Hãy dừng lại, đừng đi hoang nữa!

Hãy dừng lại, dừng lại những cuộc rong ruổi, những toan tính xa vời hay những mơ mộng viễn vong. Dừng lại không có nghĩa đang đi rồi dừng lại mà khi đi mình vẫn có thể dừng lại được. Dừng lại tâm bay nhảy, khó chịu, đòi hỏi, phán xét và kỳ thị, ngả nghiêng như con voi hoang. Vì mình chạy nên đi hoài, chạy hoài mà không thấy tới nhưng chỉ cần dừng lại, mình đang chạy nhưng đã tới rồi và điều đó giúp mình nhận ra, tại sao phải chạy đến mỏi gối chồn chân. Tận cùng của con đường là nghĩa địa, vậy chạy để đến nghĩa địa, cái đích cuối cùng của sự sống hay sao? Dừng lại để thấy cha mẹ còn sống, anh chị em vẫn khoẻ mạnh, bạn bè bằng hữu còn đây, còn chạy vùn vụt như tốc độ tàu điện ngầm, mọi thứ trôi qua nhanh, điều thân thương trên đường không được nhận thấy. Nhiều đôi vợ chồng sống chung rất lâu, vậy mà cứ luôn miệng nói không thể hiểu nhau. Có dành thời gian cho nhau đâu mà hiểu vì ai nấy cũng đều đang chạy trên con đường riêng của mình, và nếu có chung đường thì cả hai đều đeo mặt nạ, ngay cả một hơi thở cũng không thể cảm nhận về nhau. Đến lúc nhìn lại, mình bắt đầu đặt ra nhiều câu có điều kiện như “giá mà”, “chẳng lẽ”, “nếu”, “thật đáng tiếc”, “đáng lẽ” và ngồi than vãn sao dòng đời trôi qua quá nhanh. Khi còn trẻ, mình ỷ lại vào sức khỏe và bầu nhiệt huyết của mình, mình say sưa với đủ thứ trò chơi danh vọng, quên mất đến lúc nào đó sức cùng lực kiệt, muốn thay đổi thì đã muộn màng.

Mình ơi, đừng đi hoang nữa. Đang ngồi đây, giữa biết bao người thân, vậy mà vẫn cô độc vì tâm mình đang đi hoang. Đứa con bỏ cha mẹ gia nhập băng đảng vì cha mẹ nó say sưa với trò chơi sự nghiệp và đứa trẻ bị cho là bỏ nhà đi hoang. Ở đây, mình không bỏ nhà đi, không tham gia băng đảng, không kết bè kết phái, mình vẫn ở nhà với cha mẹ, vẫn gặp gỡ bạn bè, nhưng thực ra mình đang đi hoang. Mình lang thang trong các thế giới ảo, ganh tỵ với người này người kia, tranh giành các quyền lợi không chính đáng và trở nên mệt mỏi. Cha mẹ ngồi trước mặt nhưng mình không thấy họ, màn hình máy vi tính che chắn mất gương mặt thân quen vì mình đang kiếm tìm những gương mặt mới. Về thôi, mình ơi. Về nhà đi thôi, về thăm mẹ thăm cha, thăm ông thăm bà, thăm từng cái cây ngọn cỏ, ngắm nhìn nụ cười trẻ thơ và uống một bát chè xanh. Về nhà mà thu xếp lại những bề bộn của cuộc đời. Về nhà để thăm mình, mình đi thăm mình đấy, thấy vui không. Bấy lâu mình đi hoang, xọ chỗ này, ngó chỗ kia nhiều quá, khu nhà của mình nấm mốc, dây leo mọc đầy, mái nhà đã dột gần hết, mưa rơi lả tả, lấm tấm trên nền đất loang lỗ những bụi bậm cuộc đời. Đó là ngôi nhà của tâm. Mình không chăm sóc cho tâm nên tâm bỏ mình đi như đứa con rời xa cha mẹ dù tuổi vẫn còn thơ ngây. Tâm có nhiều vết nứt, vết hoen ố nên hãy quay về, lau chùi, rửa sạch những bi kịch của cuộc đời. Cuộc đời này có bao lâu mà đi hoang, cha mẹ sống có bao lâu mà mình hững hờ, bạn bè bên nhau có bao lâu mà mình vội nói lời xa cách. Hãy bình yên, hãy yêu thương hết lòng trong giây phút này, đừng đi đâu nữa, đừng chạy nữa. Làm việc có thể theo tốc độ hỏa tiễn nhưng yêu thương hãy theo tốc độ của con ốc sên. Đi hoài đi mãi cũng phải biết dừng lại, không phải vì mỏi gối chồn chân, mà vì mình nhận ra rằng đứng yên vẫn có hạnh phúc. Mình đã tốn nhiều sức lực và tài sản phục vụ cho tiến trình đi hoang của mình trong khi dừng lại và đứng yên, không tốn sức và tiền của gì cả, mình lại có hạnh phúc, thậm chí gấp trăm ngàn lần và hương vị hết sức khác biệt. Thử đi, rồi sẽ biết.

Sở dĩ mình đi hoang như vậy là vì mình không đủ khả năng hay không dám chấm dứt trong mình. Mình để cho những tâm hành bất thiện hành quân, dàn trận và tấn công mà không biết hoà giải, đối thoại, nhận diện, ôm ấp, chuyển hóa và chấm dứt đối đầu hay chiến tranh. Hãy kêu gọi hoà bình, tức là kêu gọi mình trở về. Mình đi công tác, đi chơi hay đi lạc lâu quá, đã đến lúc phải tìm đường quay về, về với mái nhà xưa, với tâm trong sáng thuở ban đầu. Còn nhỏ, mình nằm xuống hay mới 8-9 giờ là buồn ngủ và đi vào giấc ngủ rất nhanh, bây giờ ngược lại, mình bày đặt trăn trở, bày đặt mất ngủ. Điều gì làm cho mình mất ngủ vậy, một công việc, một nụ cười, một bon chen hay một bóng hồng nào? Mình bắt đầu bốc mùi khi khả năng chấm dứt cạn kiệt hay không còn nữa. Thông thường mình đòi hỏi người chấm dứt đối xử với mình thế này thế kia trong khi bản thân không thể chấm dứt được. Bàn tay có năm ngón nhưng cả năm ngón đều dùng để chỉ trỏ, có ngón nào quay về phía mình đâu. Chấm dứt tình trạng này ngay, tức là chấm dứt phán xét người khác, chấm dứt việc gây đau khổ cho người khác bằng cách chấm dứt trong mình, chấm dứt sự kỳ thị, đòi hỏi, ép buộc, bất đồng và cả tính quá đáng. Đúng như vậy, nhiều trường hợp mình quá đáng lắm như yêu cầu người khác đáp ứng những việc mà ngay cả bản thân cũng không làm được. Hãy kết thúc chuyện này đi vì nếu còn tiếp tục, mình đang xây dựng địa ngục và chế tạo năng lượng khó chịu cho chính mình. Người chưa kịp hả hê với tấn công này đã vội lên kế hoạch tấn công khác theo kiểu tấn công thị trường mục tiêu của chiến lược marketing. Mình gây đau đớn cho nhiều người quá mà mình không biết và nếu đem liệt kê ra thành danh sách, chắc tốn nhiều thời gian lắm. Chấm dứt ngay, đừng chần chờ lôi thôi, đừng đắn đo suy tính. Mình muốn được thương yêu và tôn trọng, người khác cũng muốn như vậy.

Đừng làm khổ nhau nữa, đó là câu nói đầu môi. Hãy đối xử dễ thương với nhau, câu nói đầu môi khác nữa. Bên ngoài, nước này làm khổ nước kia, trong nhà, người này làm khổ người kia. Ấy vậy mà vẫn chưa bao giờ thấy đủ. Tính dễ thương có đầy, nhưng ban phát nó ra sao thấy khó lòng quá. Khi nhân duyên đủ, mình gặp gỡ người kia, niềm vui chưa tận hưởng, mình đã lên kế hoạch làm khổ nhau rồi. Lúc người ra đi, chỉ còn lại sự hối tiếc, thất vọng và đau đớn. Mình cứ nghĩ chính người mới làm khổ mình, còn mình thì vô tội, trong sáng, chẳng có vết nhơ nào. Đây là suy nghĩ ngây thơ như một đứa trẻ lên ba mà học đòi được chăm sóc. Mình đặt người thương vào hoàn cảnh của địa ngục, bóp chết người thương trong vòng tay ích kỷ hẹp hòi. Có những nỗi khổ không tên, và có tên nhưng dù thế nào nó cũng làm cho mình điêu đứng. Yêu thương mà phải xa cách, khổ. Đáng ghét mà phải gặp nhau, khổ. Mong cầu mà không được, khổ. Bị chê bai bị trách móc, khổ. Những nỗi khổ đầy dẫy trong thế gian, lôi kéo chúng sinh, tấn công chúng sinh ào ào như nước lũ. Chẳng qua vì mình không chấp nhận nổi các đối tượng, để cho ý niệm riêng lấn áp, nên phải khổ thôi. Đã nói rồi, mình xây địa ngục của chính mình mà và nói như vậy cũng phải hiểu, chỉ có mình mới đập tan địa ngục của mình. Thực tập bốn tâm vô lượng, tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả, mình làm cho địa ngục hay đau khổ tan chảy, như người phụng sự, buông bỏ mọi mong cầu. Người biết yêu thương thì không làm khổ mình. Nếu khổ, mình thấy đau đớn, nhiều lúc muốn la hét vì chịu không nổi. Biết vậy, mình không bao giờ đan tâm đi gây khổ đau cho người khác. Trân quý hạnh phúc của mình thì cũng trân quý hạnh phúc của họ. Hãy tập tính kiên nhẫn, ban đầu họ chưa dễ thương vì chưa biết cách, còn mình biết cách thì hãy biểu hiện sự dễ thương trước đã. Tại sao phải chờ họ dễ thương thì mình mới dễ thương? Mình chưa bật đèn xanh, ai dám bật đèn xanh với mình.

Kiếp trước do tạo nghiệp xấu người từng là vong linh, trả đủ nghiệp người tái sinh làm người nhưng nếu kiếp người sống không trọn vẹn thì kiếp sau lại làm vong linh tiếp. Sự tiếp nối liên tục làm mình lúc khổ lúc vui. Ngày xưa đi tu, một học trò tìm mọi cách ngăn cản tôi nhưng đã quyết tâm thì mọi phương cách cũng vô vọng. Giống như người hay chửi bới, nói móc nói nghiêng, nếu mình không nghe thì họ phải tự nghe lấy. Hoặc người khác làm khổ mình nhưng mình tỉnh bơ, đến lúc nào đó họ nhụt chí, tự động buông tha mình, hay họ sẽ hối hận. Để chắc chắn không tái sinh trong cảnh khổ, ngay hiện tại mình phải lo tu tập, vừa mới khởi niệm, mình bắt đầu có hạnh phúc rồi. Một số người nói, thực tập làm gì, miễn sao tôi sống tốt được rồi. Hỏi tới, sống tốt là sống thế nào? Trả lời, là không làm hại ai, đối xử tốt với mọi người. Hỏi tiếp, không làm hại ai là như thế nào? Trả lời, là vậy đó. Bế tắc, không trả lời thêm được nữa. Mình thường hay ăn nói chung chung để che lấp tình trạng lười biếng của mình. Ai hỏi thì phùng mang trợn mắt cho qua chuyện chứ thật ra chẳng biết hay chưa bao giờ sống tốt cả. Sống tốt tuy dễ mà khó, và nếu không chú ý, mình phạm sai lầm rất mau và dĩ nhiên có ai tự cho mình làm sai đâu. Làm người tốt thì khó nhưng làm người xấu thì dễ và thời buổi này người xấu thì nhiều, người tốt ẩn mình hết. Tôi bắt gặp và trò chuyện với nhiều người trẻ rất giỏi, họ biết buông bỏ những thú vui phi thời, lo cho gia đình, lo cho cộng đồng, lo cho xã hội. Khi hỏi vì sao họ lại như vậy, họ cười nhẹ nhàng và nói, thấy vui thì làm. Bên cạnh đó, không ít người trẻ chỉ biết hưởng thụ, học đòi làm ngôi sao, học đòi làm trung tâm vũ trụ hay học đòi chen chân lên đỉnh cao bằng mọi giá. Một khi không đạt được điều mong ước, họ thất vọng rồi tuyệt vọng, dấn thân vào thế giới ảo, đến lúc tỉnh ra thì đã đánh mất mình rồi.

Muốn không tái sinh vào cõi âm hay những cảnh khổ, ngay giờ phút này, hãy thực tập mười hạnh lành. Ba hạnh thuộc về thân, bao gồm không sát sinh mà phóng sinh, không trộm cướp mà bố thí, không tà dâm mà đoan chính. Bốn hạnh thuộc về lời nói, bao gồm không nói dối mà nói thật, không nói lời chia rẽ mà nói lời hoà giải, không nói lời thô ác mà nói lời ôn hoà nhã nhặn, không nói lời thêu dệt mà nói lời chắc đúng. Ba hạnh thuộc về ý, bao gồm không có lòng tham lam bỏn xẻn mà sinh lòng rộng rãi bố thí, không có lòng hờn giận ganh ghét mà sinh lòng tuỳ hỷ xót thương, không có lòng si mê tà kiến mà sinh lòng sáng suốt nhận hiểu chân chính. Tôn trọng sinh mạng người, các loài động vật, khoáng vật, kể cả côn trùng và môi trường. Bất cứ ai cũng sợ chết và đau đớn khi bị tổn thương, vì vậy thực tập hạnh tôn trọng sinh mạng để tinh thần thư thái, nét mặt hiền hoà và giấc ngủ an lành. Quyền tư hữu cần được gìn giữ, tức là chấm dứt sự không cho mà lấy, dù của công hay của tư, nếu không được phép thì phải biết giữ mình trước tâm tham lam. Bảo vệ tiết hạnh của bản thân và người khác, là cách duy nhất bảo vệ hạnh phúc gia đình và mối quan hệ lành mạnh giữa người với người. Thực tập lời nói chân thật rất quan trọng vì lời nói có thể mang lại hoà bình mà cũng mang lại chiến tranh, nên ăn nói chánh niệm để xây dựng tình huynh đệ, hàn gắn nỗi khổ niềm đau, đem lại hoà giải và sự trung tín trong xã hội. Buông bỏ tham, sân, si, mạn, nghi, kiến, mình đạt được tự do. Tự do đích thực là không dính mắc vào bất cứ điều gì vì còn dính mắc là còn tạo địa ngục, còn tạo khổ đau. Người hành mười hạnh lành rất đẹp, không phải đẹp dáng, đẹp danh, mà đẹp tâm hồn, đẹp nghiệp, đẹp tâm. Ít nhất mình không bị đoạ lạc vào cảnh khổ hay các đường ác đạo. Sống tốt là sống như vậy, thường xuyên rèn luyện trao dồi bản thân. Khi thực tập mười hạnh lành giỏi thì tiếp tục hành trì thêm nhiều hạnh khác nữa như hạnh bố thí, hạnh nhẫn nhục, hạnh lắng nghe và ái ngữ…

Người sống tốt trước đã rồi mới giúp người khác, sau đó đến cõi âm. Cõi âm ngày nay bị lợi dụng rất nhiều, tức là lợi dụng sự khổ đau, đói khát, thiếu thốn của họ để gây đau khổ cho nhau. Phật giáo không đưa ra khái niệm cõi âm vì cõi các vong linh đang sống cũng là cõi đang sống song song với cõi dương mà thôi, nhưng vì thuận duyên chưa đủ nên chưa tái sinh làm người được. Người cõi âm không phải là người chết, họ vẫn đang sống, có điều họ ở hình dạng khác. Khi biết tu tập và trả đủ nghiệp, họ sẽ sinh về cõi người hay cõi trời. Người, động vật hay môi trường còn bị lợi dụng, nói chi đến các vong linh. Người thực tập tình thương không làm như vậy, mà biết yêu thương muôn loài, trong đó có vong linh, có tổ tiên, ông bà, cha mẹ nhiều đời do không may mắn nên chưa siêu thoát được. Nhưng siêu thoát ở đây là gì? Là tiếp tục làm người, tu tập và giải thoát. Sinh về cõi gọi là Cực Lạc chưa chắc giải thoát vì nếu còn tạo nghiệp thì vẫn tiếp tục trả nghiệp, vẫn sinh tử luân hồi. Ý dẫn đầu trong việc tạo nghiệp hành động và lời nói. Vong linh đã khổ, người còn lợi dụng họ trong các mưu đồ bất chính, người chắc chắn tạo nghiệp xấu, hơn thế con đường siêu thoát của vong linh ngày càng xa vời. Nếu gieo điều ác cho kẻ khác, bản thân sẽ tự vướng lấy, ngược lại, chuyên làm điều thiện, các quả thiện sẽ phát khởi. Tung bụi vào trong gió bay ngược chiều hay nhổ nước miếng lên trời, bụi sẽ bay vào mắt mình hay nước miếng rơi xuống mặt mình. Cần phải tránh xa người ác, người chuyên lợi dụng vong linh để hãm hại người khác, đồng thời tha thứ cho việc làm sai trái của họ. Nhiều người căm ghét các đối tượng này, cho họ là kẻ thù và đau khổ chồng chất. Họ không phải là người xấu, chẳng qua họ chưa kịp tốt thôi. Biết yêu thương người mình cho là kẻ thù, nghiệp xấu của mình phần nào được hoá giải và thực tập tâm bao dung, độ lượng, đời sống sẽ thanh thản và tự do hơn nhiều.

Thực tập tinh thần bất hại, trong đó không tham gia, không khuyến khích, không khen ngợi, không để cho các tình trạng có hại xảy ra. Bất hại không chỉ với mình mà còn bất hại với người khác. Bất hại với mình nhưng có hại với người khác thì cũng như không. Trồng rau cải có sâu, sử dụng thuốc trừ sâu, có lợi cho rau và sự trồng trọt của mình, nhưng giết hại sâu bọ, điều này cần phải tránh. Bắt sâu bọ đem bỏ nơi khác, đây không là cách tốt nhất, nhưng ít ra vẫn bảo vệ được sự sống các loài côn trùng. Côn trùng còn bảo vệ, huống chi động vật, vong linh hay đồng loại. Tinh thần bất hại trong mọi hoàn cảnh, tâm của bồ tát là thà hy sinh bản thân bảo vệ muôn loài, còn hơn bảo vệ bản thân mà hy sinh muôn loài. Tuy nhiên, vừa bảo vệ được bản thân, vừa bảo vệ được muôn loài, đây mới là cách tốt nhất. Có câu kệ như sau, Yêu thương hết muôn loài – Chuyển hóa những bi ai – Thành tình người rộng mở – Đời vẫn tươi đẹp hoài. Đúng như vậy, chuyển hóa những khổ đau, tình người sẽ thênh thang và đem tình người đó đến khắp mọi nơi, ai cũng được hưởng, ai cũng hạnh phúc.

Nguồn: damlinhthat.net
Previous Post
Next Post