
Cho nên, ý thức đúng, con người
sẽ rất hạnh phúc; nhưng nếu ý thức sai con người lại là con vật khổ đau nhất.
Một nhà thơ cũng đã từng nói “kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng
giữa trời mà reo” . Ở đây, rõ tâm thức con người đã được đánh giá thấp hèn hơn
loài cây cỏ. Có thể cây cỏ không vui hơn nhưng cũng không hẳn buồn khổ hơn con
người. Và khi đã nếm trải quá nhiều cay đắng con người lại muốn thoát kiếp để
làm loài vật khác.
Nhưng cũng một ý thức đó, một
hành giả tu tập lại ước mong kiếp sau tiếp tục được làm người: “kiếp sau xin
được làm người, sinh ra gặp pháp sống đời chơn tu, dắt dìu nhờ bậc minh sư,
nương vào chánh tín hạnh từ xuất gia, lục căn tam nghiệp thuận hòa, không vương
tục lụy theo đà thế nhân..”
Sử dụng ý thức vào mưu sâu chước
cay để tự tạo ra chất độc trong mình nên càng già nua chúng ta càng đau khổ.
Chúng ta sợ tuổi già, sợ sự sống và sợ những điều hồn nhiên trong sáng. Chúng
ta thường đặt ra những vấn đề rắc rối, những đạo lý rườm rà để thỏa mãn cái ý
thức thâm sâu hơn là những đạo lý giản đơn, hồn nhiên và vui vẻ.
Vì không tiếp cận được với thực
tại, không thể hòa đồng vào cái toàn thể nên ta trở thành độc lập và cô độc,
chúng ta thích thực hành những thời khóa công phu rườm rà hoặc dài dòng để khỏa
lấp niềm cô đơn và tâm thức bấn loạn. Chính cái ý thức sai lầm đã khiến cho
chúng ta chịu nhiều đau khổ. Chúng ta muốn từ bỏ cái chuỗi ngày già nua đầy
phiền muộn của mình để mong được sinh về một thế giới đầy thơ mộng an vui nào
đó.
Phần lớn cái ý thức đánh mất sự
cảm nhận trực giác cho nên chúng ta thường tu luyện để đạt được trực giác. Khi
ý thức đã thuần thiện con người lại cảm nhận mọi sự một cách hồn nhiên trong
sáng vô ngần. Có những thiền sinh đã đạt được điều này trong đôi mắt nhìn cảnh
vật. Một đóa hoa, một áng mây chiều hay một cơn gió thoảng, tất cả hiển hiện như
một quà tặng vô giá của cuộc đời cho những ai biết cảm nhận và thưởng thức.
Nhưng những thứ đó vô nghĩa đối với người quá nặng nề ý thức mưu toan.
Thông Nhã