Nhân tính và phi nhân tính

Sự gần gũi, yêu thương đã gắn kết những con tim, gắn kết tình ruột thịt, máu mủ. Nhân tính – cái phân biệt giữa Người và Động vật đã hình thành từ những sinh linh bé bỏng đến người trưởng thành.

Nhân tính được hình thành nhờ chính Con Người và cũng sẽ mất đi khi Con Người bỏ rơi và lãng quên nó.

Có biết bao con người có tấm lòng cao cả được ca ngợi ghi vào sách (như cuốn Những Tấm lòng cao cả của nhà văn Edmondo De Amisis). Có những chế định nhân đạo được ghi vào luật pháp quốc tế như, cuộc chiến xảy ra giữa các quốc gia, khi đối phương đã đầu hàng thì chấm dứt chém giết, trả thù.

Rồi khi gặp khó khăn, hoạn nạn con người sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ nhau, từ những con người riêng lẻ đến các cộng đồng, quốc gia…

Ở Việt nam, vào năm 1945, nạn đói hoành hành khắp nơi, nhường cơm sẻ áo cho nhau là truyền thống của người Việt. Có người chia đôi bắt cơm cuối cùng cho bạn, để rồi cả hai cùng chết đói vì không còn gì để ăn nữa. Biết bao người dân ở thành phố đã nấu cháo chia cho người đói, lấy thóc gạo của mình phát chẩn cho người đói trong khi họ cũng đang thiếu, đói…

Trong cuộc sống, biết bao tình huống xảy ra đã khiến cho ta phải ngạc nhiên bởi tấm lòng bao dung của con người đối với con người, ngay khi họ đem lại đau khổ cho ta. Trong Đặc san Đang yêu của báo Phụ nữ Thủ đô số 41, ngày 26/11/2013 đã có một bài viết “Lòng bao dung kỳ diệu của bố mẹ vợ vun vén hạnh phúc cho người con rể đổ xăng đốt chết vợ ”(tác giả Thành Sen). Do hiểu lầm bố mẹ vợ không cho mình ở chung nhà, người con rể Bùi Quang Thanh đổ xăng định đốt số thóc mà bố mẹ vợ khuyên nên đem về nhà, khi vợ con ngăn cản, vợ chồng giằng co, anh ta tưới xăng để đốt thóc, xăng rưới lên cả vợ con anh ta. Anh ta châm lửa đốt, cả bố mẹ và đứa con bốc cháy may, hai bố con nhảy xuống ao thoát bỏng, còn chị vợ luống cuống bị bỏng nặng và đã tử vong. Thanh bị bắt và bị khởi tố về tội “vô ý làm chết người”. Bà Nguyễn Thị Lương mẹ đẻ của nạn nhân đã nói: “Hương là đứa con gái duy nhất của gia đình tôi, mất nó vợ chồng tôi đau đớn lắm. Nhưng ngày thường Thanh là người chồng rất mực yêu thương vợ con, có hiếu với bố mẹ vợ. Nghĩ đến cảnh hai đứa cháu đã mất mẹ nay sắp vắng cha, chúng tôi cầm lòng không đặng nên đã thứ tha cho Thanh, để nó có cơ hội làm lại cuộc đời”.

Hai ông bà đã xin giảm án cho con rể, tòa tuyên án Thanh 36 tháng tù giam và hưởng án treo. Sau này Thanh đã coi gia đình ông bà như nhà bố mẹ đẻ của mình . Khi có vợ mới, cả hai vợ chồng Thanh đều chăm sóc ông bà rất tình nghĩa. Chính nhờ lòng nhân, sự bao dung của cha mẹ vợ mà Thanh đã vượt qua được những khó khăn của cuộc sống. Chính lòng Nhân đã sinh ra lòng Nhân.

Lòng tốt vẫn ngự trị, nhiều người nghèo nhặt được số tiền rất lớn vẫn trao cho người mất mà không lấy tiền tạ ơn của họ…

Bên cạnh những hành vi cao cả, đầy tính Nhân văn thì tình trạng phi nhân tính lại cũng song hành, nảy sinh khiến cho người ta lo ngại. Những vụ cướp giật trên đường phố Sài Gòn, những vụ cha giết con, vợ giết chồng, chồng giết vợ, con rể giết mẹ vợ, cháu giết bà nội,  những vụ cưỡng hiếp loạn luân, hiện tượng ấu dâm, rồi việc bác sĩ thẩm mỹ làm chết người, vứt xác phi tang, vụ Án oan 10 năm tại tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị án oan phải ngồi tù 10 năm bởi sự vô cảm của những người điều tra vụ án… đang làm nhức nhối lương tâm con người.

Trước đây, khi dân lâm vào nạn đói năm 1945, hiện tượng phi nhân tính xuất hiện, người ta giành giật, cắn xé nhau vì miếng ăn để sinh tồn. Bài viết của Quang Thiện (báo Tuổi trẻ) ghi lại cảnh này qua lời kể của một nhân chứng như sau:

- Con trai bà Chén năm nay cũng đã ngoài 60 tuổi. Anh nói: “Những câu chuyện cướp bóc, thú tính trong nạn đói, 60 năm qua mẹ tôi không bao giờ muốn nhắc lại. Chỉ có một lần bà kể cho tôi nghe một câu chuyện kinh hoàng: khi bế con đi Hà Nội, qua sông Long Hầu bà thấy có hai bố con nhà nọ đói lả, phù thũng, chắc là sắp đến lúc chết. Người con chừng 7-10 tuổi.

Không hiểu lúc ấy họ kiếm được thứ gì, chắc là có thể ăn được nên hai người tranh nhau rất dữ. Đứa con co cả người nắm chặt tay bố. Hồi lâu đẩy con ra không được, người cha liền co chân đạp con xuống cầu. Đứa trẻ cố níu lấy thành cầu, hai mắt không rời miếng ăn trên tay bố. Người cha lúc ấy kiên quyết hơn và ông ta đã đạp được đứa con rơi xuống nước rồi ngấu nghiến nhét thứ đó vào mồm...”.

Đó là khi đói, bản năng sinh vật đã cướp đi nhân tính, những chuyện khủng khiếp về phi nhân tính, tàn ác sẽ ám ảnh ta suốt đời.

Nghĩ suy về bạo lực và nhân tính thời nay mới thấy Con Người chỉ thực sự là Người khi hội đủ Ngũ luân (Nhân- lễ- nghĩa- trí - tín), trong đó chữ Nhân đứng đầu. Tình yêu thương, lòng nhân ái, bao dung là đức tính tốt đẹp nhất mà Con Người có để phân biệt Người và động vật. Nếu con người không có nhân tính thì trái đất chỉ còn chết chóc, hận thù, con người giày xéo lên nhau, chém giết lẫn nhau để giành giật, từ miếng ăn cho đến Danh và Lợi. Thật khủng khiếp khi nhân tính bị cầm tù và đọa đầy. Vẫn biết Ngũ luân là điều con Người muốn hướng tới, nhưng khó lắm, bởi vì Tham- Sân- Si muôn đời tồn tại trong mỗi con người. Nếu luật pháp nghiêm minh sẽ hạn chế được những bản năng này. Nhưng, khi cán cân công lý mất phương hướng thì xã hội ắt đảo điên và con người bị cuốn vào sự giành giật không giới hạn.

Hiện nay, tại Việt Nam có khá nhiều người tích lũy vốn bằng mọi cách như, kinh doanh theo cách lừa đảo, chụp giật, có vay mà không có trả, hối lộ, tham nhũng… Những hành vi gian dối, tàn bạo, phi nhân tính lan đến cả những người làm việc trong tổ chức công quyền. Cách tích lũy này khiến cho con Người đang vô cảm với đồng loại. Việc thực thi pháp luật cũng có nhiều điều chưa ổn khiến cho xã hội có những biến động đáng ngại, tác động xấu đến người dân.

Ở các nước phát triển đã trải qua giai đoạn tích lũy tư bản bằng mọi giá đưa tới, hậu quả là: đánh mất dần các giá trị nhân văn, con người bị tha hóa, xã hội bất ổn. Vì vậy họ đã điều chỉnh, định hướng, chọn văn hóa đích thực, “Vì con người” để cứu cánh cho sự tha hóa Nhân tính. Chăm lo đến con người, quí trọng con người, coi con người là động lực của sự phát triển, để từ đó phát huy năng lực của con người. Khi được trân trọng, con người sẽ thực sự là chủ nhân, giữ xã hội ổn định, vươn lên.

Con Người là mối tổng hòa các mối quan hệ xã hội, nếu chiến lược “Vì con người” thành công trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…thì Nhân tính sẽ được chăm sóc và nẩy nở, đầy lùi các hiện tượng phi nhân tính, Con Người thực sự là Người./.

Previous Post
Next Post