Ăn chay

Sáu nghề nghiệp ác đã dạy trong tập sách này, chúng tôi có ghi chú thêm để quý Thầy và các Phật tử nhận thấy rõ.

Tại sao lại có chư Tăng Nam Tông thọ dụng thực phẩm động vật? Có phải Đức Phật đã cho phép chư Tăng thọ dụng thực phẩm động vật hay không?

Để trả lời những câu hỏi này và làm sáng tỏ Phật Giáo, chúng tôi không biết các nhà sư Nam Tông biết dựa vào lời dạy nào của Đức Phật mà dám thọ dụng thịt động vật.

Thưa quý Hòa Thượng, quý Sư, Thầy và các Phật tử hãy đọc lại bài kinh số 55 Jivaka trang 71, kinh Trung Bộ tập 2, Tạng Kinh Việt Nam do HT Minh Châu chuyển ngữ từ tiếng Pali sang Việt ngữ.

Trong bài kinh này, đoạn kinh thứ nhất Đức Phật đã dạy người tu sĩ không được thọ dụng thịt động vật thấy, nghe và nghi: "Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt động vật không được thọ dụng thấy, nghe và nghi".

Theo nghĩa của đoạn kinh này, khi một vị Tỳ kheo thấy thực phẩm của người Phật tử cúng dường có thịt chúng sanh thì không được ăn, đó là trường hợp thứ nhất.

Khi thực phẩm của người Phật tử cúng dường không thấy có thịt chúng sanh nhưng lại nghe người khác nói trong thực phẩm đó có thịt chúng sanh thì không được ăn, đó là trường hợp thứ hai.

Khi thực phẩm của người Phật tử cúng dường không thấy có thịt và cũng không nghe nói có thịt chúng sanh nhưng tâm lại sanh nghi ngờ thực phẩm này có thịt chúng sanh, vì có mùi tanh thì không được ăn, đó là trường hợp thứ ba.

Xét qua ba trường hợp trên đây, rõ ràng Đức Phật không cấm ăn thịt chúng sanh mà chỉ có lời khuyên để chúng Tỳ kheo ý thức sự đau khổ của chúng sanh mà không ăn thịt. Ý thức sự đau khổ của chúng sanh mà không ăn thịt tức là thực hiện lòng từ bi thương xót chúng sanh, có nghĩa là sống đúng đạo đức hiếu sinh. Còn cấm, tức là giới cấm, giới cấm là có sự bắt buộc không ăn thịt chúng sanh, có nghĩa là ăn chay, nhưng ăn chay ấy là ăn chay theo kiểu Đại Thừa Bà La Môn Giáo (Ăn chay do giới cấm). Còn ngược lại, Phật Giáo Nguyên Thủy chỉ dùng giới đức không cấm nhưng chỉ khuyên người tu sĩ phải tự giác ăn như thế nào để thể hiện được đạo từ bi đúng nghĩa của từ tâm.

Trường hợp thứ nhất và thứ hai thì quá rõ ràng, còn trường hợp thứ ba là nghi ngờ, dường như mơ hồ, nhưng thực ra thịt chúng sanh thì có mùi tanh hôi của chúng, mặc dù chúng ta không thấy, không nghe, nhưng mùi cá làm sao không tanh cá, mùi thịt bò làm sao không hôi bò, mùi thịt heo làm sao không hôi heo, mùi thịt gà làm sao không tanh gà v.v... Tất cả, thịt động vật đều có mùi riêng của nó, làm sao chúng ta không nghi ngờ, mà đã nghi ngờ thì không được phép ăn, vì lương tâm và tình thương của chúng ta không cho phép nuôi mạng sống bằng sự khổ đau của loài vật khác.

Phật dạy lần thứ hai: "Này Jivaka! Ta nói trong ba trường hợp thịt được thọ dụng: "Không thấy, không nghe và không nghi." Có lẽ, dựa theo lời dạy này mà các nhà sư Nam Tông dùng lý luận biện hộ cho những hành động bất thiện của mình: Không thấy nghĩa là không thấy người giết con vật để cúng dường cho mình; không nghe, nghĩa là không nghe tiếng kêu của con vật khi bị giết để cúng dường cho mình; không nghi nghĩa là thấy thực phẩm động vật Phật tử cúng dường không nghi ngờ người ta giết con vật làm thực phẩm để cúng dường cho mình.

Cho nên, trong bài kinh Jivaka có mở ngoặc và đóng ngoặc (Vì mình mà giết). Bốn chữ này là do người sau thêm vào để thỏa mãn dục vọng tham ăn thịt chúng sanh. Xưa, các Tổ không có điều gì mà không dám làm, họ thêm bớt rất nhiều trong kinh sách Nguyên Thủy. Ngày nay cũng vậy, họ cũng dám lý luận làm sai lệch lời dạy của Đức Phật; có khi vì bảo vệ danh dự của mình trong lúc vi phạm giới luật và cũng có khi vì không hiểu phương pháp hoặc do tu tập chưa chứng.

Nếu bài kinh chấm dứt ở đây thì chúng ta khó làm sáng tỏ được Phật Giáo. Nhưng bài kinh lại dạy tiếp phần thứ hai và phần thứ ba, nên chúng ta mới thấy rõ tâm bất thiện và lòng tham dục của các nhà sư Nam Tông khéo thêm thắt, khéo lý luận bóp méo kinh sách của Đức Phật để gây thêm nhiều tội lỗi tày trời, cho nên tất cả các xứ Phật Giáo Nam Tông tu hành chẳng đến đâu, nhập định điên khùng "Minh Sát Tuệ" tu hành không đúng Tứ Niệm Xứ và Tứ Thánh Định của Đạo Phật. Chẻ pháp môn Tứ Niệm Xứ ra từng mảnh: Đây là trường Thiền tu Tâm Niệm Xứ; đây là trường Thiền tu Thân Niệm Xứ; đây là trường Thiền tu Thọ Niệm Xứ. Chẻ pháp môn Tứ Niệm Xứ ra từng mảnh như vậy, lại còn hô hào bằng cách viết kinh sách phổ biến khắp nơi, làm cho người sau hiểu lầm Phật Pháp, tu hành sai lệch, chẳng giải quyết được sanh, già, bệnh, chết. Trong khi, Pháp môn Tứ Niệm Xứ rất tuyệt vời, tu là thấy kết quả ngay liền, tu tập là có những thần lực siêu việt không thể nghĩ bàn. Do chia chẻ pháp Môn Tứ Niệm Xứ, nên các nhà Sư Nam Tông tu hành chẳng tới đâu, chỉ loanh quanh trong các định tưởng, chẳng bao giờ đạt được sự giải thoát của Phật Giáo.

Các nước theo Phật Giáo Nam Tông, lấy Phật Giáo làm Quốc Giáo, mọi thanh niên đúng tuổi đều phải vào chùa tu tập ba năm, nếu ai muốn tu luôn thì ở lại tiếp tục tu hành còn không muốn tu thì phải xuất sải. Xuất sải có nghĩa ra đời (hoàn tục) lập gia đình. Nhưng, những người thanh niên này, đã tu theo Đạo Phật mà không có chút lòng từ bi nào cả, họ đã dám cầm dao, súng, vũ khí diệt dân tộc họ như giết heo, gà, dê v.v.. và tàn sát đồng bào Việt Kiều hàng vạn người đang cư trú trên đất nước Cam Pu Chia. Đó là, một bằng chứng dân tộc Cam Pu Chia lấy Phật Giáo làm Quốc Giáo, mọi người thanh niên công dân nước này đều phải tu hành ba năm, thế mà giết người như ác quỷ, làm cho cả thế giới đều ghê rợn và lên án tội ác của đất nước này.

Bởi tu hành mà còn ăn thịt chúng sanh, thì thành ác quỷ chứ làm sao thành Phật được. Bài kinh Jivaka Đức Phật đã dạy như vậy mà các Tổ bên Nam Tông dám bịa ra ăn năm thứ bất tịnh nhục. Thật là đau lòng. Tại sao vậy? Tại vì tu sĩ Phật Giáo Nam Tông ăn thịt chúng sanh, nên tâm họ rất hung ác. Đời sống tu sĩ của họ sống ngược lại với đạo đức "không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sanh" của Đạo Phật.

Đạo Phật, là đạo đức của loài người, đạo đức của loài người sao lại nỡ nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh, mà không chút lòng thương yêu. Vậy những người tu sĩ này, có phải là tu sĩ của Đạo Phật hay không? Xin các bạn trả lời cho.

Cũng trong bài kinh ấy, Đức Phật dạy tiếp cho các vị Tỳ kheo không nên ăn thịt chúng sanh, bằng phương pháp tu tập và trau dồi "Tứ Vô Lượng Tâm".

Bài kinh dạy tiếp: "Này Jivaka! Tỳ kheo sống dựa vào một làng hay một thị trấn nào, vị ấy phải luôn tu tập tâm mình biến mãn khắp cùng một phương với lòng từ và an trú, phương thứ hai, thứ ba, thứ tư cùng khắp thế giới trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ cùng khắp vô biên, tâm vị ấy biến mãn và câu hữu với lòng từ quảng đại vô biên không hận, không sân và an trú."

Với ý nghĩa của đọan kinh này, khi một vị Tỳ Kheo ăn uống thì phải quan sát khắp cùng trên món ăn của mình đồng thời khởi tâm từ bi thương xót tất cả muôn loài chúng sanh, nếu thấy có thịt chúng sanh thà chết chớ không ăn. Đó là, thực hiện Đạo từ bi, lòng hiếu sinh của mình. Bài pháp dạy rõ ràng như vậy, thế mà các nhà sư Nam Tông nỡ nhẫn tâm ăn thịt được thì chúng tôi rất thương hại cho họ, chỉ một đời tu hành mà chẳng có ích lợi gì cho bản thân mình cho tất cả chúng sanh.

Đoạn kinh này, Đức Phật đã xác định rõ ràng: một người tu sĩ Đạo Phật phải luôn tu tập "Tứ Vô Lượng Tâm". Người đã tu tập Tứ Vô Lượng Tâm thì còn lòng dạ nào ăn thịt chúng sanh được, phải vậy không các bạn? Vậy mà các sư Nam Tông vẫn nuốt trôi được thịt chúng sanh mới thực là hay!

Về phần các vị Tỳ kheo Đức Phật đã dạy, không ăn thịt chúng sanh bằng hai bài pháp tuyệt vời:

1- Ăn thịt chúng sanh không thấy, không nghe và không nghi.
2- Ăn thịt chúng sanh với lòng từ bi biến mãn khắp cùng mười phương trên dưới.

Cũng trong bài kinh ấy Đức Phật dạy người cư sĩ phải cúng dường thực phẩm cho Phật và chúng Thánh Tăng: "Này Jivaka! Người nào vì Như Lai hay vì đệ tử của Như Lai mà giết hại sinh vật làm thực phẩm cúng dường, người ấy chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân.

Khi người ấy nói như sau: "Hãy đi và dắt con thú này đến đây." Đó là, nguyên nhân thứ nhất, người ấy chất chứa nhiều phi công đức.

Con thú ấy khi bị dắt đi, bị lôi kéo nơi cổ, nên cảm thọ đau đớn khổ ưu. Đó là, nguyên nhân thứ hai, người ấy chất chứa nhiều phi công đức.

Khi người ấy nói: "Hãy đi và giết con thú này." Đó là nguyên nhân thứ ba, người ấy chất chứa nhiều phi công đức.

Khi con thú ấy bị giết, cảm thọ đau đớn khổ ưu vô cùng, đây là nguyên nhân thứ tư, người ấy chất chứa nhiều phi công đức.

Khi người ấy cúng dường Như Lai hay đệ tử của Như Lai một cách phi pháp. Đó là, nguyên nhân thứ năm, người ấy chất chứa nhiều phi công đức."

Qua đoạn kinh này, chúng ta thấy rất rõ, Đức Phật đã dạy rất kỹ cho người cư sĩ không nên cúng dường Phật và chúng Thánh Tăng thực phẩm động vật. Vì cúng dường như vậy là cúng dường phi pháp, không có phước mà tổn đức thêm trọng tội vì sát hại sanh linh.
Một bài kinh rất có giá trị với các tu sĩ Nam Tông, bài Jivaka trong Trung Bộ kinh đã khẳng định người tu sĩ Đạo Phật không được ăn thịt chúng sanh nên ăn thực phẩm thực vật với mục đích là để trau dồi tâm từ, bi, hỷ, xả của mình để ly dục ly ác pháp, khiến cho thân tâm thanh tịnh, nhập được các loại Thiền định, làm chủ được sự sống chết luân hồi. Ngược lại, một người tu sĩ còn ăn thịt chúng sanh tức là tâm dục chưa ly ác pháp chưa lìa, thì rất uổng cho một đời tu hành theo Đạo Phật mà chẳng hưởng được sự giải thoát của Đạo Phật, mà lại còn đọa vào địa ngục (địa ngục ở đây không phải cõi địa ngục mà là trạng thái đau khổ của thân hay phiền não của tâm.) Tu mà còn tâm ác như vậy, thì phải mang nợ đàn na thí chủ muôn đời, muôn kiếp. Hiện giờ, các nhà sư Nam Tông ăn uống cho khoái khẩu, thân hình mập béo, lấy ác pháp mà nuôi thân mạng thì thân mạng này phải chịu thọ khổ muôn vàn, vì đã đem vào thân những sự đau khổ của chúng sanh thì làm sao tránh khỏi sự đau khổ ấy.

Ghi chú: Đọc bài kinh Jivaka, chúng ta nhận xét về Đạo Phật là một tôn giáo tự lực, dạy đạo đức nhân bản nhân quả rất thực tế và cụ thể. Cho nên, Đức Phật là một nhà tâm lý học thông suốt mọi tình cảm, tâm tư và nguyện vọng của mọi người. Vì thế giáo pháp của Ngài dạy toàn là đạo đức làm người. Vì dạy đạo đức làm người nên nói về tâm lý của con người rất là sâu sắc:

1- Dạy người cư sĩ không làm nghề nghiệp ác để tránh nhân quả xấu như: tai nạn, bịnh tật, yểu tử v.v...

2- Dạy chư Tăng không ăn thịt chúng sanh bằng sự ý tứ cẩn thận trong từng miếng ăn của mình bằng một tấm lòng thương yêu rộng lớn đối với muôn loài chúng sanh.

3- Dạy Phật tử không nên cúng dường thịt chúng sanh làm ra thực phẩm cho Phật và chúng Thánh Tăng. Cúng dường như vậy là phi pháp, phi công đức ( không có phước báo mà còn thêm tội lỗi).

Toàn bộ giáo lý của Đức Phật từ sơ thiện, trung thiện, đến hậu thiện, Ngài dạy con người cách thức sống trong thiện pháp, ngăn ngừa và đoạn dứt các ác pháp. Vì thế, ngay từ bước đầu tiên Đức Phật đã dạy người cư sĩ không làm sáu nghề nghiệp ác như trên đã giảng.

Cách thức tu của Đạo Phật rất cụ thể. Ở đây, quý Thầy và các Phật tử phải hiểu cho rõ ràng, đổi nghề nghiệp, không làm nghề ác nữa tức là tu hành, tu tức là sửa đổi, thay đổi, làm tốt lại, làm thiện lại và không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh, chứ không phải ngồi đó gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật, lần chuỗi, ngồi Thiền hay lạy hồng danh sám hối mà tiêu tội hưởng phước được v.v...

Quý vị đừng lầm hiểu theo sự hướng dẫn tu tập của các nhà học giả Đại Thừa, khi tu tập là phải ngồi Thiền, nhập thất, tụng kinh, sám hối, niệm Phật, niệm chú, truyền tâm ấn, la hét, đánh, xô đẩy để ngộ Phật Tánh. Đó chỉ là hình thức tu tập chịu ảnh hưởng ngoại lai của các tôn giáo khác, chẳng giúp gì cho chúng ta giải thoát tâm tham, sân, si, phiền não, thương, ghét, giận hờn, thù oán, tật đố, nghi kỵ và các ác pháp khác.

Cách thức tu tập của Đạo Phật trong kinh điển Nguyên Thủy dạy thực tế và cụ thể hơn, có kết quả ngay liền khi bắt tay vào tu, không như những pháp hành của các nhà học giả dạy ở trên theo kinh sách phát triển Đại Thừa.

Như trên đã nói, quý vị đổi nghề ác làm nghề thiện là quý vị không làm khổ chúng sanh, không làm khổ đau cho chúng sanh tức là quý vị không làm khổ đau cho quý vị, không làm khổ đau cho quý vị tức là giải thoát.

Dạy người không làm nghề ác, không làm việc ác tức là tu thiện đấy các bạn. Các bạn có hiểu biết điều này không?

Dạy người không cúng dường thực phẩm bằng xương máu chúng sanh tức là tạo nghiệp thân ít bịnh, tuổi thọ sống lâu.

Dạy chư Tăng không ăn thịt chúng sanh là trau dồi tâm từ, bi, hỷ, xả để đối trị tâm tham, sân, si, ích kỷ, nhỏ mọn v.v...

Bài kinh này, quý Thầy và quý Phật tử nên lưu ý lời dạy của Đức Phật: "Ăn thịt chúng sanh phải không thấy, không nghe và không nghi". Lời dạy này, có nghĩa là trong sự ăn uống phải trau dồi mắt tai của mình, phải ý tứ cẩn thận, khi ăn khi uống phải biết rõ trong thực phẩm đang ăn có xương máu và sự chết chóc đau khổ của chúng sanh trong đó hay không? Nếu có chúng ta thà chết trong giới luật của Phật chớ không ăn mà phạm giới. Tại sao vậy? Tại vì, người tu sĩ Đạo Phật thường trau dồi tu tập tâm mình lòng thương yêu rộng lớn đối với tất cả chúng sanh, đối với nhân loại khắp mười phương thế giới.

Nếu chúng ta chỉ vì bổ béo cho xác thân vô thường bất tịnh này và chạy theo dục lạc, ảo giác ngon ngọt của vị giác thì chúng ta chưa phải một vị tu sĩ Đạo Phật chân chánh có lòng từ bi.

Đạo Phật ăn chay trên ăn chay, ăn chay vì lòng thương yêu chúng sanh vô bờ bến. Ngược lại, trong thế gian này có những người ăn chay, không ăn thịt chúng sanh nhưng làm thực phẩm giống như thịt chúng sanh, thì đó là ăn chay theo kiểu phàm phu, ăn chay còn thèm thịt, nên tạo thực phẩm chay giống như thực phẩm thịt chúng sanh để ăn đỡ thèm.

Cách thức ăn chay như thế, Đức Phật không chấp nhận. Đạo Phật tu thật, làm việc thiện từ trong lòng thiện sanh ra, ăn chay vì thương xót chân thật đối với chúng sanh nên không nỡ ăn thịt chúng sanh.

Ăn chay chỉ vì sợ địa ngục, sợ quỷ Vô Thường, quỷ Dạ Xoa hành hạ, thiêu đốt, đâm chém, cắt lưỡi, móc họng, rút gân v.v...

Ăn chay để cầu sanh về Cực Lạc, Thiên Đường v.v...

Ăn chay để cầu cho tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ, tuổi thọ sống lâu v.v...

Ăn chay như vậy, Đạo Phật không chấp nhận vì không phải pháp tu hành để giải thoát, đó là một loại ăn chay để an ủi tinh thần, ăn chay như vậy giống như con bò ăn cỏ, không có nghĩa lý gì của Đạo giải thoát cả.

Thầy Thông Lạc kính ghi

Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post