Sau vườn nhà chúng tôi ở San Jose , California , có nuôi bầy gà, một con gà trống và năm con gà mái. Từ canh ba (ba giờ sáng) là con gà trống, tên Bô Bồ, gáy từng cơn. Đến canh Năm nó lại gáy lần nữa. Đến sáu giờ sáng thì nó gáy đợt cuối cùng và bước ra khỏi chuồng đi tìm ăn. Những đêm nào tôi ngủ không được, nghe tiếng gà gáy cũng vui vui. Tôi cũng thấy là lạ tò mò tìm hiểu cái chức năng thiên nhiên của tiếng gà gáy vọng lên từng đợt trong đêm trường. Hàng xóm chịu đựng - hay thưởng thức? Mấy con gà mái nằm bên cạnh tiếng gáy từng cơn cũng phải chịu đựng - hay thưởng thức? Tại sao gà trống "thích" gáy?
Tôi chưa được đọc một lý thuyết nào giải thích tiếng gà gáy trong cơ trời chung của loài động vật. Theo quy luật tồn tại trong thiên nhiên, thì tiếng gáy chỉ báo động cho các con thú khác tìm mồi đến bên mình, chỉ cho muôn loài biết, nghe là mình đang làm gì, ở đâu. Tiếng gáy cũng làm cho chính nó mất sức trong giấc ngủ đêm dài. Đó là chưa kể rằng nếu chủ nhà nuôi gà trong chu vi thành phố, chỉ cần một ông hàng xóm khó tính than phiền lên chính quyền thị xã, thì chú gà trống sẽ bị nguy to. Trên bình diện khách quan, tiếng gáy chỉ cho con gà đến con đường tử huyệt.
Nhưng đời sống, nhất là ở loài thú vật, thì chức năng tiếng gáy của con gà trống nằm ở một nơi khác. Con gà trống sống và gáy theo bản năng. Nhưng tại sao có một bản năng đầy nguy hại cho chính nó? Theo truyền thuyết thì cõi súc sanh, cái bản ngã (ego) của con vật nằm bên ngoài chúng. Mỗi con thú không có bản ngã cá nhân (individual ego) mà chỉ có bản ngã của loài giống (ego of the species). Vì thế, con gà, từ mỗi cá nhân, không có cá nhân tính - và do đó, nó không có khả năng tự do. Cuộc đời của thú vật chỉ có hai việc: duy trì chính mình bằng thức ăn và gieo giống cho thế hệ khác.
Trong tiếng gáy con gà trống là tiếng gọi của giống loài từ chức năng truyền giống của loài gà. Mỗi tiếng gáy là sự minh xác rằng loài gà vẫn còn. Tiếng gáy càng to, thì giống nòi gà càng thể hiện. Một trong những lý do cho gà trống gáy là khi không gian im lặng - trong đêm tối hay là giữa trưa vắng lặng. Những lúc thanh tĩnh là lúc tiếng gáy càng vang xa, mời gọi các con gà trống khác, nghe tiếng gáy, cùng hòa theo, ganh đua một cách vô thức để cạnh tranh cho các lỗ tai của các nàng gà mái, chắc là cũng đang lắng tai nghe coi thử tiếng chàng gà nào sung sức hơn.
Nếu ai ở thôn quê mới biết rằng gà gáy từng cơn, từng chập như là một bản đồng ca thiên nhiên. Qua năm căn đêm, gà đồng nhau gáy cùng thời điểm, xong rồi im lặng, rồi lại hòa nhau gáy. Người nghe tiếng gà gáy quen rồi không bị đánh thức bởi âm thanh này. Càng nghe gà gáy, nhiều lúc tôi càng ngủ ngon và sâu hơn. Tiếng gáy của gà là âm thanh hòa bình, là tiếng nhịp của đêm, là nốt nhạc của trời đất, là tiếng ru của muông thú. Gà như cùng chia nhịp xoay của vũ trụ và trái đất để thể hiện chính mình ra bên ngoài. Nhiều lúc giữa trưa, đứng nhìn con gà trống Bô Bồ, với bộ lông hoa hoè sặc sỡ, với tiếng gáy oai hùng, nó vươn vai, nghễnh cổ, dang hai cánh lên để cốsức tạo âm thanh sâu đậm, tôi thấy cái gì trong thiên nhiên cũng như là con gà trống này. Phát tiết tinh hoa và bản chất của mình ra với thiên hạ, với thiên nhiên, với thời gian chính là niềm hạnh phúc hiện sinh. Ôi thiên hạ ơi, ta đang có mặt đây nè!
Mỗi lần tôi đi đến gần bầy gà mái là con gà trống Bô Bồ xông đến, vươn vai, dang cánh nhào đến để tấn công tôi. Nó ghen ấy mà! Trong khi đó nó không bao giờ tấn công bà xã tôi và mấy đứa con gái. Mỗi buổi sáng ra vườn nhặt trứng thì vui lắm. Con gà trống Bô Bồ chạy theo bảo vệ trứng. Mỗi ngày bầy gà mái đẻ cho năm quả trứng tươi, lòng đỏ và vỏ chắc chắn, hương vị rất ngon. Thỉnh thoảnh chúng tôi phải biếu trứng đến bạn bè vì ăn không hết. Ai cũng công nhận là trứng gà nuôi thiên nhiên ăn ngon hơn trứng mua ở siêu thị nhiều. Có lúc bạn bè từ xa đến chơi, tôi muốn làm thịt một con gà đãi bạn, nhưng mấy đứa con không cho. Tôi nhớ những lần về Việt Nam , thăm bạn ở đồng quê, thường được bạn mổ gà cho ăn, thịt ngon vô cùng. Chắc quý vị cũng có lần nghe rằng có bà vợ phải giết con gà mái duy nhất đang ấp ổ trứng để đãi bạn của chồng vì trong nhà không có gì để ăn. Tôi thấy tội nghiệp con gà, tội nghiệp các bà - và cái thói bất chấp, cái tật thiếu thông cảm của các ông, chỉ biết ăn nhậu mà quên đi những giọt nước mắt tiếc thương con gà của các bà vợ miền quê.
Năm kia, có con gà mái, tên là Taro, đến tuổi già và chết. Đứa con gái út của tôi, Jennifer, 10 tuổi, khóc suốt cả ngày. Nó làm một cái mộ nhỏ, chôn con gà xuống, với một tấm bia bằng Anh ngữ, đề tên con gà, và vài giòng điếu văn. Sau đó, nó viết một tấm bảng đề lên chuồng gà, bày tỏ lòng thương tiếc vô cùng khi gà chết. Nó viết, "Dear Taro. I am so sorry that you went away to a different world. I hope you will have good foods, good friends there. I became a vegetarian because of you. I love you. Please rest in peace. Jennifer" (Gà Taro thương mến. Tao rất đau buồn vì mày đã đi về một thế giới khác. Hy vọng rằng ở đó, mầy sẽ có thức ăn ngon và nhiều bạn tốt. Tao trở thành người ăn chay trường cũng vì mày. Tao thương mày. Hãy an nghỉngàn thu. J.).
Tôi đọc xong bài điếu văn của con bé mà thấy vừa thương nó, vừa mắc cười. Đúng là con nít. Con gà chết chứ phải cha mẹ chết đâu! Nhưng trong tâm hồn ngây thơ, hồn nhiên của các em là tình yêu thú vật - mà người lớn chúng ta đã mất rất nhiều. Rất đông người Tây phương bây giờ, nhất là thế hệ trẻ, ăn chay trường, không vì lý do tôn giáo (vốn bắt buộc) mà vì tình yêu thú vật và ý thức tự do của các em khi chọn lựa cách sống cho bản thân. Từ ngày ấy, Jennifer và chị nó, Lan, 14 tuổi, phát nguyện ăn chay trường - và liên tục kêu gọi tôi và cả nhà hãy theo chúng mà ăn chay, để tránh không ăn thịt thú vật nữa.
Trong đời sống con người, giới đàn ông viết báo như chúng tôi có ít nhiều cái máu rất giống các con gà trống, như con Bô Bồ, ở sau vườn nhà tôi. Con gà nó ghét nhau vì tiếng gáy. Và chúng tôi rất muốn gáy. Gáy càng to càng thích. Và càng có nhiều con gà trống khác ganh tức hay cạnh tranh thì chúng tôi lại càng thích thú và hứng khởi để to họng hơn nữa. Từ đó là ngữ nghiệp. Nhưng trong cái ồn ào, vang vọng của ngôn ngữ như tiếng gà trống vào buổi sáng, người viết văn, làm báo có ảo tưởng như mình đang đánh thức mặt trời để đem ánh sáng cho thế gian. Có một đêm khuya trằn trọc không chợp mắt, tôi nghe tiếng con Bô Bồ gáy vang vườn, tôi mới vỡ ra một điều nho nhỏ. Tiếng gà gáy không phải là để cạnh tranh, hay kêu mặt trời mọc - mà là tiếng hát thiên nhiên đánh thức tình yêu của con người cho thú vật. Hèn chi mà tiếng gáy con gà trống nghe inh ỏi như rứa nhưng lại mang một âm hưởng rất chan hòa an lạc và hồn nhiên.