Ở một nền giáo dục có rất nhiều điều đáng buồn như tại Việt Nam , các nỗ lực cải cách lần lượt đến rồi đi, luôn với màu sắc của sự thất bại, ít nhất là luôn chịu sự chỉ trích nặng nề. Dần dần thì có vẻ như người ta cũng nhận ra được rằng các biện pháp tình thế chỉ có hiệu quả mang tính tình thế và cục bộ, số lượng học sinh cuối bậc trung học được giải thưởng Olympic quốc tế ở nhiều môn vẫn luôn ở mức cao nhưng tổng thể nền giáo dục lại rối ren không mấy sáng sủa; sẽ không có gì thay đổi thực sự nếu nền tảng vẫn ì trệ như vậy. Để tác động vào nền tảng tư duy giáo dục, không gì có thể thay thế được vai trò của những cuốn sách uy tín lâu nay đề cập thẳng vào triết lý giáo dục.
Hiện nay, nhà xuất bản Tri Thức đang liên tục cho ra các đầu sách rất được trông chờ. Ngoài những cuốn sách theo dạng lịch sử vấn đề và tập hợp các ý kiến chuyên gia, như 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục và Những vấn đề giáo dục hiện nay – quan điểm và giải pháp…, cần phải nhắc ngay đến tác phẩm của các tác giả mà tên tuổi ngay lập tức mang lại một sự bảo chứng lớn cả về chất lượng tư duy lẫn vị trí trong lịch sử giáo dục thế giới. Đó là Immanuel Kant, Edgar Morin, Jean-Jacques Rousseau và John Dewey. Điều đặc biệt là giữa các tác giả này luôn có có sự liên thông (cả ca ngợi lẫn phê phán), từng bước tạo ra một bức tranh với những kết nối quan trọng.
Chúng ta có thể nhắc tới Kant với vai trò “nhà giáo dục” hay Morin với những tác phẩm về sư phạm được viết gần đây (đặc biệt là Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai, Nguyễn Hồi Thủ dịch, NXB Tri Thức, 2008). Morin trong cuốn sách nhỏ của mình tỏ ra đặc biệt lo ngại trước sự phân mảnh của kiến thức (như một kết quả của giáo dục sai lầm, thậm chí là mù quáng) và hướng đến việc đào tạo những con người có cái nhìn rộng mở hơn, có căn cước toàn cầu và đặc biệt giàu tính cảm thông hơn.
Hai nhân vật kiệt xuất trong quá trình cải cách giáo dục chưa bao giờ ngừng lại của thế giới đã có tác phẩm bằng tiếng Việt: Jean-Jacques Rousseau với Émile hay là về giáo dục (Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương dịch, NXB Tri Thức, 2008) và John Dewey với Dân chủ và giáo dục (Phạm Anh Tuấn dịch, NXB Tri Thức, 2008).
“Hãy yêu mến tuổi thơ”
Có thể nói Émile hay là về giáo dục gồm hai khía cạnh, nằm ở hai bên từ “hay là” ở nhan đề: nó là một tác phẩm văn chương do một nhà văn lớn viết ra, đồng thời cũng là một khảo luận lớn, tác phẩm của một triết gia nếu không phải xuất sắc thì cũng đặc biệt điển hình cho cả một giai đoạn rực rỡ của lịch sử triết học phương Tây.
Quan điểm của lịch sử văn học luôn cho rằng Jean-Jacques Rousseau chính là người “phát minh” ra cái tôi, sử dụng cái tôi như một chủ thể của văn học, và lần đầu tiên đưa chính cuộc đời mình lên bàn mổ văn chương để thực hiện cuộc phẫu tích với mục đích tìm ra cái tôi đích thực. Lịch sử các học thuyết giáo dục lại coi ông là cha đẻ của đối tượng trẻ em, đưa trẻ em trở thành đối tượng thực thụ của phân tích tâm lý. Ở đâu Rousseau cũng là người tiên phong không thể chối cãi (nếu may mắn hơn chút nữa, rất có thể ông cũng trở thành cha đẻ của một lối ký âm mới trong âm nhạc; hiện tượng “đa ngành” này khá phổ biến ở thời Ánh sáng: Goethe cũng từng ghi tên mình vào lịch sử khoa giải phẫu học bằng việc tìm ra một cái xương chưa được biết tới trên cơ thể người).
Gạt bỏ đi tất cả những yếu tố không tưởng và lối hiểu máy móc sự “trở về với tự nhiên”, Rousseau cần được nhìn nhận chủ yếu theo nỗ lực mang tính cách mạng của ông nhằm hiểu bản chất con người cũng như đứa trẻ như một thực thể, từ đó mà có giải pháp giáo dục theo hướng bảo lưu trọn vẹn và kích thích một cách tốt nhất các thiên bẩm và thiên lương sẵn có, qua một quá trình dài lâu, tận tụy và gian khổ. Những cuốn sách như Émile hay Dân chủ và giáo dục còn có ý nghĩa ở chỗ chúng kích thích sự suy tư sâu sắc, một suy tư lâu dài và không khoan nhượng, một cách thức để từ bỏ những giải pháp chắp vá nhặt nhạnh từ khắp nơi có thể đã gây tác hại vô cùng lớn cho giáo dục Việt Nam.
“Cần phải quan tâm đến thói quen của tâm hồn hơn là thói quen của bàn tay” (tr. 123), Rousseau đã nói vậy, và ông cũng thật tâm với lời kêu gọi: “Hãy yêu mến tuổi thơ; hãy ủng hộ các trò chơi của nó, các niềm vui của nó, bản năng dễ thương của nó” (tr. 88). Những lời dạy này nghe qua thì thật đơn giản nhưng hậu thế vẫn luôn không làm nổi cho đến cùng.
Giáo dục như là cách thức duy trì sự sống
Đến tác phẩm Dân chủ và giáo dục, chúng ta không có cơ sở nào để chia thành hai vế ý tưởng ở hai bên từ “và” nữa: quả thực, với John Dewey (1859-1952), một trong những nhà triết học quan trọng nhất của lịch sử nước Mỹ, thường xuyên được gắn vào sự hình thành và phát triển của trường phái “thực dụng luận” (kèm với đó là triết học hiện đại) cùng với Peirce và William James, giáo dục thì cần phải có dân chủ, dân chủ là điều kiện của nền giáo dục thành công.
Là một cuốn sách hết sức sáng suốt, Dân chủ và giáo dục ngay lập tức chỉ ra vai trò của giáo dục, đặc biệt là ở các nền văn minh phát triển cao: “Nền văn minh càng phát triển, khoảng cách giữa năng lực ban đầu của trẻ em và chuẩn mực cùng tập quán của người lớn sẽ ngày càng rộng ra” (tr. 19), và ông đi đến kết luận: “Giáo dục, và chỉ có giáo dục, mới lấp được khoảng trống ấy.” Chỉ ra nhiều dạng giáo dục khác nhau, các khía cạnh lớn của giáo dục, Dewey tỏ ra chua chát với tình trạng trẻ em “được huấn luyện như một con vật hơn là được giáo dục như một con người” (tr. 31), sự non nớt của trẻ em thường xuyên bị lợi dụng nhằm giữ cho chúng có được các thói quen có ích. Muốn phá bỏ hiện thực đó thì giáo dục cần được quan niệm sâu sắc hơn nữa (theo Dewey nó phải là một dạng “môi trường được đơn giản hóa”), và cần phải coi “giáo dục là mục đích tự thân” (tr. 72).
Một điều hay khi hai cuốn sách này được xuất bản hầu như cùng thời điểm tại Việt Nam là trong Dân chủ và giáo dục Dewey đã phê phán cách nhìn của Rousseau, bên cạnh sự phê phán các tư tưởng giáo dục khác như của Platon hay Kant. Dewey, khi nói đến triết lý giáo dục của thế kỷ XIX, đã coi nó thừa nhận vai trò quan trọng của các thiết chế trong lịch sử, và là “một tiến bộ đích thực vượt ra khỏi Rousseau bởi Rousseau đã khẳng định rằng giáo dục phải là một sự phát triển tự nhiên chứ không phải cái được áp đặt từ bên ngoài hoặc được cấy vào các cá nhân, song ông đã làm hỏng điều khẳng định ấy bằng quan điểm cho rằng các điều kiện xã hội bao giờ cũng đi ngược lại tự nhiên.” (tr. 83-84).
Tuy nhiên, sự phê phán này tìm được hình thức tồn tại cân bằng của nó khi gạt bỏ hộ Rousseau sự lên án theo đó nhà tư tưởng của thành phố Genève tự do bị coi là người phản xã hội. Theo Dewey, trọng tâm triết lý của Rousseau là tiến bộ và tiến bộ xã hội, ngay cả khi nhìn qua nó có vẻ rất phản xã hội, vì thực chất Rousseau và những người như ông hướng tới một xã hội rộng lớn hơn và tự do hơn. Bằng cách hướng tới cá nhân, Rousseau hóa ra lại tìm đến toàn nhân loại. Tuy vậy, Dewey vẫn giữ thái độ phê phán của mình khi cho rằng triết lý của Rousseau dựa trên một “niềm tin không chừng mực vào Tự nhiên” (tr. 119).
Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn khi viết lời giới thiệu cho bản dịch Émile cũng đề xuất một cái nhìn chừng mực về tác phẩm này: quan điểm về giáo dục của Rousseau “vừa mới mẻ, tiến bộ, vừa có không ít những mâu thuẫn, nghịch lý như bản thân cuộc đời và toàn bộ học thuyết của ông.” (Émile, tr. 10)
Nền giáo dục Việt Nam, nơi đào tạo ra rất nhiều đứa trẻ được nuông chiều nhưng không thực sự được tôn trọng, tự tin vì rất nhiều thứ khác ngoài nền tảng kiến thức và bản lĩnh cá nhân, chắc chắn cần có các thay đổi. Lời gợi ý đúng đắn rất có thể sẽ đến từ những cuốn sách như thế này.
*****
Thêm một bài nữa có liên quan đến Émile của Rousseau. Émile là quyển sách tôi đọc hồi còn nhỏ, khi mới bắt đầu học tiếng Pháp, tuy không đủ sức đọc hết nhưng những gì đọc được cũng để lại những dấu ấn rất sâu đậm:
Không có đường ranh giới
Trong cái thế giới có vẻ bề ngoài ngăn nắp và chỉn chu của chúng ta (vật nào ở đúng chỗ ấy), vẫn tồn tại những đường biên giới rất mảnh và sự “nhập nhằng” như một mỹ cảm. Dưới đây là ba cuốn sách được xuất bản trong thời gian vừa qua ở Việt Nam thuộc vào loại không thể xếp loại đó.
Trước tiên là hai quyển tiểu thuyết: Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm, Mark Haddon, Nhã Nam và NXB Văn học, 2007, Phạm Văn dịch và Mãi đừng xa tôi (Nhã Nam và NXB Văn học) vừa ra mắt, do Trần Tiễn Cao Đăng dịch. Một quyển khó xác định là có thuộc về văn học thiếu nhi và dòng trinh thám hay không, còn một quyển đứng giữa ranh giới giữa tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và tiểu thuyết “thông thường”.
Thằng bé Christopher trong Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm gặp vấn đề về tâm thần, một dạng rối loạn hành vi, nhưng đồng thời đó cũng là một thần đồng toán học, với những phân tích đáng nể về tính chính xác và rạch ròi. Vấn đề nó phải đối mặt không phải là các bài toán (với nó quá đơn giản, vì trò giết thời gian ưa thích của nó là nhẩm tìm các số nguyên tố) mà là vụ một con chó nhà hàng xóm bị giết, và nó muốn tìm ra thủ phạm, điều tra theo các quy tắc mà nó ngưỡng mộ ở nhân vật Sherlock Holmes danh tiếng. Khó xếp cuốn tiểu thuyết vào dòng văn học thiếu nhi, vì giọng văn mà nó sử dụng phức tạp hơn rất nhiều, và chủ đề chính cũng không hề đơn giản như vẻ bề ngoài. Thằng bé Christopher, như bất kỳ một nhân vật tiểu thuyết chân chính nào, cũng đi tìm ý nghĩa của tồn tại, nó hiểu rằng toán học rất khác cuộc sống vì “trong cuộc sống cuối cùng không có câu trả lời rõ ràng” (tr. 78). Một tác phẩm dành cho thiếu nhi cũng không hướng đến những khám phá quá buồn bã, nặng nề và bi kịch như khi Christopher dần hiểu ra hoàn cảnh gia đình của nó, một người mẹ bỏ ra đi và một người bố tìm mọi cách che giấu điều đó. Nhưng cùng lúc, thế giới của Christopher vẫn là thế giới của một đứa trẻ, dù cho nó không phải là một đứa trẻ bình thường, do bệnh tật và do trí tuệ bất thường mà nó sở hữu.
Bên cạnh đó Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm còn là một “nỗ lực viết truyện trinh thám”, và toàn bộ sự khéo léo về kỹ thuật viết của Mark Haddon nằm ở đây. Không hẳn là tìm cách vượt ra ngoài khuôn khổ của tiểu thuyết trinh thám, vì quả thực các biến cố (dù có nạn nhân và có tìm ra thủ phạm) không đủ phức tạp cho một cốt truyện trinh thám, mà đúng hơn là tác giả tạo ra một tiểu thuyết trinh thám có thể có, với tất cả những suy nghĩ về Conan Doyle, Sherlock Holmes và đặc biệt là câu chuyện nổi tiếng Con chó săn của dòng họ Baskerville, nhưng kìm giữ để tác phẩm không thực sự trở thành một tiểu thuyết trinh thám (những điều tra bị cắt ngang, thủ phạm giết con chó để lộ mình quá dễ dàng dưới hình thức một lời thú nhận…).
Mãi đừng xa tôi (tên gốc là Never Let Me Go, tiểu thuyết gần đây của nhà văn Anh nổi tiếng gốc Nhật Kazuo Ishiguro, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng từng được dựng thành phim, The Remains of the Day) lại gây bối rối theo một cách khác.
Ngay từ đầu, Mãi đừng xa tôi đã có một chi tiết có thể coi là một cách thức “đánh lạc hướng”: dòng chữ “Nước Anh, cuối thập niên 1990” đặt ở đầu sách chắc chắn khiến nhiều người đọc tưởng rằng đây là một tiểu thuyết “bình thường” theo nghĩa hiện thực của cốt truyện là một hiện thực khả tín (Kazuo Ishiguro xuất bản tác phẩm của mình vào năm 2005), được sao chép từ cuộc sống bên ngoài ở một quá khứ chưa xa. Nhưng thực tình đây lại là một cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng trừ đi một số thủ pháp quan trọng của chính thể loại đó: không có sự phóng chiếu, “vặn tới” thời gian để đẩy bối cảnh lên vài chục vài trăm năm, không có cả các giải thích mang tính khoa học vẫn thường thấy trong các tác phẩm khoa học giả tưởng điển hình khác, cũng như không có toàn bộ kích thước lý tính khoa học luôn được nhấn mạnh tối đa.
Vi phạm cùng một lúc rất nhiều tiêu chuẩn của một thể loại, Mãi đừng xa tôi hoàn toàn có thể được coi là một câu chuyện kỳ lạ, hơn là một câu chuyện có khả năng, hay chỉ có thể xảy ra với một số điều kiện nhất định. Có lẽ Ishiguro muốn gợi ý người đọc rằng một câu chuyện như vậy đã từng xảy ra ở đâu đó, chỉ có điều nó được che giấu quá cẩn thận nên không mấy ai biết được. Cách làm đó có cái lợi là gỡ bỏ cho người đọc ngay từ đầu những định kiến có thể có về một thể loại nhất định.
Thế nhưng cuốn tiểu thuyết vẫn mang một bầu không khí buồn bã có phần cứng nhắc rất đặc trưng của khoa học giả tưởng. Kathy (người kể chuyện) và hai người bạn Ruth, Tommy sống ở trong một không gian địa lý khá bình thường giống như mọi người khác nhưng không gian tâm lý của họ thì chật hẹp đến hết mức có thể: giữa cái chết lúc nào cũng sắp tới và những kỷ niệm cũng như căn cước bản thân luôn luôn thêm phần mù mờ, họ sống như những người thiếu dưỡng khí triền miên, chỉ ký ức về trường nội trú Hailsham mới làm tươi vui lại phần nào các cá thể sinh ra và chết đi vì một nền y học tiên tiến đó (“có đôi lúc tôi tự nhủ không nên nhớ lại ngày xưa nhiều quá vậy. Nhưng rồi đến một lúc tôi thôi không cưỡng lại điều đó nữa” - tr. 16). Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết cũng sẽ dần tiết lộ những yếu tố làm lung lay, làm nhiễm độc sự trong lành cuối cùng mang tên Hailsham này.
Những bí mật về Hailsham dần được hé mở (nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ; mục đích của Mãi đừng xa tôi không hề là phô bày các hiểu biết khoa học, mà là xới tìm những bí ẩn con người). Sau này khi gặp lại các học sinh cũ, nhân vật bí hiểm “Madame” (Marie-Claude) từng ám ảnh đầu óc bao nhiêu thế hệ học sinh ở Hailsham, cuối cùng cũng đi đến một nhận xét đầy bi quan, như một chứng nhận cho tính chất tiêu cực của tiến bộ khoa học: “Tôi thấy một thế giới mới đang đến nhanh chóng. Khoa học hơn, hiệu quả hơn, thì đúng. Nhiều cách chữa hơn cho những căn bệnh trước kia. Hay lắm. Nhưng là một thế giới nghiệt ngã, độc ác” (tr. 409-410).
Dễ hiểu khi các tác phẩm hiện đại tạo ra nhiều băn khoăn về thể loại đến vậy. Nhưng trong danh mục sách cổ điển, cũng không ít cuốn sách chơi đùa với các đường ranh giới. Émile hay là về giáo dục của Jean-Jacques Rousseau (Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương dịch, NXB Tri Thức) là một cuốn sách như vậy. Đây là một bản dịch rất được trông chờ, vì tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau ở Việt Nam chưa thể nói là đầy đủ (vẫn còn thiếu những tác phẩm đặc biệt quan trọng như Tự thú hoặc Những mơ mộng của người đi dạo cô độc), và Émile đặc biệt quan trọng trong cả lịch sử văn học lẫn lịch sử các học thuyết giáo dục.
Trước tiên, đó là một điểm mốc lớn trong lý thuyết giáo dục theo hướng chú trọng tự nhiên (và cũng mang đầy tính không tưởng). Ngay câu đầu tiên của tác phẩm đã nói lên điều ấy: “Mọi thứ từ bàn tay Tạo hóa mà ra đều tốt: mọi thứ đều suy đồi biến chất trong bàn tay con người”, và Émile sẽ tìm cách chứng minh ưu điểm to lớn của cách giáo dục này: tự do và tự chủ của người học trò, mối quan hệ gần gũi không một lúc nào bị giãn cách với thiên nhiên, và vai trò của người thầy giống như một người bạn không bao giờ áp đặt. Nhưng chất lượng văn chương của cuốn sách lớn đến mức khó coi nó chỉ là một khảo luận về giáo dục. Những miêu tả cảnh vật thành phố Montmorency, đặc biệt là sự tinh tế trong miêu tả nội tâm con người đã khiến ngay từ khi ra đời Émile đã là một phần không thể tách rời của sự nghiệp văn học Rousseau.
*****
Vẫn chưa hết Rousseau: Đây là bài tôi viết sau lần đến Montmorency, nơi nhân vật Émile của Rousseau sống và cũng là nơi chính Rousseau sống trong một quãng thời gian.
Rousseau ở Montmorency
“Montmorency” là một từ thần kỳ hiện lên từ những trang sách thuở nhỏ của tôi. Montmorency, đó là mơ ước về một thiên đường giáo dục, một mô hình học tập mà Rousseau dựng lên trong Émile. Trong thế giới của Rousseau, con người có quan hệ chặt chẽ với thiên nhiên; ông đề xuất lối giáo dục tự do, chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Chính vì thế cậu bé Émile sẽ được dạy địa lý không phải bằng những khái niệm nhồi nhét, những bài giảng khô cứng, mà qua việc tìm đường về khi bị lạc trong khu rừng Montmorency. Thành phố nhỏ xinh xắn Montmorency ở ngoại ô phía Bắc Paris cũng là nơi Rousseau sống liên tục trong sáu năm.
Công dân của thành phố tự do Genève, Rousseau đi khắp châu Âu, nhưng quãng thời gian ở Montmorency chắc chắn là quan trọng hơn cả trong sự nghiệp trước tác của ông, cả về văn chương lẫn triết học. Sáu năm ở ngôi nhà nhỏ Mont-Louis (từ 1756 đến 1762) Rousseau viết và xuất bản những tác phẩm quan trọng nhất: Julie hay nàng Héloïse mới, Émile hay về giáo dục, Khế ước xã hội và Thư gửi d’Alembert. Nằm không xa hồ Enghien nổi tiếng dành cho nhu cầu bơi lội của người dân thủ đô vào mùa hè, ngôi nhà Mont-Louis trên ngọn đồi dốc nay trở thành bảo tàng, con đường chạy qua trước nhà giờ mang tên Jean-Jacques Rousseau. Một ngày trời nắng muộn cuối mùa thu, người đàn bà luống tuổi trông coi khu nhà dẫn tôi đi thăm nhà. Dừng lại ở phòng ngủ của nhà văn, ở tầng trên, một căn phòng được sửa sang nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, theo lối “căn hộ” thế kỷ XVIII với phòng chờ, phòng ngủ, nơi để và thay quần áo. Trước khi rời khỏi phòng, người hướng dẫn chỉ vào cửa sổ nhỏ trổ trên tường, đối diện với giường ngủ, và nói ngày trước, những hôm trời quang như hôm nay, Rousseau có thể từ đây nhìn thấy Paris, “thành phố của tiếng ồn, bùn lầy và khói bụi”.
Nhà văn Ý Italo Calvino trong một bài giảng năm 1958 tên là “Thiên nhiên và lịch sử trong tiểu thuyết” chứng minh rằng thiên nhiên trong truyền thống văn học cổ kéo dài cho đến Rousseau luôn hàm chứa trong nó ý tưởng về một tính siêu nhiên, một đấng cứu thế mà tinh thần có thể giao hội. Chỉ khi “tiêu diệt” xong kiểu thiên nhiên đó, tiểu thuyết hiện đại mới thực sự ra đời. Thiên nhiên với Rousseau là nơi để trốn ra khỏi vùng “kinh đô cát bụi bay nhiều” (Nguyễn Bính). Ngồi trong khu vườn đầy nắng nhưng vẫn có phần cô quạnh của Rousseau, ngay ở chiếc bàn đá tròn giản dị, dường như một thiên nhiên đầy âm thanh và ý nghĩa bỗng trong phút chốc truyền đến với tôi, một người khách từ xa đến. Ngày nay khu đồi vẫn khá yên tĩnh. Mọi thứ không có vẻ thay đổi nhiều lắm, ngoại trừ một nửa ngôi nhà được xây thêm vào thế kỷ XIX, gá thẳng vào nhà cũ, thành ra từ cửa sổ phòng ngủ Rousseau không thể còn nhìn thấy Paris được nữa.
Giai đoạn Montmorency này Rousseau phải trải qua không ít những tổn thất về tình cảm. Với một người đa cảm như ông, những người bạn mất đi để lại những vết thương không nhỏ. Bà d’Epinay, rồi Grimm, những người bạn Montmorency, rồi những người bạn Paris như Saint-Lambert hay Sophie. Và đặc biệt là người bạn mà ông coi là thân thiết nhất, Diderot. Diderot khiến ông cảm thấy tổn thương nặng nề khi viết thư cho ông, nói rằng: “Chỉ người nào độc ác mới cô độc”, mà Rousseau là một người “cô độc bẩm sinh”, tác giả của một trong những cuốn sách đẹp nhất về sự cô đơn: Những mơ mộng của người đi dạo cô độc.
Trước khi chuyển sang ngôi nhà Mont-Louis, Rousseau ở sát gần đó, trong một ngôi nhà tuyệt đẹp tên là “Ermitage”. Trong vòng một năm rưỡi, ông ở ngôi nhà mới xây dành riêng cho ông, và bắt tay viết Nàng Héloïse mới. Đó chính là ngôi nhà mà bà d’Epinay, một trong số những người bạn gái thân thiết của Rousseau, dùng làm món quà tặng nhà văn. Trong tác phẩm Tự thú ông kể bà bạn nói với ông đầy thân tình: “Con gấu của tôi, đây là chỗ trú ẩn của anh; anh đã lựa chọn nó, tình bạn tặng nó cho anh”. Đó là một món quà bất ngờ, vì bà d’Epinay khi thấy Rousseau tỏ ra thích khoảnh đất, đã xây ngôi nhà một cách bí mật để tặng lại cho ông. Nhưng rồi Rousseau chỉ ở được chốn thiên đường trần thế đó trong vòng khoảng một năm rưỡi, ngay trước khi chuyển sang Mont-Louis cùng với Thérèse Levasseur và bà mẹ của Thérèse (chỉ sau đó một thời gian rất ngắn, vì thích Paris hơn nên bà mẹ không ở đó nữa, để lại ngôi nhà cho hai người). Một cuộc tình duyên với một người bà con của d’Epinay chính là nguyên do khiến ông nhận được một bức thư lịch sự nhưng cương quyết mời ra khỏi nhà, khi năm 1856 đã bước sang những ngày cuối cùng.
Nhưng cuộc sống ở Mont-Louis cũng mang lại cho ông những người bạn mới. Thuê được ngôi nhà từ Mathas, người quản lý thuế má cho hoàng thân Condé với giá rất rẻ, Rousseau và “cô thợ giặt” Thérèse Levasseur nhanh chóng có láng giềng. Trong khi những người bạn Paris như Diderot hay d’Alembert của nhóm “Bách khoa toàn thư” sửng sốt trước tin Rousseau thuê nhà ở xa Paris (“Sao anh lại đến đó ở, anh không còn yêu chúng tôi nữa hay sao?”), một vị thống chế nhà ở gần đó, de Luxembourg, sau một thời gian quen biết, tỏ ý muốn sửa chữa ngôi nhà giúp Rousseau và Thérèse. Lúc đầu Rousseau không muốn, cả đời Rousseau không muốn được ai giúp, nhất là từ một nhà quý tộc. Vị thống chế đã thuyết phục được ông Mathas chủ nhà của Rousseau. Và thế là ngôi nhà được sửa sang, trong thời gian thợ làm việc, Rousseau và Thérèse chuyển sang ở nhà của vị thống chế. Ngoài ra, cũng nhờ vợ chồng người láng giềng hào hiệp mà ở cuối khu vườn, “donjon” (tòa tháp canh) mới được xây lên. Trước đó nó chỉ là một cái bàn nhỏ đặt cuối vườn, thông thống gió. Rousseau hay ngồi đó để viết. Từ nay nó đã trở thành một căn phòng nhỏ biệt lập và ấm áp. Ngoài việc giữ gìn sức khỏe, những bức tường mới xây còn giúp Rousseau một việc nữa: trước đó nhiều lần giấy tờ ông để lại trên bàn bị hai “kẻ tọc mạch” (cách gọi của chính Rousseau) láng giềng đọc trộm. Hai người đàn ông tò mò đó sống ở ngôi nhà hiện nay là nhà nghiên cứu Rousseau ở phố Mont-Louis.
Với gia đình Rousseau cũng như ở đại đa số gia đình thời đó, nước là cả một vấn đề nan giải. Nước nhà Rousseau dùng phải đi lấy ở tận chân đồi. Và dĩ nhiên phải dùng cực kỳ tiết kiệm. Thế nên trong nhà ông có thứ dụng cụ lạ mắt, chậu đựng nước vách rất dày, với một chiếc gáo đục thủng ở cán để lấy nước ra từ chậu theo từng giọt một. Trong phòng Thérèse cũng có một chậu nhỏ hình chữ nhật với các dụng cụ làm vệ sinh cơ thể. Nước cũng được tính bằng giọt. Cả trong phòng hai vợ chồng (phòng Rousseau nằm trên tầng) đều có chiếc kéo màu vàng cắt tim nến. Ngoài nước, nến cũng là thứ không thể phí phạm. Trên chiếc bàn nhỏ hơi võng xuống đặt giữa phòng đặt một mảnh giấy đang viết dở. Trên bàn này Rousseau đã viết những trang của Thư gửi d’Alembert trong đó ông phản đối việc xây dựng nhà hát ở Genève, bởi vì ông e dân thành phố quê hương ông sẽ ưa chuộng các thứ giả tạo bôi lên người, các thứ hóa trang sân khấu, để mà quên đi con người thật của mình. D’Alembert không giận ông vì chuyện này, nhưng nhóm “Bách khoa toàn thư” sẽ không tha thứ cho Rousseau vì đã động đến vị giám đốc đầy uy tín của họ.
Trong ngôi nhà đã trở thành bảo tàng khi đó đang có trưng bày về bộ sưu tập cây cỏ (herbier) mà Rousseau gửi tặng cho Madeleine, “cô bé Madelon”, con gái người bạn của ông, bà de Lessers. Nhưng khi còn sống ở Montmorency, thực vật học còn chưa trở thành niềm say mê của ông. Khi đó con người ông vẫn bị niềm say mê thứ nhất của cuộc đời chiếm trọn vẹn: âm nhạc. Cuộc trưng bày cũng bày những bản nhạc mà Rousseau viết theo lối ký âm của riêng ông, bởi vì ông nghĩ cần phải có một ngôn ngữ mới cho âm nhạc. Viện hàn lâm âm nhạc từ chối sáng tạo này.
Khi viết xong Émile với những ý kiến phàm tục, phạm thánh động chạm đến Nhà thờ, cuốn sách bị cấm và có lệnh bắt luôn tác giả. Trong Émile, Rousseau khẳng định: “Chúng ta không biết chút nào tuổi thơ: với những tư tưởng sai lầm mà chúng ta có sẵn về nó, càng làm thêm nữa chúng ta sẽ càng sai lầm.”. Nhưng vị thống chế de Luxembourg đã kịp thời cấp báo, và khi triết gia tỏ ra do dự, nài xin ông đi trốn. Ngay trong đêm ông ra đi trên một chiếc xe ngựa, hướng về vùng Jura, Thụy Sỹ. Trên đường chạy trốn xe ông gặp xe của những viên mõ tòa thừa lệnh đến bắt ông. Hai bên chào nhau thân ái, và những người mõ tòa sau đó báo cáo lại với cấp trên là Ông Rousseau không có nhà, nơi họ có lệnh phải bắt ông. Và thế là đường lưu lạc của Rousseau lại tiếp tục, sau những vinh quang và những khó nhọc, ông đến Thụy Sỹ, và rồi không hiểu nghe ai xui khôn xui dại, sang London . Thành phố khổng lồ nuốt chửng ông (tương tự như nó sẽ làm với Zola sau này), nước Anh với ông không hề thân thiện, bởi nếu ông nắm vững tiếng Pháp và tiếng Ý, thì tiếng Anh với ông là cả một gánh nặng, lúc nào ông cũng ngờ người ta đang âm mưu làm hại ông. Nước Anh còn khiến ông mang nhục, vì đã phải ngửa tay lấy tiến trợ cấp của vua George III, trong khi Rousseau kiêu hãnh đã từng từ chối tiền trợ cấp của Louis XV nước Pháp. Rồi Paris lại mở cửa cho ông, với điều kiện ông không được viết về chính trị nữa. Lệnh cấm đó giúp ích rất nhiều cho văn học Pháp: ông viết các tác phẩm tự truyện, và thể loại tiểu thuyết tự thuật đã được khai sinh với Confessions (Tự thú), viết từ năm 1764. Cuốn sách được in ở Genève thành hai phần, năm 1782 và năm 1789 (sau khi Rousseau đã qua đời).
Hầu tước de Girardin mở tiếp cho ông một chốn thần tiên nữa, sau Montmorency, sau Chamberry: Ermenonville. Ngày 20 tháng Năm năm 1778, ông đến nơi ở mới, được xây theo kiểu Clarens của Nàng Heloïse mới, bởi de Girardin là người tôn thờ Rousseau, thậm chí còn nuôi con mình theo những gì tác phẩm Émile “chỉ dẫn”. Sống được ở đó vài tuần thì Rousseau mất, nhưng ông còn được nằm lại mảnh đất đẹp đẽ đó đến năm 1794, khi Cách mạng Pháp cả quyết ông là thiên tài, vĩ nhân nước Pháp và đưa ông đến Panthéon, đặt nằm đối diện với Voltaire.
Ngày nay, Montmorency không còn tên là Émile như hồi cách mạng. Nó trở lại mang tên Montmorency (sau rất nhiều lần đổi đi thay lại) một cách nhất quán từ thời Louis-Philippe. Tuy thế Émile và Montmorency vẫn là hai từ không thể tách rời nhau, vẫn là một hình ảnh đẹp về một thiên đường giáo dục xa vời nhưng cũng vô cùng gần gũi.
Nguồn: sachxua.net