Thường nhật, trong chúng ta ai
cũng không ít hơn một lần nghĩ đến tự do và hạnh phúc, hai yếu tố này xem ra có
quan hệ mật thiết với nhau. Hễ có yếu tố này thì có yếu tố kia nó tương tác
tương duyên cùng nhau. Thế nhưng để hiểu rõ nó là cái gì thì đó là vấn đề không
dễ và có nhiều rối rắm phức tạp, một sự đa dạng đáng kinh ngạc.
- Một người đang ngồi nhăm nhi
tách cà phê bốc khói với điếu thuốc trên môi đưa mắt nhìn mây trắng bay trên
bầu trời mùa thu. Một đôi vợ chồng tay trong tay đang dạo phố mua sắm trong
chiều ngày nghỉ. Một sinh viên dán mặt vào tờ thông báo trúng tuyển học bổng.
Một doanh nhân đang mỉm cười với việc hoàn thành một dự án có lợi nhuận cao.
Tất cả các trường hợp trên đây, có phải họ đang ở trong trạng thái hạnh phúc?
- Quan sát một bác nông dân im
lặng đứng nhìn cánh đồng lúa xơ xác ngập úng sau một đợt mưa bão. Một phụ nữ có
tuổi đang còng lưng dưới sức nặng của gánh hàng vội vã về chợ mỗi sáng mai. Còn
rất nhiều hoàn cảnh tương tự như vậy không kể xiết. Có thể nói lên điều gì,
phải chăng họ sống không hạnh phúc?
Vậy hạnh phúc là gì? Triết gia
Pháp Henry Bergson nói: “Người ta định nghĩa hạnh phúc là cái gì đó phức tạp và
rối rắm, một trong những quan niệm mà nhân loại đã cố tình thả nổi để mỗi người
tự xác định theo cách riêng của mình”. Lẽ nào như vậy, mọi người hiểu lờ mờ như
một thứ tình cảm thoáng qua chẳng có gì quan trọng, chẳng để lại một hậu quả,
chúng chỉ tác động nhỏ nhoi đến chất lượng từng khoảnh khắc. Liệu có thể làm
cho cái khoảnh khắc ngắn ngủi đó kéo dài hay mất vội đi không, điều mà đa số
chúng ta cho rằng chúng là một thành phần căn bản của đời sống.
Ai trong chúng ta cũng thừa nhận
rằng, hạnh phúc không tự giới hạn trên các cảm xúc dễ chịu, trên các niềm vui,
trên các khoái cảm mạnh mẽ, trên các trạng thái thanh thản chóng qua, sau những
bận rộn công việc cuộc sống. Tất cả những biểu hiện đa thù đó không đủ sức tạo
nên hình ảnh trọn vẹn chân thật sâu xa của hạnh phúc và đa số trong chúng ta dễ
đồng tình chia sẻ với quan niệm của Aristote: “Ngay với bản chất của hạnh phúc,
người ta đã không đồng tình với nhau. Các nhà thông thái giải thích nó khác với
quần chúng”.
Đâu là hạnh phúc?
Quan điểm chung của xã hội nhìn
nhận hạnh phúc qua mức độ chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân hay nói cách
khác hạnh phúc của một cá nhân được nhận dạng qua mức độ yêu cuộc sống của
người đó, và đối với một số người yêu cuộc sống được hiểu như là sự toại nguyện
với điều kiện có được của cải vật chất, thích thú với các quan hệ chung quanh
cuộc đời họ. Nếu đã vậy thì rõ ràng hạnh phúc rất khó nắm bắt, hoàn toàn lệ
thuộc vào những điều kiện, vào những tình huống ở bên ngoài, vượt khỏi tầm kiểm
soát, chế ngự của bản thân và dường như ham muốn của con người là vô cùng,
trong khi khả năng chế phục thế giới lại có hạn, nhất thời và hảo huyền.
Chúng ta bỏ ra quá nhiều thời
gian để học tập, học nghề, để kết nối những quan hệ xã hội, lập gia đình, nỗ
lực không ngừng cải thiện những điều kiện vật chất, và địa vị xã hội cho bản
thân. Phải chăng tất cả điều đó quyết định chất lượng cuộc sống? Một sự nhầm
lẫn có lẽ phổ biến giữa hạnh phúc và khoái cảm đã chiếm lĩnh trong suy nghĩ
thông thường trong chúng ta, nhưng kỳ thực nó chỉ là chiếc bóng của hạnh phúc, chỉ
là những gợn sóng của sự dễ chịu, sự hài lòng về mặt cảm xúc hay trí tuệ. Nó
xuất hiện như một kinh nghiệm cá nhân, hội tụ vào bản thân và vì thế dễ trở
thành thói quen, tật xấu xét ở góc độ tính vị ngã. Ở một cấp độ trầm trọng hơn,
khoái cảm đồng nghĩa với bạo lực, ngạo mạn, tham lam và hơn nữa là tính độc ác
trong cạnh tranh sinh tồn làm cho tâm trí con người bị mất thăng bằng, khiến ta
bị ám ảnh do yêu thích hay ghét bỏ những chướng ngại cho khoái cảm.
Sống trong xã hội tiêu thụ, nó
rất tinh vi sắc sảo, sáng tạo vô số những thú tiêu khiển giả tạo khiến con
người lặn sâu vào khoái cảm và những thú vui đó lại được lặp đi lặp lại với tần
suất cao có tính toán làm cho con người ngày càng bị lệ thuộc vào đó. Kỳ thực
cái hạnh phúc giả vờ đó chỉ làm tăng trưởng cái bất hạnh, làm cho chất lượng
cuộc sống chỉ ở trên bờ vực sâu?
Điều hiển nhiên, sự khoái cảm nào
cũng chứa đựng một niềm vui thể hiện qua nụ cười, qua niềm rạng rỡ trên khuôn
mặt, nhưng nó rất khác nhau một cách tế nhị với hạnh phúc, tuy rằng về bản thân
của hạnh phúc rất khó định nghĩa. Nhưng để nhận dạng nó là điều có thể và khoái
cảm đó thực sự gắn kết góp phần vào hạnh phúc khi nó được giải phóng khỏi tình
cảm tiêu cực, và phải thêm vào đó những tố chất như trí tuệ, thiện tâm cùng với
loại trừ con ma vương “cái tôi” đáng ghét. Chẳng hạn ta tỏ ra vui mừng, khoái
trí đến tàn bạo khi người đối thủ đồng liêu của mình bị thất sủng trong lúc ta
được thăng quan giữ vị trí chủ chốt trong cơ quan.
Theo Lama Mathieu Ricard, có một
công trình thống kê so sánh đối chiếu của 2475 công trình nghiên cứu khoa học
về hạnh phúc đã công bố có đưa ra ba kết luận.
1. Có đến 50% cho rằng gien trong
con người ảnh hưởng đến hạnh phúc của người đó – tức yếu tố bẩm sinh.
2. Có đến 15% cho rằng ngoại cảnh
như địa vị, giáo dục, tài sản, tuổi tác, dân tộc, nghề nghiệp có gây ảnh hưởng.
3. Phần còn lại như cách sống,
cách nhận thức và hành động theo suy nghĩ ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm
hạnh phúc.
Theo tinh thần nghiên cứu tâm lý
này, con người sống tại các quốc gia có bảo đảm an ninh, tự chủ và tự do, có
nhiều điều kiện giáo dục, có tự do cá nhân và quyền dân chủ cảm thấy hạnh phúc
nhiều hơn. Hạnh phúc càng cao hơn đối với cá nhân có công ăn việc làm và được
hưởng lương bổng, được tham gia các tổ chức xã hội tự nguyện v.v…
Một số đông khác trong chúng ta
lại cho rằng hạnh phúc chỉ đến với những ai có tri kiến về thực tại. Tri thức
không đồng nghĩa với sự tích lũy nhiều hay ít lượng thông tin và kiến thức, mà
điều cơ bản là hiểu biết một cách tự do về bản chất của vạn vật không bị biến
hình do tạo tác của tâm thức. Thông thường khi quan sát thế giới bên ngoài ta
xem nó như một tập hợp các thực thể độc lập, tự do và qui kết cho nó các thuộc
tính để từ đó sinh khởi các khoái cảm. Do vậy các khoái cảm dựa vào hư vọng,
trái lại hạnh phúc lại đặt trên nền tảng là sự thật. Sự thật là lòng ham muốn
danh vọng, quyền lực, giàu sang và khoái lạc đã đào một hố sâu giữa những nhận
thức của con người và thực tại, từ đó nảy sinh ra xung đột nội tâm làm mất đi
niềm hạnh phúc. Sự thật là thế giới hiện tượng sự vật tự bản chất là kết quả
của vô hạn các nguyên nhân và điều kiện không ngừng biến dịch, không có sự vật
nào tồn tại hoặc hiện hữu bởi chính nó. Với cách nhìn cơ bản đó có thể giúp ta loại
trừ trạng thái mê mờ của tâm thức, giảm thiểu những xúc cảm gây bất an trong
nội tâm, sống một cuộc đời thanh thản giàu lòng vị tha.
Thế còn tự do có ảnh hưởng gì đến hạnh phúc của con người?
Thông thường khi nói đến tự do,
người ta nghĩ ngay đến hạnh phúc, với tư thế muốn làm gì thì làm mà không bị
cấm đoán – hay nói cách khác tự do thực hiện những dục vọng để mang lại hạnh
phúc. Nói như thế thì tự do đó có nghĩa là tự do để thoát ra khỏi một sự ức
chế, một sự đè nén của khuôn mẫu nào đó. Thực ra đây chỉ một phản ứng và các
phản ứng nối tiếp nhau phô diễn sự bám chấp quá khứ của tâm hồn. Chẳng hạn, tự
do thoát khỏi sự phiền não, thoát khỏi nỗi đau, giữ lại những ký ức tốt đẹp. Tự
do giữ lại thứ này, loại bỏ thứ kia.
Sự tự do đích thực là một trạng
thái tâm hồn – tự do nội tâm có nghĩa là làm chủ được chính mình, vượt lên trên
sự khống chế của vị ngã, của những khuynh hướng đã huân tập các thói quen từ
lâu. Trong đời sống sự tự do này giúp ta cỡi mở, kiên nhẫn, hòa hợp được với
tha nhân nhưng vẫn kiên định được hướng đi đã chọn lựa với một niềm vui bao hàm
một năng lực chuyển hóa mạnh mẽ. Sự tự do như thế giúp cho tâm thức của ta
thưởng ngoạn được cái hương vị trong sáng của khoảnh khắc hiện tại, không bị
ràng buộc của quá khứ và giải phóng khỏi các dằn vặt lo âu vô bổ lôi kéo bởi
tương lai, giải phóng được sự thao túng bởi lòng vị ngã, bởi sự khao khát danh
vọng, tài sản, bởi sự tìm kiếm lạc thú vô độ. Sự tự do này giúp cho con người
một phong thái bình dị để sống như hơi thở, không cần phải nỗ lực để rạng rỡ,
để không cho mình là quan trọng, cũng không làm cho mình đáng thương, chẳng có
gì để chứng tỏ, chẳng phải tìm kiếm, bởi vì mọi thứ thế là đủ.
Hạnh phúc theo quan điểm đạo Phật
Theo các luận sư Phật học, danh
từ hạnh phúc mô tả một trạng thái sung mãn sinh khởi từ tâm thức thanh thản và
thánh thiện, thể hiện một phẩm hạnh vượt lên cả niềm vui lẫn đau khổ, vượt qua
những độc tố của tâm thức, của trí thức, không còn mê muội về bản chất của vạn
vật trong thế giới hiện tượng. Hạnh phúc theo ý nghĩa đó, gắn liền với sự vận
hành của tâm, cách nhìn của tâm đối với thế giới hiện tượng. Với trạng thái
hạnh phúc như vậy, nội tâm sẽ bình yên không bị tổn thương khi thất bại, không
thái quá lúc thành công bởi ý thức rằng những trải nghiệm đó sẽ trôi qua theo
qui luật vô thường, chẳng có gì để bám chấp vào đó.
Theo đạo Phật, hạnh phúc không
phải là thực thể ở bên ngoài mà ở ngay trong tâm mình, mỗi người đều mang sẵn
một tiềm năng hoàn hảo, nó sẽ hiển lộ khi tâm chấm dứt thèm khát, ham muốn.
Hạnh phúc chân thật là sự bình an của nội tâm. Một khi tâm hồn hoàn toàn bình
an, vắng lặng bóng dáng của khát ái, lo lắng, phiền não, ích kỷ thì đó mới là
hạnh phúc thật sự. Đó cũng là cách nhìn trí tuệ giúp ta nhìn thế giới như thật
đúng với bản chất của nó. Sau cùng, cũng là niềm vui đạt tới tự do nội tâm và
lòng vị tha tỏa sáng.
Con người hiện hữu trong cuộc đời
đều không biết mình đến từ đâu, đến đây để làm gì, đến khi lìa xa thế gian
không biết sẽ về đâu? Cớ sao gặp phải bao nhiêu ngang trái đau buồn? Trong một
cảm xúc bất an giàu lãng mạn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lần hỏi: “Ta là ai, là
ai mà trần gian thế / Ta là ai, là ai mà yêu quá đời này”.
Đạo Phật là con đường của tuệ
giác và nhờ tuệ giác soi sáng chúng ta mới thoát khổ. Đạo Phật nhắm đến những
vấn đề thực tại của cuộc sống con người chứ không nhắm đến sự biện giải những
vấn đề siêu hình. Đức Phật đã nhiều lần không muốn các đệ tử của mình đắm chìm
trong những suy luận siêu hình, vô bổ, mất thời gian. Trong Kinh A-Hàm, Ngài có
lần khuyên: “Này các vị, đừng thắc mắc rằng thế giới này là hữu hạn hay vô hạn,
cõi đời này hữu cùng hay vô cùng. Dù nó là hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô
cùng thì điều mà các vị phải thừa nhận trước hết vẫn là: Cuộc đời đang đầy dẫy
những đau khổ”.
Cuộc đời về bản chất là khổ, bất
tịnh, vô thường, vô ngã. Hãy chuyển hóa cuộc đời, chuyển hóa bản thân, giải
thoát vô minh, dục vọng để đạt đến an lạc và trí tuệ là việc cấp thiết.
Chân lý Phật học bao giờ cũng
linh động và thực dụng, vì vậy con người một mặt thực tế và thành khẩn, mặt
khác phải khai triển khả năng nhận thức khoáng đạt của nội tâm để mong chứng
ngộ. Lý tưởng giải thoát được nuôi dưỡng bằng chất liệu của đau khổ, không phải
khổ đau nhỏ bé của cá nhân mà là thực tại của con người.
Một khi ta còn bưng bít tâm hồn,
không nhìn thẳng vào thực tại, còn vùi thân trong cuộc sống dễ dải của khoái
cảm của dục vọng lúc đó ta không nhận thức đúng chân tướng cuộc đời thì hạnh
phúc là một ảo tưởng.
xxxxx
Ngày nay, sự phát triển khoa học
kỹ thuật đã đẩy mạnh nền kinh tế phát triển, tạo ra một khối lượng của cải vật
chất và tinh thần rất đồ sộ, kích thích nhu cầu con người ngày càng đa dạng và
phong phú, nhưng mặt trái của nó bộc lộ nhiều vấn nạn. Các giá trị đạo đức, văn
hóa truyền thống bị lung lay và bị chi phối bởi những cám dỗ vật chất. Chủ
nghĩa thực dụng, thói ích kỷ trục lợi theo ma chướng của đồng tiền đã làm điên
đảo con người, làm cho sinh hoạt tâm lý, tình cảm và trí tuệ của con người
trong xã hội cũng biến chuyển không ngừng nên việc thức tỉnh theo quan điểm
hạnh phúc của đạo Phật là một thái độ cấp thiết.
Trong Kinh Đại Hạnh Phúc có chỉ
rõ rằng, các phúc hạnh thật sự của đời sống có được khi ta có “một tâm ý được
định hướng đúng” nghĩa là phải nhận thức đúng vị trí của mình trong thế gian,
có mục tiêu đúng đắn và xác định đúng đắn con đường dẫn đến mục tiêu, có một
triết lý sống giản dị nhưng đầy ý nghĩa, ở đây triết lý được hiểu là một ước
vọng hướng thiện để thông hiểu bản tính và tương lai con người trong vũ trụ.
Không có triết lý như vậy thì đời sống mất hướng đi, tẻ nhạt, buồn chán, bèo dạt
mây trôi.
Chánh niệm là một sự tỉnh thức
quan trọng. Chánh niệm là cách nhìn sự vật một cách khách quan, buông bỏ mọi
xúc cảm thương ghét, thành kiến, thiên vị. Khả năng trải nghiệm được phẩm hạnh
này giúp ta giảm thiểu được các ảnh hưởng xấu tác động phía bên ngoài từ các
phương tiện truyền thông, kích động của xã hội tiêu thụ.
Khác hẳn với các giá trị tương
đối, đôi khi là giả tạo, lời dạy của Đức Phật mang đến sự khải hiện các giá trị
chân thật và tuyệt đối. Học Phật pháp không phải đọc sách tiểu thuyết giả tưởng
để giải trí, giá trị của đời sống sẽ tăng thượng khi năng lượng việc học được
thể hiện qua hành động và thấm nhập vào căn tính. Lúc đó một cuộc đời hạnh phúc
theo nghĩa đích thực sẽ khai mở như đóa hoa sen nở khoe sắc trên bùn lầy.
Đặng
Công Hanh