. …Một lữ khách giữa thảo nguyên bị một con thú tấn công điên rồ. Chạy trốn con thú, lữ khách nhảy xuống một cái giếng cạn, nhưng trông thấy dưới đáy giếng một con rồng đang há miệng chờ ngấu nghiến anh ta. Và con người bất hạnh, không dám chui lên trên để khỏi phải chết bởi con dã thú cuồng điên, và cũng không dám nhảy xuống đáy giếng để khỏi bị con rồng ngấu nghiến, liền vồ lấy một bụi cây dại mọc ra từ khe giếng và giữ chặt lấy nó. Tay lữ khách yếu dần, và anh ta cảm thấy sắp phải nộp mình cho thần chết đương chờ anh ta từ hai phía; nhưng anh vẫn cố giữ, và trong khi cố giữ, anh ngoái nhìn xung quanh và nhìn thấy hai con chuột nhắt, một trắng, một đen, bò đều đều xung quanh bụi cây và gặm thân cây. Chỉ một lát nữa bụi cây sẽ gẫy đứt, và anh ta sẽ rơi vào miệng rồng. Lữ khách nhìn thấy tất cả và biết rằng cái chết là không thể tránh khỏi; nhưng trong khi anh ta vẫn treo lơ lửng trong không trung, anh ta tìm kiếm quanh mình và tìm thấy trên lá cây mấy giọt mật, thế là anh thè lưỡi ra liếm chúng.
Cũng như thế, tôi đang bám lấy cuộc sống, biết rằng con rồng của sự chết đang sẵn sàng xé xác tôi và không có cách nào tránh khỏi nó, và tôi không thể hiểu vì sao lại rơi vào cảnh khốn đốn này. Cả tôi cũng cố liếm những giọt mật trước đây vẫn an ủi tôi, nhưng mật ấy giờ đây đã không còn làm tôi vui thích, thế mà con chuột trắng và chuột đen – ngày và đêm – vẫn tiếp tục gặm cái cành cây mà tôi níu lấy. Tôi trông thấy rõ con rồng, và mật đã không còn ngọt với tôi. Tôi chỉ thấy con rồng không thể tránh khỏi và hai con chuột – và không thể nhìn đi chỗ khác. Và đây không phải là truyện ngụ ngôn, mà là sự thật đích thực, không thể hồ nghi và ai ai cũng thấy.
Trò lừa trước đây của những niềm vui sống đánh át đi nỗi khiếp sợ con rồng đã không còn đánh lừa được tôi. Dù có nói bao nhiêu với tôi: anh không hiểu được ý nghĩa cuộc sống đâu, cho nên đừng nghĩ nữa, hãy sống đi – thì tôi vẫn không làm được điều đó, bởi lẽ trước đây đã làm cái đó quá lâu. Bây giờ tôi không thể không nhìn thấy ngày và đêm chạy đi vùn vụt và kéo tôi đến cái chết. Tôi chỉ thấy một cái đó thôi bởi vì chỉ một cái đó là chân lý, còn tất cả những thứ khác đều là giả dối.
Hai giọt mật mà trước đây lâu dài hơn những giọt khác thu hút cặp mắt tôi, khiến tôi sao nhãng chân lý tàn nhẫn – tình yêu đối với gia đình và đối với nghề viết văn mà tôi gọi là nghệ thuật – giờ đây đã không còn ngọt nữa đối với tôi.
“Gia đình…” – tôi tự nhủ; nhưng gia đình – đó là vợ, là các con; họ cũng là những con người. Họ cũng ở trong những điều kiện hệt như tôi: họ hoặc phải sống trong giả dối, hoặc phải nhận ra chân lý khủng khiếp. Thế thì họ sống để làm gì? Và tôi thương yêu, nâng niu, giáo dưỡng, bênh vực họ để làm gì? Để rồi cũng nếm trải nỗi tuyệt vọng như tôi giờ đây hay để sống trong ngu si! Yêu thương họ, tôi không thể che giấu khỏi họ cái chân lý, mà mỗi bước đi trong nhận thức đều dẫn đến nó. Chân lý ấy là sự chết.
“Nghệ thuật, thơ ca ư?...”. Bị ám ảnh bởi thành công và bởi những lời khen của người đời, tôi khá lâu phủ dụ mình rằng đây là việc đáng làm, mặc dù cái chết sẽ đến và hủy tiêu tất cả - cả tôi, cả những việc làm của tôi, cả ký ức về chúng; nhưng rồi tôi cũng ngộ ra rằng cả cái đó cũng là trò lừa. Tôi thấy rõ nghệ thuật là vật tô điểm cho đời sống, là cái mồi quyến rũ sống. Nhưng với tôi, cuộc sống đã mất hết sức quyến rũ, thế thì tôi làm sao có thể quyến rũ những người khác? Khi tôi còn chưa sống bằng cuộc sống của mình, khi cuộc sống của những người khác còn nâng giữ tôi trên những làn sóng của nó, khi tôi còn tin rằng cuộc sống có ý nghĩa, mặc dù tôi không diễn đạt được ý nghĩa ấy, thì những hồi quang của đời sống, thuộc đủ mọi kiểu loại, trong thơ ca và nghệ thuật đều đem lại niềm vui cho tôi; tôi vui thú nhìn đời qua chiếc gương nhỏ ấy của nghệ thuật. Nhưng khi tôi bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, khi tôi cảm thấy mình cần phải tự sống, thì chiếc gương nhỏ ấy trở nên hoặc không cần thiết cho tôi, dư thừa và nực cười, hoặc trở thành nguồn hành hạ tôi. Tôi không thể tự an ủi rằng tôi đã nhìn thấy trước trong gương cái cảnh ngộ trớ trêu và vô vọng của mình. Thật là điều tốt rằng một thời tôi đã có thể mừng vui trước tất cả cái đó, vì thời ấy trong thâm tâm tôi còn tin rằng cuộc sống của tôi có ý nghĩa. Thời ấy cái trò chơi sáng tối ấy – cái hài, cái bi, cái xúc động, cái đẹp, cái đáng sợ trong đời sống – làm vui cho tôi. Nhưng khi tôi đã biết rằng cuộc sống là vô nghĩa và kinh khủng – thì cái trò chơi gương ấy đã không thể khiến tôi vui cười. Không một mật ngọt nào có thể khiến tôi thấy ngọt, một khi tôi đã nhìn thấy con rồng và đôi chuột gặm khoét trụ cột của tôi.
Nhưng như thế vẫn còn ít. Giả sử tôi chỉ đơn thuần ngộ ra rằng cuộc sống không có ý nghĩa, thì tôi đã có thể biết về điều đó một cách bình thản, biết rằng đó là thân phận của tôi. Nhưng tôi đã không thể bình thản. Giả sử tôi như một người sống trong rừng và biết không có lối ra khỏi rừng, thì tôi có thể vẫn sống; nhưng tôi lại như một người lạc lối trong rừng và kinh hoàng vì mình đã lạc lối; người ấy chạy lui chạy tới, muốn tìm ra lối nhưng biết rằng mỗi bước đi chỉ làm cho nó lạc lối hơn, thế mà vẫn không thể không chạy tới chạy lui. …
Trích Tự bạch của Lev Tolstoi