Khi một người thân trong gia đình mất thì những người trong gia đình cần phải lo tẩm liệm, không nên để cho người xa lạ làm công việc này. Vì để cho người xa lạ tẩm liệm người thân của mình, có điều chi không vệ sinh họ sẽ nói thế này thế khác, không tốt và rất tội nghiệp cho người thân của mình. Có lẽ không ai muốn như vậy. Phải không quý vị?
Cho nên trách nhiệm những người trong gia đình khi có người thân mất thì phải tẩm liệm và an táng cho chu đáo đừng để người bên ngoài làm việc này. (Ở nước ngoài, mọi việc tẩm liệm này đều do Công Ty Mai Táng thực hiện. NTCN ghi chú)
Trong gia đình có người thân mất thì mọi người phải bình tĩnh, sáng suốt, và cần phải làm những việc như sau:
1- Việc đầu tiên là phải dùng nước ấm và khăn sạch lau khắp cơ thể người thân cho sạch sẽ rồi thay đổi quần áo mới. Bộ quần áo cũ xếp lại, sẽ bỏ vào áo quan, sau khi tẩm liệm.
2- Mua một bao trà khô (loại dùng để tẩm liệm) rải đều dưới đáy áo quan một lớp khoảng độ 2 phân.
3- Mua một tấm vải ba thước chiều dài và một thước sáu chiều ngang, nếu cư sĩ thì mua vải màu trắng, còn tu sĩ thì vải màu vàng. Nếu không có vải khổ rộng 1 thước 60 thì hai miếng vải khổ rộng 8 tấc dài 3 thước may ghép lại.
4- Trải tấm vải ấy ra rồi 4 người thân trong gia đình, con trai trưởng nâng đầu người chết còn những người khác: một người nâng chân, một người nâng bên hông mặt và một người nâng bên hông trái, nhẹ nhàng đặt thân người chết nằm ngay ngắn giữa tấm vải.
5- Cũng bốn người thân đó ở những vị trí như trên, mỗi người nắm mép vải và đồng giở lên một lượt rồi đặt thân người chết vào áo quan. Nếu người chết là nam thì mép vải bên trái phủ trước, rồi mép vải bên mặt phủ kế tiếp rồi đến mép vải trên đầu và cuối cùng mép vải dưới chân phủ lên là xong. Nếu là người nữ thì mép vải bên mặt phủ trước bên trái phủ sau. Sau đó, nếu muốn tẩm liệm theo những vật dụng gì thì nên để dưới chân người chết. Xong đậy nắp áo quan và đóng đinh lại.
6- Mọi người trong gia đình đồng khiên áo quan đặt ngay giữa nhà. Trước áo quan đặt một bàn thờ nhỏ có ảnh người chết và một lư hương để mọi người đến cúng điếu cắm hương chia buồn, mỗi người chỉ cần thắp một cây hương tượng trưng cho lòng chia buồn mà thôi.
Trang trí trên bàn thờ một dĩa trái cây, ngoài ra không nên chưng bông hoa, hay chưng gì nữa cả. (Ở đây, ý Trưởng Lão vì đức hiếu sinh không muốn thấy hoa bị cắt khỏi cành đem chưng trên bàn thờ trong ngày đau buồn tang khó này, ngoài ra chưng hoa chỉ làm đẹp mắt mà không thiết thực hữu dụng như trái cây. Ở nước ngoài, do văn hóa đời sống khác biệt, mọi người đều quý hoa, nên chưng hoa là chính (mà quên hoa cũng có đời sống của nó, nở lòng cắt hoa lìa cành mẹ). Cá nhân hay tập thể đi phúng tang mà không có tràng hoa hay vật phúng cụ thể thì trong lòng thấy ngại, nhất là khi tang gia không chấp điếu. Khi quan tài đã hạ huyệt xong thì mọi người đi đưa đều ném một cành hoa (hay một nắm đất) xuống huyệt là hành động cuối cùng tiển biệt người chết. Còn nếu thiêu thì sau khi đưa quan tài vào lò thiêu, các lẳng hoa đều cho vào thùng rác để giữ vệ sinh môi trường. NTCN ghi chú))
7- Đặt áo quan và bàn thờ nhỏ trong nhà xong thì những con cháu tề tựu đảnh lễ và ngay lúc đó người gia trưởng phát vải tang cho mọi người trong gia đình. Con trai và con gái thì đội khăn trắng phủ kín đầu (Ở đây, Trưởng Lão muốn tiết kiệm chi phí. Theo phong tục của người Việt, ngoài mũ còn có áo dài và quần rộng cùng một thứ vải màu trắng đó. Nếu chỉ dùng mặc trong lễ tang rồi đốt bỏ thì quả là không tiết kiệm. Nhưng thói quen của quần chúng rất khó bỏ. Chỉ những ai không ngại bị chê trách mới thực hành được việc này. NTCN ghi chú); hàng con dâu, con rể thì bịt một chiếc khăn trắng trên đầu như khăn đóng, trẻ em hàng cháu nội-ngoại thì một miếng vải trắng nhỏ cài trên ngực áo. Sau khi chôn cất xong trở về nhà thì khăn trắng được trả lại nơi bàn thờ, mọi người chỉ mang một miếng vải trắng nhỏ nơi ngực.
8- Người chết không nên quàn để lâu vì để lâu làm mất vệ sinh chung. Vì vậy sáng chết chiều chôn, chiều chết sáng chôn. Nếu có điều kiện cần để lâu thì chỉ nên một ngày đêm mà thôi.
9- Không nên rước thầy chùa tụng niệm cầu siêu vì người chết đã theo nghiệp tái sinh luân hồi ngay liền khi chết còn đâu mà cầu siêu. Đó là một việc làm mù quáng, mê tín.
10- Không nên rước nhạc trống kèn làm ầm ĩ. Đám ma là lúc mất mát đau buồn, có gì vui đâu mà kèn trống. Vậy nên tránh đàn kèn trống. Và nhất là đây không phải chỗ buôn bán thây người chết để lấy tiền.
11- Đưa áo quan lên xe tang để đi chôn cất thì không nên rải giấy tiền vàng mã theo đường, làm mất vệ sinh môi trường sống. Và nhất là không nên rướt thầy chùa ngồi tụng niệm ê a trên xe tang. Đó là hình thức lạc hậu, mê tín, thiếu văn hóa, không khoa học.
12- Hạ huyệt. Khi xe tang đến nơi thì áo quan chuyển từ trên xe đến huyệt, để áo quan ngay ngắn trên huyệt, và lúc bấy giờ con cái tập trung lại đảnh lễ lần cuối cùng. Sau khi con cái đảnh lễ xong thì áo quan từ từ hạ huyệt.
13- Khi chôn cất xong mọi người đồng trở về nhà và đặt bàn thờ người chết nơi trang nghiêm nhất trong nhà để hàng ngày con cháu tưởng nhớ công ơn của người đã mất.
14- Không nên mở cửa mã. Trong ba ngày đầu, con cháu đến thăm mộ và đắp sửa sang lại cho sạch sẽ.
15- Hằng ngày đến giờ ăn cả gia đình ngồi lại ăn thì nên để một đôi đũa và một bát cơm ngay tại bàn ăn này, mọi người trong nhà, nhất là người gia trưởng, đều mời người chết ăn cơm, tưởng như người đó còn sống, chứ không nên soạn mâm cơm đem cúng trên bàn thờ.
16- Tuần thất. Những tháng đầu mới mất chia ra làm ba tuần thất. Tuần thất thứ nhất là bảy ngày; tuần thất thứ hai là 21 ngày; tuần thất thứ ba là 49 ngày. Trong những ngày tuần thất ấy chúng ta làm một bữa cơm mời những người nào đã giúp trong việc ma chay đến dùng bữa cơm thân mật để tỏ lòng biết ơn những người bạn thân này.
17- Sau một năm mất chúng ta làm một bữa cơm và con cháu về đầy đủ. Người gia trưởng nhắc đến công ơn của người đã mất với gia đình, với quê hương tổ quốc.
18- Đến năm thứ hai sau khi mất cũng làm một mâm cơm mời con cháu về đủ mặt. Người gia trưởng tuyên bố mãn tang và thu hồi những miếng vải trắng nhỏ và đem đốt. Từ đây về sau không còn ai mang tang khó nữa.
Thầy của các con,
HT. Thích Thông Lạc