Nghệ sĩ không nhất thiết phải là nhà tư tưởng. Nhưng nghệ sĩ vĩ đại trong mức độ này hay mức độ kia là nhà tư tưởng, nhất là đối với nhà văn, nhà tiểu thuyết.
Nghệ thuật là lĩnh vực của trí tưởng tượng, của tình cảm, của cảm xúc, nhưng nghệ thuật khác cái đẹp. Immanuel Kant đã phân biệt điều này rất rõ. Nhiều người nghĩ rằng Kant chủ trương cái đẹp là vô vị lợi, không dính dáng đến tư duy khái niệm nên cũng coi nghệ thuật chỉ là lĩnh vực của sự ngẫu hứng, của khoái cảm thẩm mỹ, của cái đẹp vô tư (“nghệ thuật vị nghệ thuật”). Đó là sự nhầm lẫn lớn. Quả thật Kant đã viết: “Cái đẹp là cái gì được hình dung như đối tượng của sự hài lòng phổ biến, độc lập với mọi khái niệm”(1).Nhưng đó là nói về cái đẹp(2). Còn khi nói về nghệ thuật, Kant cho rằng ở đây “Phán đoán sở thích vẫn dựa trên một khái niệm, dù rằng đó là một khái niệm không được xác định”(3). Phán đoán thẩm mỹ dựa trên một khái niệm không được xác định ấy chính là cốt lõi của “Tài năng thiên bẩm” trong sáng tạo nghệ thuật mà Kant gọi là “Ý niệm thẩm mỹ”. Ý niệm thẩm mỹ cũng gắn với khái niệm, nhưng “Một ý niệm thẩm mỹ không thể trở thành một nhận thức, vì nó là một trực quan (của trí tưởng tượng) mà không một khái niệm tương xứng nào có thể được tìm ra cho nó”(4). Vấn đề bản chất của tư duy nghệ thuật, đặc điểm của yếu tố chủ quan như là nguồn gốc trực tiếp của nội dung nghệ thuật mà Kant đã đề cập đến trong khái niệm Ý niệm thẩm mỹ về sau đã được các nhà lý luận văn học Nga đặt ra trong những nghiên cứu của mình. M.M. Bakhtin gọi đó là “Tư duy ý chí – tình cảm [Emotxionalno-volevoemưslenie] (Tư duy giọng điệu) [intoniryuishee mưslenie]”(5), G.N. Pospelov gọi là “Cảm quan tư tưởng” [ideologitseskoe mirosozertxanie](6).
Tuy không phải là tư duy khái niệm nhưng do bản chất của nó, ý niệm thẩm mỹ chịu tác động rất lớn của những tư tưởng, hệ thống quan điểm lý luận của nhà văn. Tầm cỡ và sự sâu sắc của những tư tưởng này ảnh hưởng đến tầm cỡ của tác phẩm và sự vĩ đại của nhà văn. Tính đúng đắn hay sai lầm của quan điểm lý luận có thể làm sâu sắc thêm hoặc làm hại tính chân lý lịch sử hay tính thiện luân lý của tác phẩm. L.N. Tolstoi là một trong những nhà văn mà chính kiến và bản thân sáng tác nghệ thuật của ông giúp chúng ta hiểu sâu sắc thêm điều đó.
L. Tolstoi đã từng viết: “Nhà văn nào không có một quan điểm rõ ràng, xác định và mới về thế giới, hơn nữa lại cho rằng thậm chí điều đó là không cần thiết, thì anh ta không thể mang lại những tác phẩm nghệ thuật”(7). L. Tolstoi đã bỏ ra 15 năm để suy nghĩ, nghiền ngẫm và viết tiểu luận “Nghệ thuật là gì”, trong đó ông không chỉ trình bày những quan niệm về nghệ thuật mà cả những quan niệm triết học, đạo đức, xã hội của mình. Sau khi hoàn thành cuốn sách, ông viết trong Nhật ký ngày 31/12/1897: “Công việc của tôi khi viết “Nghệ thuật” (tức cuốn “Nghệ thuật là gì?”- L.N.T.) đã làm tôi hiểu rõ thêm nhiều điều. Nếu trời cho tôi còn viết những tác phẩm nghệ thuật thì chúng sẽ hoàn toàn khác. Và viết chúng cũng sẽ vừa nhẹ nhàng, vừa khó khăn hơn. Để xem sao”(8). Như chúng ta thấy, đối với L. Tolstoi, trăn trở để có một hệ thống quan niệm “rõ ràng và xác định” về thế giới, về nghệ thuật có ảnh hưởng rất quan trọng đối với sáng tác nghệ thuật.
Bản thân L. Tolstoi không chỉ là nghệ sĩ. Ông còn là nhà tư tưởng. L. Tolstoi có cả một học thuyết về xã hội, tôn giáo, đạo đức và thẩm mỹ. Suốt cuộc đời ông ôm ấp lý tưởng nhân đạo gắn với Chúa trời, với tình yêu, tình anh em, liên kết tất cả mọi người. Để làm được điều đó, L. Tolstoi chủ trương con người phải tự hoàn thiện mình và biết yêu thương. “Cuộc sống chân chính - ông viết - nằm trong sự vận động tiến lên phía trước, trong sự hoàn thiện mình và hoàn thiện cuộc sống của thế giới thông qua việc hoàn thiện những người khác”(9). Khác với triết gia và thi sĩ Nga V. Soloviev ca ngợi tình yêu “như là biện minh và cứu vớt cá nhân bằng sự hy sinh chủ nghĩa vị kỷ”, như “một biểu hiện cao nhất của sự sống cá thể đã tìm thấy trong thể kết liên với một sinh linh khác cái bản chất vô tận vô biên của chính mình”(10), F. Dostoievsky và L. Tolstoi coi tình yêu như sự cứu rỗi, như phương tiện để kết nối con người, để thay đổi xã hội. “Sự nghiệp vĩ đại của tình yêu và khai sáng chân chính - F. Dostoievsky viết – Đó là mơ tưởng của tôi”(11). Ông cho rằng: “Để có được nguyên lý tình anh em, tình yêu, cần phải yêu thương. Cần làm sao hướng cái bản năng nhất đến tình anh em, đến cộng đồng, sự đồng thuận…”(12).
L. Tolstoi cũng có những quan điểm tương tự. Ông viết: “Tôi chờ đợi và mơ ước, và không chỉ mơ ước mà còn cố gắng, về một tiến bộ quan trọng duy nhất khác – đó không phải là có điện, là bay vào không trung, mà là tiến bộ của tình anh em, của sự kết liên, của tình yêu, của sự xác lập vương quốc Chúa trời trên mặt đất”(13).Ngày 15/2/1895, L. Tolstoi ghi trong nhật ký: “Chúa trời đã giúp đỡ tôi; giúp bằng cách hiện ra trong tôi, dù còn yếu ớt, như là tình yêu, tình yêu đối với những cái mang lại cho chúng ta điều ác”(14).
Vậy phải chăng L. Tolstoi chủ trương không chống lại điều ác? Ông giải thích: “Tôi nói không nên chống lại bạo lực bằng bạo lực, những người phản đối tôi lại nói rằng tôi nói không nên đấu tranh với cái ác?”(15). L. Tolstoi nói rõ hơn quan điểm của ông ở một chỗ khác. Ông cho rằng trong tình trạng nước Nga khắp nơi đói rách và ngu dốt, cái xấu cái ác lan tràn, người ta thường chọn hoặc là dùng bạo lực để chống lại hoặc là đứng về phe chính quyền. Nhưng theo ông cả hai lối thoát đều đóng kín, bởi vì “không thể phá bỏ tất cả bằng bạo lực – nó chỉ làm tăng thêm phản ứng chống lại mà thôi; còn vào đứng chung hàng ngũ với chính quyền cũng không được vì nó sẽ trở thành công cụ của chính quyền. Còn lại chỉ một cách: đó là đấu tranh với chính quyền bằng vũ khí của tư tưởng, của lời nói, của hành động trong cuộc sống, chứ không lùi bước trước nó, cũng không đứng chung hàng ngũ với nó, không làm tăng thêm sức mạnh cho nó. Chỉ cần một điều này thôi và chắc chắn sẽ có kết quả”(16).
Những tư tưởng chính trị, xã hội, đạo đức, quan điểm triết học của L. Tolstoi để lại dấu vết rất rõ trong sáng tác của nhà văn và tạo nên tầm cỡ, tính khái quát, đem lại ý nghĩa toàn nhân loại cho những tiểu thuyết của ông. Không có những chiêm nghiệm sâu sắc về lịch sử, về nhân dân, về vai trò của cá nhân và quần chúng, về tiến bộ, về con đường phát triển xã hội sẽ không có Chiến tranh và hòa bình với những giá trị to lớn của nó. Không có những triết lý sâu xa về cái thiện và cái ác, về hạnh phúc và khổ đau, về cách để hoàn thiện mình từ đó hoàn thiện thế giới, không có những quan niệm và trăn trở về lối thoát cho xã hội Nga nghèo đói và chìm trong tăm tối cũng sẽ không có “Phục sinh” với những ý nghĩa xã hội và đạo đức mãi mãi trường tồn của nó.
Quan điểm triết học của L. Tolstoi về con người và xã hội chi phối quan điểm thẩm mỹ của ông rất rõ rệt. Nghệ thuật theo L. Tolstoi phải được hướng đạo bằng tôn giáo, thấm nhuần ý thức tôn giáo, không phải tôn giáo của Nhà thờ chính thống mà là tôn giáo của tình yêu thương, tình anh em, tình nhân loại. Chính vì vậy trong bản chất của nó, nghệ thuật có hai điểm quan trọng. Thứ nhất, nghệ thuật là sự giao cảm, là giao tiếp bằng tình cảm: “Tính giao cảm là dấu hiệu hết sức rõ ràng của nghệ thuật, mức độ của tính giao cảm cũng là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá phẩm chất của nghệ thuật”(17);“Nghệ thuật là hoạt động giao cảm, nghệ thuật càng có sức giao cảm lớn thì càng tốt”(18).Vì sao tính giao cảm lại được xem là đặc điểm quan trọng nhất của nghệ thuật? L. Tolstoi viết trong tiểu luận Nghệ thuật là gì?: “Nghệ thuật, bất kỳ nghệ thuật nào tự bản thân nó cũng có đặc tính là kết nối con người. Nghệ thuật nào cũng làm cái việc là những người tiếp nhận tình cảm do nghệ sĩ truyền đạt tự kết nối bằng tâm hồn, trước hết là với chính nghệ sĩ và sau đó là với tất cả những người cùng nhận được ấn tượng chung đó”(19); “Nghệ thuật phải làm sao để tình cảm anh em và tình yêu đối với những người gần gũi ngày nay không chỉ là phẩm chất của những phần tử ưu tú trong xã hội mà trở thành những tình cảm quen thuộc, thành bản năng của tất cả mọi người”(20). Những ý kiến trên đây giải thích vì sao L. Tolstoi chọn khả năng giao cảm làm dấu hiệu cơ bản nhất của nghệ thuật.
Thứ hai, một khi nghệ thuật là giao cảm thì tính chất của tình cảm được nghệ sĩ truyền đạt, theo L. Tolstoi vô cùng quan trọng. Ông viết: “Tuy nghệ thuật nói chung là sự truyền đạt bất cứ tình cảm nào nhưng trong ý nghĩa chặt chẽ của từ này, chúng ta chỉ gọi những tác phẩm truyền đạt những tình cảm được chúng ta công nhận là quan trọng mới là nghệ thuật”(21). Chính từ đây L. Tolstoi coi đạo đức là vấn đề quan trọng số một của nghệ thuật: “Mỹ học là thể hiện của luân lý, tức là nói theo cách Nga: nghệ thuật thể hiện những tình cảm mà nghệ sĩ trải qua. Nếu những tình cảm này tốt, cao cả thì nghệ thuật cũng sẽ tốt và ngược lại. Nếu nghệ sĩ là con người có đạo đức thì nghệ thuật của anh ta sẽ có đạo đức và ngược lại”(22).
Xuất phát những quan điểm thẩm mỹ trên đây, L. Tolstoi đã đề ra tiêu chuẩn đánh giá tác phẩm nghệ thuật. Trong suốt nhiều năm, ông luôn luôn nhắc đi nhắc lại ba yếu tố quyết định phẩm chất của tác phẩm: “Ba điều kiện của tác phẩm nghệ thuật chân chính là: 1) Thái độ đúng đắn, tức là có đạo đức của tác giả đối với đối tượng, 2) Vẻ đẹp của hình thức, 3) Sự chân thành, tức là tình yêu đối với cái tác giả mô tả”(23). Căn cứ vào những tiêu chuẩn trên đây, L. Tolstoi xem xét và đánh giá các nhà văn và sáng tác của họ. Chẳng hạn trong lời tựa viết cho tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Pháp Guy De Maupassant, L. Tolstoi cho rằng Maupassant là người viết có tài, có khả năng quan sát tinh tế, biết cách thể hiện những điều mình muốn nói một cách giản dị, rõ ràng và đẹp. Maupassant cũng viết rất chân thành, không điệu bộ, bộc lộ sự yêu ghét rõ ràng. Tuy nhiên theo L. Tolstoi, một số truyện ngắn của ông hoàn toàn đánh mất tiêu chuẩn đầu tiên vốn là “điều kiện gần như chủ yếu để xác định phẩm chất của tác phẩm nghệ thuật” tức là thái độ đúng đắn, đạo đức của nhà văn đối với cái được miêu tả. L. Tolstoi viết: “Ông ấy (tức Maupassant – LNT chú) yêu và miêu tả cái mà lẽ ra không nên yêu và miêu tả cũng như không yêu và không miêu tả cái mà lẽ ra cần phải yêu và miêu tả”(24). Chẳng hạn trong truyện Vợ của Paul (La femme de Paul) Maupassant “không chỉ vô cảm mà còn khinh miệt, mô tả những người dân lao động nông thôn như những con vật”(25).
Như chúng ta thấy, không phải ngẫu nhiên L. Tolstoi đưa ra những tiêu chuẩn trên. Chúng bắt nguồn từ những quan điểm chính trị – xã hội của nhà văn, gắn chặt với quan niệm thẩm mỹ của ông, với cách hiểu của ông về nghệ thuật. L. Tolstoi không quan tâm nhiều đến chủ nghĩa hiện thực, thậm chí ông còn cho rằng “chủ nghĩa hiện thực làm yếu đi ý nghĩa”(26). Cái ông đề cao không phải là tính chân thực của sự mô tả mà là tính chân thực của người cầm bút, tức là sự chân thành như ông đã viết và đặc biệt là tính chân lý lịch sử (chứ không phải tính chân lý nhận thức) của những phán xét đạo đức mà nhà văn dành cho đối tượng được miêu tả. Đây không chỉ là đóng góp của L. Tolstoi về mỹ học và lý luận văn học mà còn là gợi ý quan trọng đối với người sáng tác.
Tuy nhiên lập trường đạo đức của L. Tolstoi cộng với những quan điểm mang tính chất dân túy của ông về văn hóa, phủ nhận nghệ thuật quý tộc, cổ vũ cho tính dễ hiểu như phẩm chất bắt buộc của tác phẩm nghệ thuật (27) làm cho ý kiến của ông nhiều khi cực đoan và đầy thiên kiến. Chẳng hạn ông cho rằng âm nhạc là nghệ thuật đầu tiên, sớm hơn cả khuynh hướng suy đồi trong thơ ca, chủ nghĩa tượng trưng trong hội họa đã đi lạc khỏi con đường chính đạo, rơi vào ngõ cụt và người đầu tiên làm điều đó chính là nhạc sĩ thiên tài Beethoven. Ông viết: “Tất cả những tài năng lớn này: Goethe, Shakespeare, Beethoven, Michenlangelo song song với những kiệt tác đã sản sinh ra những cái không chỉ là tầm thường, mà còn là ghê tởm. Những nghệ sĩ hạng trung tạo ra những thứ hạng trung và không bao giờ tạo ra những cái thật tệ hại. Còn thiên tài được mọi người công nhận thì sản sinh ra hoặc là những tác phẩm đúng là vĩ đại thật hoặc những thứ hoàn toàn nhảm nhí. Shakespeare, Goethe, Beethoven, Bach,…”(28).
Đặc biệt, L. Tolstoi hết sức ác cảm với Shakespeare. Cả trong nhật ký, thư từ và bài báo về Shakeapeare, ông luôn luôn biểu thị một thái độ bất công đối với nhà viết kịch lỗi lạc của nước Anh. Tháng 1 năm 1896 trong một bức thư gửi nhà phê bình nghệ thuật I. Strakhov, ông viết: “Mấy hôm rồi để kiểm tra lại nhận xét của mình về Shakespeare, tôi đã đọc “Hamlet”, “Vua Lia”, và nếu tôi đã từng có chút ít hoài nghi rằng tôi đã ghét Shakespeare không đúng thì bây giờ sự hoài nghi này hoàn toàn biến mất. “Hamlet” quá ư là một tác phẩm thô thiển, phi luân, tồi tệ và vô nghĩa”(29).
Bảy năm sau (1903), trong bài báo Về Shakespeare và về kịch, L. Tolstoi lại còn nói kỹ và nặng nề hơn: “Tôi còn nhớ tôi đã ngạc nhiên như thế nào khi lần đầu đọc Shakespeare. Tôi hy vọng sẽ có được một khoái cảm thẩm mỹ lớn. Nhưng sau khi lần lượt đọc xong những tác phẩm được xem là hay nhất của Shakespeare như “Vua Lia”, “Romeo và Juliet”, “Hamlet”, “Macbet” không những tôi không thấy có chút khoái cảm nào mà còn cảm thấy ghê tởm một cách khủng khiếp, thấy chán và hoài nghi là liệu có phải tôi điên không khi coi những tác phẩm được toàn thể thế giới có học vấn xem như đỉnh cao của sự hoàn thiện, là những tác phẩm vô nghĩa và quả thật rất tệ hại, hay là chính cái ý nghĩa mà toàn bộ thế giới có học vấn này gán cho các tác phẩm của Shakespeare là điên rồ. Sự hoài nghi này càng tăng bởi chỗ tôi thấy mình luôn luôn cảm được hết sức sinh động vẻ đẹp của thi ca trong tất cả các hình thức của nó, vậy thì tại sao tôi không chỉ không thích mà còn ghê tởm những tác phẩm đã được toàn thế giới coi như những tác phẩm thiên tài của Shakespeare”(30) L. Tolstoi đối chiếu sáng tác của Shakespeare với ba tiêu chí đã nêu trên và đi đến kết luận: “Các tác phẩm của Shakespeare không đáp ứng được yêu cầu của bất kỳ nghệ thuật nào cả và ngoài ra, khuynh hướng của chúng thì hết sức thấp hèn, vô đạo đức”(31).
L. Tolstoi là nhà văn đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn trong triết học, trong học thuyết về tôn giáo, về xã hội, về đạo đức, mâu thuẫn ngay trong quan niệm thẩm mỹ của ông. Bàn về nghệ thuật, ông viết: “Nghệ thuật không phải là khoái cảm, là sự an ủi hay trò vui, nghệ thuật là một sự nghiệp vĩ đại. Nghệ thuật là giác quan của sự sống của nhân loại, có nhiệm vụ biến nhận thức lý trí của con người thành tình cảm”(32). Nhưng có khi ông lại thốt lên làm chúng ta không khỏi kinh ngạc: “Toàn bộ cái gọi là nghệ thuật – đó là một điều ác khổng lồ, một điều ác được đưa thành hệ thống… Cho dù những gì tôi nhận được ở cái gọi là nghệ thuật quan trọng đến chừng nào thì dẫu vậy, bây giờ nếu tôi có phải chọn lại một lần nữa giữa nghệ thuật như người ta vẫn hiểu với không có nghệ thuật thì chắc tôi sẽ chọn cái sau cho chính mình cũng như cho bất kỳ những ai mà tôi mong cho họ tốt lành”(33).
Mâu thuẫn trong thế giới quan nhất là ở các nhà văn lớn, không phải lúc nào cũng là hiện tượng tiêu cực, cần phải khắc phục như lâu nay vẫn được viết trong các giáo trình lý luận văn học mac-xit, được giảng dạy ở các trường đại học nước ta. Ngược lại nó chỉ chứng tỏ sự phong phú và phức tạp của thế giới tinh thần của nghệ sĩ, chứng tỏ sự trăn trở, không ngừng suy nghĩ, không ngừng tìm kiếm của người sáng tạo. Bản thân L. Tolstoi, bên cạnh nhà truyền giáo là một nghệ sĩ thực sự, một “Tài năng thiên bẩm” với “Ý niệm thẩm mỹ” tuyệt vời, nói theo khái niệm của Kant. Ông luôn luôn dành ưu tiên cho sự quan sát trực tiếp cuộc sống, quan sát con người với tất cả sự đa dạng và chiều sâu của nó. Ông viết: “Mục đích chủ yếu của nghệ thuật, nếu có nghệ thuật và nghệ thuật quả là có mục đích, thì mục đích đó là làm sao thể hiện cho được, nói lên cho được những bí ẩn mà không thể nói bằng những lời đơn giản. Nghệ thuật chính là như vậy. Nghệ thuật là kính hiển vi giúp nghệ sĩ nhìn thấy những bí ẩn của tâm hồn mình và trình bày những bí ẩn chung đối với tất cả ấy cho mọi người”(34).
Chính nhờ quan sát cụ thể như vậy nên trái với nhà đạo đức L. Tolstoi luôn luôn xét con người trên hai cực thiện và ác, nghệ sĩ L. Tolstoi nhìn con người như một sinh thể phức tạp, một số phận, một cái gì luôn luôn biến đổi. Ngày 3/2/1898, tức là lúc đã bảy mươi tuổi, L. Tolstoi ghi trong nhật ký: “Một trong những lầm lẫn thường gặp nhất là ở chỗ cứ coi người ta là tốt, độc ác, ngu, thông minh. Con người luôn luôn biến đổi và trong nó chứa đựng tất cả mọi khả năng: có thể ngu rồi trở thành thông minh, có thể ác rồi trở thành tốt và ngược lại. Sự vĩ đại của con người là ở đó. Và bởi vậy không thể phán xử con người. Anh ta là người như thế nào? Trong khi anh lên án thì anh ta đã khác rồi; Cũng không thể nói: tôi không yêu. Anh nói xong người ta đã khác(35).
Hơn một tháng sau, ngày 21/3/1898, L. Tolstoi lại tiếp tục ý nghĩ ấy: “Giá mà viết được một tác phẩm nói lên cho rõ sự diễn biến của con người thì thật tốt, nói lên cho được rằng cũng con người đó thôi nhưng khi là một kẻ độc ác, khi thì là thiên thần, khi thì sáng suốt, khi thì ngu ngốc, khi thì như chàng lực sĩ, khi thì chỉ là một sinh thể yếu đuối… Mỗi người cũng như tất cả mọi người, không có ai mặt nào cũng đều hoàn thiện…”(36).
Chính vì hiểu con người như vậy, hiểu văn học như vậy, nên mặc dù vẫn coi văn học chính trị, tức văn học trực tiếp lên tiếng về những vấn đề xã hội cấp bách, đang diễn ra là cần thiết, L. Tolstoi cho rằng có một thứ văn học khác quan trọng hơn, có ý nghĩa to lớn hơn, vĩnh cửu hơn. Trong bài phát biểu ở Hội Người yêu văn học Nga (1859), ông nói: “Dù ý nghĩa của văn học chính trị phản ánh những mối quan tâm hiện thời của xã hội có vĩ đại như thế nào, dù nó cần thiết đối với sự phát triển của nhân dân như thế nào thì vẫn có một thứ văn học khác phản ánh trong nó những quan tâm vĩnh cửu, toàn nhân loại, phản ánh ý thức quý giá nhất, sâu xa nhất của nhân dân, một thứ văn học gần gũi với con người của mọi dân tộc, mọi thời đại, một thứ văn học mà nếu không có nó thì không dân tộc nào có sức mạnh và sức sống có thể phát triển”(37).
Để có một thứ văn học có giá trị toàn nhân loại và vĩnh cửu ấy, nhà văn phải là người đi tìm. Tìm tòi cả về tư tưởng và nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên, L. Tolstoi coi sự chân thành như một điều kiện bắt buộc của sáng tác nghệ thuật. Mọi tìm tòi dù sai dù đúng nếu chân thành đều được trân trọng. Sức sống, cái hay của tác phẩm nghệ thuật có được phần lớn cũng nhờ ở sự tìm tòi chân thành của người cầm bút. L. Tolstoi đã nói về điều này hết sức sâu sắc: “Để tác động được lên người khác, nghệ sĩ cần phải là người đi tìm, tác phẩm của anh ta cũng là sự đi tìm. Nếu anh đã tìm thấy hết rồi, biết hết rồi và thuyết dạy hay cố tình an ủi, anh sẽ không tác động được. Chỉ khi nào anh đang đi tìm thì người xem, người nghe, người đọc mới hoà chung với anh cùng đi tìm”(38).
L.N. Tolstoi là người đi tìm. Tìm chân lý, tìm con đường giải thoát nước Nga, tìm cội nguồn của hạnh phúc và đau khổ, tìm đến Chúa Trời mà không cần qua Nhà thờ, tìm cách chống lại điều ác mà không dung bạo lực, tìm cách để hoàn thiện mình. Suốt cuộc đời L. Tolstoi luôn trăn trở, ăn năn. Ngoài tám mươi tuổi ông vẫn bỏ nhà ra đi trong đêm tối, đi tìm. Sức sống của sáng tác L. Tolstoi một phần có lẽ là ở chỗ nó không phải là sự diễn đạt những tư tưởng có sẵn mà thể hiện sự trải nghiệm của một con người trong cuộc hành hương đi tìm cái Thiện và ý nghĩa của cuộc sống. Ở đây nghệ sĩ và nhà tư tưởng hoà chung làm một và đều cùng đang đi tìm. Đó chính là cái góp phần tạo nên sự vĩ đại của L. Tolstoi1
(1) I. Kant: Phê phán năng lực phán đoán. (Bùi Văn Nam Sơn dịch). Nxb. Tri Thức, H, 2007, tr.75.
(2) Nhà mỹ học Canada F. Sparshort trong cuốn Cấu trúc của mỹ học, cũng cho rằng chính Schiller là người đầu tiên tạo ra sự hiểu lầm này: “Cái mà Kant nói về cái đẹp thì ông (tức Schiller – LNT) áp dụng vào nghệ thuật” (F. Spashort: The Structure of Aesthetics, University of Toronto Press, 1970, p.206). Ý kiến Schiller đã dẫn đến nhiều lẫn lộn về sau.
(3), (4) I. Kant: Phê phán năng lực phán đoán. Sđd tr.326, 328.
(5) M.M. Bakhtin: Tiến tới Triết học của hành động (tiếng Nga), tr.107.
(6) G.N. Pospelov: Lý luận văn học (tiếng Nga), M. 1978, tr.86.
(7) L.N. Tolstoi toàn tập (tiếng Nga), tập 30, M. 1951, tr.19.
(8), (9) L.N. Tolstoi toàn tập, tập 22, M. 1985, tr.81, 7.
(10) V.S. Soloviev: Siêu lý tình yêu (Phạm Vĩnh Cư dịch). Nxb. Văn hoá – Thông tin, H, 2005, tr.244, 275.
(11) Di sản văn học, tập 83 (Dostoievsky chưa xuất bản) [tiếng Nga ], M. 1971, tr.523.
(12) F.M. Dostoievsky toàn tập, tập 5, tr.80.
(13) L.N. Tolstoi toàn tập, tập 22 [tiếng Nga], M. 1985, tr.19.
(14), (15), (16) Sđd., tập 22, tr.9, 93, 9.
(17) Sđd., tập 15, tr.165.
(18) Sđd., tập 22, tr.93.
(19), (20), (21) Sđd., tập 15, tr.173, 211, 202-203.
(22) Sđd., tập 22, tr.56.
(23), (24), (25) Sđd., tập 15, tr.229, 226-227.
(26) Sđd., tập 22, tr.39.
(27) L.N. Tolstoi nhiều lần nhắc đi nhắc lại quan điểm của ông về các vấn đề này.
- “Người ta thường nghĩ rằng đạo đức như bông hoa nở trên mảnh đất văn hoá. Chính là ngược lại. Văn hoá chỉ phát triển khi không có tôn giáo và bởi vậy nó không có đạo đức” (Sđd., Tập 22, tr.127).
- “Âm nhạc nhà thờ hay là bởi vì ai cũng hiểu được. Không nghi ngờ gì rằng chỉ cái gì mọi người đều hiểu mới là hay. Và bởi vậy chắc chắn là: càng dễ hiểu càng tốt” (Sđd., Tập 22, tr.59).
- “Không thể nói về nghệ thuật như thế này: đó là anh chưa hiểu mà thôi. Nếu người ta không hiểu thì có nghĩa là tác phẩm nghệ thuật đó chưa được, bởi vì nhiệm vụ của nó là ở chỗ làm sao biến cái không hiểu thành cái có thể hiểu được” (Sđd., Tập 22, tr.55).
(28) Sđd., Tập 22, tr.46-47.
(29) L.N. Tolstoi về văn học (tiếng Nga). Nxb. Văn học, M. 1955, tr.308.
(30) L.N.Tolstoi toàn tập (22 tập), tập 15, tr.258-259.
(31), (32) Sđd., tập 15, tr.300, 210.
(33) L.N. Tolstoi toàn tập, 30 tập (tiếng Nga), tập 30, tr.211-212.
(34) L.N.Tolstoi toàn tập, 22 tập (tiếng Nga), tập 15, tr.45.
(35), (36) Sđd., tập 22, tr.84, 86.
(37) Sđd., tập 15, tr.8.
(38) Sđd., tập 22, tr.128.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1/2011.Bản vi tính Copyright © 2013 - PHÊ BÌNH VĂN HỌC