Mọi khởi đầu của cuộc sống đều bắt đầu từ sự đối diện. Cũng như trước hết là chúng ta đối diện với chính mình, với mọi người và đối diện với mọi sinh hoạt hằng ngày từ sự đối diện ấy mọi người chúng ta sẽ chọn cho mình một cách nhìn, cách sống, cũng như một lối đi hay một ngã rẽ để tìm đến một đời sống chân thật nhất. Bởi lẽ, đời sống thường nhật của hầu hết mọi người chúng ta có quá nhiều vấn đề khiến ta phải bận bịu lo toan, từ cá nhân cho đến gia đình xã hội, với mọi sinh hoạt để đáp ứng nhu cầu của sự sống. Thỉnh thoảng chúng ta thấy mình dừng lại và thắc mắc không biết vấn đề gì thực sự đáng quan tâm hơn. Cho nên, vấn đề mà chúng ta cần bàn ở đây đó chính là ngã rẽ cuộc đời. Như vậy, chúng ta có thể hiểu ngã rẽ ấy như thế nào đây?
Chúng ta thấy rằng, đường đời thì muôn vạn lối, nếu như chúng ta không có cái nhìn sáng suốt để chọn cho mình một hướng đi hay tìm cho mình một ngã rẽ thì suốt cuộc đời chúng ta cứ lầm lũi mà đi, bơ vơ giữa muôn lối, quẩn quanh trong chốn hồng trần không có lối ra. Đến khi một hôm nào đó có đủ duyên lành, thì thầm gõ cửa tâm thức, chúng ta bỗng chợt giật mình tỉnh ngộ, cuộc đời này có gì đâu khi nghe qua bốn câu thơ của bậc giác ngộ cuộc đời:
“Khi đến trần gian tay trắng bạch
Ra đi hành lý có gì đâu
Có chăng một gánh công và tội
Để lại vui buồn ở kiếp sau.”
Chỉ bốn câu này thôi nhưng trong đó tóm thâu được ý nghĩa của đời người, và chỉ có khi nào chúng ta chịu khó tìm hiểu sâu và biết được ý nghĩa thật sự của cuộc đời thì lúc đó cửa đạo bắt đầu hé mở. Khi chúng ta tiếp xúc với giáo lý Phật Đà, lúc đó chúng ta của còn mơ ước hay tham cầu bất cứ điều gì trên thế gian này nữa cả, vì rằng tất cả đều do duyên sanh và cũng do duyên diệt theo quy luật của Nhân – Duyên – Quả.
Ở đây, khi nói về ngã rẽ cuộc đời tức là chỉ cho con đường tu tập của người xuất gia học Phật vậy! Cũng như khi chúng ta thấy và hiểu được cuộc đời là vô thường, khổ, vô ngã cho nên mới quay về tìm lại con đường tâm linh của mình. Đức Phật thường nhắc trong Kinh rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, Ngài còn khẳng định: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Đây là sự thật mà Ngài muốn khích lệ sách tấn chư đệ tử tinh tấn, chuyên cần tu tập để đạt được kết quả như Ngài. Vậy chúng ta thấy rằng sự xuất hiện của Đức Phật trong cõi đời đó là một diễm phúc lớn trong xã hội loài người. Vì Ngài là hiện thân của chân lý giải thoát đưa con người đi đến bến bờ giải thoát. Như chúng ta cũng biết rằng thân người khó được, Phật pháp khó nghe… nay chúng ta được thân người sáu căn đầy đủ, phải nhớ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, điều may mắn nữa là chúng ta gặp được Thầy sáng bạn lành dẫn dắt và un đức Giới thân huệ mạng cho chúng ta thấu hiểu Phật pháp. Như vậy, ngay lúc này chúng ta phải biết quý trọng những hạnh phúc mà ta đang có. Cho nên, chúng ta cần phải phát tín tâm, tinh tấn đi trên con đường tiến tu đạo nghiệp, để đi đến đích cuối là giác ngộ giải thoát, ra ngoài vòng sanh tử luân hồi, đừng để một đời luống trôi không, vô ích mà sau này phải hối hận ăn năn không kịp. Bởi khi chúng ta tìm ra được một con đường chân chính có thể đi đến mục đích cao thượng hơn, tiến hóa hơn không có gì bằng con đường tu nhân học Phật để được thăng hoa về đạo đức nối thạnh dòng Thánh, đây là ngã rẽ của cuộc đời và cũng là tỷ lệ nghịch với cuộc đời về mọi phương cách sống. Nghĩa là đời sống của người xuất gia là đi ngược lại với dòng đời, bởi vì con người sống ở đời thì ai cũng mong cầu cho mình được như thế này và được như thế nọ. trôi xuôi theo dòng dục lạc, tham ái để rồi đưa đến kết quả thọ lấy khổ đau.
Tuy thế, nhưng hầu hết con người sống và tồn tại trong xã hội thường theo tự nhiên, hễ hạnh phúc vừa lòng thì tươi cười hớn hở, còn gặp cảnh trái ý nghịch lòng thì khổ đau than khóc, v.v… Vì vậy, quy luật của cuộc sống con người, luôn lấy sự mong cầu dục lạc (tài, sắc, danh, thực, thùy) làm mục đích, lấy tham ái làm chỗ nương tựa, nhưng có mấy ai đạt được trọn vẹn. Ngược lại, người xuất gia lúc nào cũng với tâm niệm buông xả tất cả những thú vui dục lạc ấy, chỉ cần tinh tấn tu tập cho được thành tựu Chánh Tri Kiến, để thấy biết rõ ràng các nguyên lý thiện ác, chánh tà, thấy biết được tính chất,bằng vô thường, vô ngã của vũ trụ duyên sanh, của con người và vạn vật, nhìn nhận một cách rõ ràng sự giả tạm của cuộc đời, để tiến tu trên con đường giác ngộ giải thoát. Qua đó, chúng ta có thể nói rằng: “Đời không đạo là đời vô vị, kiếp sống không tu là kiếp sống thừa”.
Thật vậy, ngã rẽ cuộc đời tức là người tìm với con đường đạo, chỉ có hàng xuất gia học Phật pháp. Chỉ có con đường của Phật pháp mới dắt chúng ta ra khỏi con đường sanh tử luân hồi. Khi chúng ta quay về với đời sống tâm linh thì mới thấy được giáo pháp của Đức Phật giảng dạy không phải là một hệ thống viễn vông mơ hồ mà luôn phù hợp trong mọi thời đại, tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh mà Ngài có những phương pháp tu tập thật hữu hiệu và diệu dụng. Trong Kinh, Đức Phật có dạy: “Nước trong bốn biển có chung một vị mặn, đạo pháp của Ta có chung một vị là giải thoát”. Cũng vậy, dù là tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia nếu chúng ta biết quay về đời sống tâm linh tu học Phật pháp thì đó là chúng ta đã bước rẽ con đường khác của cuộc sống đời thường thế tục, để bước sang con đường chánh pháp mà Đức Phật đã dày công khổ nhọc trãi nghiệm từ thực tế ở cuộc đời.
Có thể nói giáo lý của Đức Phật là một kho tàng vô giá, bao gồm Kinh – Luật – Luận, những giáo lý của Ngài không phải là một học thuyết suông, mà là một quá trình công phu tu tập của tự thân chứng. Vì có thực hành mới biến lý thuyết thành thực tiễn, thành chất liệu sống trong mỗi con người, như ăn cơm mới no, uống nước mới hết khát… đó là chỗ trải nghiệm khó khăn của người tu tập, là thử thách của người đang đi trên đường giác ngộ giải thoát. Bởi vì chúng ta không thể nhờ cậy vào ai tu giúp cho mình, hoặc cầu ai ban cho mình sự giác ngộ hết khổ, mà phải tự mình giác ngộ cuộc đời mà tiến bước trên con đường đạo nên có câu: “Đường ta đi không chỉ hoa và lá, mà có cả sỏi đá lẫn chông gai”. Cho dù có gặp những nghịch cảnh khó khăn, những thử thách gay go chúng ta cũng quyết tiến, lấy Giới Định Tuệ trau dồi tâm trí, xâu ngã vị tha luôn nhắc tự thân rằng có khó mới có khôn, để thấy được chân giá trị trên đường tiến hóa về nguồn tâm linh và tiến xa hơn nữa là đi đến quả vị Phật, giải thoát sanh tử. Để không cô phụ được chí nguyện của mình khi tìm ra được con đường mà chư Phật ba đời đều đi và mục đích đến là an lạc giải thoát, bất sanh bất diệt.
Tóm lại, như khi chúng ta thấy con đường đời muôn vạn lối, nhưng có những người có nhiều trải nghiệm trên con đường đời thì họ luôn chọn con đường chín chắn trước khi đi. Người xuất gia chúng ta cũng thế, đã chọn cho mình một con đường thoát ly sanh tử, thì chúng ta hãy nương vào giáo lý của Đức Phật (trong 37 phẩm trợ đạo) vững vàng tiến bước, sống an lành trong ngôi nhà chánh pháp, mong đến mục đích cuối cùng là giải thoát. Muốn thành tựu được mục đích, thì trước hết chúng ta phải có một ý chí, một niềm tin mãnh liệt và vững chắc nơi chính mình, thì mới mong có đủ nghị lực vượt qua mọi khó khăn thử thách để đi đến mục đích một cách dễ dàng. Thế nên có câu: “Không có gì vô vị bằng đời người không có chí hướng và niềm tin”. Người xuất gia học Phật nên đặt niềm tin nơi Phật pháp, với chí xuất trần thượng sĩ. Khi chúng ta tìm tòi học hỏi và hiểu được quy luật vô thường, khổ não luôn chi phối con người trong cuộc sống, từ thân tâm cho đến hoàn cảnh, chúng ta không còn khổ ưu não chi phối, luôn giữ được sự bình thản với những cảnh đổi thay, và chán ngán mọi thú vui tạm bợ mà bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh đó, tiến tới sự an tịnh của tâm hồn. Nhờ thấy biết như vậy các tội lỗi phiền não không sanh khởi, vô minh được phá trừ giúp chúng ta cso được cuộc sống an lạc trong hiện tại lẫn tương lai. Đây là con đường chân chánh nhất mà chúng ta có đủ nhân duyên phước đức mới gặp. Cho nên, con đường dù có khó đi chúng ta cũng quyết đi đến đích cuối cf là giác ngộ, giải thoát.
Nguồn: Tập san Khất sĩ