Phải chăng “đời là thế”?

Đường phố bắt đầu lên đèn, mọi người vội vã trở về nhà sau ngày làm việc mệt mỏi. Bước vào quán cơm bên đường, tôi kêu một phần cơm. Phía trước quán cơm là một quán cà phê lịch sự, tiếng dương cầm du dương nhẹ nhàng vang lên...

Có một ông khách to lớn cùng với hai người đàn ông khác không biết bàn bạc chuyện gì trông có vẻ rất hứng thú. Tôi có thể nhìn thấy rất rõ họ vì chiếc bàn của họ đối diện với bàn ăn của tôi. Đang chán nản với đĩa cơm khô khốc và nhạt nhẽo của mình nên tôi càng hứng thú quan sát khung cảnh xung quanh, như một cách hữu hiệu để đánh lừa vị giác.

Một cậu bé gầy gò bước vào quán, trên tay là một hộp gỗ đựng đồ nghề đánh giày. Sau lưng cậu bé là một con nhóc khoảng bảy, tám tuổi cũng ốm yếu xanh xao không kém, trên tay là một xấp vé số. Cả hai đứa đi hết từ bàn này đến bàn khác để mời khách. Người thì khoát tay, người thì lắc đầu, thế cũng chả sao, bởi có người dửng dưng chẳng thèm để ý đến hai đứa trẻ. Cậu bé dắt tay con nhỏ ra ngoài sân. Tôi mừng thầm vì thấy người đàn ông to lớn kia đồng ý cho cậu bé đánh giày. Cậu bé làm việc trông rất thành thạo và nhanh nhẹn. Ông khách vẫn tiếp tục trò chuyện, không để ý gì mọi thứ xung quanh.

Tôi đang định húp muỗng canh cho đỡ nghẹn ở cổ thì bỗng nghe vang lên tiếng quát rất lớn từ bàn của mấy ông khách đó: “Khốn nạn! Đồ bần tiện, mày dám lấy cắp cái điện thoại của ông đấy à?”. Cậu bé đánh giày thảng thốt, mọi thứ dường như diễn ra quá nhanh làm nó không kịp suy nghĩ gì. Con nhóc thì òa lên khóc nức nở. Chẳng để cho cậu bé đánh giày phân bua, ông khách dùng chân đạp thẳng vào người nó, cậu bé ngã lăn xuống đất. Ông khách hết lời mắng nhiếc. Mọi người trong quán người chỉ trỏ, người lắc đầu, người bĩu môi, và tuyệt nhiên không một ai chạy ra ngăn cản.

Thằng bé nước mắt chảy ròng ròng, đưa tay xoa xoa chỗ vừa bị đạp. Nếu là tôi còn chẳng chịu nổi huống chi là cậu bé mới mười hai, mười ba tuổi như thế. Cậu bé nghẹn ngào: “Thưa chú, cháu tuy là trẻ đường phố nhưng không có làm mấy chuyện ăn cắp đó. Hai anh em cháu không nhà, không được giáo dục kỹ lưỡng, nhưng biết thế nào là tự trọng. Chúng cháu có thể thiếu thốn nhiều thứ nhưng lòng tự trọng thì không thể nào thiếu được…”. Vừa lúc đó, một nhân viên của quán thông báo có vị khách nào để quên chiếc điện thoại trong nhà vệ sinh. Thì ra, điện thoại của ông khách đó. Không một chút hối hận vì cú đạp tàn nhẫn vừa rồi, ông ta còn lên mặt với cậu bé: “Ai bảo chúng mày là kẻ bụi đời, đời là thế đấy con ạ!”.

Cậu bé lẳng lặng thu dọn hộp đồ nghề rồi dắt tay con nhỏ đi. Mọi người xung quanh vẫn tiếp tục trò chuyện, vui cười rôm rả như chẳng hề có chuyện gì xảy ra, và tựa hồ không có một chút trắc ẩn nào gợn lên, dù là rất ít…

Tôi cũng bước chân rời khỏi quán, trở về trường để bắt đầu ca học tối. “Đời là thế!”. Câu nói sang sảng của người đàn ông vẫn quanh quẩn mãi trong đầu tôi, nhưng không lâu, có một cái gì đó mạnh mẽ hơn, phủ lấp lời nói phũ phàng ấy, chính là lời nghẹn ngào của cậu bé đánh giày: “Chúng cháu có thể thiếu thốn nhiều thứ nhưng lòng tự trọng thì không thể nào thiếu được…”. Chính câu nói ấy làm tôi phải suy nghĩ rất nhiều!

Cuộc sống phức tạp với lấm láp bụi trần đã bao phủ, che khuất nhiều điều ta không thể nhìn thấy được. Đừng vội quy kết một ai đó thế này hay thế khác, và cũng đừng đánh đồng người này với những người khác chỉ vì vẻ bề ngoài của họ rất giống nhau. Chỉ có sự quan sát không thôi chưa đủ, mà bạn phải biết thấu hiểu, biết cảm nhận bằng sự trải lòng, sự bao dung với những người khác bằng trái tim chân thành. Đôi khi bạn đã tức giận vì bị dính một cú lừa từ một thanh niên giả tàn tật và thế là bạn ngoảnh mặt với những hoàn cảnh khác. Bạn ơi xin đừng làm thế, xin đừng quay lưng lại với tất cả, nếu bạn sống chân thành thì sẽ còn rất nhiều người khác chân thành với bạn. Và tôi tin “Sống trong đời sống/Cần có một tấm lòng/Để làm gì em biết không?/Để gió cuốn đi…” (Trịnh Công Sơn)

Previous Post
Next Post