Ứng xử trong thời đại gameshow

Gameshow hiểu đơn giản là trò chơi. Khi một người đồng ý trở thành người chơi trên sân chơi ấy đồng nghĩa với việc phải chấp nhận mọi luật lệ của trò chơi, dù là vô lý.

Sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế mua bản quyền nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua đã đem lại một bức tranh giải trí mới mẻ và sôi động. Ở khía cạnh lợi ích, nó phần nào kéo khán giả về lại với truyền hình trong nước trước sức mê hoặc của các kênh truyền hình nước ngoài như HBO, Star Movie, Cinemax..., đồng thời làm gia tăng lợi nhuận của các nhà kinh doanh dịch vụ quảng cáo và truyền thông. Bên cạnh đó, nó cũng mang đến một món ăn tinh thần hấp dẫn dù có thể không phải là hoàn toàn “bổ béo” cho người xem truyền hình.

Nhưng cùng với cơn bão gameshow ấy là những lên tiếng về vấn đề đạo đức. Các gameshow được quy kết cố tình bôi xấu thí sinh, tạo dựng scandal để gây sự chú ý, làm tăng lượng rating, tăng quảng cáo, tăng doanh thu mà không chịu trách nhiệm về những hậu quả xã hội.

Cả hai mặt của gameshow đều đang tồn tại ở các nước phương Tây, nơi khai sinh ra những chương trình đó, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.

Các nhà sản xuất gameshow ăn khách luôn là những bậc thầy về nghệ thuật tạo sóng dư luận. Sóng tốt hay xấu không quan trọng bằng việc sóng lớn hay sóng nhỏ. Bởi thế, khán giả nào từng say mê theo dõi Britist’s Got Talent hay America’s Got Talent hẳn chả lạ lùng gì khi vụ scandal Lê Nguyễn Quỳnh Anh xuất hiện tại Vietnam’s Got Talent cùng cuộc chiến “ném đá” trên mạng (bao gồm cả mạng xã hội và báo mạng) diễn ra ngay sau đó. Nếu có bất ngờ thì chính là “ thư kêu cứu khẩn cấp” gửi tới Uỷ ban thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội do chính tay em Lê Nguyễn Quỳnh Anh viết.

Những gì mà một cô bé 15 tuổi phải trải qua trong 10 ngày thực là không nhỏ. Nhưng sống trong môi trường toàn cầu hoá, học ở một trường quốc tế, gia đình Quỳnh Anh chắc biết rõ về Got Talent ở các quốc gia khác trước khi tự nguyện đặt bút ký vào tờ luật chơi để trở thành một người chơi của Got Talent phiên bản Việt Nam. Họ cũng biết tất cả những gì họ nói và làm đã không còn là của riêng mình nữa mà đã được bán cho nhà sản xuất - chủ xị cuộc chơi -  và sau đó là hàng triệu người chứng kiến, bình luận, phán xét, quy kết; cuối cùng là tất cả cũng bị quét sạch trong cơn bão của thông tin.

Hầu như ai tìm đến những sân chơi truyền hình thực tế vì hâm mộ phiên bản quốc tế đều mang theo khát vọng nổi tiếng đồng thời với tâm lý chấp nhận rủi ro. Rủi ro ở đây không phải là cái lắc đầu của BGK mà là những hình ảnh về mình sẽ trở thành thứ mua vui cho hàng triệu người xem, và xấu hơn nữa là trở thành đề tài đàm tiếu. Họ đã xem và đã biết là những người chơi càng bất tài, càng háo danh, càng hợm hĩnh, càng dị thường trên sân khấu thì càng được ưu ái nhiều thời lượng trong một số phát sóng. Nếu người chơi không đọc kỹ luật chơi, không tự ý thức được điều này để giương cao tinh thần cảnh giác hay tự cân bằng khi gặp rủi ro thì sẽ rất hối tiếc.

Nghịch lý là, rủi ro không chỉ đến với thí sinh - người chơi mà còn đến với cả giám khảo - người cầm trò. Bởi vì xét tính chất của các gameshow, giám khảo cũng chỉ là một thành phần của trò chơi. Họ cũng phải tuân theo các luật chơi của chương trình chứ không phải là người đề ra luật. Và họ cũng ý thức rõ được hai trường hợp có thể xảy ra: hoặc là danh tiếng bấy lâu được tôn lên, hoặc là bỗng dưng có thêm lượng antifan khổng lồ.

Không phải giám khảo nào của gameshow Việt cũng có cái may mắn được khán giả yêu mến như nhạc sỹ Quốc Trung. Đa số phải nhận thêm nhiều người ghét mình hoặc bị “ném đá” không thương tiếc trên các trang mạng xã hội và báo mạng bởi những phát ngôn của họ, như Lê Minh Sơn, Siu Black, Trần Tiến, Lê Hoàng… Thực tế, giám khảo được nhà sản xuất khuyến khích có những phát ngôn gây chú ý. Vì chẳng ai thích xem một chương trình có những vị giám khảo nói toàn lời nhạt nhẽo dễ nghe. Còn lại rủi ro tuỳ thuộc vào khả năng cảnh giác của mỗi vị giám khảo đến đâu. Không phải ngẫu hứng mà nhạc sỹ Trần Tiến phát biểu: “Có lẽ người ngu nhất là người chọn nghề giám khảo”. Đó là đúc rút thấm thía của một người chơi vừa tham gia một sân chơi mà họ chưa lường hết những hệ quả của luật chơi.

Cuối cùng, người được lợi là nhà sản xuất - nhiều người sẽ có cùng suy nghĩ này. Nhưng không hẳn vậy. Britist’s Got Talent mất 3 năm mới nổi tiếng toàn cầu, nhưng không phải nhờ những trò dị hợm nhảm nhí, mà nhờ tìm được Susan Boyle. Ở Việt Nam, Vietnam Idol mất hai mùa với đủ các clip hài hước về thí sinh vòng loại tung hoành trên mạng lẫn băng đĩa lậu cũng không gây được tiếng vang cho đến mùa thứ 3 tìm ra Uyên Linh. Công chúng là vậy. Một bộ phận không nhỏ sẽ thích thú với những trò mua vui trong chốc lát. Nhưng dư âm thì chỉ lưu lại được từ những gì tốt đẹp. Khi nhà sản xuất cố gắng tạo sóng dư luận, cố gắng thu hút sự chú ý của công chúng vào chương trình mà quên đầu tư cho chất lượng, cho một cái kết thuyết phục thì họ sẽ thất bại. Nhưng chỉ khi có được cả hai thì họ mới có được thành công. Nên, đã có truyền hình thực tế thì phải có scandal (dù vô tình hay cố ý).

Mọi so sánh là khập khiễng, nhưng cũng giống như các casino hay các phố đèn đỏ được hoạt động theo luật tại nhiều quốc gia phương Tây và một số quốc gia phương Đông, ai quyết định đặt chân vào đó đều phải tự ý thức được các hệ luỵ cũng như trách nhiệm của bản thân. Và vì thế, chỉ có khán giả là phải tỉnh táo trước cuộc vui.

Previous Post
Next Post