Theo các học giả phương Tây, ngay cả máy phát hiện nói dối cũng “chào thua” những kẻ thường xuyên nói dối.
Đi tìm “công tắc” bật lương tâm
Não người được “thiết kế” sao cho nói thật dễ hơn nói dối. Nhưng nếu thường xuyên dối trá, thì bản chất chân thực của con người sẽ bị khô kiệt, “giúp” cho việc nói dối ngày một dễ dàng hơn, đến mức máy phát hiện nói dối cũng phải “bó tay”... theo tạp chí Lương tri và Hiểu biết (Consciousness and Cognition).
Nghiên cứu các ảnh chụp não bằng X quang hoặc chụp cộng hưởng từ cho thấy não người, khi họ nói dối, hoạt động tương đối mạnh hơn là khi nói thật, đặc biệt là ở vùng vỏ não trước trán, cho thấy lời nói dối đòi hỏi sự kiểm soát nhận thức tăng cường (extra cognitive control) và sự khống chế cơ chế nói thật, vốn là thuộc tính của não. Vì thế, “nói láo” thường đòi hỏi nhiều thời gian hơn là nói thật. Đó là kết luận của nhóm nghiên cứu do TS Bruno Verschuere tác giả những công trình như The Easy of Lying (tạm dịch: Nói dối như ranh), chủ trì nhóm nghiên cứu tại Đại học Ghent University , Bỉ.
Càng dối, càng “điêu”
Các học giả yêu cầu ba nhóm sinh viên trả lời các câu hỏi về hoạt động hàng ngày của họ. Nhóm thứ nhất được yêu cầu luôn nói dối khi trả lời câu hỏi. Nhóm thứ hai: vừa nói thật, vừa nói dối khi trả lời. Nhóm thứ ba được yêu cầu chỉ nói sự thật… Kết quả khảo sát này cho thấy người ta càng nói dối, càng điêu… luyện hơn, cụ thể, những ứng viên thường xuyên nói dối tỏ ra ngày càng “điệu nghệ”. Sự khác biệt thông thường về thời gian giữa trả lời theo sự thật và biến báo (nói dối) biến mất!
“Nếu trong thực tiễn, người ta nói dối nhiều (những ca nói dối có biểu hiện bệnh lý tâm thần), thì phản ứng nói thật như một thuộc tính lấn át (của não) sẽ không còn có được sức mạnh như chúng ta vẫn đề cập trên lý thuyết”, TS Ewout Meijer, giảng dạy tại Đại học Maastricht University, Hà Lan, chia sẻ với báo điện tử Newscientist.
Lừa cả máy
Nhưng theo GS tâm lý học Scott Lilienfeld, Đại học Emory University, Hoa Kỳ, kết quả nghiên cứu của nhóm TS Bruno Verschuere vẫn đặt ra thách thức nghiêm trọng, là giải pháp sử dụng máy phát hiện nói dối sẽ không đem lại kết quả chính xác trong trường hợp những kẻ “nói dối thành thần”, những ca dối trá có biểu hiện tâm thần không bình thường. “Máy phát hiện nói dối thường dùng trắc nghiệm các đối tượng tình nghi phạm tội, thường có một tỉ lệ mắc các chứng tâm thần không ổn định, kể cả bất lương do bệnh tâm thần, cao hơn là các công dân khác”, Lilienfeld nhận định.
Meijer cho rằng để cải thiện tình hình, trong thẩm vấn bằng máy phát hiện, nói dối nên trộn thêm các câu hỏi đơn giản vào, nhằm hồi phục chức năng vốn có của não là nói thật, nhờ đó mà những kẻ “nói dối như ranh” sẽ bị “lập bập”, khó tiếp tục trượt trơn tru trên con đường dối trá.
Sống chung với “Điêu Thuyền”?
Dưới góc nhìn “phó thường dân”, có một đường dẫn từ dối trá đến phạm tội. Chữ “cùng” trong câu “đường đi hay tối, nói dối hay cùng” của ông cha nay như mang thêm một sắc thái triết lý mạnh hơn, kiểu như “táng tận”. Dối trá quá thì không chỉ cộng đồng mang bệnh lý tâm thần bất ổn, đến mức mất sức đề kháng, mà còn băng hoại đến cùng cực.
Tự vấn, day dứt, “lăn tăn”, từng được coi là một thuộc tính của người Việt. Các 6X đọc “Mít đặc ở xứ Mặt trời”, hẳn đã cảm thấy cô bé Lương tâm trong sách “giống” với một bạn nữ cùng lớp, làm lớp trưởng, tổ trưởng, hay đội trưởng, luôn nghiêm trang nhắc nhở các cậu Mít đặc lười biếng, vô tâm...
Vào cấp II, học Sống mòn, thấy nhân vật San, tuy có lúc “trân tráo”, nhưng vẫn cố sống “có lương tâm”. Lớn chút nữa, xem kịch Shakespeare, choáng, vì hình tượng của “bàn tay vợ Macbeth”... Tới thời bao cấp, “trì trệ” trong nhọc nhằn tem phiếu, nhưng vẫn bức bối với khái niệm “phân phối lương tâm” qua những câu thơ, như “hàng hóa lương tâm vẫn thiếu thừa” của một nhà thơ sang ngang lãnh đạo kinh tế, “lương tâm không bằng lương lậu”... Đến thời “chụp giựt” hôm nay, vẫn còn trào lên một khinh mạn với những bộ mặt trơ tráo, hành động trơ trẽn, những “nhân cách cùn”, “chày cối” - hiện thân của quá trình đồng tiền làm trơ cùn “cơ chế lương tâm” của não...
Học giả Nga không muốn mất lòng tin vào “máy phát hiện sai” của não, học giả phương Tây kiên trì tìm cách giúp máy phát hiện nói dối bằng cách hồi phục thiên chức của não là nói thật. Học giả Mỹ nhắc nhở những hành vi gian - ác tột cùng có thể có nền móng bệnh hoạn.
Có còn đủ nội lực, ý chí trải qua liệu pháp “thuốc đắng dã tật”, để diệt virus “làm láo báo cáo hay” đang tàn phá những rường cột vững chãi của “nền văn hiến đã lâu”?