Ôi, camera quê ta...mong manh của người…

Chị D ở Đài phát thanh kể, có lần hỏi phỏng vấn một giám đốc lâm trường. Ông nhiệt tình cho chị cuộc hẹn. Chị khăn gói tới, ông ngơ ngác nhìn quanh hỏi ủa không có máy quay phim hả, tưởng thu hình chớ, vậy phỏng vấn chi mất công. Ông giám đốc phủi phủi không khí rồi bứt cái cravat trên cổ ra. Khi đó khu vực rừng của ông đang đứng trước nguy cơ cháy rất cao, chị định hỏi lâm trường đối phó ra sao. Nhưng có vẻ mấy bữa nay ông quên canh chừng lửa mà chuẩn bị bộ vó để lên ti vi. Chị D nhớ lại cảm giác bữa đó, “Chị hận máy quay phim ghê gớm, nó chỉ là máy móc thôi mà hạ gục nhân cách một con người…”.

Mình vừa buồn vừa cười, sực nhớ coi chương trình thời sự trên ti vi, thường gặp vài anh đang ngáp bời bời, nhác thấy máy quay của phóng viên lia tới ngay lập tức sửa lại tư thế ngồi, lúi húi ghi ghi chép chép, mặt mũi đăm đắm suy tư. Mình cũng có ý nghĩ gần giống chị D, sao mà người ta dễ bị sai khiến vậy? Sẵn sàng biến thành một người khác chỉ vì lý do không đâu.

Đi đám cưới, mình tức cười nhất là lúc cô dâu chú rễ đến chào, lôi máy quay theo. Cả bàn chục người ngồi đơ ra, đũa nằm ngơ ngác trên miệng chén, máy quay lướt qua những đôi môi còn rưng rưng mỡ mà mặt mũi nghiêm trang như đang dự cuộc họp phòng chống bão gần bờ. Có lúc mình lọt tuốt vô cảnh đó, dưới ánh đèn chói lóa, trong lúc đôi đũa mình phân vân không biết tiến hay lùi, mình nhớ tới tụi con nít trong những xóm nghèo bên sông Ông Đốc, hôm mình quay phim tụi nó bằng cái máy ảnh cùi bắp, có đứa ở truồng tay mằn chim, có đứa liếm láp nước từ que kem chảy xuống cùi tay, có đứa cố chen đưa cái mặt già khằng, nước mũi xanh đặc quánh cứ thập thò dưới mũi. Tất cả tụi nó đều thản nhiên cười toe toét, chuyện người khác nhìn mình ra sao, nhìn mình bằng gì chẳng quan trọng cóc khô…

Mình cũng vài lần ghé qua chương trình truyền hình chuyến xe tình yêu đang được giới trẻ yêu thích. Thấy tươi tắn, vui vui, thú vị, nhưng vẫn là cảm giác đang xem phim truyện. Dù nhà sản xuất khẳng định rằng đây là truyền hình thực tế, mấy bạn thanh niên trên chuyến xe đó hoàn toàn sống như họ có, những hình ảnh mang tính chất ngẫu nhiên tình cờ, máy quay luôn được giấu kỹ… Ừa, tin vậy. Nhưng cảm giác phim truyện không phải ở chỗ nhà quay phim nằm núp lùm bụi nào mà ở chỗ chàng và nàng - những thành viên tham gia chương trình - ngay khi đăng ký lên chuyến xe này ai cũng biết  mình có thể bị (hay được) ghi hình bất cứ lúc nào, ở đâu. Ý thức đó không bao giờ buông bỏ chàng khi ngồi trên ngọn đồi để chờ tỏ tình với người yêu, khi nàng nấu món canh ngót vẫn thường nấu ở nhà, khi hai người hứ nguýt, giận hờn nhau hay điên lên vì ghen tuông.

Xem, và thấy tình yêu sao mong manh ghê gớm. Mong manh vì người ta chạm vào nhau, tìm kiếm một tình yêu bằng lớp áo bên ngoài. Ai đó giống chị ấy cảm thấy yêu ai đó giống anh ấy. Mỗi khi có đôi nào nắm tay nhau rời khỏi chuyến xe, mình thấy bất an sao đó. Phần diễn đã xong, không còn ám ảnh cái máy quay phim, trở về với con người thật của mình, thể nào cũng xảy ra những hớ hênh, những vụng về, bối rối… Và một trong hai người hoặc cả hai nhận ra người kia không phải kẻ mình đã yêu trên chuyến xe tình.

Mình thấy hơi giận cái máy quay phim, biến đổi tình yêu thành ra một thứ gần giống tình yêu, làm bao nhiêu người cả tin thổn thức. Nhưng đâu chỉ mình cái máy đó, nhiều thứ thậm chí mình không rờ rẫm được, không thể bấm nút “rec” mà vẫn xoay người ta đổi thay ngoay ngoắt. Cái hôm chồng nghe tin tổ chức cơ cấu anh làm phó giám đốc sở, chị vợ đã thôi không còn tới nhà mình xách cặn heo. Mình có chị bạn vui vẻ hồn nhiên biết bao nhiêu, năm kia chị làm được bài thơ, mọi người gọi đùa nhà thơ, giờ chị ngồi với mình mà tâm miên man bên những vần điệu, nói chuyện với mình mà mắt mơ màng ngó lá rơi, bướm lượn, hồi lâu thảng thốt, trời, con chim sâu đó hót nghe cô đơn quá.

Trời, con chim đó có đứng một mình đâu, nó đang cãi vã vang với bầy đàn trên nóc nhà, mình không thấy nó cô độc chút xíu nào. Nhưng, ờ, thật tình, có tiếng gì đó buồn quá…

Previous Post
Next Post