Nếu bạn hỏi câu này với người lớn, họ sẽ tặng bạn bằng một tràng các bài giảng về cuộc đời/gia đình/công việc. Nếu bạn hỏi câu này với một cha xứ, cha sẽ cho bạn vài cuốn sách để đọc và dặn bạn nhớ đi lễ vào mỗi sáng chủ nhật – đừng quên đấy nhé con trai. Nếu bạn hỏi câu này với một thiền sư, bạn sẽ nhận được sự im lặng, một tách trà nóng và nếu may mắn, bạn sẽ còn được một bữa cơm chay miễn phí.
Thực ra chúng ta – hay còn gọi là con người, sinh ra trên cõi đời này để làm gì? Có hàng ngàn nghiên cứu, hàng trăm giả thuyết, hàng đống niềm tin được đưa ra để soi đường dẫn lối cho con người. Gần đây hắn bị vướng vào cái vòng lẩn quẩn vô tích sự đó.
Từ khi sinh ra và giáo dục bởi cái xã hội mà loài người gầy dựng được (bằng cách vắt vếu thiên nhiên để lấy sữa), trẻ em được dạy cách mơ ước, lớn lên thanh niên được dạy cách đặt niềm tin và xác định mục đích cuộc đời, về già, họ được dạy cách chấp nhận cái chết một cách nhẹ nhàng.
Chúng ta được mời gọi đến các khóa học về kỹ năng sống, khóa học định vị cuộc đời, làm chủ cuộc sống, khóa học hạnh phúc . …bla bla bla. Nhưng bao nhiêu người ra khỏi các khóa học đó và tìm được lý tưởng sống cho bản thân?
Hắn đã tham gia hàng tá các khóa học như vậy. Thời gian đầu, hắn cảm thấy cực kỳ hưng phấn, cực kỳ tự tin, cực kỳ kích thích và như muốn bay. Nhưng dần dần hắn nhận ra rằng cuộc sống nó không đơn giản như vậy. Cuộc sống cần tôn giáo để chữa lành các vết thương của chính nó.
Niềm tin và nhiệt huyết không thể thay đổi thế giới khi không có hành động. Hành động không thể thành công nếu không có sự chăm chỉ, sự thông thái và sự nỗ lực.
Sự chăm chỉ sẽ không thể có nếu con người không có kỷ luật và biết cách uốn nắn bản thân.
Sự thông thái không thể có nếu con người không biết đọc sách mà chỉ biết cắm đầu vào internet, vào google, vào social network để rồi cuối cùng trí khôn bị thui chột theo năm tháng.
Sự nỗ lực không thể có nếu con người chưa tìm ra được một thứ gì đó mà họ có thể khóc vì nó mà không cần biết tại sao.
Đừng mơ về biển lớn (Alan Phan), đừng mơ về một cuộc sống hoàn hảo và hạnh phúc trọn đời.
Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, có ba điều mà hắn học được:
Quy luật nhân-quả là điều luôn diễn ra trong từng khoảnh khắc của cuộc đời dù hắn có chấp nhận hay không và cho dù hắn có đo đạc được hay không. Nhân-quả là một quy luật không thể chối cãi của bất kì xã hội nào.
Chúng ta còn nhỏ bé lắm. Vâng, hắn cũng còn nhỏ bé lắm. Thỉnh thoảng nhìn lên bầu trời hắn tự hỏi ngoài kia liệu có gì đó đáng để xem (gợi nhớ đến MIB – Man in black).
Lao động là vinh quang – không lao động chúng ta sẽ thụt lùi mãi mãi và mãi mãi.
Luật hấp dẫn (law of attraction), quy tắc làm giàu, thu nhập thụ động… Thú thật, lời khuyên của hắn cho mọi người là hãy dẹp bỏ mấy cái thứ đó ra khỏi đầu và đi tìm đến một nơi quang đãng vào buổi chiều tà để nhìn lại cuộc đời của chính mình, nhìn cuộc đời của thế hệ trước mình và cuộc đời của tổ tiên chúng ta.
Chúng ta cũng chính là tổ tiên của chúng ta. Chúng ta chẳng là ai cả, vì bản chất chúng ta không có giới tính, không có tên, không có chức vị. Chúng ta chỉ khác nhau ở thứ bậc tu hành qua bao nhiêu kiếp sống.
Mục đích sống của chúng ta là yêu thương và học cách đưa tình yêu đó vượt qua mọi nghịch cảnh và không được mất niềm tin vào tình yêu.
Brian Weiss – tác giả cuốn Many Life, Many Master (Mỹ)
Hắn hẹn gặp lại người đọc trong một bài viết khác.