Trở lại thí dụ viên
gạch từ mái nhà rơi trúng đầu một người và giết chết người ấy, thử tìm hiểu
một cách diễn giải hoàn toàn đối nghịch, của Leibnitz:
Ngược lại với Spinoza, Leibnitz cho rằng đó là một biến cố đã được
Thiên Chúa "an bài", trong khuôn khổ một thế giới tốt đẹp nhất! Thiên
Chúa có nhiều lựa chọn, nhưng, vì Ngài "tốt lành vô cùng", nên chỉ có
thể chọn điều tốt đẹp nhất.
Quan điểm của Leibnitz là một
quan điểm hoàn toàn giáo điều: nếu bạn nói tới bom nguyên tử Hiroshima ,
trại tập trung Auschwitz , Tsunami cách đây vài
năm v.v... Leibnitz sẽ vẫn điềm nhiên trả lời: chúng ta sống trong một thế giới
tốt đẹp nhất! Đối với triết gia này, nhìn thấy sự xấu, là... không biết nhìn.
Người ta phê bình Leibnitz, cho
rằng Thiên Chúa của ông ta không thực sự toàn năng, như định nghĩa của Thiên
Chúa, vì đấng Thiên Chúa ấy bị hạn chế trong những lựa chọn của mình. Và vì
Leibnitz quan niệm nhiều thế giới có thể có (khả hữu), nên tựu trung Thiên Chúa
của ông ta chỉ là Thiên Chúa của một trong nhiều thế giới khả hữu, tức chỉ là
một trong nhiều Thiên Chúa, tức là lại thêm một điều vô nghĩa.
Mặt khác, nhiều trường phái cho
rằng "tốt - xấu" chỉ là một thiên kiến của con người. Cái hắn nghĩ là
có lợi cho hắn, làm cho hắn hài lòng,
vui thích, thì bảo rằng "tốt", ngược lại thì là "xấu". Quan
điểm "tốt - xấu" như thế tuỳ thuộc những con người, những thời điểm,
những nhóm người, những thế hệ, v.v... Nếu Thiên Chúa phải chạy theo các thiên
kiến "điên khùng" của con người, thì phải chăng Thiên Chúa cũng khùng
điên không kém?
Trên phương diện luận lý thuần
tuý, thì một sự "an bài" trước, dù phục vụ cho cho một mục đích tốt
hay xấu, đều là một sự đảo ngược trình tự "nhân - quả". Vì người ấy
phải chết (nhân) nên viên gạch phải rơi từ mái nhà trúng đầu ông ta (quả). Cái
chết trở thành nguyên nhân của sự kiện viên gạch rơi xuống.
Thật ra, có thể nghĩ một cách đơn
giản rằng Leibnitz cần tưởng tượng ra một biện minh cho cái thế giới đầy đau
khổ quanh ông, cũng như cho cuộc sống nhân sinh lắm ưu phiền, sầu muộn, để có
thể gán cho những tai hoạ, nhiễu nhương ấy, một ý nghĩa tốt đẹp, mặc dù chúng
có xấu xa như thế nào đi chăng nữa...