Tôi không hiểu có nước nào trên thế giới nói nhiều về bản sắc dân tộc hơn ở Việt Nam không nhưng thú thật theo cảm nhận của tôi, chúng ta nói có hơi nhiều về bản sắc, khiến đôi khi những người nghiên cứu hay làm văn hóa cảm thấy lúng túng, không biết có vấn đề gì thực sự ở đây. Thông thường cái gì cần hoặc thiếu thì hay được nói nhiều. Chẳng hạn kêu gọi sự đoàn kết tức là đang có chuyện mất đoàn kết, hô hào chống tham nhũng là tham nhũng đang lan tràn, kêu gọi an toàn giao thông tức là đi lại trên đường đang liên tục xẩy ra tai nạn..v.v..Theo logic ấy, kêu gọi giữ gìn bản sắc là đang mất bản sắc nghiêm trọng hoặc giả đang có nguy cơ sắp mất bản sắc đến nơi. Vậy nên nghĩ về vấn đề này như thế nào?
Bất kì cộng đồng xã hội nào, dù nhỏ hay lớn, nghèo hay giàu, lạc hậu hay phát triển cũng có văn hóa, bản sắc của nó, huống hồ một dân tộc đã tồn tại qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm của chế độ thực dân, tất yếu phải giữ được một bản sắc văn hóa riêng, nếu không nói là vững vàng, độc đáo. Vậy thì tại sao chúng ta cứ luôn luôn kêu gọi giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc? Dĩ nhiên yêu cầu cao, đòi hỏi sự tối ưu là bình thường, ai cũng muốn, nhưng có lẽ vấn đề không phải ở chỗ đó. Cái chính của vấn đề, theo tôi, là ở chỗ, việc nói quá nhiều đến bản sắc có nguồn gốc trong hoàn cảnh và tâm lí dân tộc phức tạp ở nước ta, cũng như trong quan niệm về sáng tạo văn hoá, nghệ thuật. Một mặt chúng ta muốn khẳng định mình, nhất là trong những tình huống khó khăn, trước cũng như sau chiến thắng, nên luôn đề cao bản sắc. Ở đây vấn đề bản sắc không còn thuần tuý là vấn đề văn hóa mà trước tiên là vấn đề chính trị. Mặt khác do cảm nhận được tình trạng lạc hậu và vị thế của quốc gia trên bản đồ thế giới nên chúng ta có xu hướng gồng mình lên, chứng tỏ mình, để thiên hạ thấy mình không kém. Vậy là qúa tự tốn hay tự ti cũng đều mượn đến bản sắc.
Điều đáng lo là hiện nay sự lạm dụng của bản sắc còn tiềm ẩn một nguy cơ khác, đó là chạy theo bản sắc, ngỡ bản sắc có thể làm nên chất lượng. Thật ra bản sắc cũng gắn liền với chất lượng nhưng đó phải là bản sắc toát ra từ chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, dựa trên cơ sở chất lượng chứ không phải là cái bên ngoài gá vào. Bản sắc dân tộc của văn hóa nằm trong bản thân cái nhìn, điệu cảm, điệu nghĩ của người sáng tạo và thường là rất tự nhiên, chứ không phải nằm ở màu sắc và những thủ pháp giả tạo. Nhiều công trình kiến trúc, nhà ở, đình chùa và sản phẩm thủ công mĩ nghệ hiện nay rất khó coi vì mắc bệnh này.
Để cho các tác phẩm văn hoá có được bản sắc dân tộc, việc bảo tồn hết sức quan trọng. Chúng ta thường chú trọng đến “phát huy” nhưng chưa quan tâm đầy đủ đến “bảo tồn” và nhiều khi hiểu việc bảo tồn chưa thật chính xác, dẫn đến việc sửa chữa, trùng tu lại di sản không đúng. Chèo cổ phải ra chèo cổ, tuồng cổ phải ra tuồng cổ, chùa xưa phải ra chùa xưa, quan họ truyền thống phải ra quan họ truyền thống. Bình cũ rượu mới, tân cổ giao duyên là những thứ làm hỏng chất lượng tác phẩm, mà đã không có chất lượng thì bản sắc cũng không còn.
Vấn đề bản sắc dân tộc đặc biệt nổi lên trong bối cảnh toàn cầu hoá. Tuy nhiên nỗi ám ảnh lo sợ văn học nghệ thuật nước nhà sẽ bị lai căng, mất bản sắc và việc luôn luôn kêu gọi bảo vệ, giữ gìn bản sắc trong làn sóng toàn cầu hoá có vẻ như chưa chạm đúng vấn đề cốt lõi của sáng tạo nghệ thuật. Văn hoá, trước hết là văn học nghệ thuật, tự nó đã có tính quốc tế và dân tộc. Nó có tính quôc tế vì nghệ thuật là hình thức cao nhất của giao tiếp, là phương tiện hữu hiệu nhất để con người thông cảm, hiểu nhau, vượt qua mọi sự giải thích, và do đó nó có thể vượt qua biên giới quốc gia, trở thành ngôn ngữ, tài sản chung của nhân loại. Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du đã trở thành Danh nhân văn hóa thế giới chẳng phải là bằng chứng về tính quốc tế của sáng tác của các vị sao? Mặt khác cũng không thể nói tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du không có bản sắc dân tộc, dù thời ấy chắc người ta không nói nhiều về bản sắc như hiện nay. Về vấn đề này ý kiến của nhà triết học Pháp đương đại Edgar Morin rất đáng chú ý: “Trong mỗi nền văn hoá, các diện mạo tinh thần chiếm ưu thế đều lấy dân tộc hoặc xã hội mình làm trung tâm, nghĩa là không ít thì nhiều sẽ khép kín với những văn hoá khác. Nhưng cũng có trong lòng mỗi văn hoá những tinh thần cởi mở, tò mò, không chính thống, lệch lạc, và cũng có những phần tử lai tạo, kết qủa của những hôn phối hỗn hợp, trở thành cầu nối tự nhiên giữa các văn hóa. Những người lệch lạc thường là các nhà văn, nhà thơ với những thông điệp có thể tỏa rạng trong chính nước họ cũng như ra thế giới bên ngoài.” Ông viết tiếp: “ Khi vấn đề liên quan đến nghệ thuật, âm nhạc, văn học, tư duy, toàn cầu hóa văn hóa sẽ không đưa đến đồng nhất hóa. Nó hiện thân như những đợt sóng lớn xuyên quốc gia cùng một lúc lại khích lệ sự biểu hiện của những đặc thù quốc gia ở trong nó.” (Edgar Morin, Bảy tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai)
Vậy là vấn đề không phải ở chỗ cứ lặp đi lắp lại về bản sắc, cũng không phải ở nỗi ám ảnh về toàn cầu hóa mà chính là chất văn hoá của hoạt động văn hoá, là chất lượng của tác phẩm. Sự giảm sút chất lượng, tính chất kém văn hoá của bản thân hoạt động văn hoá hiện đang phổ biến khắp nơi, trong khi cái cầu là tính chuyên nghiệp và tinh thần tự do- liều thuốc có thể cứu vãn và cũng là những yếu tố cốt lõi của sáng tạo thì lại đang thiếu trầm trọng. Đây mới thực sự là điều đáng lo ngại.
Lê Ngọc Trà