1- Sống hạn chế nói chuyện (ít nói chuyện).
2- Sống riêng làm việc riêng.
3- Sống riêng không làm việc.
Thưa Thầy, sống trong ba giai đoạn độc cư ý nghĩa như thế nào?
Ðáp: Người muốn thực hiện thiền định nhập được vào các định mà không sống độc cư thì chẳng bao giờ nhập được định cả dù họ ngồi năm bảy ngày tâm không vọng tưởng cũng chẳng nhập được thiền định.
Bởi vì độc cư là bí quyết nhập các loại định. Tại sao vậy? Người sống độc cư không cần ngồi thiền nhiếp tâm cho hết vọng tưởng mà chỉ cần sống đúng trong ba giai đoạn độc cư này thì nhập các loại Thánh Ðịnh một cách dễ dàng không có mệt nhọc, không có khó khăn cho đến thực hiện Tam Minh như: Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh cũng dễ dàng như vậy.
Sống độc cư không phải dễ nên phải chia ra làm ba giai đoạn:
1- Giai đoạn thứ nhất: Tập ít nói chuyện tức là chuyện gì đáng nói thì nói không đáng thì không được nói, nhất là không được nói chuyện phiếm. Ở đây chúng ta nên hiểu tập ít nói chuyện có nghĩa là tập dần dần đi đến chỗ hoàn toàn không nói chuyện với ai hết để thực hiện nội tâm ly dục ly ác pháp, nếu còn nói chuyện thì tâm còn phóng dật, tâm còn phóng dật là tâm chưa ly dục ly ác pháp mà tâm chưa ly dục ly ác pháp thì làm sao nhập được định.
Nếu một thời gian tập ít nói chuyện mà tâm hồn chúng ta thích sống yên lặng một mình không muốn tiếp duyên ra ngoài thì bước qua giai đoạn độc cư thứ hai.
2- Giai đoạn thứ hai: Sống riêng làm việc riêng, trong giai đoạn này chúng ta còn đọc kinh sách và nghe băng dạy về hạnh độc cư và pháp môn tu tập ly dục ly ác pháp. Sau thời gian suy tầm nghiên cứu thông suốt đường lối và cách thức tu tập của đạo Phật thì chúng ta bước vào giai đoạn thứ ba của hạnh độc cư.
3- Giai đoạn thứ ba: Sống riêng không làm việc, sống riêng không làm việc có nghĩa là không đọc kinh sách, không nghe băng, không làm việc gì cả, nhưng lúc bấy giờ làm việc rất nhiều, suốt trong 24 tiếng đồng hồ ngày đêm liên tục quan sát thân, thọ, tâm và pháp của mình để đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó. Cho nên, nói không làm việc chứ làm việc nhiều nhất, làm việc mà không biết mỏi mệt.
Nhờ sống độc cư và tu tập như vậy thì tâm mới không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm đã ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm đã nhập Bất Ðộng Tâm, tâm nhập Bất Ðộng là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ là tâm thanh tịnh.
Người đã có tâm thanh tịnh tức là tâm ly dục ly ác pháp thì nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền và Tam Minh một cách dễ dàng, chỉ bằng với pháp hướng tâm như lý tác ý.
Người tu sĩ Phật giáo mà không hiểu ý nghĩa và không sống đúng hạnh độc cư thì đi tu theo đạo Phật chỉ là hình thức, chỉ uổng một đời tu hành mà chẳng có ích lợi cho mình, cho người gì cả.
Ðộc cư ở giai đoạn I, trong suốt ngày đêm chúng ta chia thời gian ra làm bốn thời sáng chiều, tối, khuya, mỗi thời chúng ta dành riêng ra 30 phút tập sống thơ thẩn một mình, quan sát thân, thọ, tâm và pháp để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm.
Ðến giai đoạn II độc cư thì thời gian sống thơ thẩn một mình được tăng lên 60 phút hoặc hơn nữa.
Ðến giai đoạn III thì hoàn toàn sống suốt 24 tiếng đồng hồ thơ thẩn một mình, mục đích sống như vậy là để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm.
Tóm lại, sống thơ thẩn một mình để đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm là sống riêng không làm việc bên ngoài mà cũng không làm việc bên trong chỉ duy nhất có một việc làm là việc đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm mà thôi. Cho nên, ở giai đoạn thứ nhất chỉ mới tu tập với thời gian ngắn 30 phút “sống riêng và không làm việc”.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Trích Đường Về Xứ Phật - Tập 9
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây