Nghịch lý cuộc đời

Dạo này, từ báo chí lẫn mạng xã hội cho tới đầu đường cuối chợ, đâu đâu cũng thấy người ta nói về chuyện bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường, chuyện cái chết của sản phụ ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa, chuyện “Cậu Thủy” (nhà tâm linh Nguyễn Văn Thủy) và hàng vô số chuyện khác nữa. Những câu chuyện đau lòng, nhức nhối tâm can như thế trong thời hiện đại chẳng còn hiếm nữa mà dường như còn có chiều hướng ngày càng dày lên.

Trừ những người đang ngủ mơ trên đống của cải tích cóp được và những kẻ ích kỷ chỉ biết đến bản thân, còn đại đa số những người tỉnh thức và có lương tri đều không thể bình tĩnh khi dõi theo những câu chuyện này. Dường như ai cũng cho rằng tất cả đều xuất phát từ việc đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Nhà nước cũng đồng ý với nhận định này. Người ta còn đồng ý rằng đạo đức suy thoái bắt nguồn từ… giáo dục.(?)

Ở học đường người ta dạy đạo đức cho học trò như thế nào?

Nếu nhìn vào các môn học, tiết học theo chương trình chuẩn của bộ GD&ĐT thì tất cả các môn toán, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ, văn, sử, địa… đã chiếm hết thời gian học chính khóa 6 buổi/ tuần của các em. Riêng bộ môn Giáo dục công dân được cho là giáo dục đạo đức thì phân bổ tiết học chỉ có 1 tiết/ một tuần. Hơn nữa, thật sai lầm khi chúng ta yên tâm nghĩ đó là môn học dạy người, rèn luyện đạo đức. Thật vậy, nếu đi sâu vào sách giáo khoa Giáo dục công dân để phân tích sẽ thấy rất rõ đó hoàn toàn không phải là sách dạy làm người”.

Hãy thử đọc vài dòng trong cuốn sách “Giáo dục Công dân” lớp 10:

"Phủ định siêu hình là sự phủ định được diễn ra do sự can thiệp, sự tác động từ bên ngoài, cản trở hoặc xóa bỏ tồn tại và phát triển tự nhiên của sự vật" và "Phủ định biện chứng là sự phủ định được diễn ra do sự phát triển bản thân sự vật và hiện tượng, có kế thừa những yếu tố tích cực của sự vật và hiện tượng cũ để phát triển sự vật và hiện tượng mới".

Thày giáo Văn Như Cương đã phải viết trên facebook của mình rằng: “Những định nghĩa trên đây là tôi chép nguyên văn trong sách giáo khoa của môn Giáo dục Công dân lớp 10 (cuối trang 34 đầu trang 35). Nếu tôi phải làm bài kiểm tra các bài học đó và muốn có điểm cao thì ắt phải học thuộc lòng chứ không có cách gì khác. Tôi chép lại và phải dò từng chữ một xem có gì sai không vì thú thật là tôi chẳng hiểu gì cả. Không biết trẻ con 14-15 tuổi (lớp 10) học cái đó để làm gì…”

Thử hỏi có mấy người hiểu được hai khái niệm này? Một Giáo sư khi được hỏi về những dòng định nghĩa trên cũng nói ngay: “Tôi chả hiểu gì. Viết là một cách suy nghĩ, suy nghĩ mù mờ thì viết cũng mù mờ. Tôi nghi rằng chính người viết ra hai khái niệm đó chưa chắc đã hiểu họ viết cái gì. Tôi không hiểu sao người ta lại cho đó là “giáo dục công dân”!

Ngoài những khái niệm như trên sách giáo khoa môn Giáo dục công dân lớp 10 còn đưa ra nhiều khái niệm vật chất, ý thức, tồn tại khách quan, duy vật biện chứng… giống như một giáo trình triết học sơ khai của bậc đại học. Ở lớp 11, các em lại được dạy về hàng hóa, giá cả thị trường, giống như  học môn kinh tế học… Như vậy, môn học có hơi hướng giáo dục đạo đức, những bài học làm người cho học sinh nghiễm nhiên bị lệch sang giáo dục kiến thức. Việc dạy kỹ năng sống, dạy về nhân cách con người để học sinh biết cư xử đúng mực, biết rõ những chuẩn mực đạo đức xã hội thì dường như không có.

Bố tôi thuộc thế hệ 4X nhưng cho đến giờ ông vẫn còn nhớ rất rõ những bài học thuộc lòng được học lúc nhỏ trong sách giáo khoa trước năm 1975 (ở miền Nam) với nội dung chứa đựng tình cảm yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc và giữ gìn cốt cách người Việt Nam. Cứ mỗi lần bạn bè bố tôi tụ họp trà dư tửu hậu thì ngoài những thứ chuyện đời, chuyện người, chuyện trên trời dưới biển tôi lại thấy các cụ nhắc đến cả những bài tập đọc như thế... Thậm chí, có cụ còn thuộc hết cả một bài, đọc ron rót từ đầu đến cuối. Bố tôi bảo thời đó không có môn “Giáo dục công dân” nhưng ngay từ cấp tiểu học tất cả học sinh đều được học môn “Đức Dục”. Môn Đức Dục chỉ đơn giản dạy học trò cách hành xử và tương tác trong gia đình và ngoài xã hội. Ví dụ như lòng yêu nước, kính trọng cha mẹ, thương yêu bà con và chòm xóm, gặp thầy cô ngoài đường thì khoanh tay chào hỏi, đi đường thấy đám tang thì tháo nón ra... Rất đơn giản, chứ không có những triết lý cao siêu kiểu “biện chứng”. Đơn giản mà hiệu quả. Có lẽ chính vì vậy mà học giả Nguyễn Hiến Lê đã có lần viết trong hồi ký là sau 1975 cán bộ ngoài Bắc vào "tiếp quản" ở miền Nam ngạc nhiên thấy trẻ con miền Nam sao mà chúng tử tế quá (ví dụ như lúc nào cũng khoanh tay kính cẩn chào khách).

Mải học cách kiếm sống để quên là phải học cách sống

Đất nước chúng ta vừa bước qua cột mốc về dân số 90 triệu dân, trở thành một “cường quốc” về dân số chỉ đứng sau 13 quốc gia khác trên thế giới. Có vị bộ trưởng phát biểu rằng tài nguyên lớn nhất của chúng ta là con người, xét theo góc độ này thì chúng ta giàu thứ 14 thế giới về “số lượng” tài nguyên con người. Một cơ cấu "dân số vàng” tăng nhanh chóng tỷ lệ nghịch với nhân cách con người, đạo đức xã hội đang trên đà tuột dốc có lẽ chỉ tiềm ẩn nguy cơ biến dân số vàng hôm nay thành một gánh nặng khi trở thành “dân số già” chỉ trong một vài thập kỷ tới.

Đúng vào thời điểm người ta tổ chức diễu hành để chào mừng con số 90 triệu dân, thì sự phẫn nộ trong dư luận lại có dịp bùng lên khi các phương tiện truyền thông đưa tin về cậu bé Trịnh Nguyễn Thành Đức. Một em bé 3 tuổi, có thâm niên một năm đi ăn xin bị chính cậu ruột của mình thường xuyên bạo hành rất dã man. Người ta tìm thấy em trong tình trạng mông, lưng, bụng chằng chịt những vết roi dọc ngang. Cổ, đùi, chân tay lỗ chỗ vết bỏng bằng điếu thuốc đang cháy. Còn “cửa sổ tâm hồn” thì tím bầm, sưng húp đến không thể mở được mắt. Mỗi ngày em phải đi khắp nơi trên địa bàn quận để xin tiền mọi người, đem về cho cậu và mẹ ruột của mình. Những bài học đầu đời mà một đứa bé 3 tuổi này đã học được từ gia đình có lẽ là những trận đòn thừa sống thiếu chết, là những đêm giá lạnh trần truồng lê lết ngoài đường phố nếu chưa kiếm đủ tiền mang về. Với một tuổi thơ đầy máu và nước mắt như thế, trong tương lai có ai dám chắc rằng em sẽ em sẽ có đầy đủ nhân cách và đạo đức để không hành xử ác với đồng loại (?).

Hầu hết những ông bố bà mẹ ngày nay ít nhiều đều bị cuốn vào vòng xoáy của nền kinh tế. Họ luôn tâm niệm một điều rằng đã nghèo là đi đôi với hèn. Đời mình nghèo, thì đời con đời cháu nhất định phải sống cho ra sống. Vậy là lao vào kiếm tiền, học đủ mọi mánh khóe để kiếm tiền thậm chí là buôn gian, bán lận, lừa đảo, cờ bạc, trộm cướp, tham ô, tham nhũng… Họ dùng tiền để che đậy sự vô trách nhiệm, sự khiếm khuyết của mình với con cái bằng cách sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu về tiền của các “cục cưng”. Quẳng tiền ghi tên cho con tham gia kín lịch các lớp học ngoại khóa từ ngoại ngữ đến vô vàn những kỹ năng khác mà quên mất rằng kỹ năng cơ bản nhất của con người đó là cái thiện, sự yêu thương, sự tử tế, thì con trẻ gần như rất xa lạ. Chả thế mà cô cháu gái tôi mới học lớp 4, đi học về kể chuyện, lớp con hôm nào cũng có đánh nhau. Tôi hỏi cháu: Thế các bạn đánh nhau thì con và các bạn khác làm gì? Cháu thản nhiên trả lời, các bạn khác cổ vũ hoặc đứng xem thôi ạ. Cháu chả xem cũng chả cổ vũ, cháu chạy ra chỗ khác. Mẹ cháu bảo gặp những vụ đánh nhau là phải tránh xa ra mà. Tôi hỏi tiếp, thế nếu ra đường cháu bị bọn xấu cướp mất đồ thì cháu có kêu cứu không? Nếu ai cũng thờ ơ như cháu thì lúc đó làm gì có ai cứu cháu. Cháu tôi cười bảo: Cô giáo cháu dạy là, nếu gặp cướp các con không được kêu, mà phải nhanh chóng để cho bọn nó lấy đồ càng nhanh càng tốt, vì nếu không các con sẽ gặp nguy hiểm. Bây giờ chả có ai cứu mình đâu, nên mình phải tự cứu mình trước…

Những đứa trẻ dù được hưởng một cuộc sống đủ đầy về vật chất, được học hành ở trường này lớp nọ nhưng lại bị hổng một lỗ rất lớn trong nền tảng về đạo đức làm người, về nhân cách con người thì sớm muộn cũng sẽ đến gần hơn với cái ác. Điều này đã được minh chứng qua nhiều vụ án cực kỳ nghiêm trọng mà hung thủ lại là những trí thức, những người được học hành hẳn hoi như vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, hay vụ sinh viên Nguyễn Đức Nghĩa. Cả hai đều có một bản lí lịch rất đẹp và một tương lai rộng mở trước khi gây án. Với Nguyễn Đức Nghĩa, khi đó đã tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương, một trong những trường danh tiếng nhất cả nước. Với Nguyễn Mạnh Tường, mọi thứ còn rõ ràng hơn khi anh ta đang là bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, chỉ năm sau thôi là thành tiến sĩ, có nhà lầu, xe hơi. Cả hai vụ cùng có một điểm chung là sau khi gây ra những cái chết thì đều chủ ý thủ tiêu xác một cách dã man. Trong khi với tội phạm chuyên nghiệp, gây án xong thì thôi, không chạy được thì bị bắt, điều mà những đối tượng này cũng không mấy lạ lẫm.

Vương Sóc, một trong những nhà văn được yêu thích nhất của Trung Quốc đã phải thốt lên rằng: “Đối với loại trí thức này thì điểm mù lớn nhất của họ không phải là sự vô tri về tri thức, mà là sự vô tri về nhân cách, về làm người… sự vô tri về linh hồn là điểm mù lớn nhất... Sự tàn nhẫn vô liêm sỉ nhất thế giới này đều do trí lực gây nên. Con người có thể dùng trí tuệ đi làm những việc vô liêm sỉ. Đặc biệt là ở mặt đối xử với đồng loại. Sự tàn sát lẫn nhau giữa các con vật làm sao có thể tàn nhẫn hơn, vô liêm sỉ hơn sự tàn sát lẫn nhau giữa con người với con người”.

Tôi không phải là người ham mê cúng bái, nhưng sáng mồng một đầu tháng tôi thường dành thời gian đi lễ chùa. Một mặt để cầu cho mọi sự thanh bình. Điều lành thì đến điều dữ thì đi cho gia đình, cho người thân. Điều nữa để được sống trong những phút giây yên ả, thanh bình hiếm hoi giữa cuộc đời đang nhốn nháo, đảo lộn cái nguỵ, cái chân. Thêm nữa để nhìn thấy những con người đủ loại tầng lớp. Từ nhưng cháu tuổi Teen ăn mặc hiện đại, sành điệu đến những thương gia mặt lộ vẻ băn khoăn vì làm ăn thất bát trong thời buổi kinh tế khó khăn, từ những tay anh chị cổ đeo sợi dây chuyền bằng vàng to như cái xích đến những quan chức cổ cồn trắng, giày da bóng lộn… Tất cả trong khung cảnh Phật đều lộ rõ sự hiền lành, lễ phép, tử tế, hướng thiện. Nhìn mọi người từ tốn trong làn hương buông nhẹ nơi cửa Phật tôi chợt ước ao: Giá không gian của đất Phật này lan rộng, phủ khắp xã hội ta thì sự ác độc đang ngày ngày diễn ra trên khắp đất nước ta, và đáng sợ thay nó đang ở ngay trong mỗi gia đình Việt Nam sẽ bớt đi. Bao nhiêu nỗi đau đớn tận cùng do cái ác sinh ra cũng sẽ mất đi…

Một lần, vừa rời khỏi chùa, đang bon bon trên đường tôi chợt phải dừng xe lại trước một đám đông. Một vụ va chạm xe, người đàn ông rõ ràng trước đó ít phút đã thành kính, hiền lành trước bàn thờ Phật đang chui ra từ chiếc xe hơi Camry sáng loáng vừa chửi bới ầm ĩ, tay lăm lăm thanh sắt to tướng lôi từ trong cốp xe ra định phang vào một người đàn ông hiền lành, mặt mũi tái xanh đi bên chiếc xe máy wave Tàu cũ kỹ đang khẩn khoản nói lời xin lỗi… Vậy là chỉ vừa rời đất Phật, thiện căn của người đàn ông giàu có kia đã biến mất để nhường chỗ cho sự độc ác xâm chiếm trái tim ông ta (?!)

Đi tìm nguyên nhân của cái ác, của sự suy đồi về đạo đức đang trở nên rất phổ biến trên các mặt báo và các phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây. Người ta nói về nền giáo dục bất cập, lệch chuẩn trong việc đào tạo con người. Ngay từ lớp Mẫu giáo đến các lớp Tiểu học, Trung học cơ sở, giáo trình của chúng ta đều dạy những điều lớn lao, quá xa lạ đối với con trẻ mà quên đi việc dạy sự hướng thiện, sự thương yêu những gì thân thiết, bình dị quanh ta. Đó là cha mẹ, ông bà đến hàng xóm, láng giềng, sự nhường nhịn và tha thứ. Người ta nói về một xã hội lấy vật chất làm thước đo giá trị, thước đo văn minh và tiến hóa. Nhưng càng ngày xã hội càng cảm thấy rất khó có thể chấp nhận một hình ảnh tiến hoá đơn thuần chỉ có tăng trưởng vật chất trong khi tha hoá về tinh thần. Với thước đo thuần tuý vật chất, tiến hoá có nguy cơ trở thành phản tiến hoá, thành nghịch lý cuộc đời như cảnh báo trong bài thơ của nhà thơ Thái Bá Tân sau đây:

CUỘC ĐỜI ĐẦY NGHỊCH LÝ

Cuộc đời đầy nghịch lý.
Thu nhập thì đi lên,
Đạo đức lại đi xuống,
Tỉ lệ nghịch với tiền.

Nhà xây ngày càng lớn,
Lại càng bé gia đình.
Tiện nghi toàn hiện đại,
Cư xử kém văn minh.

Con người tìm hạnh phúc
Trong mua sắm, chi tiêu.
Nên sử dụng thì ít,
Mà đồ đạc thì nhiều.

Suốt ngày bố câu cá,
Cùng bạn nhậu lai rai.
Về nhà lại kêu bận,
Không giúp con học bài.

Thay cho việc ngồi kể
Một câu chuyện thần tiên,
Mẹ đua với hàng xóm,
Mua đồ chơi đắt tiền.

Nói thì nhiều, nghe ít.
Lại thích chạy long rong.
Ai cũng lo kiếm sống.
Học cách sống thì không.

Con người cố làm sạch
Không khí và môi sinh,
Thế mà đang tự nguyện
Làm bẩn tâm hồn mình.

Con người vượt tỉ dặm
Thăm hỏi các vì sao.
Trở về, gặp hàng xóm,
Không nói nổi tiếng “Chào!”.

Cuộc đời là thế đấy.
Xã hội càng văn minh,
Ta càng tiến hóa ngược
Rồi để mất chính mình.

Previous Post
Next Post