Nói đến 2 từ xả tâm thì dễ, nhưng khi bắt tay vào thì không biết từ đâu. Nhớ lại lời thầy Thích Thông Lạc thường nhắc câu: "Diệt ngã xả tâm". Tôi mới bừng tỉnh ra, thì ra thầy đã nhắc khéo cho chúng ta biết muốn xả tâm thì phải diệt ngã trước. Vậy diệt ngã như thế nào?
Diệt ngã là diệt cái bản ngã của mình, diệt cái tôi, diệt những cái mà mình thường dính mắc vào và tự cho là của mình,... Cụ thể hơn là:
1. Muốn diệt ngã trước tiên ta hãy tập diệt ý kiến của mình, sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng theo ý kiến, lời nói, việc làm, sự bố trí, sự xếp đặt, yêu cầu của người khác và hoàn cảnh môi trường chung quanh.
- Ý kiến: Chị A có ý kiến xây dựng giảng đường ở phía trước nhà bếp thì ta hãy nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng theo ý kiến của chị A.
- Lời nói: Chị A nói rằng không được đi vào khu B đó thì ta hãy nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng theo lời nói của chị A.
-Việc làm: Chị A nấu cho ăn món gì thì ăn món đó, không khen chê, góp ý, sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng theo những món do chị A nấu. Anh C quản lý tu viện như thế nào thì ta cứ nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng sống theo, không phán xét đúng sai, phải trái, rồi viết thơ góp ý phê bình hoặc đưa ra ý kiến phải nên quản lý như thế này, như thế nọ,...
- Sự bố trí: Anh C bố trí chổ ở trong tu viện cho tôi ở chổ tối âm u, nhiều muỗi, thì tôi cũng vẫn phải nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng vào cách bố trí của anh C.
- Sự xếp đặt: Anh C xếp đặt tôi chỉ nên quét dọn khu A và B thì tôi chỉ nên quét dọn khu A và B.
- Yêu cầu: Anh C yêu cầu tôi không nên nhổ cỏ xung quanh thất, không đi tới khu A thì tôi cũng nên nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng theo yêu cầu của anh C.
- Hoàn cảnh môi trường xung quanh: Môi trường xung quanh có nhiều muỗi, tôi cũng phải sống nhẫn nhục tùy thuận và bằng lòng theo. Nếu tôi không sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng theo nghĩa là tôi còn lo cho cái thân, còn lo cho cái thân, nghĩa là còn ngã.
2. Diệt ngã còn gồm nhiều yếu tố sau:
- Không cần lo cho cái thân: không lo lắng, sợ hãi bệnh tật, đau đớn, muỗi chích, côn trùng cắn,... VD: Do sợ muỗi cắn mà tôi đã viết lá thơ cho ban quản lý trình bày những cách làm giảm muỗi trong tu viện. Qua việc làm đó chứng minh tôi còn lo cho cái ngã, chưa có diệt ngã xả tâm, chưa biết sống nhẫn nhục tùy thuận và bằng lòng vào hoàn cảnh môi trường chung quanh.
- Không chạy theo những ham thích: ham thích vui chơi, thích đi đây đi đó, thích xem phim, ca nhạc, đọc tin tức, đọc sách, viết thơ, tìm bạn, vào internet,...
- Không vì cái thân mà giận bất kỳ ai: ai mắng chửi mình thì mình cũng im lặng, ai nạt nộ mình, nói những lời nói không ái ngữ mình cũng không giận,... Ai đánh mình, đâm mình, giết mình mình cũng không giận mà ngược lại còn thấy họ đang thương mình (ông Phú Lâu Na)
- Không thỏa mãn dục vọng cho cái thân: chạy theo ăn, uống, ngủ, nghỉ, quyền cao, chức vọng, tiền bạc, lợi lạc, sắc dục, mua sắm,…
- Không sống trong ác pháp: tham sân si mạn nghi.
- Không nói những điều ác, nói cái sai, cái lỗi, cái xấu của người, nói ly gián, nói thêu dệt, nói chuyện linh tinh, bàn chuyện thiên hạ, xã hội, chính trị kinh tế,...
- Không vì lợi ích cho bản thân mà làm điều ác: nói dối gạt người để buôn bán có nhiều lời hơn; bán hàng kém chất lượng, nói rằng hàng chất lượng cao; làm công trình xây dựng cầu thì ăn chia, giảm bớt nguyên vật liệu, xử dụng nguyên vật liệu không đúng so với thiết kế,...
- Không khoe khoang kiêu mạn, ngã mạn: chấp vào sự hiểu biết, tri kiến, tài sản, danh lợi,... là của mình, nghĩ mình tài giỏi, mình thông thạo, mình giàu có, mình thông minh, mình làm chức vụ cao, mình học sâu hiểu rộng, mình có tri kiến giải thoát, mình có bằng cấp cao, mình đẹp, mình ăn nói trôi chảy lưu loát,... rồi so sánh với người khác, thấy mình hơn người khác, thích giảng thuyết, viết sách, viết bài, muốn dạy người khác, thích tranh luận hơn thua, luôn thấy cái sai, cái lỗi, cái xấu của người. khác,...VD: khi tôi góp ý xây dựng ban quản lý, là tôi đã thấy cái sai của họ hoặc do tôi thấy cách quản lý của tôi hay hơn, do đó tâm tôi đang kiêu mạn.
3. Không chấp vào bất kỳ vật gì, tài sản, của cải, tiền bạc, nhà cửa, chùa, tu viện, xe cộ,... cho đến vật nhỏ như cây kim là của mình. Không vì chúng mà lo lắng, bất an, lo lắng bảo vệ, giữ gìn, sợ hãi, sợ người khác cướp quyền, sợ người khác cướp của cải và tài sản, nghi ngờ người khác có ý chiếm đoạt, có âm mưu xấu, muốn hại mình, vì chúng mà thưa kiện, kiện tụng, tranh giành, chỉ trích, nói xấu, chê bai, bộc lộ đầy đủ 5 đức tính: tham sân si mạn nghi.
VD: 1- Còn giữ tiền bạc là còn lo cho cái ngã. 2- Có nhiều người suốt cuộc đời họ đã dành bao công sức, mồ hôi, thời gian, nổ lực, trí óc, thăng trầm, thành bại, vui buồn.... tạo dựng sự nghiệp, nhà ở, phương tiện, cơ sở kinh doanh, chùa, tu viện,... Do những yếu tố trên mà họ bị dính mắc vào của cải tài sản, xem nó là của mình, không muốn ai chiếm đoạt, sẵn sàng vì chúng mà tranh đấu, giữ gìn và bảo vệ. Người quân tử "nhấc lên được thì buông xuống được". Sự thành bại, có mất, vui buồn trong cuộc sống này đều là nhân quả, có cái gì là của ta đâu mà dính mắc, cố chấp xem là của mình để rồi phải lo lắng cho chúng.
4. Diệt ngã thì không nên nhận xét, đánh giá, phán xét bất kỳ ai. Mình là ai mà phán xét người khác, phán xét, nhận xét, đánh giá cho ai đây. Ai làm gì mặc kệ họ, tại sao ta lại chấp vào những hiểu biết, tri kiến là của mình rồi phán xét người khác đúng sai phải trái. ai làm gì mặc kệ họ. VD: Người hiểu biết chánh pháp, có tri kiến thì phán xét người khác tu sai, tu sai pháp môn, là ngoại đạo, là tà đạo, lời giảng của người khác đúng sai. Người có hiểu biết về đời thì xem thường trẻ em, người nhỏ tuổi hơn. Người đọc sách lý luận chính trị nhiều thì nhận xét, phán xét người khác không biết làm chính trị, không biết lảnh đạo,...
5. Diệt ngã xả tâm thì không dính mắc vào lời nói, sự nhận xét, phán xét và việc làm của người khác liên quan đến mình. Ai nói gì, làm gì mặc kệ họ. Nhân quả của ai người đó lo, cớ sao ta lại dính mắc vào sự nhận xét, phán xét của người khác về mình. Có phải ta còn coi trọng cái ta, chấp vào cái thân này là của ta, do vậy mới còn hơn thua với đời. VD: thấy ai nói mình ngu, mình dốt, mình sai, mình còn ác, mình còn tham, còn sân, còn kiêu mạn, còn nghi ngờ, chưa có lòng yêu thương từ bi, là Đề Bà Đạt Đa, là quỷ sứ, là ác ôn, là lưu manh, là kẻ lừa gạt, là kẻ ham danh lợi, là kẻ háo sắc, là kẻ tham ăn tham ngủ,... thì liền nổi nóng, hùng hổ, muốn tranh cãi với họ, rồi động tay động chân, tìm cách đối phó nhau, thưa kiện nhau,...
6. Diệt ngã xả tâm thì không tranh đấu, tranh giành, tranh cãi, tranh luận, tranh quyền, tranh lợi với bất kỳ ai. Tranh cho ai, đâu có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta đâu mà tranh. Ai muốn làm trụ trì, muốn quản lý, muốn chùa, muốn tu viện, muốn nhà cửa, muốn tài sản, muốn quyền lợi, ta nhường cho người đó hết. Ai muốn nói gì, có ý kiến gì, làm gì, cứ để họ làm theo ý họ, tranh cãi, tranh luận hơn thua đúng sai phải trái để làm gì, cho ai? Còn có cho ai là còn ngã.
7. Diệt ngã xả tâm thì chúng ta không cần để ý đến những lời nói khen, hoan nghênh, cổ vũ của người khác, không cần thích ai khen, không cần thích ai biết mình, không cần thích ai chú ý đến mình, không cần danh tiếng, không cần quảng cáo, không cần làm bất kỳ chức vụ gì để người khác biết mình, không cần phải thuyết giảng, thuyết trình trước đám đông, viết bài, viết sách, viết báo, viết thơ để mọi người biết mình, không khoe khoang bằng cấp, học vị, học trò của vị nổi tiếng nào, thân quen với vị nổi tiếng nào, không bao giờ để lại tên tuổi ở bất cứ nơi nào và không cần ai biết mình là ai.
8. Diệt ngã thì dù đi đến đâu, vào chùa hay tu viện không nên đòi hỏi. Ai cho cái gì thì lấy cái đó, ai cho ăn cái gì thì ăn cái đó, không xin thêm, không tích trữ, không phàn nàn, không chê bai. Tu mà còn đòi hỏi thì còn gì gọi là tu, về nhà mà đòi hỏi.
9. V.v...
Muốn diệt ngã không phải là dễ, còn dính mắc vào bất kỳ chuyện gì, vào ai, vật gì, môi trường hoàn cảnh, lời nói, việc làm, tri kiến, sự hiểu biết, của cải, tài sản... thì còn lo cho cái ngã, còn cung phụng cho cái ngã, còn sợ cái ngã bị thiệt thòi, thua kém, thiếu thốn, đói, yếu, bệnh tật, chết,...
Do vậy, phải thường xuyên quán xét từng tâm niệm, xem chúng có phục vụ cái ngã, lo cho cái ngã hay không? Nếu có thì nên mạnh dạn dứt khoát tác ý đuổi chúng đi, có như vậy thì ta mới sống không còn làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.
Thắng lợi gây thù hận,
Thất bại chịu khổ đau,
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau.
(Kinh pháp cú)
Nguồn: chanhkien-pa.blogspot.com