Kính thưa quý phật tử!
Hôm nay chúng tôi viết bức tâm thư này gửi đến quý vị, là vì muốn cho quý vị được an tâm khi có ông, bà, cha, mẹ, cô, bác, dì, chú, cậu, mợ, vợ, chồng, anh, chị, em, con và cháu đang tu tập tại Tu Viện Chơn Như.
Kính thưa quý vị! Đi tu không phải là một việc làm khổ mình như các tôn giáo khác từng dạy như: khổ hạnh, ép xác, phải làm cho cơ thể kiệt quệ, tàn tạ; đi tu cũng không phải vào chùa ngồi tụng kinh, niệm Phật ê a theo tiếng chuông, tiếng mõ trong một ngày đêm bốn thời; đi tu cũng không phải ngồi thiền, niệm thần chú, bắt ấn, vẽ bùa, sái đậu thành binh, kêu ma, điều khiển âm binh, âm tướng; đi tu cũng không phải như tập luyện võ công, khí công, khinh công, yoga, nhân điện, xuất hồn, vô vi, v.v… Chính đi tu là tập luyện cách thức ngồi chơi vô sự, vì con người ít ai ngồi chơi vô sự được. Ngồi chơi vô sự nên thân tâm an nhàn, thanh thản, không bận rộn việc gì cả.
Tuy là ngồi chơi nhưng lúc nào cũng phải quan sát lại tâm mình, xem tâm mình còn có buồn khổ, phiền não, lo toan, sợ hãi, giận hờn, thương ghét, lo lắng, tham tiền, tham bạc, tham danh, tham lợi, tham ăn, tham ngủ, tham bài bạc, tham rượu chè, tham đi la cà từ chỗ này đến chỗ khác, tham mặc quần này áo kia, tham trang điểm làm đẹp, làm dáng, tham xe cộ, tham nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, v.v… khi tâm còn khởi những niệm tham như vậy, thì mau mau tác ý câu: “TRÊN THẾ GIAN NÀY CÁC PHÁP ĐỀU VÔ THƯỜNG, KHÔNG CÓ PHÁP NÀO LÀ TA, LÀ CỦA TA; TẤT CẢ CÁC PHÁP ĐÓ ĐỀU LÀ PHÁP ÁC, HÃY BUÔNG XUỐNG, BUÔNG XUỐNG CHO THẬT SẠCH ĐỂ CHO TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ”.
Bao giờ tâm trở lại bất động thì mới thôi tác ý, còn có niệm thì còn tác ý, hết niệm thì ngồi im lặng chơi như người vô sự. Chính đi tu chỉ có làm một việc đó mà thôi. Cho nên, đời sống và tâm hồn rất thoải mái, dễ chịu, không có làm những việc gì cực khổ, nhọc nhằn, mệt mỏi gì cả. Chỉ suốt ngày đêm ngồi chơi, nghe lại tâm mình trong trạng thái IM LẶNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ. Thật là tuyệt vời, ai đã sống được như vậy thì thế gian này không còn đau khổ nữa; ai đã sống được như vậy thì thế gian này là Thiên Đàng.
Đi tu không có nghĩa là làm cho mình trở thành những người vong ơn, bội nghĩa, quên ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Chính đi tu không những đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục mà còn đền đáp công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, làm cho cả dòng họ chấm dứt đau khổ.
Kính thưa quý vị, không lẽ một người đi tu mà cả dòng họ chấm dứt khổ đau được hay sao?
Đúng vậy, một người đi tu là làm chấm dứt khổ đau cho cả dòng họ của người đi tu. Có nghĩa là người đi tu theo con đường của Phật giáo là phải tuyệt đường dâm dục; không còn dâm dục, và như vậy thì không còn sinh con đẻ cháu nữa thì làm sao còn đau khổ. Có phải vậy không thưa quý vị?
Chính còn sinh con đẻ cháu mới còn khổ đau. Quý vị cứ suy ngẫm có đúng không? Nếu đi tu như vậy có chấm dứt một dòng họ đau khổ không? Điều đó chắc chắn là chấm dứt khổ đau cả một dòng họ, không còn ai dám phủ nhận lời dạy này được. Một sự giải thoát khổ đau thật sự như vậy quý vị ạ! Thế mà quý vị đành lòng cản trở, không cho những người thân của mình đi tu sao? Hay là quý vị muốn để cho những người thân của mình phải chịu khổ đau muôn đời muôn kiếp.
Có người lại hỏi: Như vậy dòng họ của người đi tu ấy đâu còn? Kính thưa quý vị! Còn chứ sao lại không? Mà còn đông hơn gấp trăm vạn lần. Quý vị không tin thì nên xem xét lại đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài chỉ có một đứa con trai duy nhất, tên là La Hầu La. Sau khi tu chứng đạo, Ngài trở về thăm vua cha và vợ con, lúc bấy giờ La Hầu La còn rất bé, chạy theo Phật và xin gia tài; đức Phật trao cho một bình bát và hướng dẫn cho La Hầu La tu tập. Cuối cùng, La Hầu La chứng thánh quả A La Hán và nhập diệt trước Phật. Như vậy, quý vị nghĩ rằng đức Phật chấm dứt dòng họ Thích sao? Không đâu quý vị ạ! Bây giờ quý vị nhìn xem dòng họ Thích ở khắp nơi trên thế giới, không có một dòng họ nào trên thế gian này đông như vậy được. Có đúng như vậy không thưa quý vị?
Kính thưa quý vị! Đi tu không có nghĩa là làm cho mình trở thành những thầy phù thủy, những đồng, cốt, bóng, chàng, thầy pháp, thầy bùa, thầy ngải, thầy cúng, thầy địa lý, thầy chiêm tinh, thầy thuốc, các nhà ảo thuật, các ông Lạt Ma, v.v… Nhưng đi tu cũng không phải để thành Phật, thành A La Hán, thành Tiên, thành Thánh, thành Thần hay thành bất cứ một thứ gì cả.
Vậy đi tu để làm gì? – Để làm chủ bốn sự đau khổ: SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT và để CHẤM DỨT TÁI SINH LUÂN HỒI. Cho nên, mục đích đi tu của đạo Phật là không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Nhất là tâm luôn luôn bất động trước các ác pháp và các cảm thọ bệnh tật khổ đau, dù cho bệnh tật khổ đau có đau nhức đến đâu họ vẫn thản nhiên. Bởi vì họ biết rất rõ: Các pháp đều vô thường, không có pháp nào là ta, là của ta, nên nó đến rồi nó đi rất tự nhiên; đó là theo quy luật Vô Thường của Nhân Quả. Cho nên, không còn có một lộ trình Nhân Quả nào khác được nữa.
Ở đây, còn có một lộ trình duy nhất không theo quy luật Nhân Quả, đó là TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ. Người tu sĩ của Tu Viện Chơn Như hằng ngày chọn lấy con đường này, chọn nếp sống với tâm này. Vì thế, người tu sĩ Chơn Như không còn đau khổ nữa, giải thoát hoàn toàn. Quý vị là ông bà, cha mẹ, cô bác, dì cậu, chú thím, anh chị em hay con cháu, hãy an tâm vì có những người thân của mình tu hành như vậy. Đó là một điều rất mừng. Mừng cho những người thân của mình đã vượt thoát mọi khổ đau của kiếp làm người, và rất hãnh diện vì có những người thân sống trong thế gian rất bình thường mà lại phi thường.
Sau cùng, chúng tôi xin gởi lời thăm và chúc quý vị được dồi dào sức khỏe và an khương.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Nguồn: tuvienchonnhu.net
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây