Theo các nhà sử học cho biết, loài người xuất hiện trên hành tinh này rất sớm, cách nay hằng mấy tỷ năm. Cùng với loài người, dĩ nhiên, còn có các loài sinh vật khác. Thế nhưng, loài người sở dĩ hơn các loài động vật khác, ngoài khối óc tinh khôn sắc xảo ra, nó còn có một trái tim biết yêu thương và tương kính lẫn nhau. Nếu không có trái tim rộng mở bao dung cao đẹp này, thì than ôi! Làm sao loài người có thể tự hào hơn các loài động vật khác được? Tình thương là bản chất thiêng liêng mầu nhiệm quý giá của con người. Con người sống không có tình thương là đời sống vô vị, khô cằn và mất hết ý nghĩa. Tuy nhiên, tình thương cũng có nhiều đẳng cấp cao thấp rộng hẹp khác nhau.
Đối với các bậc Thánh nhân, thì tình thương của các ngài không có biên giới. Đó là loại tình thương phát xuất từ lòng từ bi, bình đẳng, vị tha vô lượng bao trùm khắp cả muôn loài. Ngược lại, ở một mức độ thấp hơn, thì được giới hạn trong tình thương đồng loại. Vì đồng loại có chung một dòng máu nóng cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Nói cách khác, là vì loài người có một đời sống tâm, sinh lý giống nhau. Nếu nói hẹp hơn nữa, thì tình thương được thể hiện trong mối tương quan trong dòng huyết thống thân tộc gia đình. Gần nhứt là tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái. Đó cũng là một thứ tình yêu thương bao la cao đẹp bất vụ lợi. Hẹp hơn nữa là tình yêu thương giữa nam nữ.
Trong tất cả các thứ tình yêu thương nói trên, thì ngoài thứ tình yêu thương mang tính từ bi bình đẳng rộng rãi bao la ra, còn lại, đều là những thứ tình yêu thương thuộc trong phạm vi ái kiến. Như tình thương giữa cha mẹ với con cái trong gia đình thân tộc chẳng hạn. Ta cần nên biện biệt rõ điều đó. Tuy nhiên, dù tình thương yêu có cao thấp rộng hẹp khác nhau, nhưng tất cả cũng đều phát xuất từ trái tim tin yêu nồng thắm cả.
Riêng về tình yêu thương của cha mẹ, thật là một thứ tình yêu thương mà từ xưa tới nay, không gì có thể so sánh được. Cao như núi, rộng như biển cũng khó sánh bằng. Thật vậy, sự hy sinh giáo dưỡng cao cả của cha mẹ đối với con cái thật không có bút mực nào tả xiết. Cha mẹ lúc nào cũng thương yêu và nghĩ đến lo lắng chăm sóc cho con đủ mọi thứ trên đời. Từ cái ăn, cái mặc, chỗ ở, cho đến việc học hành, sự nghiệp v.v…Tất cả cũng chỉ vì con, dù phải hy sinh cả tánh mạng cha mẹ cũng không màn.
Vì con cha mẹ cam đành
Chẳng màn tội lỗi bị giam bị cầm
(Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân)
Nhìn vào thế giới loài vật, chúng ta thấy, đời sống của chúng cũng không khác mấy với thế giới loài người. Nghĩa là, loài người cũng có kẻ dữ người hiền, cũng có kẻ hiền lương, biết phân biệt phải trái, sống theo luân thường đạo lý, nhận định rõ cội nguồn, biết tôn ty trật tự, kính trên nhường dưới v.v…Tuy nhiên, cũng có kẻ rất hung bạo, sống buông thả không có chút đạo đức tình người, tán tận lương tâm, hành động gian ác trái với nhân luân đạo nghĩa. Loài vật cũng thế. Có những con vật trông chúng rất hung bạo dữ dằn như chó sói, cọp, beo, sư tử… Ngược lại, cũng có những con vật trông chúng rất hiền từ dễ thương, dễ mến, như các loài chim cò, bò, ngựa, gà, thỏ, chó, mèo v.v… Các loài vật hiền từ này, tuy chúng không có khối óc tinh khôn sắc xảo và tình yêu thương cao đẹp rộng lớn như loài người, nhưng chúng cũng biết yêu thương và luôn sẵn sàng bảo vệ mạng sống cho đàn con của chúng, dù phải hy sinh cả tánh mạng. Như vậy, đức hy sinh và hiếu sinh của chúng cũng không khác mấy loài người.
Dù hung hăng dữ tợn, như cọp, beo, sư tử, nhưng chúng chưa bao giờ tàn nhẫn sát hại ăn thịt con của chúng. Dù rằng sự hiểu biết của chúng thua rất xa loài người. Chẳng những không sát hại, mà chúng còn hết lòng ra sức bảo vệ đùm bọc. Như các loài khỉ, vượn hay gà v.v…. Những loài vật này, chúng lúc nào cũng tỏ ra thương yêu rất mực đối với các con của chúng.
Chắc bạn cũng đã từng chứng kiến một con gà mái ra sức bảo vệ đàn con, khi đàn con của chúng bị diều hâu định hãm hại. Đôi cánh yếu mềm của gà mẹ kia, lại là thứ vũ khí rất an toàn luôn sẵn sàng để bảo vệ đàn con. Khi nhìn thấy chú diều hâu sà xuống định quắp lấy gà con, thì gà mẹ kịp thời nhanh nhẹn vươn đôi cánh yếu mềm ra để che chở cho đàn con ẩn núp. Nhờ thế mà đàn con thoát chết dưới tay ác độc của chú diều hâu. Đó là sự che chở bảo vệ an toàn một cách tuyệt vời của gà mẹ.
Những lúc gà mẹ dẫn đàn con đi kiếm ăn, nếu như gà mẹ bươi kiếm được miếng mồi ngon, thì liền kêu đàn con đến cùng nhau thụ hưởng. Thay vì hưởng dụng một mình, nhưng vì thương con mà gà mẹ đành phải chịu nhịn đói dành hết phần ăn lại cho con. Ôi! loài vật mà còn có tình yêu thương hy sinh cho con như thế, thử hỏi loài người chúng ta thì sao?!!! Hẳn phải có tình thương gấp trăm ngàn lần mới phải?
Có lần, người viết đã chứng kiến một con mèo mẹ tha mèo con đi tìm nơi an toàn trú ẩn. Vì sau khi sanh ra, một đứa bé thấy vậy hay chọc các chú mèo con, và rồi bắt mèo con đem đi nơi khác. Biết không an toàn, nên mèo mẹ nghĩ cách thừa dịp trong lúc vắng người, liền dùng miệng cắn tha mèo con đi nơi khác để tìm nơi trú ẩn an toàn.
Hẳn bạn cũng đã chứng kiến những con chim mẹ tha mồi về tổ để đút cho chim con ăn. Còn vượn mẹ thì bồng ẵm vượn con tìm đường tẩu thoát, khi thấy loài người săn đuổi tìm bắt và sát hại bọn chúng. Còn và còn rất nhiều những con vật khác nữa, lúc nào chúng cũng quyết cố sức để bảo vệ nuôi dưỡng và che chở cho đàn con thoát chết trong sự sát hại của đồng loại và dưới bàn tay ác độc của loài người.
Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra đơn cử một vài con vật tiêu biểu thế thôi, để từ đó, chúng ta có một cái nhìn sâu sắc và quán chiếu lại tình thương của loài người chúng ta. Loài người được mệnh danh là loài thượng đẳng cao cấp, tất nhiên, chúng ta phải vượt trội hơn loài vật đủ mọi phương diện. Nhất là ở hai lãnh vực “trí tuệ và tình thương”. Nhưng nếu chỉ xét riêng ở lãnh vực tình thương không thôi, thì thiết nghĩ, mỗi người chúng ta cũng cần nên suy nghiệm lại thật kỹ trong tư tưởng và hành động. Phải thật lòng mà nói, hiện chúng ta đã đánh mất tình thương yêu cao đẹp trong gia đình quá nhiều rồi. Chưa dám nói đến tình thương yêu đồng loại. Hiện trạng cảnh tượng bạo hành trong gia đình sát hại lẫn nhau đã và đang xảy ra hằng ngày. Việc xung đột giữa cha mẹ và con cái trong gia đình, gây ra cảnh tang thương chém giết lẫn nhau, thật quá hãi hùng khiếp đảm!
Nhân mùa Vu lan, tôi muốn bạn và tôi, chúng ta hãy thực sự quán chiếu sâu vào về tình thương yêu đối với cha mẹ của chúng ta. Đã lâu rồi, chúng ta hay có cái thói quen nhìn hời hợt bề ngoài. Chúng ta sống theo bản năng tình dục thỏa mãn cho bản ngã vị kỷ nhiều hơn. Ít khi nào chúng ta chịu khó quán chiếu sâu vào tình yêu thương cao đẹp thiêng liêng của cha mẹ. Chúng ta chỉ thấy hình hài và cách đối xử của cha mẹ bề ngoài, mà không nhìn thẩm thấu chiều sâu bên trong. Nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy giữa ta và cha mẹ luôn có mặt và không bao giờ có sự ngăn cách. Vì mỗi tế bào trong ta là những tế bào mà cha mẹ đã ban tặng cho ta. Làm sao ta có thể tách rời ra được?
Thế thì, ta hờn giận trách móc cha mẹ là chính ta đã hờn giận trách móc chính ta. Nếu ta thương yêu cha mẹ cũng là ta biết thương yêu nơi ta. Vì không có cha mẹ, thì không có ta. Vậy, ta là sự tiếp nối của cha mẹ. Đó là lý do chính yếu mà ta phải hết lòng thương yêu cha mẹ. Vì cha mẹ có quá nhiều sự hy sinh lo lắng giáo dưỡng cho ta. Do đó, nếu ta có những hành động hoặc lời nói xúc phạm đến cha mẹ, thì ta là kẻ đã mang tội bất hiếu rất lớn với cha mẹ. Đã thế, vậy mà có lắm người con chẳng những không biết mang ơn sanh thành giáo dưỡng của cha mẹ, mà trái lại, họ còn nhẫn tâm ra tay sát hại cha mẹ ruột của mình một cách thật tàn bạo dã man!
Cha mẹ là người thân thương nhứt trên cuộc đời này, mà ta còn nhẫn tâm giết hại, thì nói chi đến đồng loại. Thưa bạn, trên đời này bất cứ cái gì, có khó khăn cách mấy, bạn cũng có thể tìm cách tạo ra được cả, nhưng đối với cha mẹ thì làm sao bạn có thể tìm kiếm được đây?! Hành động sát hại hay làm khổ cha mẹ, chỉ có những kẻ điên cuồng mất hết nhơn tính mới hành động như thế! Việc hành hạ sát hại cha mẹ, đó là một trọng tội rất lớn. Một trọng tội, mà theo kinh Phật nói, thì đó là phạm một trong ngũ nghịch tội. Phạm tội này, tất nhiên phải bị đọa vào địa ngục vô gián (tức bị hành phạt chịu nhiều đau khổ không gián đoạn xen hở).
Ngũ nghịch tội gồm có: 1. Giết cha. 2. Giết mẹ, 3. Giết A la hán (bậc tu hành dứt hết phiền não). 4. Phá hòa hợp tăng (phá sự hòa hợp làm ly gián của một đoàn thể tu hành) 5. Xúc phạm gây ra làm thân Phật ra máu (nói theo ngày nay là phá hoại hay thiêu hủy hình tượng Phật). Như thế, khác nào là ta đã tự giết chết cuộc đời ta rồi. Giết chết không những hiện đời này, mà còn nhiều đời sau nữa. Thật là đáng thương xót lắm thay!
Ngược lại, bổn phận làm cha mẹ cũng không nên lấy quyền làm cha mẹ nghĩ mình có công lao sanh thành giáo dưỡng mà hành hạ đánh đập chửi mắng con cái quá đáng. Hành hạ con cái cũng chính là tự ta hành hạ lấy chính ta. Vì con ta là kết quả của những dòng máu, tế bào của ta. Vì vậy, ta không nên tạo ra cảnh xung đột bất hòa làm cho cốt nhục tương tàn và gia đình ly tán mất hết hạnh phúc tình thân. Người xưa nói: “Tay cắt tay sao nỡ, ruột cắt ruột sao đành!”
Chuyện xung đột giết hại lẫn nhau trong gia đình đã và đang xảy ra khắp nơi. Báo chí đã đăng tải vấn đề này rất nhiều. Xin nêu ra đơn cử một vài trường hợp để chứng minh. “Một cậu con trai 16 tuổi, chỉ vì một cơn tức giận, dùng dao đâm chết người cha và người mẹ bị trọng thương. Một cô con gái 17 tuổi, chỉ vì cha mẹ không chiều theo ý muốn của mình, bằng cách bỏ đạo Hồi theo đạo Thiên Chúa mà nhẫn tâm đâm chết cha mẹ ruột của mình, không một chút gớm tay. Một người chồng vô lương tâm, vì một cơn giận tức, giết chết vợ mình và chặt làm ba khúc. Một ông già 69 tuổi vác rìu chém vợ và 2 đứa cháu ngoại ruột, cả ba đều chết một cách thảm thương tại chỗ…”
Còn và còn rất nhiều không thể nào kể ra hết được. Như thế, thì thử hỏi tình thương nhân luân đạo nghĩa của con người còn ở chỗ nào? Ngược lại, cũng có những bậc làm cha mẹ, vì hoàn cảnh bức xúc khổ đau tràn ngập nào đó, hết phương chịu đựng, nên họ đã đánh mất chức năng làm cha, làm mẹ, nhẫn tâm sát hại con mình, không một chút xót thương! Dù cho hoàn cảnh có khó khăn cực khổ bức xúc đến thế nào đi chăng nữa, nhưng đối với lương tâm đạo đức của con người cũng như đối với luật pháp thế gian, thì hành động sát hại con mình, thật không thể nào chấp nhận được. Đó là phạm trọng tội sát nhân, mà kẻ bị sát hại lại là núm ruột, là sản phẩm quý giá thương yêu mang nặng đẻ đau của mình. Hùm beo tuy là loài thú dữ, nhưng chúng chưa bao giờ ăn thịt con của chúng. Thật còn nỗi đau đớn tủi nhục nào hơn! Hành động đó chắc chắn là họ sẽ phải bị quả báo hiện đời cũng như quả báo oán thù vay trả đời sau vậy.
Trước thảm cảnh đau thương ngút ngàn đó, không biết các bậc lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo, các bậc phụ huynh, các nhà có trách nhiệm giáo dục, các nhà tâm lý học, các nhà xã hội học, các vị lãnh đạo quốc gia, quý ngài sẽ làm gì? và dùng biện pháp cụ thể nào để ngăn chặn sự bạo hành lan rộng khủng khiếp này? Đây là một thảm nạn rất lớn làm đảo lộn cuộc sống trong gia đình. Nếu không có biện pháp chạy chữa thích nghi kịp thời, thì tình trạng này ngày càng dẫn đến những hậu quả tang thương khốc hại ác liệt cho gia đình và xã hội không thể nào lường trước được!
Việc nhỏ, thì bạo động sát hại giữa cá nhân với cá nhân, và giữa những người thân thuộc trong gia đình, lớn hơn là gây ra cảnh sát hại chém giết lẫn nhau làm rối loạn đảo điên cho xã hội. Hiện trạng khủng bố, giới trẻ nổi loạn giết người vô tội bừa bãi, băng đảng thanh toán nhau, chiến tranh sát hại sinh linh v.v… gây nên bao thảm cảnh tang thương bi đát đã và đang xảy ra hằng ngày. Tất cả những thảm cảnh đó, là do con người thiếu sự thực tập chánh niệm, thiền quán, để quán chiếu sâu vào khía cạnh của lòng từ bi yêu thương đồng loại. Từ đó, đời sống con người như mất hết lương tâm và phẩm giá đạo đức làm người. Đó là căn bệnh cộng nghiệp của thời đại mà hiện nhơn loại đã và đang hứng chịu.
Theo Phật giáo, muốn chữa trị căn bệnh phải tìm rõ nguyên nhân. Nguyên nhân nào gây nên sự tác hại nổi loạn này? Dĩ nhiên, có rất nhiều nguyên nhân ngoại tại. Nhưng, theo nhà Phật, thì nguyên nhân chính, đó là phát xuất từ trong tâm thức của mỗi người. Vì tâm loạn nên thế giới loạn. Tâm bình thì thế giới bình. Mọi hiện tượng khổ vui, lành dữ, tất cả đều do tâm ta tạo lấy. Câu nói: “nhứt thiết duy tâm tạo, vạn pháp duy thức biến”, chính là ý này vậy.
Tâm con người giống như người họa sĩ. Nó có khả năng vẽ ra thiên hình vạn trạng lành, dữ, khổ, vui. Nó muốn vẽ thế nào cũng được. Vẽ ra thiên đường hay địa ngục cũng do nó chủ động. Đó là tâm vọng tưởng sinh diệt tạo nghiệp. Biết thế, thì chúng ta nên chạy chữa từ căn nguyên xuất phát của nó. Chạy chữa bằng cách nào? Bằng cách là giáo dục từ căn nguyên, có nghĩa là chuyển hóa những hạt giống xấu ác trở thành những hạt giống lương thiện. Vì trong tâm thức của mỗi người đều sẵn có hai thứ hạt giống thiện và bất thiện này. Tuy nhiên, hạt giống bất thiện chiếm ưu thế nhiều hơn. Muốn được an ổn, mỗi người phải tự quán chiếu sâu vào tâm thức. Có nhìn kỹ lại mình mới mong nhận diện chuyển hóa những hạt giống xấu ác được. Đó là cách chạy chữa căn bệnh tận gốc rễ. Ngoài cách này ra, những cách chạy chữa khác đều là ngọn ngành mà thôi. Mặc dù phương cách đó có khó khăn đối với chúng ta, nhưng có như thế, thì mới mong tận diệt được cội gốc của khổ đau.
Phương cách chạy chữa ngọn ngành trước mắt, là chúng ta cần phải nâng cao giáo dục đạo đức, xây dựng tình người ở mỗi cá nhân, từ trong học đường, gia đình và xã hội. Đối với người Phật tử tại gia, thì chúng ta nên áp dụng năm nguyên tắc đạo đức căn bản, tức năm giới luật mà Đức Phật đã ngăn cấm. Có thường xuyên thực tập, quán chiếu hành trì như thế, thì đời sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội mới thực sự có được hạnh phúc an bình. Chỉ có những giải pháp đó mới thực sự phục hồi lại giá trị căn bản đạo đức của con người.
Chúng ta nên nhớ rằng, luật pháp chỉ trừng trị, khi nào chúng ta có những hành động phạm pháp biểu lộ chứng cớ cụ thể. Còn khi niệm ác dấy khởi trong tâm thức muốn hại người, hại vật, thì luật pháp làm sao biết đâu mà trừng trị? Đó là vấn đề trách nhiệm lớn lao của các nhà giáo dục, nhất là đối với các nhà lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo. Nếu như chương trình giáo dục ở nhà trường, mà không đặt nặng trên nền tảng xây dựng đạo đức nhân bản, thì đừng mong thế giới loài người có được đời sống an bình.
Muốn xây dựng hạnh phúc trong gia đình, điều tiên quyết, là mỗi người phải chịu khó tìm hiểu và lắng nghe. “Ái ngữ và lắng nghe” là hai nguyên tắc cơ bản để xây dựng tình thương. Nhờ lắng nghe sâu sắc bằng tất cả sự có mặt của mình, từ đó, chúng ta mới có hiểu và cảm thông, thương yêu nhau nhiều hơn. Nếu thiếu đi hai nguyên tắc căn bản này, thì chúng ta không thể nào tháo gỡ những nội kết, những bức xúc của những nỗi khổ niềm đau cho nhau. Hãy cùng nhau thực tập học hạnh lắng nghe và lòng từ bi cứu khổ của Bồ tát Quán Thế Âm. Hãy chịu khó lắng nghe thật kỹ lại chính lòng mình và lắng nghe nỗi khổ niềm đau của tha nhân. Có lắng nghe thiết thiệt như thế, thì ta mới có thể tự hóa giải cho mình và người. Đây là phương pháp thật hành giải khổ cấp thiết mà thiết nghĩ, mỗi cá nhân nên áp dụng vào đời sống hằng ngày.
Hạnh phúc là mục đích nhắm tới của con người. Con người, dù ở giai tầng đẳng cấp nào, không ai lại không muốn có hạnh phúc. Song có điều đừng vì mưu cầu hạnh phúc của mình mà nhẫn tâm chà đạp lên hạnh phúc của kẻ khác. Đó là không công bằng và chính đó là mầm mống gây nên bao sự bất công, bạo động, chiến tranh làm khổ đau cho nhau. Sống trong một thế giới cộng nghiệp mà con người không hướng tới sự bảo vệ hạnh phúc cho nhau, thì đó là một tai họa bạo động rối loạn sát hại với nhau không sao tránh khỏi.
Nếu cha mẹ con cái trong gia đình thiếu sự thiết lập truyền thông tìm hiểu, lắng nghe và cảm thông nhau, tất nhiên, chúng ta không thể nào có sự sống hài hòa thương yêu lẫn nhau. Do đó, sự thiết lập truyền thông để tìm hiểu tận gốc rễ của mọi vấn đề mâu thuẫn xung đột, thật hết sức quan trọng. Chúng ta phải thật tâm tìm hiểu và hóa giải trong sự thương yêu hòa kính, thì mọi người mới có thể giải quyết những gút mắc “nội kết” khó khăn cho nhau. Đó là yếu tố rất thiết yếu đem lại nguồn vui sống hạnh phúc trong mỗi gia đình. Thiếu yếu tố này, thì dễ dàng gây ra sự đổ vỡ tan nát trong gia đình. Vì mỗi người luôn sống khép kín trong ốc đảo của bản ngã tự cao, của lòng hận thù, ganh tỵ. Từ đó sẽ dẫn đến một hệ quả gây nên cảnh tượng bạo hành tàn sát lẫn nhau trong gia đình. Đó là vì không giải tỏa được sự ẩn ức thù hận mà nguyên nhân nội tại, là chỉ vì mỗi người chúng ta luôn nuôi dưỡng những tri giác sai lầm. Từ nhận thức sai lầm, không được bàn giải thấu đáo, cảm thông, nên mới gây ra cảnh nồi da xáo thịt tàn hại lẫn nhau.
Con người, nếu chỉ biết sống theo nhu cầu vật chất không thôi, thì chưa đủ đảm bảo trong việc mưu cầu hạnh phúc. Sống không có hạnh phúc là cuộc sống mất hết ý nghĩa của đời người. Thế nên, ngoài việc giải quyết những nhu cầu vật chất cho đời sống thể chất ra, con người còn phải nghĩ đến việc nuôi dưỡng đạo đức tinh thần. Cần có một đời sống tâm linh phong phú hơn. Một đời sống có ý nghĩa là phải được quân bình giữa vật chất và tinh thần. Nhưng tinh thần vẫn là cột trụ, là điểm tựa, có một giá trị vô song, tối cao để chỉ đạo cho sự đặt định tình thương đúng hướng chân lý.
Có thế, thì mới đảm bảo được đời sống hạnh phúc cá nhân và gia đình. Đó là điều, thiết nghĩ, mỗi người chúng ta nhân mùa báo hiếu, cần phải quán chiếu sâu vào đời sống, để tìm lại giá trị đích thực của tình thương trong ý hướng thánh thiện làm đẹp cho mình và cuộc đời. Nhưng trước hết vẫn là sự hạnh phúc cho mỗi cá nhân và gia đình. Nếu mỗi cá nhân và gia đình có hạnh phúc, thì xã hội mới có được an bình hạnh phúc. Được thế, thì thế giới loài người mới thực sự có đời sống vui tươi, đúng với ý nghĩa bản chất cao đẹp của con người. Và như thế, mới có thể hãnh diện tự hào là hơn tất cả các loài động vật khác. Bằng ngược lại, thì thật là đáng thương và tủi hổ cho kiếp sống làm người!
Nguồn: quangminh.org
Xem thêm: Người Việt Nam đang bị đồng tiền làm tha hóa đạo đức?