Từ ngữ “Lá cải” được dùng trong tiếng Việt bắt đầu từ khi giới báo chí Pháp dùng chữ tương tự là “feuille de chou” để nói về cách làm báo nhảm nhí, rẻ tiền, khai thác các tin ngắn thật giật gân rồi thông tin bằng cách thổi phồng sự thật (nếu có) lên tột độ. Thường thường các tin loại này phải có tựa đề rất “bắt mắt” đồng thời bản tin được tăng cường thêm rất nhiều hình ành mầu sắc nội dung đại loại về các tội ác rùng rợn, sự dâm ô kích dục, các thiệt hại về tài sản và nhân mạng ghê rợn do tai nạn, thiên tai hay sự bất hạnh của cá nhân, tập thể… mà các tờ báo thông tin đứng đắn, vì vấn đề lương tâm, không thể làm.
Thực ra “Lá cải” ghi lại khá chính xác các chi tiết về thời gian, biến cố và người can dự để trước tiên tạo niềm tin từ người đọc ở giai đoạn dẫn nhập. Sau đó, sự trung thực không phải là mục đích nữa! Cái tai hại của văn hóa lá cải là sự vẽ vời hươu vượn của nó lại được độc giả chú ý liền tức thì bởi vì độc giả đã được “lá cải” gãi đúng chỗ ngứa. Lá cải cho họ đọc, xem và nghe những cái họ muốn để họ có cơ hội (ảo) khỏa lấp các sự thường tình “cơm hai bữa, quần áo mặc suốt ngày” của đời sống; để họ thỏa mãn sự hiếu kỳ; để cảm thấy may mắn, hạnh phúc (ảo) khi nhìn thấy các bất hạnh, khó khăn của ngưới khác không (chưa) xẩy đến cho mình (?)
Báo chí loại “Lá cải” rất ăn khách và phát đạt vì báo sẽ bán chạy (có nhiều độc giả), và đem lại nhiều lợi nhuận quảng cáo hơn trong khi chi phí điều hành và sản xuất của báo lá cải lại thấp (Báo “Lá cải” chỉ cần một ban biên tập nhỏ là đủ!)
“Văn hóa Lá cải” bây giờ không chỉ đơn thuần ở báo in, mà còn lan tràn qua Radio, TV và điện báo (trên mạng – “internet”); không riêng các bản tin tức hàng ngày, thông tin lá cải còn thường xuyên phổ biến, truyền bá các lời đồn đại, nhỉ tai (vô căn cứ) về phim ảnh, đời tư các nghệ sĩ, văn thi sĩ, chính trị gia nổi tiếng, thời trang, tin nhảm… như là sự thật.
Văn chương loại “Lá cải” từ từ làm người đọc đần độn hơn; xa vời thực tế; mất khả năng suy đoán phải và trái; làm cái gọi là “tâm lý thông thường,” dễ hiểu không còn ý nghĩa “thông thường” gì cả. Văn hóa loại “Lá cải” biến rất nhiều vấn đề “bất bình thường” thành “bình thường”, giả thành thật. Đầu óc của người đọc trở thành ấu trĩ hoang mang y hệt như trẻ con vẫn cứ tin là các nhân vật họat họa của “Disney” như chuột Mickey, Bạch Tuyết bẩy chú lùn, Peter Pan… là có thật!!!!
“Văn hóa Lá cải” là một sự bất hạnh xẩy ra cho sự phát triển tri thức con người. Vấn đề tự do (quá trớn của) ngôn luận và báo chí đã được bàn cãi rất nhiều. Có người tranh luận là : “Thì cứ việc để cho ‘trăm hoa đua nở’ đã sao? Nếu không thích thì đừng đọc, đừng xem, đừng nghe.” Trên thực tế, phải làm cách nào, phải làm cái gì để cảnh giác mọi người làm sao tránh được cái văn hóa độc địa này đang vây bủa chung quanh chúng ta từ phải qua trái, từng giờ từng phút… Chúng ta không có đủ tài nguyên và năng lực để quan sát và hướng dẫn con em chúng ta để chúng thấu hiểu sự tai hại của nó nói chi đến chuyện “đội đá vá trời” hướng dẫn “người lớn” ra khỏi cái mê hồn trận “lá cải” nhất là trong thời buổi văn minh và tự do dân chủ này, vấn đề kiểm duyệt ngôn luận đã được xem như đi ngược lại sự tiến hóa của con người.
Công thức thông tin, nói chung, của báo chí lá cải là trộn lẫn các tin “nóng” có thật với sự “giật gân” bằng cách thêm mắm thêm muối vào; đăng các câu chuyện ngắn giả tưởng xa vời sự thật thay vì chỉ để giải trí thôi nhưng lại ám chỉ một cách mập mờ là chuyện (này) có thật; Viết các bài bình luận chủ đích gây ngạc nhiên hơn là để hướng dẫn người đọc. Chung qui, họ để độc giả (hoặc khán giả) tự thẩm định cái gía trị của bản tin hay bài viết đó một mình. Theo sự thăm dò khoa học đàng hoàng, thì đại đa số độc giả của báo lá cải có trình độ văn hóa kém xa trình độ văn hóa của độc giả báo đứng đắn. Vì vậy họ (độc giả lá cải) thấy sao hiểu vậy, suy với đoán làm chi cho mệt óc! Vả lại, văn hóa lá cải triệt để khai thác các vấn đề khó hiểu, sự thương tâm, sự bất hạnh, sự sợ hãi, sự rùng rợn… mà người yếu đuối, (cũng) bất hạnh, ít học; mặc dù thiếu khả năng phân tích hư thực hoặc tìm ra một giải pháp hay một lối thoát nhưng thấy câu chuyện gần gũi với cái thực tế của chính họ; làm họ thích đọc (?) Số người “bất hạnh” kể cũng đông. Thế là báo lá cải đủ thành công rồi: báo bán chạy, tiền quảng cáo vô nhiều, nổi tiếng… Đây là cái văn hóa thuộc loại “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.” Người nghèo, thiếu học và thiếu cơ hội có thể học hỏi được gì ở “văn hóa lá cải” để áp dụng cho đời sống của họ? để làm cho đời sống đỡ bất mãn hơn? Câu trả lời là họ chỉ tìm được… một cái “lá cải” hoàn toàn vô dụng, nguy hại, một mớ chuyện thiếu lành mạnh như: giết người tập thể, hiếp dâm, đĩ điếm, đồng tính luyến ái, hình ảnh khỏa thân, lường gạt, cướp của, nghiện ngập, kỳ thị chủng tộc và giới tính, thời trang kỳ quặc (xâm mình xâm mẩy xanh lè, xỏ mũi, xỏ lưỡi, quần lưng thấp, đội mũ ngược …)
Văn hóa Lá cải là một cái “bẫy” nguy hiểm làm cho người đã vướng phải khó thoát ra! Giống y như bịnh nghiền ma túy. Cái bẫy này cũng tạo một cái lỗ lủng lớn trong cấu trúc xã hội; làm cho xã hội chìm xuống nhanh hơn. Chẳng hạn vấn đề (thời trang) mặc quần lưng ngắn (thấp) lòi khe đít, xỏ mũi, xỏ lưỡi, xỏ rốn, (tính dục, sex) đồng tính luyến ái, làm tình cẩu thả; (nghiện ngập) hút thuốc, uống rượu là chuyện “bình thường” nên được bắt chước; là “kool!” Đồng thời chê bai người sống lương thiện, bác ái, có trách nhiệm là “lạc hậu;” phản bác vấn đề học hành chăm chỉ, tính kiên nhẫn, giữ gìn sức khỏe, tập thể thao là “cù lần;” chế riễu sự liên hệ tình cảm đứng đắn bền chặt là “lỗi thời;” giữ vệ sinh chung là “mất thời giờ” (“who care?”)…
Sự liên tục “giật gân” của văn hóa lá cải tác dụng như cái bánh xe nhân quả (“cause and effect”) của đời sống. Nó làm cho con người (những người đọc và xem) dần dần mất tự chủ. Trở thành dễ nóng nẩy, giận dữ vô cớ, thiển cận, ngu xuẩn, “dị ứng” với sự thật đã quá hiển nhiên, thiếu kiên nhẫn trong việc duy trì các tình cảm lâu dài, bỏ cuộc trong khi đang theo đuổi các vấn đề lành mạnh, ích lợi cho chính cá nhân mình!
Nhìn đời sống chung quanh chúng ta, cái gì cũng “nhanh và ngắn:” quảng cáo thương mại trên radio và TV; nấu ăn cho nhanh bằng lò “vi ba (?)” (“microwave oven”), thức ăn nhanh (“fast foods”), drive-through services. Những cái “nhanh và ngắn” này không tốt cho sức khỏe (cả cơ thể và tâm thần) của chúng ta. Nó làm chúng ta giảm bớt sự chú ý, thận trọng và khả năng phân tích. Trong khi các chuyện “tốt” đòi hỏi sự kiên nhẫn và bình tĩnh; chẳng hạn như tình cảm lứa đôi vợ chồng, nghe nhạc cổ điển, món ăn ngon bổ dưỡng…
Trong xã hội dân chủ, mỗi người đều có ý nghĩ và quan điểm riêng không nhất thiết phải giống người khác, kể cả việc không đồng ý sự kiện hiển nhiên: “một cộng một là hai.” Vì vậy chắc chắn “Văn hóa Lá cải” sẽ tồn tại vì dầu muốn dầu không nó lúc nào cũng có độc giả riêng của nó. Chỉ có một cách dân chủ để giảm thiểu ảnh hưởng của văn hóa lá cải là giáo dục và hướng dẫn; nâng cao sự “quan tâm” của mọi người. Công việc to lớn này phải có sự giúp đỡ của chính phủ, tôn giáo và học đường. Giáo dục thế nào? Quan tâm cái gì? Vấn đề (câu hỏi) tương tự đã một lần nêu ra ở đầu bài nhận định này rồi! Có lẽ cũng lại là việc “đội đá vá trời.” Nhưng ít nhất cũng còn hơn là “ngồi chơi, không làm gì cả!” Chỉ tiếc là một số độc giả của báo lá cải là người thông minh, hiểu biết nhưng cũng mắc bệnh “ghiền” văn hóa lá cải vì những “tầm thường” của đời sống. Họ thấy cần phải tìm những cái “giật gân,” “thích thú ngắn hạn mà rẻ tiền” của “Văn hóa Lá cải” để bớt chán!.
Người viết không bao giờ dám vô lễ và lộng ngôn tỏ ra “tôi biết nhiều hơn anh!” Xin xem những nhận định thô thiển vừa nêu ra như những góp ý chân tình; một cái gì đó cần được làm mà “tốt” cho mọi người.