Sống thật sâu

Trong cuộc trò chuyện tản mạn, một người bạn vong niên của tôi than thở rằng: “Điều đáng thất vọng nhất của giới trẻ ngày nay là họ ưa hưởng thụ quá!”. Một người khác cười: “ưa hưởng thụ thì có gì sai, thú thật tôi đây, tôi cũng ưa hưởng thụ”.

Và tôi, tôi đồng ý với người bạn thứ hai.

Tôi cũng không cho rằng sự ưa hưởng thụ là một điều sai trái hay là con đường dẫn đến sa ngã. Ngược lại, sai lầm của chúng ta nằm ở chỗ chúng ta thường đắm chìm trong ảo giác và ít khi thực sự biết hưởng thụ. Hưởng thụ thật sự không phải là tàn phá, bất cứ thứ gì kể cả chính mình. Hưởng thụ thực sự là mong muốn giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp cho mọi vật, mọi điều … kể cả chính mình.

Ba mươi Tết năm vừa rồi, tôi có dịp ra bờ sông thị xã để ngắm chợ hoa. Lúc ấy là buổi chiều tối, trời mát, người đông đúc… Khi dừng mắt ở một chậu hoa mai trắng, giữa ánh sáng nhập nhoạng, tôi bỗng nhận ra rằng suýt nữa thì mình đã trải qua một buổi chiều vô nghĩa. Mình đến chợ hoa để làm gì nếu không để ngắm hoa? Đó chính là mục đích đầu tiên, sự đông vui nhộn nhịp là quà khuyến mãi. Nhưng mình không thể tận hưởng vẻ đẹp của hoa ở đó vào thời điểm đó. Nắng đã tắt, đèn vừa lên. Đó là thời điểm rất tệ để thực sự ngắm hoa. Nhưng mình vẫn đi loanh quanh. Mình ngó nghiêng đây đó. Rồi mình vội vàng về và tưởng mình đã được ngắm hoa. Nhưng không. Mình hầu như đã lướt qua mà không thực sự nhìn ngắm. Hoặc mình đã cố gắng ngắm nhìn nhưng chỉ thấy được 30% vẻ đẹp mà mình có thể nhìn ngắm ở những chậu hoa đó vào buổi sáng, khi sương còn đọng và nắng mới ửng màu… Cái còn đọng lại về hoa trong ký ức mình là một ảo giác, chứ không thể là vẻ đẹp thực sự của những bông hoa.

Bạn có nhận ra chăng, rằng phần lớn thời gian chúng ta chỉ trải qua, mà không thực sự tận hưởng. Một buổi chiều, một giấc ngủ, một bữa ăn, một món đồ, một kỳ nghỉ, một tình bạn, một tình yêu… và rốt cuộc, cả cuộc đời.

Có người nghĩ rằng cần phải có nhiều tiền mới có thể hưởng thụ thực sự. Nhưng không. Với tiền, bạn có thể sở hữu nhiều thứ. Nhưng chỉ sở hữu thôi thì không mang lại hạnh phúc. Và chỉ sở hữu, không có nghĩa là biết hưởng thụ. Một người biết tận hưởng chiếc máy ảnh xịn khác với một người sở hữu máy ảnh chỉ vì muốn người khác khen rằng nó rất xịn. Một người thật sự hiểu và biết tận hưởng tốc độ, tiện nghi của chiếc xe hơi khác với người mua nó chỉ vì tin rằng sở hữu nó sẽ chứng tỏ mình thành đạt. Một người thực sự am hiểu hội họa, và biết giá trị của bức tranh mình mua sẽ rất khác một người bỏ nhiều tiền mua tranh chỉ để nghe những lời trầm trồ của người khác trong phòng khách nhà mình.

Có người nghĩ rằng hưởng thụ cuộc sống đồng nghĩa với vật chất. Nhưng không. Hưởng thụ cuộc sống tức là tận hưởng mọi thứ tốt đẹp mà cuộc đời và vũ trụ đem đến cho ta: Vật chất, tinh thần, thể xác. Cổ điển hay hiện đại. Nắng và gió, ngày và đêm. Mặt trời và mặt trăng, cây cối, núi sông và cỏ dại. Tình bạn, tình yêu. Mọi thứ, nếu ta có thể nhận ra chúng. Đáng buồn là nhiều lúc, chúng ta không nhận ra chúng, mà chỉ nhìn thấy những ảo ảnh. Chúng ta bị ảo giác. Chúng ta chỉ sở hữu mà cứ ngỡ rằng mình đang được hưởng thụ. Đó là một ảo giác. Hoặc chúng ta đang trải qua điều này mà cứ tưởng mình đang hưởng thụ một điều khác. Đó lại là một ảo giác khác. Ví như khi bạn tưởng mình đang tận hưởng tình yêu say đắm nhưng thực ra chỉ là những thỏa mãn nhục dục, không hơn.

Một người bạn vong niên của tôi từng nói về những ảo giác rằng: “nếu người ta ngưỡng mộ anh chỉ vì anh viết hay nói ra những điều hay ho – trong khi chẳng biết anh là ai – thì nhớ đó chỉ là ảo giác. Vì sẽ có một ngày anh viết hoặc nói dở tệ, và sự ngưỡng mộ tan vào hư không”.

Sự ngưỡng mộ của người khác dành cho một món đồ mà chúng ta sở hữu cũng vậy, chỉ là ảo giác, bởi dù thật hay giả thì đến một lúc nào đó chúng cũng bay biến đi, kể cả khi món đồ vẫn còn đó. Hưởng thụ, hay chỉ trải qua? Kết quả khác nhau chỉ là sự mãn nguyện. Khi chỉ trải qua, chúng ta thường hay băn khoăn: phải chăng đó đã là cái đẹp thực sự? chuyến du ngoạn đáng giá? Bữa ăn đáng tiền? phải chăng chiếc điện thoại đó đã là “đỉnh” nhất? chiếc áo đó đã là đẹp nhất? phải chăng ta đã có được thứ tương xứng với những gì ta bỏ ra? Những người hưởng thụ thực sự thì không băn khoăn, mà thường mãn nguyện. Những người thực sự tận hưởng hạnh phúc cũng vậy, họ mãn nguyện. Niềm vui đôi khi bị thúc đẩy bởi nhu cầu phải hét toáng lên cho cả thế gian. Nhưng sự mãn nguyện thường có gương mặt rất lặng lẽ, và hiếm khi phô trương. Tôi nhận ra rằng để có thể hưởng thụ thực sự, chúng ta cần phải học hỏi và có hiểu biết nhất định về điều ta đang làm, đang tận hưởng, đang thưởng thức. Biết mình có gì, hiểu thứ mình có và biết cách tận hưởng tối đa những gì ta xứng đáng được hưởng, đó mới là hưởng thụ. Chúng cho chúng ta không chỉ trải qua, mà thực sự biết hưởng thụ cuộc đời, trong từng thời điểm mà nó mang đến mỗi ngày.

Có những điều, nếu ta hiểu được bản chất của nó, nếu ta gọi tên nó ra, nếu ta thoát khỏi ảo giác, ta không còn mong muốn có nó nữa. Ngược lại có những điều, nếu ta hiểu được nó, ta nhận thức được giá trị của nó, ta sẽ không bỏ qua nó như đã từng. Ví như bắt gặp cơn gió rất trong lành. Nếu ta biết cảm nhận, ta đã không bỏ đi ngay mà đã dừng lại, nhắm mắt và hít một hơi dài, thật sâu. Ồ, cuộc đời cũng như hơi thở vậy thôi. Ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở. Tôi vẫn tin rằng nếu ta thực sự biết hưởng thụ, ta luôn thấy mình đã sống rất sâu.

Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu…?

BS. Lê Trung Ngân
Previous Post
Next Post