Bàn về thói tùy tiện của người Việt

Thiếu tính kỷ luật, đi muộn về sớm, không đúng giờ hẹn, nói to chỗ đông người... là những biểu hiện của thói tùy tiện mà người ta có thể dễ dàng nhận thấy ở người Việt.

Tùy tiện vì đâu?

Một trong những thói xấu mang tính điển hình trong tính cách người Việt được các nhà nghiên cứu chỉ ra là thói tùy tiện. Theo ông Nguyễn Hùng Vỹ (Đại học KH-XH&NV Hà Nội), thói tùy tiện của người Việt bắt nguồn từ chính điều kiện sống của họ. Theo đó, đời sống người Việt phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp mà sự đói no không hoàn toàn do ý nghĩ chủ quan và bàn tay lao động quyết định. Cho nên, thay vì tích lũy trí tuệ, người ta chỉ cần biết cách ứng xử khôn khéo với thực tiễn đó.

Chẳng hạn, người ta có thể bắt con cào cào để ăn nếu thiếu thóc gạo do bão gió, lũ lụt làm mùa màng thất bát. Đi làm đồng nhưng con khóc nên người phụ nữ nán lại ở nhà cho bú cũng không ảnh hưởng gì... Dần dần, nó tạo thành thói quen trong nếp nghĩ, nếp làm. Sau này, khi bước vào sản xuất công nghiệp, người ta vẫn mang theo thói quen đó, sinh ra thói tùy tiện: Tùy tiện nghỉ việc, không tuân thủ đúng kỷ luật về công việc, về thời gian...

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Lê Quý Đức, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chính nền sản xuất tiểu nông cùng với xã hội nông dân – nông thôn – nông nghiệp khiến cho thói tùy tiện mang tính truyền thống, truyền từ đời này qua đời khác mà đến bây giờ vẫn còn ảnh hưởng khá nặng nề.

Biểu hiện của thói tùy tiện rất đa dạng. Song theo các nhà nghiên cứu thì “sợ nhất là tùy tiện trong tư duy”. Ông Nguyễn Hùng Vỹ lấy dẫn chứng: Thời gian qua có nhiều quy định, chính sách cả khi đang là dự thảo lẫn được ban hành bị dư luận phản đối vì không sát thực tế, mang tư duy máy lạnh, ngồi trong phòng ra văn bản. Đó là biểu hiện của thói tùy tiện trong tư duy.

Như vậy, thói tùy tiện bên cạnh yếu tố truyền thống thì cũng còn do “cơ chế pháp luật chưa nghiêm minh, chế tài xử phạt những người vi phạm vì thói tùy tiện chưa chặt chẽ nên nó vẫn tiếp tục tồn tại”, ông Vỹ nêu ý kiến.

Không hiểu nên mới chê bai

Dù thừa nhận thói tùy tiện là sản phẩm có yếu tố lịch sử, gây ra rất nhiều phiền toái, tuy nhiên PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, cần có một cái nhìn công tâm hơn về thói này.

Ông dẫn giải: Ông Trần Ngọc Thêm nói trong “Cơ sở văn hóa Việt Nam” rằng, tư duy của người Việt Nam biện chứng liên quan giữa các hiện tượng với nhau cho nên không thể giải thích cái nào là nguyên nhân, cái nào là kết quả. Vì vậy, nhận thức của người ta tương đối linh ứng, linh hoạt, tạo ra nét tư duy. Nó không phải là tư duy duy lý. Có khi chỉ cần giải quyết cái gì trước mắt, cho nên nó đẻ ra sự tùy tiện.

Như vậy, thói tùy tiện ban đầu là một nết, một thói quen để thích ứng với thực tiễn (người nông dân có thể đi làm đồng từ lúc sớm tinh mơ đến tối muộn mới về, cũng có khi mới non trưa mà họ đã nghỉ vì nắng gắt; hay việc người ta sống ở ven biển, đi biển nên phải ăn sóng nói gió, nói to mới nghe được, thậm chí còn là cơ sở của hát tuồng khi người ta phải gân cổ lên hát), sau nó lại trở thành nguyên nhân gây ra những việc làm thiếu khoa học, bị phê phán (thiếu tính kỷ luật, nói lớn nơi công cộng...).

“Cái gì cũng có hai mặt và cần phải nhìn nhận thấu đáo chứ không thể chỉ nhìn phiến diện rồi đánh giá. Cứ bảo người Việt Nam tùy tiện khi nói lớn ở nơi công cộng chứ tôi có những bạn người Đức, Nga cũng bô bô chốn đông người đấy. Người ta không hiểu nên mới chê văn hóa Việt Nam. Dĩ nhiên, cũng phải “nhập gia tùy tục” chứ không thể cứ bộc lộ mình ở mọi nơi, mọi chỗ rồi đổ cho rằng văn hóa của chúng tôi nó thế được”, ông Đức nói.

Có sửa được những tính cách “dị biệt”?

Theo các nhà nghiên cứu, không một dân tộc nào chỉ toàn tính tốt và ngược lại. Cũng chưa ai làm thống kê xem mỗi dân tộc trên thế giới có những tính xấu, tính tốt nào. Song, một điều không thể phủ nhận, “chúng ta có thể bắt gặp tính xấu của người Việt ở bất cứ đâu, như ăn cắp vặt, tùy tiện vứt rác ra đường, sĩ diện, háo danh, ngồi lê đôi mách...”, theo ông Đức.

Phải chăng, người Việt xấu xí đến thế? Và có cách nào để giảm bớt, xóa bỏ những thói quen, tính xấu đó?

Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc cho rằng, sẽ thật không công bằng khi chưa có một công trình nghiên cứu nào mà đã vội kết luận người Việt xấu xí với toàn những thói quen, tính cách đáng phê phán. “Người Việt cũng nhiều tính tốt lắm chứ: Cần cù, chịu thương chịu khó, yêu chuộng hòa bình, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau... Tuy nhiên, chỉ ra những cái xấu thì thường dễ hơn vì nó là những điểm dị biệt”, ông thừa nhận.

Theo ThS Thạch Mai Hoàng, Bộ môn Nhân học, Đại học KH-XH&NV Hà Nội, tính cách có một phần yếu tố di truyền, song một phần lớn khác là do ảnh hưởng của sự giáo dục (trong gia đình, nhà trường) và môi trường xã hội tác động đến. Do đó, tính cách ấy không thể bất biến được. Ví dụ: Một đứa trẻ có thói tùy tiện vì trong gia đình, cha mẹ, anh chị cũng tùy tiện vứt rác, tùy tiện dùng đồ của người khác mà không hỏi ý kiến... Đến khi đứa trẻ đó lớn lên, đi làm trong một môi trường mà không cho phép có thói tùy tiện thì dần dần, người này cũng bỏ được cái thói tùy tiện ấy đi.

Điều đó cũng lý giải cho việc vì sao có những giai đoạn như nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc từng chỉ ra, người Việt sống chan hòa, không hề có chuyện ăn cắp vặt, chửi bới nhau như trong những năm 1946 – 1953, nhưng đến khi bước vào cơ chế thị trường thì ăn cắp vặt nổi lên nhan nhản. Đó là do lối sống thực dụng, tôn sùng giá trị vật chất đã khiến cho người ta mờ mắt trước lợi ích, trước đồng tiền. Hay người Việt được biết đến là giàu tình cảm, trọng chữ hiếu, thế mà bây giờ bao gia đình tan nát vì tranh giành tiền đền bù đất đai... Nó là những vết nhơ làm lung lay những giá trị gia đình, đạo đức xã hội.

“Rõ ràng, tính cách có thể thay đổi, bởi nó liên quan đến môi trường xã hội, sự giáo dục chứ không phải chỉ dựa vào yếu tố di truyền mà trên thực tế thì yếu tố này rất ít”, PGS.TS Lê Quý Đức nói.

Theo ông Đức, muốn thay đổi tính cách, con người cần phải đặt trong môi trường nhất định. “Nếu như cộng đồng ấy, xã hội ấy được thắt chặt kỷ cương, đạo đức xã hội, pháp luật nghiêm minh, người thực thi pháp luật không nể nang bất cứ ai, tạo ra xã hội thực sự dân chủ, minh bạch thông tin... thì những thói như ăn cắp vặt (tham nhũng cũng là ăn cắp vặt), háo danh, sĩ diện, không biết tranh luận, tùy tiện... sẽ khó có đất mà tồn tại”, ông Đức nêu quan điểm.

Còn theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ, suy cho cùng vẫn cần yếu tố làm gương của người lớn, người làm công tác lãnh đạo, quản lý xã hội. “Khi mà chính những người này vẫn còn chưa tốt thì không thể mơ xã hội bớt đi những thói quen, tính xấu được”, ông nhấn mạnh.

“Chúng ta đi vào xã hội bắt đầu hiện đại, thế nhưng thực tế chỉ máy móc hiện đại chứ cái đầu chưa hiện đại được cả về tính cách, tập quán. Thậm chí, thế hệ sau còn có một bộ phận tồi tệ hơn, âm mưu, thủ đoạn hơn thế hệ trước, muốn “cổ truyền hóa” mình đi. Muốn khắc phục, không còn cách gì khác là phải thay đổi môi trường xã hội, ở đó tất cả mọi người phải cùng có ý thức thay đổi, bên cạnh vai trò của tuyên truyền - giáo dục”.
PGS.TS Lê Quý Đức
Theo KIẾN THỨC
Previous Post
Next Post