Đua danh và sự biến thái

Bộ Nội vụ đề xuất thi tuyển vụ trưởng, giới văn nghệ sĩ rốt ráo cuộc đua danh hiệu trong khi tranh cãi tiêu chí chức danh ngành Giáo dục còn rối ren. Các lĩnh vực nóng bỏng với sắc thái khác nhau, nhưng lõi thép đều xuất phát từ thành tích và biến thái của danh vọng.

1. Thi tuyển "quan" chức

 "Phải tiến tới tổ chức thi tuyển cả lãnh đạo, từ cấp vụ trưởng trở xuống đều phải thi tuyển mới mong chọn được người giỏi. Bộ đang xây dựng phương án để trình Chính phủ" - đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, được đưa ra tại hội thảo "Cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà khoa học". Tín hiệu từ người đứng đầu Bộ Nội vụ tức thì tạo hiệu ứng dư luận và cần được ủng hộ. Tuy nhiên, giữa ý tưởng và hiện thực, giữa mục đích và tính khả thi là khoảng cách không dễ rút ngắn.

Cách đây 4 năm, Đà Nẵng khởi xướng "thi tuyển lãnh đạo" bằng phát pháo thi tuyển chức danh hiệu trưởng, hiệu phó. Từ cuộc thi đầu tiên diễn ra tháng 1/2007, ngành Giáo dục Đà Nẵng đã liên tục tổ chức nhiều cuộc thi khác, có đợt thi tuyển cùng lúc 5 phó hiệu trưởng cho 5 trường. Thầy Lê Trung Chinh là một trong những người đầu tiên trúng tuyển và trở thành Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên, khi đó trở thành đề tài “hot”.

Hiệu ứng Đà Nẵng nhanh chóng khai luồng gió mới và kết quả không chỉ hiệu trưởng, hiệu phó, không chỉ giám đốc, phó giám đốc mà tuyển cả thứ trưởng. Ngày 23/6/2008, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân ký công văn thông báo về việc tuyển ứng viên cho chức danh thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở các tiêu chuẩn, điều kiện ứng viên dự tuyển, trên website Bộ GD&ĐT ghi rõ các tiêu chuẩn dự tuyển chức thứ trưởng. Sự kiện lần đầu tiên một Bộ công khai việc tuyển chọn thứ trưởng trên website, là đột phá về công tác nhân sự.

Nhưng "làn gió mới" đã không lan rộng như đoán định của các nhà nghiên cứu. Kể từ sự kiện tuyển thứ trưởng của Bộ GD&ĐT tới nay đã 3 năm, tất cả đã lắng lại và nó cho thấy chỉ là sự kiện nhất thời chứ không mang tính xu hướng. Bởi vậy, nay khi Bộ Nội vụ khơi lại việc thi tuyển vụ trưởng, người ta có lý do để nghi ngại tính khả thi.

Gốc gác của "thi tuyển quan" vốn lưu truyền hàng trăm năm thời kỳ phong kiến "Năm mây nghe chiếu rành rành/ Thi Hương, thi Hội, thi Đình một phen" (Nhị Độ Mai). Khơi lại điều đã có trong truyền thống là sự kế thừa những giá trị văn hóa dân tộc, kết hợp yêu cầu của thời kỳ mới. Bản chất của thi tuyển nhằm tuyển chọn một cách khách quan, chính xác thí sinh đạt chuẩn. Nhưng trong điều kiện hiện tại, hai chữ khách quan bị chi phối quá nhiều yếu tố. Giống như ngành giáo dục thi tuyển công chức, nhưng thực tế chỉ là bình phong cho của các hệ lụỵ.

Thi tuyển lãnh đạo phức tạp hơn nhiều. Nội dung thi tuyển thế nào, hội đồng thi tuyển có cơ cấu và tổ chức hoạt động ra sao để tuyển đúng và khách quan nhất? Ai có đủ tâm, tài, trung thực, khách quan để chấm, chọn đúng người tâm, tài? Câu hỏi đó không dễ trả lời, bởi người thi khách quan nhưng người chấm có khách quan không, vòng luẩn quẩn ấy không giải mã được, thì thi tuyển vụ trưởng hay chức vụ nào đi nữa, dễ lại lún sâu bởi các ràng buộc quan hệ xã hội.

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta không thể cầu toàn nhưng một khi mục đích khó đạt và khó khả thi, nếu áp dụng lại phản tác dụng. Do đó, chủ trương thi tuyển vụ trưởng cần tính toán chặt chẽ, ngoài có cơ chế rõ ràng, việc tìm ra người thầy, giám khảo đủ tin cậy mới là yếu tố quyết định sự thành bại mô hình mới.

2. Cơn khát mua danh

Cũng như thi tuyển vụ trưởng, cuộc đua nước rút xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú rốt cuộc phải trông cậy ở những giám khảo khách quan, vô tư. Giờ đang là lúc, người có tên ở vòng cuối phải nín lặng hồi hộp chờ, còn người đã bật bãi, không gì khác, quay lại bới lông tìm vết. Bối cảnh cuộc chạy đua cho thấy cơn khát danh hiệu khốc liệt và xu hướng phải có được danh hiệu bằng mọi giá đang quay cuồng trong tư tưởng của không ít nghệ sĩ.

Danh hiệu là cái nhà nước tôn vinh, ghi nhận những cống hiến của nghệ sĩ. Lẽ thường, nghệ sĩ phục vụ hết mình, đóng góp xứng đáng cho đời sống văn hóa nghệ thuật đất nước, thì sự tưởng thưởng ấy là lẽ dĩ nhiên. Tức là phải có sự đóng góp trước, sự đóng góp ấy là vì đam mê, vì tài năng, vì sự mến mộ của công chúng, còn danh hiệu chỉ là sự ghi nhận.

Thế nên ngay cả người đã khuất, nếu sự cống hiến của họ là xứng đáng, chúng ta vẫn truy tặng danh hiệu. Nhưng ở đây đang có xu hướng ngược lại: nghệ sĩ vì muốn đánh bóng tên tuổi, khẳng định "đẳng cấp" nên tìm mọi cách để có danh hiệu. Trong mọi con đường mà họ hướng tới để đạt được điều đó, sự đóng góp đời sống văn hóa nghệ thuật, sự tài năng cũng như sự mến mộ của công chúng dễ bị đẩy hàng thứ yếu. Cái vượt lên, lại chính tâm ý không trong sáng.

Cái danh nghệ sĩ như thứ trang sức tạo vẻ đẹp và tiếng tăm, sự ghi nhận ấy phải bằng tài năng và sự cống hiến thực thụ, thì bản chất đẹp đúng nghĩa. Ngược lại, tìm kiếm danh vọng bằng các chiêu thức tiêu cực, nếu đạt được, đó cũng chỉ là danh hão. Quy trình ngược ở đây có lẽ quá khó gỡ rối.

3. Chạy số đẹp gắn danh hiệu

Nếu như cuộc đua xét danh hiệu NSND, NSƯT đã vào đoạn nước rút thì ở lĩnh vực giáo dục, đoạn trường xét chức danh giáo sư đã sang phần tăng tốc rất kịch tính. Trong tháng 7, Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở phải ngồi vào bàn để cất nhắc ai lên, ai xuống, ai ưu tiên, ai cứ… củ từ. Thay cho các bảng vàng, huy chương vàng của giới nghệ sĩ thì ở nhà trường, hồ sơ được tính bằng số với lỉnh kỉnh dữ liệu: số năm công tác, số luận án đã hướng dẫn, số đề tài đã chủ trì, số ngoại ngữ đọc, viết và số điểm từ bài đăng tạp chí! Càng nhiều điểm, cơ hội "trúng chức danh" càng lớn, do vậy mà tình trạng chạy đua đề tài, chen bài, kể cả copy bài, đạo bài đăng tạp chí để tích điểm cũng đã xảy ra.  

Chức danh giáo sư, phó giáo sư luôn đáng kính ở mọi thời đại bởi họ là "thầy của những người thầy", những khối tri thức làm rạng danh nền giáo dục, đào tạo và khoa học nước nhà. Ngoại trừ sự xuất hiện phá lệ của Giáo sư trẻ Ngô Bảo Châu, trong hình dung của người Việt, họ được mặc định là người cao niên, tóc bạc, mắt sáng, trán cao…, thể hiện sự uyên bác tri thức. Vậy thì, nếu sự cống hiến của họ được khẳng định, xã hội ghi nhận, các thế hệ học trò tôn kính, sự công nhận chức danh là hiển nhiên, xứng danh công trạng, sao phải coi việc tính thành tích lâu năm, ít năm để phải cắt bài, cộng điểm.

Bệnh thành tích không phải là sản phẩm riêng của ngành Giáo dục. Ngành Giáo dục chống bệnh thành tích, nhưng cội rễ của nó từ lối sống, tư duy nghìn đời và đang có xu thế nở rộ. Gọi "bệnh thành tích", "bệnh hão danh" cũng không hẳn đúng, bởi nếu là bệnh thì mang tính hiện tượng, còn ở đây hình như đã là một thuộc tính

Previous Post
Next Post