Sống trong hoang tưởng về bằng cấp

"Bạn hãy tự hỏi thực lực của mình liệu có giúp ích gì cho đời, cho bản thân cũng như cho nơi bạn đang công tác hay không?"

Ai cũng biết tri thức là chìa khóa mở mọi cánh cửa, nhưng vấn đề nằm ở chỗ tri thức được tích lũy thế nào, vận dụng nó ra sao để trở thành chìa khóa vạn năng trên con đường sự nghiệp. Học không phải chỉ dùi mài kinh sử trường lớp, mà còn phải học từ thực tế đang diễn ra hằng ngày về những lĩnh vực mà ta đang theo đuổi.

Tôi nghĩ các bạn không nên khen, chê hay đả kích bằng cấp bậc trung, bậc đại hay bậc cao... mà hãy nhìn vào thực tế, chất lượng đào tạo có trang bị cho người học nền tảng kiến thức thực sự để họ bước vào đời và tiến thân hay không? Hay chỉ là quả bóng thám không để một số người tìm mọi cách lấy cho được bằng cấp cao đem lòe thiên hạ và sống trong hoang tưởng cùng tấm bằng họ có được?

Đối với những người học nghiêm túc, nghiên cứu nghiêm túc... được một số trường danh tiếng trong, ngoài nước đào tạo bài bản thì không phải bàn, vì họ học thật sự, nỗ lực thật sự, nghiên cứu thật sự và đầu tư thật sự để có thể nắm trong tay chiếc chìa khóa vạn năng mở toang mọi cánh cửa.

Hiện nay, có vô số trường, lớp đào tạo đại học và thạc sĩ một cách hời hợt... Đó chỉ là chiêu thu hút giả tạo, nhiều người đến lớp cũng được, không đến cũng chẳng sao, miễn là bằng đủ mọi cách qua được mấy chục môn của chương trình là có thể thi ra trường với tấm bằng chỉ là "bảng hiệu" tai hại. Tôi không đánh đồng tất cả nhưng sự thật là có quá nhiều trường hợp như vậy.

Ông bà ta hay nói "thùng rỗng thường kêu to", tai hại là những thành phần này cứ sống trong hoang tưởng bằng cấp, thực chất trong đầu chẳng có gì ngoài cái "bằng bảng hiệu". Họ thường khoe mẽ, lòe thiên hạ, vênh váo và dương dương tự đắc.

Tôi nghĩ rằng những người học tập nghiên cứu nghiêm túc thực thụ thường rất khiêm tốn, chịu khó lắng nghe, quan sát, nghiền ngẫm vấn đề và cân nhắc trước khi hành xử. Trước khi đưa ra phương án hay một quyết định khả thi, họ rất cẩn thận, đó mới chính là đẳng cấp thực sự của người tài.

Điều tôi muốn nói ở đây, cũng như tôi từng viết trong bài Thạc sĩ thất nghiệp vì ngạo mạn là đừng quá xem trọng bằng cấp. Nhiều người bằng mọi giá cố kiếm được tấm bằng "bảng hiệu", để rồi sống trong "hoang tưởng bằng cấp", nhưng thực lực của họ liệu có giúp ích gì cho đời, cho bản thân cũng như cho nơi họ đang công tác hay không?

Thời đại kinh tế hiện nay là thời đại của tri thức, sẽ không có đất cho những người ăn may tồn tại lâu dài. Những người ăn may thường phải trả giá đắt cho những gì họ đã thành công trước đó, còn người được đào tạo bài bản sẽ tồn tại lâu dài và dù bất cứ công việc gì, lĩnh vực nào họ cũng luông thể hiện đẳng cấp vốn có của họ.

"Thành công chỉ là tạm thời, đẳng cấp mới là mãi mãi", tôi nghĩ, chúng ta nên khiêm tốn học hỏi, lắng nghe, quan sát và chiêm nghiệm để bản thân tích lũy được nhiều tri thức phục vụ cho xã hội mới, đó mới là điều cần hướng tới lúc này.

Previous Post
Next Post