Tản mạn chuyện ăn uống

Cây cỏ không có miệng và bao tử mà vẫn sống, đất đá chẳng ăn uống gì mà vẫn trường tồn. Thế tại sao con người lại khác, phải có cái miệng và bao tử? Đã vậy không cho ta được như loài tôm loài tép uống nước ăn phù du mà sống hoặc như con ve con châu chấu hút sương hút nhựa cây để sinh tồn, hay chí ít cũng như con trâu con bò kiếm mỗi cỏ bỏ vào bao tử rồi từ tốn nhai lại mà thưởng thức. Bọn chúng cũng phát triển khoẻ mạnh, đầy đủ sinh lực để bơi lội, bay nhảy, kêu hót vậy. Con người mà được thế sẽ cầu gì với đời nhiều đâu, bao nhiêu lo lắng muộn phiền cũng sẽ tiêu tan. Đã sinh ra cái miệng, cái bao tử; tạo hoá lại cho con người khả năng cảm nhận tình dục nhạy cảm thế nên đòi hỏi cứ vô tận, chẳng biết bao nhiêu là đủ, như sông như biển chẳng bao giờ đầy. Thành thử con người suốt đời cứ mãi quanh quẩn bên mấy thứ nhu cầu đó, thật rõ khổ.

Nghe nói có mấy vị cao tăng, bác học, đại hiền triết, thánh nhân gì đó họ tu luyện, học hành nghiên cứu dữ lắm, đạt đến cảnh giới làm chủ thân tâm cao độ; không gái gú nào có thể kiến họ xao động tâm trí được nhưng mà chưa nghe nói có vị nào khắc chế được vấn đề ăn uống. Cứ khoảng vài giờ thì trong đầu ta lại rộn lên điệp khúc bất hủ vượt thời gian “ăn cái gì đây”, mỗi ngày cái điệp khúc ấy vang lên ít nhất cũng ba lần, có khi bốn năm lần. Trong các hội nghị quốc tế, đang lúc tranh luận say sưa và sôi nổi về các vấn đề kinh tế chính trị thì mấy vị Obama, David Cameron, Putin… cũng phải tạm ngưng vì bữa trưa. Tổ chức một chuyến du lịch, cắm trại, hội thảo… phải luôn chú ý sao cho hợp với giờ giấc bữa ăn.

Vì chúng ta có một cái bao tử nên khi họp lại để tưởng nhớ ông bà tổ tiên thì cũng phải có cái đám giỗ để mọi người ăn uống; tương tự trong các lễ mừng sinh nhật, tân gia, kết hôn hay thậm chí mua cái gì mới thì cũng phải có cái lấp đầy bao tử. Anh nào tán gái mà không dẫn nàng đi ăn được vài món ngon thì coi như hỏng việc, con đường ngắn nhất đến trái tim người phụ nữ là đi qua dạ dày và ruột non. Mấy bà mấy chị thường phàn nàn rằng các đấng phu quân ít khi để ít đến áo mới, giày mới hay kiểu tóc mới của mình nhưng chẳng bao giờ nghe nói mấy ông không để ý đến món canh ngon hay trứng chiên ngon. Bạn bè xa gặp nhau trong bữa tiệc, quán nhậu thì dễ bắt chuyện, vui vẻ lắm thế nhưng bạn thân mà họp nhau lúc đói thì thế nào cũng gây lộn; mấy ông sinh viên cùng phòng hết tiền phải ăn mỳ tôm thì lúc nào cau có gây gổ, khi có tiền ăn no rồi tự nhiên vui vẻ hoà thuận. Trong một cơ quan, đơn vị mà thiếu các bữa tiệc tùng ăn uống thì chỗ đó khó đoàn kết mà làm việc cũng kém hiệu quả.

Miếng ăn cũng có thể mua chuộc lòng người, mấy vụ làm ăn, thăng quan tiến chức, ký kết hợp đồng toàn được xúc tiến trong mấy bữa tiệc, nhà hàng, quán nhậu. Nói đến đây, xin có một gợi ý nhỏ cho những ai muốn làm luận văn nghiên cứu bí đề tài, hãy chịu khó làm các thống kê để so sánh, rút ra sự liên quan chặt chẽ giữa số yến tiệc, ăn nhậu mà một người tiếp đãi đồng nghiệp, cấp trên và sự thành công nhanh chóng của người đó.

Chúng ta bị vấn đề ăn uống chi phối đến nỗi từ cách mạng, chiến tranh và hoà bình, tình yêu nước cho đến ô nhiễm môi trường, tội ác xã hội, đời sống hằng ngày của mỗi cá nhân… đều chịu ảnh hưởng sâu xa vì nó. Nguyên nhân cuộc cách mạng Pháp là do đâu? Có phải tại Rousseau, Voltaire, Diderot không? Không đâu, chỉ tại vấn đề ăn uống. Rồi sao có cách mạng tháng Tám tại Việt Nam ta, cũng chỉ tại vấn đề ăn uống mà ra cả, thế nên trong ba thứ giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm thì cái bọn giặc đói là nguy hiểm và cấp bách hơn cả. Một ai đó xa quê hương thì họ nhớ đủ thứ từ con đường cái ngõ cho đến người thân xóm giềng nhưng căn bản nhất là họ nhớ các món ăn ngon ở quê hay món ngon được ăn hồi nhỏ, hồi đi học, thế mới có câu “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.

Có một điều ai cũng biết nhưng ít để ý là thức ăn quyết định số phận của ta (có hẳn một cuốn “Thức ăn quyết định số phận” của nhà nhân tướng học lừng danh người Nhật Namboku Mizuno), đơn giản dể thấy nhất là thức ăn đã chuyển hoá thành cơ thể chúng ta, là nền tảng của sức khoẻ, đức Phật từng nói cái đó quý nhất đời người, có sức khoẻ thì ta có cả ngàn điều để mơ ước nhưng khi mất nó rồi thì ta chỉ còn một điều ước mà thôi. Nhờ vào việc ăn uống ta, có thể biến một người nóng nảy thô bạo thành ôn hoà nhã nhặn, một người nhu nhược thành cương quyết hơn, một kẻ đau ốm liên miên thành khoẻ mạnh và ngược lại. Nếu để ý, ta sẽ thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa thức ăn và tính cách. Tất cả những loài ăn cỏ ăn hạt đều hiền lành dễ thương như con cừu, con nai, con hưu, con bồ câu… tất cả những loài ăn thịt bẩm sinh đều hiếu chiến và đáng sợ như con hổ, sư tử, chó sói, khủng long bạo chúa…Ở loài người cũng vậy, những ai thích ăn nhiều rau củ thường hiền lành nhã nhặn; những kẻ chỉ biết ăn thịt, uống bia rượu thì thường nóng tính, thô bạo, thiếu kiên nhẫn và hiếu chiến. Nếu con người mà có cái diều như chim hoặc dạ cỏ như loài bò thì chúng ta sẽ chỉ biết ăn hạt, trái cây hay cỏ non trên những cánh đồng xanh mà không hiếu chiến, tàn ác, tham lam mà dẫn đến một xã hội với nhiều vấn đề nan giải như hiện nay.

Nguyễn Hữu Lâm

*********
Đôi lời nói thêm

Bài viết trên, chỉ mới nói mỗi một điều rằng ăn uống là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất, tuy nhiên đó không phải là mục đích ban đầu khi tôi viết bài này. Tôi muốn bàn về vấn đề ẩm thực hiện nay trên mấy khía cạnh: thức ăn quyết định số phận; sự liên hệ giữa ăn uống và sức khoẻ, bệnh tật, mà nhất là nhất là căn bệnh ung thư quái ác; thời buổi này ăn uống cái gì cũng độc hại hết thì phải làm sao; rồi ăn uống thế nào cho đúng vì tôi thấy gần đây xuất hiện nhiều bài viết trên các trang mạng lớn như vnexpress, yahoo…nói nên ăn thế này thế kia, ngược xuôi đủ kiểu khiến người đọc chẳng biết đường nào mà tin theo; và thêm một phần nhỏ nữa là ăn uống và vấn đề nhân văn, đạo đức, tiến bộ xã hội.

Các vấn đề trên rất rộng, trong phạm vi một bài viết không thể đề cập rõ hết được, do vậy bài viết chỉ dừng lại ở mức độ giải trí và đặt vấn đề suy ngẫm. Dù thế nào thì ăn uống vẫn luôn là vấn đề quan trọng mà chúng ta buộc phải quan tâm đến nó, nhất là trong thời buổi an toàn vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam tồi tệ như hiện nay. Hẹn khi khác có hứng thú viết lách, tôi sẽ nói rõ hơn về các vấn đề nêu trên. Cảm ơn quý độc giả đã đọc bài này!

Tham khảo:
[1] Lâm Ngữ Đường (dịch giả Nguyễn Hiến Lê), “Sống Đẹp”, nguyên tác “The importance of living”, NXB Văn Hoá (1999).
[2] Namboku Mizuno, “Thức ăn quyết định số phận”, NXB Văn hoá Thông tin (2008).
[3] George Ohsawa, “Zen Macrobiotics: The Art of Rejuvenation and Longevity”, Published June 28th 1995 by George Ohsawa Macrobiotic (first published June 1995)
[4] http://www.zenmacrobiotics.com/
Previous Post
Next Post