Mấy năm 1986 – 1989, tôi cùng hàng chục vạn người Việt làm việc ở Nga. Chúng tôi được trả lương bằng đồng rúp. Nhưng không thể mang tiền về tiêu ở Hà Nội.
Để giúp đỡ gia đình, cách duy nhất chúng tôi có thể làm là kéo nhau đi mua hàng. Hàng ngày, những cái đầu đen tỏa ra khắp các cửa hàng Moskva. Các thứ máy khâu, bàn là, bếp điện, vòng bi… trở thành những cái đích tuyệt vời để chúng tôi theo đuổi, chiếm lĩnh.
Mà thời ấy, khốn khổ nước Nga cũng thiếu hàng trầm trọng. Chỗ nào cũng xếp hàng. Vèo một cái hàng đã hết. Có người mua được, người không. May mắn của mình nghĩa là bất hạnh của kẻ khác. Giữa những người Việt cùng đi mua hàng, tự nhiên hình thành một sự thù ghét.
Khi mới sang, bắt gặp một đám người mình đánh hàng, tôi còn lớ ngớ nhờ họ chỉ dẫn. Sau vài lần hỏi mãi mà chỉ nhận được câu trả lời lăng nhăng, tôi hiểu rằng, nếu mình cũng đến mua thì họ hết nguồn. Hẳn họ không thích thú gì trước sự có mặt của kẻ khác. Đối diện với bản thân, tôi nhận ra chính mình cũng đã có cái tâm lý tương tự. Nguyên tắc “không ai bảo ai” được toàn thể mọi người tự nguyện thực hiện. Nhiều khi nhìn nhau ở xa đã thấy ngán ngẩm.
Quay về “ốp” – nơi ở tập thể - nhìn những cộng đồng dân cư khác thấy thèm. Cả người những nước nghèo hơn mình như người Lào, người Triều Tiên… sao họ có thể thương yêu nhau hơn người mình.
Còn người Việt thì chỉ thấy đồng bào là những kẻ cạnh tranh, là kẻ mua mất thứ hàng mình có thể mua, tóm lại là một đối tượng để ganh ghét.
Chúng tôi thấy xấu hổ về cách sống, cách nghĩ ấy, nhưng cuộc sinh tồn đòi hỏi, trước sau đâu vẫn đóng đấy, và chỉ đành nhủ thầm đây đã là thứ di truyền trong máu mất rồi, không ai bỏ nổi.
Ở đâu con người cũng nói: “Đời là một cuộc đấu tranh”.
Ngoài đấu tranh với thiên nhiên, cái triết lý đấu tranh nói ở đây thường được hiểu là đấu tranh với những đồng loại và cuộc đấu tranh này được biểu hiện với vô vàn sắc thái kỳ lạ.
Trong con mắt Bá Dương, “bất kể ở chân trời góc bể nào, hễ có người Trung Quốc là có cấu xé lẫn nhau”. Để tồn tại, họ phải thường xuyên tự nhủ lúc nào cũng có người hại mình. Lý Tôn Ngô tổng kết lịch sử cho rằng những người thành công đều là những người mặt dày, tim đen. Mặt dày là hoàn toàn vô lương tâm, tim đen là tuyệt đối tàn nhẫn.
Không hoành tráng lắm, song ở người Việt, cuộc đấu tranh này lại hiện ra với vẻ dai dẳng và rộng khắp. Theo Edmond Nordemann: “Cuộc đấu tranh vì sự sống, mặc dầu đã được vẻ thờ ơ của phương Đông làm dịu bớt, vẫn mang tính chất khốc liệt hơn tất cả mọi nơi khác.” (Quảng tập viêm văn – tài liệu đã dẫn ở một bài trước).
Cho đến thời đương đại, nhận xét này vẫn còn ý nghĩa của nó. Nam Cao viết rằng hạnh phúc là một cái chăn quá hẹp. Nói thế vẫn là quá hiền. Hạnh phúc có nhiều nghĩa mà nghĩa đầu tiên, đơn giản nhất là sự tồn tại. Sống sót mới là động cơ đánh thức nỗi niềm yêu ghét ghê ghớm của con người.
Trong Những bước đường tư tưởng của tôi, Xuân Diệu kể lại một lần khoảng 1942, theo xe lửa dừng lại ở một vùng đói Quảng Bình, ông chứng kiến cái cảnh đứa bé ba tuổi giậm chân bắt đền người mẹ: “Nhả ra! Trả đây!”.
Thì ra, người mẹ lúc cho con ăn, đói quá, không tự chủ được, trót ăn mất của con mấy thìa cơm. Mà đứa trẻ biết, nó la hét như thế hàng mười lăm hai mươi phút.
Lúc bấy giờ, ám ảnh tồn tại đã thắng mọi thứ tình cảm nhân bản khác.
Tại sao có hiện tượng trên? Từ Darwin đến Freud, các nhà tư tưởng vĩ đại đều đã xác định: Đấu tranh trong loài là khốc liệt nhất.
Nhà nghiên cứu Trần Đình Hựu từng dẫn lại một nhận xét mà ông cho là cực kỳ thông minh của Hàn Phi Tử: “Người muốn giết vua nhất là hoàng hậu và thái tử”.
Có điều lâu nay trong xã hội Việt, chúng ta quen sống bằng một ảo tưởng ngược lại. Toát lên qua ca dao, tục ngữ, là cái huyền thoại người nghèo thường biết đùm bọc nhau, chỉ có kẻ giàu mới ác, có khi càng nghèo càng ác.
Tại sao? Theo các nhà xã hội học, ở đâu nghèo về vật chất, ở đó cũng có sự nghèo hèn về tinh thần, và đặc điểm chính của người nghèo là dễ bị tổn thương.
Nghèo ở đây còn có nghĩa là không có khả năng thay đổi đời mình. Trong một xã hội tiểu nông, cái mà mọi người đều biết làm thì luôn luôn thừa. Cái mà mọi người cùng cần thì luôn luôn thiếu. Hàng thịt nguýt hàng cá. Hai gái lấy một chồng. Bởi chúng ta quá giống nhau nên xảy ra tình trạng như vậy.
Vương Trí Nhàn