn cho những hàng hóa và dịch vụ ấy quả là một sự lãng phí; tuy nhiên, việc tiêu tốn ấy mang lại cho lớp nhà giàu mới nổi một cảm giác thỏa mãn, rằng họ đã thuộc về một tầng lớp trên.
Thorstein Veblen đã “chế” ra một thuật ngữ để chỉ hành vi tiêu pha ấy, gọi đó là sự tiêu thụ khoa trương (conspicuous consumption). Veblen cho biết, hầu hết những người có hành vi tiêu thụ khoa trương đều là những kẻ đã tích lũy được của cải từ cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ hai, cuộc cách mạng kỹ nghệ dựa trên việc khai thác những tiến bộ về kỹ thuật, khác với cuộc cách mạng kỹ nghệ lần đầu dựa vào những tiến bộ khoa học.
Sau Veblen, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế-xã hội học đã chỉ ra rằng hành vi tiêu thụ khoa trương là tương phản với tính bền vững của một nền kinh tế vì nó làm gia tăng việc sử dụng tài nguyên và gây hại đến môi trường. Về phương diện tâm lý, kẻ có hành vi tiêu thụ khoa trương cảm thấy mình ngang hàng với tầng lớp quý tộc phong kiến vốn có nhiều đặc quyền đặc lợi và nhìn những người có thu nhập thấp sống trong sự chắt chiu bằng con mắt khinh thường. Điều đó một mặt gây khó chịu cho những người sống trong sự thiếu thốn, mặt khác lại kích thích những kẻ thuộc tầng lớp gần cận đám nhà giàu mới nổi ấy cố vươn lên để cũng có thể có được hành vi tiêu thụ khoa trương cho bằng với tầng lớp trên.
Trong những giai đoạn suy thoái kinh tế, mặc dù sự tiêu thụ khoa trương làm gai mắt những con người phải sống kề cận tình trạng chết đói nhưng không vì thế mà làm giảm hành vi tiêu thụ khoa trương của những kẻ thừa sức phung phí. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng trong những giai đoạn như vậy, hành vi tiêu thụ khoa trương là chỉ dấu rõ rệt của bọn đầu cơ trục lợi, của những kẻ có thể tích lũy được của cải mà không cần phải lao tâm lao lực, của đám người có đặc quyền đặc lợi nhờ những mối quan hệ với giai cấp cầm quyền và với những kẻ hoạch định chính sách, của bọn người ở địa vị có thể bóc lột sức lao động của kẻ khác.
2. Trong những xã hội sùng bái vật chất, giá trị của một con người không hẳn là những gì người đó đóng góp được cho xã hội mà là những gì kẻ đó sở hữu hoặc có tiềm năng sở hữu. Vì thế, những kẻ sống trong những căn biệt thự nguy nga, di chuyển trên những chiếc xe hơi hiện đại bóng lộn, lui tới những chốn sang trọng, gia nhập vào những câu lạc bộ thời thượng, có mặt trong những cuộc trình diễn hoành tráng… được những xã hội sùng bái vật chất đó tôn vinh. Trong khi đó, những người âm thầm dạy dỗ nhiều thế hệ học trò để khai sáng tâm trí con người, những người lặng lẽ chữa trị bệnh tật để cứu sống con người, những người nỗ lực hướng dẫn con người theo con đường đạo đức… nhưng sinh hoạt một cách bình dị, sống trong những căn nhà nhỏ bé, di chuyển bằng những phương tiện bình dân, không lui tới những chỗ sang trọng, tránh những sinh hoạt xa hoa… thì ít được ai để ý tới.
Tất nhiên, những hình tượng được xã hội tôn vinh sẽ trở thành biểu tượng được ngưỡng vọng bởi đại đa số những con người ít chịu suy nghĩ trong các xã hội sùng bái vật chất. Điều nguy hiểm là người ta không cần biết từ đâu những kẻ được tôn vinh ấy có đủ phương tiện tài chánh dồi dào để chi trả cho những sinh hoạt xa hoa của họ; ngược lại, dân chúng, nhất là giới trẻ, lại bị kích thích để ngưỡng mộ những kẻ được tôn vinh như là thần tượng và khao khát có thể tham dự vào lối sống xa hoa ấy.
Xã hội ta hiện nay rõ ràng vẫn còn quá nhiều người sống vật vờ trong những điều kiện thiếu thốn đến cùng cực. Ngay cả những phương tiện truyền thông chính thức cũng không ít lần nêu lên các trường hợp trẻ em không đủ điều kiện đi học, trường học tranh tre nứa lá, cơ sở dạy học thiếu những phương tiện vệ sinh tối thiểu, gia đình học sinh quá nghèo đến nỗi các em phải bỏ học mưu sinh bằng sức vóc chưa thành nhân của mình… bên cạnh những hoạt động hoành tráng chỉ để chứng tỏ mình của hàng loạt các ngôi sao, các thần tượng, những người hoạt động có tên tuổi trong lãnh vực công nghệ giải trí… Và chúng ta cũng chứng kiến không ít những người trẻ say sưa với những thần tượng của họ, tìm cách học đòi những kiểu cách sinh hoạt xa hoa của các vị thần tượng, và khi không có điều kiện thỏa mãn những khao khát bệnh hoạn đó, đã sẵn sàng nhúng tay vào tội ác.
3. Trong nền kinh tế thị trường thì ưu tiên hàng đầu của mọi doanh nhân là lợi nhuận. Đành rằng không hiếm những doanh nhân biết nhìn xa trông rộng, không nhắm đến lợi nhuận trước mắt mà tính đến lợi ích lâu dài, không nghĩ đến việc tích lũy của cải bằng các biện pháp vơ vét mà biết nghĩ rằng muốn lợi cho mình thì cũng phải dành lợi cho người. Tuy nhiên, để có thể thực hiện những kế hoạch nhìn xa trông rộng, các doanh nhân cần phải có một môi trường kinh doanh lành mạnh. Trong một môi trường nơi những doanh nhân khác sẵn sàng làm tất cả mọi việc để chiếm thị phần thì những doanh nhân biết nhìn xa trông rộng mà không được bảo vệ bởi những cơ chế luật pháp hữu hiệu cũng khó thực hiện những lý tưởng cao đẹp của mình.
Các doanh nhân là những người rất bén nhạy trước cơ hội; họ đã tìm thấy ở khuynh hướng tiêu thụ khoa trương những điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Và họ không chỉ tìm mọi cách xiển dương hành vi tiêu thụ khoa trương ở từng cá nhân, mà còn tìm cách gieo rắc tâm thức tiêu thụ khoa trương ấy đến những nhóm người, những cộng đồng; và hơn nữa, với các tổ chức kinh doanh đa quốc gia, hành vi tiêu thụ khoa trương đã được kích thích ở mức nhắm vào cả một dân tộc hay cả một nước, đặc biệt là khi phương tiện truyền thông ngày nay nhờ vào mạng lưới internet đã có khả năng tác động đến tâm thức con người hàng phút hàng giây ở quy mô toàn cầu.
Trong cơn sốt muốn chứng tỏ mình, chẳng những từng cá nhân, mà từng nhóm người, từng cộng đồng, và đến mức là từng dân tộc hay từng quốc gia, nếu không được làm cho tỉnh thức bởi những cái đầu lạnh, đều đã lao vào những hành vi tiêu thụ khoa trương. Ở mức cộng đồng, ta có thể thấy việc du nhập hàng loạt những lễ hội xa lạ từ các nước khác chính là một biểu hiện của hành vi tiêu thụ khoa trương, với tâm lý cho rằng cộng đồng của ta cũng đã biết đến những lễ hội như thế, cũng sánh vai bằng người. Việc du nhập lối ghi nhận kỷ lục như kỷ lục Guiness cũng không khác gì. Trong lúc nhiều người trong xã hội còn phải chắt chiu từng đồng từng cắc để sống qua ngày, nhiều tổ chức kinh doanh phải chắt chiu từng chút nguyên liệu một để bảo đảm sản xuất, nhiều đơn vị phải chắt chiu từng đồng ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng cần thiết cho cuộc sống, việc phung phí để được ghi nhận là đạt kỷ lục hay phá kỷ lục đã được ghi nhận trước đó chỉ thể hiện một thái độ thiếu từ bi trước sự thiếu thốn của người khác vẫn không bao giờ hiếm trong xã hội.
4. Hành vi tiêu thụ khoa trương chỉ có một mục đích duy nhất là thể hiện mình; nó thỏa mãn tâm lý của kẻ tiêu thụ khoa trương rằng như vậy là mình đã được có mặt trong tầng lớp thượng lưu, rằng mình đã thuộc vào hàng ngũ sang trọng, quý phái. Ở mức độ nhà nước hay dân tộc, nó làm thỏa mãn cái tâm lý là dân tộc ta cũng đang sánh vai cùng các dân tộc tiến bộ nhất trên thế giới. Nói cho cùng, đó là kiểu học làm sang; nhưng điều đáng phàn nàn là có khi người ta cố học làm sang trong lúc người ta chưa là trưởng giả.
Chúng ta cũng biết rằng ngay khi đã là trưởng giả rồi mà ti toe học làm sang thì cũng từng là đối tượng của sự chê trách, nếu chúng ta nhớ đến vở kịch Le Bourgeois gentilhomme (đã được Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Việt với cái tựa Trưởng giả học làm sang) của kịch tác gia người Pháp Molière trong thế kỷ thứ 17. Vì thế, chúng ta mong sao người Việt chúng ta đừng cố học làm sang. Phong cách quý phái tự nó sẽ có khi chúng ta có được sự tiến bộ về mặt văn hóa trên tinh thần biết đủ và ít ham muốn của nhà Phật. Rõ ràng, người phương Tây vẫn thán phục phong cách của các thiền sư phương Đông ngày xưa, dù rằng chính các thiền sư phương Đông ngày xưa là những người ít có phương tiện vật chất nhất, là những người đã toàn tâm toàn ý sống theo tinh thần biết đủ và ít ham muốn mà Đức Phật từng ân cần chỉ dạy.
Nguyên Nguyên Hạo Uyên
Theo Tạp chí VHPG
Chú thích:
1. Thorstein Veblen (30 Tháng Bảy 1857 – 03 Tháng Tám 1929) là một nhà kinh tế-xã hội học người Mỹ gốc Na Uy, nổi tiếng trong việc đưa ra khuynh hướng nghiên cứu kinh tế tập trung vào việc làm rõ lịch trình tiến hóa của những tư tưởng kinh tế. Năm 1899, ông xuất bản quyển sách đầu tiên của mình Theory of the Leisure Class: A Theory of Institutions (tạm dịch, Lý thuyết về Tầng lớp Nhàn hạ: một Lý thuyết về Các Định Chế) trong đó lần đầu tiên thuật ngữ conspicuous consumption (tiêu thụ khoa trương) được nhắc đến