Không bao giờ thấy đủ

Gần đây tôi đọc được nhiều bài báo đáng buồn về thế giới hiện tại mà chúng ta đang có: 100% mì gói nhiễm axit oxalic kể cả mì ngoại; vấn đề vệ sinh an toàn  thực phẩm – được báo động toàn cầu, vân vân…Uhm! Nghe có vẻ “đao to búa lớn” và lo xa, nhưng rõ ràng là, chúng ta đang sống trong thế giới này, khi mà thế giới này bất ổn thì chúng ta cũng có nhiều hoang mang. Ví thế giới là cơ thể, hoặc ví quốc gia như cơ thể thì chúng ta là tế bào, tất cả tế bào thể hiện một tổng thể. Vậy nghĩa là, khi thế giới bất ổn, thể hiện rằng mỗi tế bào đã bị mục ruỗng từ lâu đúng không? Cơ thể đổ bệnh, nghĩa là nó đã tích tụ chất độc từ lâu… Và đừng bảo đó là chuyện của quốc gia hay của thế giới, vì bạn là một phần của thế giới, thế giới ô nhiễm thì bạn hít không khí, quốc gia chiến tranh thì chúng ta phải đi lính và chịu đau thương đấy.

Người ta hay nói “Lòng tham không đáy”. Từ nhỏ chúng ta đã được học qua quá nhiều mẫu chuyện nói về lòng tham, thế nhưng nó chả đọng lại được cái cóc gì trong đầu chúng ta cả. Lòng tham xây dựng nên một thế giới mà chúng ta đang có. Sâu xa của các vấn đề đầu tư quốc tế chỉ nhằm thu lợi nhuận riêng cho sự tham lam của các tập đoàn, mà nói rõ ra là của mấy ông chủ.

Ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, tất cả các thực phẩm báo động về độ an toàn, con người đối xử với nhau tàn nhẫn – vô tâm – vô cảm, nô lệ cho công nghệ, mờ mắt với những đồng tiền… Chả có gì lạ, những điều này mấy vĩ nhân đi trước đã nói hết rồi, nhưng chúng ta không “thức tỉnh”. Thực sự là không thể sao?

Làm sao để chúng ta thức tỉnh? Thế giới mà chúng ta đang có với đầy rẫy sự tham lam? Bao giờ thì chúng ta mới biết đủ và dừng lại? Không phải là cả thế giới sẽ thấy đủ, mà là một số lượng phù hợp để giữ cho thế giới này không hỗn loạn như ngày hôm nay là cần thiết.

Bao giờ thì chúng ta thôi những trò nhảm nhí này? Tôi đã từng nghĩ, một khi có đủ tiền thì sự tham lam sẽ giảm xuống và bất ổn sẽ ít xảy ra hơn, nhưng tôi đã lầm. Ngày xưa con người không tham lam như bây giờ, mặc dù xài đèn dầu và xe ngựa và những lá thư. Còn bây giờ, sự hiện đại làm chúng ta tha hóa. Từ con nít trẻ nhỏ tham gia những khu vực ăn chơi đến những người lớn cắm đầu làm vì tiền để được xã hội coi trọng. Chúng ta hùa nhau sống theo những cái hào nhoáng quá ấu trĩ mà tưởng là hay.

Chuyện không tự nhiên xảy ra, mà nó đã suy thoái tâm hồn từ đời nào rồi. Những người yêu nhau không bao giờ thấy đủ, những đứa con không bao giờ thấy cha mẹ chúng thương chúng đủ, tiền trong túi mỗi người vẫn không thấy đủ khi mà có hàng triệu món hàng ngoài kia họ không thể mua. Và đương nhiên là, chúng ta chả bao giờ thấy đủ hạnh phúc. Ngày nào cũng có những thứ làm chúng ta khó chịu, và chúng ta chạy trốn, đi tìm niềm vui khác. Hôm nay, ông bà già chửi bực quá, trường học làm ăn chả ra sao bực quá, thằng bồ hay con bồ bữa nay hành động cái kiểu “không phải phép”, thấy ghét; hôm nay chia tay thằng bồ, con bồ, sẽ có một chuỗi thời gian dài đau khổ đây…

Vâng, chúng ta tự cho mình cái quyền “cảm thấy đau khổ”, “cảm thấy chưa đủ”. Thực ra thì nó chả có cái đếch gì ích lợi cả. Thế nhưng một vài cá nhân vẫn cứ nói với tôi: Bạn đâu có trải qua giống mình, bạn đâu có bị thất tình, bạn đâu có, bạn thử bị đi rồi hãy nói!…blah blah blah. Viện cớ đi, tiếp tục đi, và chúng ta sẽ là người đau khổ, chả phải ai khác cả. Dừng lại mọi tham lam đi, dừng lại mọi suy nghĩ của tâm trí đi, có được không?

Từ những cái nhỏ, chúng ta cảm thấy chưa đủ, và thế là chúng ta sinh ra những cái lớn đầy tham lam, tích tiểu thành đại, đó là một thế giới căng thẳng mà chúng ta có.

Không bao giờ có sự “đủ”. Lòng tham là vô đáy – không thể thỏa mãn. Đừng bao giờ đợi cho đến khi người ta đủ yêu thương mình rồi hãy đáp trả, đừng bao giờ chạy theo đồng tiền để bán rẻ nhân cách hay tham vọng vì quyền lực, vì một khi thần chết gõ cửa, mọi thứ đều là vô nghĩa mà thôi. Sẽ không bao giờ có chuyện “đủ” ở đây – thế giới này! Đừng kiếm, đừng ảo tưởng chờ đến khi đủ rồi thì “sẽ”. Cơ hội có thể sẽ không bao giờ đến nữa. Và nếu một ngày, chúng ta không còn cơ hội để sửa sai nữa, vì đang hấp hối nằm trên giường của bệnh viện, ắt hẳn sẽ hối hận lắm…

Liệu một cuộc sống có cơm ăn mỗi ngày, có nhà để trú mưa trú nắng, có bạn bè để chơi, có hàng xóm để quan tâm, có cha mẹ để vâng lời – yêu thương, có anh em để nô đùa, có sách để đọc, có đường để đi, có nhạc để nghe, có bàn tay ai đó để nắm, có thể tắm dưới mưa, có hàng cây để tựa mỗi chiều tà, có ánh nắng vàng và chiếc lá rơi, có tiếng chim hót, có tiếng suối róc rách, có chú chó vẫy đuôi ở nhà, có cô vợ nấu cơm, có đứa con nô đùa ngoài sân, có chuyện để kể cho gia đình trong mỗi bữa cơm tối…Và, còn nhiều lắm! Có lẽ nào, nhiêu đó là chưa đủ hay sao? Tôi nghĩ, chả lẽ nhiêu đó chưa đủ để thấy hạnh phúc hay sao?

Giữa những điều đơn giản và những điều cao siêu. Bạn hãy chọn lựa. Cuộc đời này là của bạn.

Và như một câu chuyện bên nhà Phật đã kể, một người đi kiếm tìm hạnh phúc nhiều năm trời, và trong khi đang cực kì thất vọng, may mắn anh ta gặp đức Phật rồi hỏi ngài: Thưa ngài, hạnh phúc đời người là ở đâu? Đức Phật trả lời: Từ nơi mà cậu xuất phát. Anh ta quay trở về nhà, thấy chiếc dép cũ kĩ đã sờn của mẹ già nằm ngửa trước cửa, và ngay trong cái khoảnh khắc đó, đôi mắt anh ta ngấn lệ, anh ta đã biết hạnh phúc thực sự là gì.

Tôi nói vậy thôi, xin chào…

Previous Post
Next Post