Tùy duyên bất biến

Cư trần lạc đạo khả tuỳ duyên
Cơ tắc san hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Ðối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

(Ơn đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Ðói ăn khát uống, mệt ngủ liền
Của báu trong nhà không tìm kiếm
Ðối cảnh vô tâm chế hỏi thiền)
(Trần Nhân Tông)

Tất cả chúng ta đang sống trong cõi diêm phù này vui ít khổ nhiều, trầm luân trong bể khổ.  Tình trạng chiến tranh, khủng bố đang tiếp diễn ngày càng mạnh, luôn luôn đe dọa và rình rập cướp đi mạng sống của chúng ta. Ðó là thảm cảnh đã, đang và sẽ xảy ra trên trần gian này.

Ðức phật dạy: “Tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên”. Ðó là nguyên lý vô cùng cao thâm của Phật giáo. Ðạo Phật tồn tại theo thời gian, không biến hoại theo không gian là do đạo Phật vượt qua cả không gian lẫn thời gian, không bị thời gian và không gian thay đổi, cũng là do thực hành theo nguyên lý này “tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên”. Bởi vì, đức Phật chủ trương con đường trung đạo, nghĩa là không buông lung phóng dật và cũng không quá khắc khe với chính mình, mà phải sống đời sống tự tại giải thoát. Không bị bất cứ dục lạc nào trên thế gian cám giỗ.

“Không phóng dật đường sống
Phóng dật là đường chết
Không phóng dật không chết
Phóng dật như chết rồi” KPC21

Ðối với những ai sống đời sống bung lung, phóng dật thì người ấy tuy còn sống nhưng đã chết rồi, nhưng những ai sống khổ hạnh quá cũng không được. Chúng ta thử lấy cuộc đời đức Phật làm minh chứng. Khi Ngài còn là thái tử, sống trong hoàng cung đầy đủ dục lạc thế gian, nhưng Ngài không hưởng thụ mà bỏ đi tìm chân lý. Ðến lúc vào rừng sống đời sống khổ hạnh, cũng không tìm ra ánh sáng chân lý. Ngài bèn quyết định từ bỏ lối sống khổ hạnh và tìm đến cội bồ đề thiền định suốt 49 ngày đêm và tìm ra ánh sáng chân lý. Tức là đạt đến vô thượng bồ đề. Do vậy, Ngài dạy các tỳ kheo hãy từ bỏ đời sống dục lạc thế gian và cũng không nên tìm lối sống khổ hạnh, mà phải thực hành theo con đường trung đạo.

Trần Nhân Tông đánh bóng con đường trung đạo của đức Phật qua bài thơ này.

Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Ðói ăn khát uống mệt ngủ liền

Chuyện ăn, uống, ngủ, nghỉ là chuyện thường tình của nhân thế. Tuy thường nhưng chẳng phải thường. Biết bao nhiêu ngưòi vì miếng ăn mà anh em bất hoà, biết bao nhiêu người vì miếng ăn mà tán gia bại sản, biết bao nhiêu người vì miếng ăn mà nước mất nhà tan v.v... cùng là vì miếng cơm manh áo mà ra. Chiến tranh xảy ra cùng là giành ăn đó mà thôi, nhiều người sống không có cơm ăn áo mặc, nay đây mai đó cùng vì miếng ăn đó mà thôi. Vậy thử hỏi ai dám tuyên bố rằng chuyện ăn uống ngủ nghỉ là chuyện nhỏ, là bình thường. Ðối với người Phật tử sống theo lối sống phạm hạnh, thì xem những chuyện ấy bình thường, vì họ thực hành theo lời dạy đức Phật, sống đời sống tri túc.

“Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn”

Người biết đủ thì dầu có nằm trên đất cũng thấy an nhàn, người sống không biết đủ thì dầu có ở trên thiên đàng cũng vẫn thấy thiếu. Do đó, có sự khác nhau rõ rệt giữa người sống phạm hạnh và người sống đời sống không phạm hạnh, người hiểu đạo và người không hiểu đạo. Ðối với người sống phạm hạnh thì mặc cho thế gian vô thường, sinh tử sự đại, đứng trước sự hỷ, nộ, ái, ố của thái thế nhân tình thì vẫn giữ bình thản tâm hồn, không bị giao động bởi vật chất và dục lạc thế gian. Do vậy tăng đoàn đức Phật luôn coi trọng, xiển dương đời sống phạm hạnh.

Chính vật chất thế gian làm cho con người ta đau khổ, trầm luân. Ðức phật dạy rằng hãy từ bỏ những lợi dưỡng thế gian, mà hãy quay về sống với nội tâm, quay về với thế giới nội tại vô cùng quý giá mà chúng ta đã hằng quên. Tức là chơn tâm thường trú vắng lặng trong chúng ta.

Của báu trong nhà không tìm kiếm
Ðối cảnh vô tâm chế vấn thiền

Ðức Phật dạy: “này các tỳ kheo, hãy tự mình thắp đuốc, thắp lên với chính mình đừng thắp lên với một pháp nào khác. Hãy nương tựa chính mình, đừng nương tựu một pháp nào khác”. Vì chính chúng ta mới quyết định được đời sống của chúng ta mà thôi. Ngài cũng không ép buộc bất cứ một người nào tin và nghe theo Ngài. Vì nếu tin Phật mà không hiểu Phật nghĩa là đồng thời huỷ báng Phật vậy.

“Tự mình y chỉ mình
Nào có y chỉ khác
Nhờ khéo điều phục mình
Ðược y chỉ khó được”  KPC 160

Người Phật tử đối với việc khen chê, chỉ trích, công kích, đả phá chúng ta không vội tin theo mà phải suy xét tường tận rồi mới tin. Nếu như người Phật tử mà mê tín thì không phải là Phật tử chơn chánh, người Phật tử cần phải chánh tín. Ðối với sự khen chê, yêu thương, ganh ghét là chuyện thường tình của người đời, chúng ta không vì khen mà vui, chê mà buồn, mà phải giữ tầm hồn trong sạch và tình tĩnh khi đối diện với nó. Không nên tin vào những gì dù đó là những chuyện được người đời tin theo, không tin vào điều gì dù đó là điều của vĩ nhân ở đời, không tin vào điều gì dù đó là của bậc thánh nhân để lại, mà phải tin vào điều gì chúng ta hiểu và đem lại lợi ích cho mình và cho người.

“A tu la nên biết
Xưa vậy nay cũng vậy
Ngồi im bị người chê
Nói nhiều bị người chê
Nói vừa phải bị chê
Làm người không bị chê
Thật khó tìm ở đời” PC 227

 Ngày xưa vua Ðường Thái Tông hỏi Hứa Kính Tôn rằng: trẫm thấy ngươi đâu phải là phường sơ bạc mà sao lại bị tiếng thị phi chê ghét như thế.

Hứa Kính Tôn trả lời: tâu bệ hạ: trời mưa tầm tã người nông phu vui mừng cho ruộng đất được tốt tươi, thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng phường đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn mưa nắng của thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương, còn hạ thần cũng đâu phải người vẹn toàn thì làm sao trách khỏi tiếng thị phi chỉ trích. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.

Qua đó chúng ta thấy được rằng người Phật tử không được chê bai chỉ trích ai, mà cũng không nên tin theo những lời thị phi chỉ trích của thế gian. Chúng ta giữ được tâm ý trong sạch, bình thản trước những khen chê, thành bại. Thế mới xứng đáng là người Phật tử. Chúng ta phải có niềm tin vững chắc mới có thể vượt qua những chướng ngại của cuộc đời, có những trở ngại mà vượt qua thì những việc làm của chúng ta mới tăng phần giá trị. Và phải tự chiến thắng với chính mình đừng để trần gian mê hoặc.

Ví như đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai

Thích Nhuận Chơn
Previous Post
Next Post