Một câu chuyện kể về ba người bị đắm tầu lưu lạc trên một hòn đảo tại South Seas (Biển Nam ). Khi thuyền đụng phải bãi san hô vỡ tan từng mảnh, thực phẩm, quần áo và dụng cụ đều bị mất trên biển. Ba người thủy thủ kiệt sức sống sót này trôi giạt vào bờ biển tránh khỏi những cơn sóng dữ. Sau khi bị bất ngờ, họ bắt đầu đánh giá lại tình hình. Bên kia bãi cát là một rừng cây, rồi đến những rìa đá và những vách đá dốc. Không có một dấu hiệu nào cho thấy có người ở chung quanh đây. Chỉ có âm thanh của biển động và tiếng kêu của con mòng biển.
Không một người nào có địa bàn. Máy vô tuyến của họ đã bị mất lúc thuyền đắm. Sự cần thiết trước mắt là xem đảo có người ở không. Thực phẩm không thành vấn đề, họ thấy trái cây miền nhiệt đới đầy dãy. Nhưng họ hoàn toàn thất vọng vì không biết họ hiện ở đâu. Họ hiểu rằng phải tìm ra người có thể giúp họ manh mối về nơi chốn hiện nay của họ. Họ quyết định một người đi dọc theo bờ biển, một người thứ hai cũng đi theo bờ biển phía ngược lại, còn người thứ ba thâm nhập phía chân đồi. Mỗi người đã phát hiện có dấu vết người ở - dấu chân, đồng ruộng, hay khói bốc lên từ một làng xa xa nào đó.
Sau nhiều giờ tìm kiếm, người thứ ba đã khám phá ra dấu hiệu có người ở - khói bốc lên từ một cái chòi nhỏ ở phía sườn núi. Người này liền báo cho hai người bạn biết và cả ba lên đường tiến vào làng. Những người trên đảo này tỏ ra rất thiện cảm. Sau nhiều tuần, ba người này đã đi nhờ trên một chiếc thuyền nhỏ đưa họ về quê hương của họ.
2. Vũ trụ riêng tách biệt của chúng ta
Bạn và tôi cùng ở trong một tình cảnh. Không có chọn lựa, chúng ta đều bị quăng vào "hòn đảo" gọi là trái đất. Giống như người bị đắm tàu chúng ta hoặc là cảm thấy buồn phiền cho thân phận mình hoặc là bắt đầu nhìn quanh cố xác định vị trí của chúng ta. Chắc chắn là chúng ta không phải tìm người, vì họ thường bao quanh chúng ta. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta thấy khó mà tìm được người có thể giúp chúng ta tìm ra đúng vị trí của chúng ta hay giúp chúng ta tới nơi đến của chúng ta.
Khi còn nhỏ, chúng ta cho rằng cha mẹ có thể trả lời mọi chuyện là điều tất nhiên những cái mà cha mẹ biết câu trả lời. Khi lớn lên đôi khi chúng ta giải quyết vấn đề theo cách cha mẹ chúng ta giải quyết. Đôi khi chúng ta quên rằng cha mẹ cũng không thể biết tất cả những câu trả lời về tất cả những vấn đề của đời sống. Họ cũng sống trên hòn đảo này. Và không ai hỏi cha mẹ là các người có muốn ở đây không. Thấy chính mình ở đây, họ bắt đầu cố gắng hết sức mình. Họ đã đã tìm thấy một số câu trả lời qua cuộc sống.
Chúng ta được dẫn dắt trong lúc thiếu thời bởi sự hiểu biết mà họ đã học hỏi, dù là một phần. Nhưng chúng ta không thể dẫn dắt cuộc sống an toàn chỉ bằng ý kiến của những người ngẫu nhiên sống trước chúng ta. Chúng ta cũng không thể chấp nhận những ý kiến đó một cách mù quáng. Chúng ta phải nhớ rằng câu trả lời có thể là của chúng ta chỉ khi chúng ta làm câu trả lời đó thành một phần kinh nghiệm của chúng ta. Không có cha mẹ hay thầy giáo nào có thể sống cho chúng ta. Có nhiều điều chúng ta chỉ có thể học hỏi được qua cuộc sống và học hỏi vì chính mình.
3. Chúng ta có thể thành thật với chính mình không?
Một số người hình như sống ngày này qua ngày khác mà không bỏ thì giờ để nghĩ về việc này. Họ dường như không bao giờ quan tâm đến thế giới mà họ sống hay nơi chốn của họ trong đó. Cuộc sống của họ được kiểm soát bằng thói quen, và dường như họ không cần tìm kiếm sự cải thiện nào. Thật là bất hạnh khi điều này xẩy ra cho bất cứ người nào, vì người đó mất cơ hội để phát triển và tiến bộ. Không ngưng tìm kiếm câu trả lời tốt đẹp hơn về bản chất của cuộc sống và vũ trụ làm tăng thêm thú vị cho cuộc sống. Còn nhiều rộn ràng hơn là phải chấp nhận những câu trả lời cũ kỹ và phong tục tập quán chỉ vì chúng xưa rồi.
Ai đó có thể ngừng không thắc mắc hay nghi ngờ vì người lớn làm cho người ấy mất can đảm. Đôi khi, thầy giáo và cha mẹ quá mệt, quá bận, hay quá nôn nóng không lưu tâm đến những câu hỏi của người trẻ. Cho nên sau một thời gian người ấy không còn hỏi nữa. Có những người lại quá chú tâm đến những hoạt động xã hội, thể thao, hay công việc đến nỗi họ không màng tới những băn khoăn sâu xa về bản chất của mọi sự.
Tuy vậy những câu hỏi trong lòng chúng ta. Đời sống là gì? Làm sao ta đến đây? Thượng Đế như thế nào? Sự khác biệt giữa phải và trái là thế nào? Tình thương yêu là gì? Việc gì xẩy ra khi chúng ta chết? Có nhiều câu hỏi giống như vậy được hỏi bởi người ở mọi nơi và ở mọi thời đại.
Nếu chúng ta thành thật với chính mình, hãy để những câu hỏi đó thâm nhập phần nào vào chú ý và cố gắng của chúng ta. Tìm câu trả lời tức là cách chúng ta học. Đừng bao giờ cảm thấy xấu hổ khi đưa ra câu hỏi. Chúng ta cũng đừng bao giờ cảm thấy ai đó dù nổi tiếng đến đâu, đã tìm thấy tất cả những câu trả lời cho chúng ta rồi. Để được sống trọn vẹn, tất cả chúng ta phải biết ý nghĩa của cuộc đời và cố gắng tìm ra một số câu trả lời vừa ý. Nghi ngờ và những câu hỏi là những dấu hiệu lành mạnh của sự thành thật với chính mình và là một thước đo sự cố gắng tăng trưởng sự tự hiểu biết của chúng ta.
4. Tôn giáo có câu "trả lời" không?
Một số người nói về tôn giáo như thể tôn giáo có tất cả câu trả lời, nhưng sự khẳng định này chỉ đem đến nhiều câu hỏi hơn. "Tôn giáo" là gì? Có phải là đi nhà thờ, tụng kinh, nghe những lời cầu nguyện, học cách cầu nguyện không? Khi người ta nói về Thượng Đế họ muốn nói gì? Do đâu người ta có được ý niệm về Thượng Đế? Làm sao chúng ta biết những ý niệm ấy đúng hay không đúng? Tại sao chúng ta nên cảm thấy chúng ta phải tin theo một cách nào đó?
Không có tôn giáo nào có tất cả những câu trả lời, dù rằng có mục sư hay các thầy tu đôi khi nói là có. Tất cả các tôn giáo đều cố gắng đưa ra những câu hỏi quan trọng nhất. Tôn giáo cũng cung cấp những ghi chép về cách trả lời những câu hỏi căn bản của một số người. Nhiều người nghĩ rằng tôn giáo của chính họ cống hiến câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi của mọi người. Nhưng những đạo sư tôn giáo khôn ngoan không nói như vậy. Thay vào, các vị này khuyến khích người ta nên tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời như chính các vị ấy đang làm.
5. Chúng ta có thể học được gì ở người khác?
Khi chúng ta tìm câu trả lời về những băn khoăn của chúng ta, thường rất hữu ích nếu tìm kiếm ngoài chúng ta. Nhiều người thuộc các văn hóa và tôn giáo khác đã tìm thấy những đầu mối quan trọng về ý nghĩa của cuộc đời. Ý tưởng của họ có thể cung cấp cho ta những đề nghị có giá trị. Nghiên cứu những ý tưởng này giúp chúng ta nhiều hơn là chỉ nghiên cứu một câu trả lời - độc nhất câu trả lời của quốc gia hay tôn giáo riêng của chúng ta. Nó sẽ mở ra cho chúng ta con đường ngắn hơn tiến tới trí tuệ mà những người khác đã thu hoạch được.
Chúng ta phải chọn kỹ lưỡng người mà ta cậy nhờ vì đời sống không cho chúng ta có thì giờ để kiểm tra tất cả tổ tiên chúng ta và khảo sát tất cả những tôn giáo của những thế hệ khác. Chúng ta phải chọn những người đã cố gắng tỏ ra thành thật trong việc tìm kiếm. Chúng ta không muốn mất thì giờ với những vị thầy không thành thật và tự cho là quan trọng, dù là cổ hay kim.
Chúng ta cũng chẳng muốn bị lạc vào cuộc thám hiểm khu nhà ổ chuột giữa những người mà chúng ta đang nghiên cứu tôn giáo của họ. Nếu chúng ta muốn khám phá Beethoven có viết nhạc mà ta thích không, ta cần phải nghe những bản giao hưởng và xô nát của ông. Chúng ta không nên quan tâm đến sự việc ông thường đi quanh quẩn với cái cà vạt có vết trứng. Cùng một cách như vậy, nếu chúng ta muốn tìm những đề nghị hữu ích từ người khác, chúng ta cần phải quan sát quan niệm về đời sống của họ. Chúng ta không nên bận tâm về cách ăn mặc, hay phong tục khác biệt với chúng ta.
Khoa học gia, nghệ sĩ, kỹ sư, thầy giáo, triết gia và các nhà thần học - tất cả, bất kể đến nòi giống, ngôn ngữ, xứ sở, đều đang cố gắng tìm ra ý nghĩa mới về cuộc sống. Một ngày nào đó chúng ta sẽ có một bức tranh toàn vẹn hơn bức tranh chúng ta có ngày nay. Vào lúc đó, như thể là chúng ta sẽ vẫn còn cố gắng ghép trò chơi lắp hình. Một số người đang ghép một góc của trò chơi, một số ở một góc khác, vân vân... Nhiều người chúng ta lưu ý nhiều đến những chi tiết nhỏ nhặt, mà quên đi toàn bộ bức tranh. Chỉ trong những lúc tưởng tượng nhiều hơn, chúng ta mới cố gắng có một cái nhìn về toàn bộ đời sống.
Hầu hết mọi người bao giờ cũng nhìn vào tôn giáo của mình vì một cảm giác nào đó về toàn bộ bức tranh của đời sống, mặc dầu vô số mảnh chưa được lắp vào. Có lẽ chúng ta sẽ học hỏi một chút ít của tôn giáo khác, điều đó có thể giúp chúng ta hiểu nhiều hơn.
6. Tại sao chúng ta phải nghiên cứu đời sống
Lúc còn nhỏ, chúng ta rất quan tâm đến những hoạt động trước mắt hàng ngày. Nhưng khi là thanh niên, chúng ta bắt đầu khám phá ra là trong khi các hoạt động riêng rẽ là quan trọng thì chúng là một phần của toàn bộ cuộc sống. Và cuộc sống của chúng ta là một phần của cái gì đó lớn hơn cuộc đời mà trong đó tất cả chúng sinh đều chia sẻ. Chúng ta trở nên quan tâm hơn về cuộc đời là gì và chúng liên quan đến những cuộc đời khác ra sao. Chúng ta bắt đầu khám phá ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta chú tâm đến suy nghĩ độc lập hơn trước đây
Đời sống của chúng ta càng trở thành một vấn đề tiến bộ của chính chúng ta, và nếu chúng ta nghĩ về điều này, chúng ta làm cho đời sống của chúng ta có ý nghĩa. Bởi vì con người ở bất cứ ở đâu cũng thấy rằng cuộc sống có ý nghĩa là mục đích của tất cả mọi người, họ đã phát triển tôn giáo để giúp họ quyết định cái gì thực sự quan trọng. Tôn giáo trên thế giới ngày nay đã hiến dâng cho chúng ta nhiều cái khi ta tìm kiếm ý nghĩa và các câu trả lời. Tất cả những cuộc tìm kiếm mối quan hệ đúng với chính họ, với những người khác, và với thế giới của con người là một phần của sự tìm kiếm chung mà chúng ta cũng có dính líu.
Chúng ta chấp nhận sự thách thức trong việc truy tầm ý nghĩa cuộc sống, nêu ra những câu hỏi và tìm kiếm không ngưng nghỉ và vui với những câu trả lời mà ta có thể chấp nhận. Khi chúng ta làm, chúng ta sẽ có được cảm hứng của những người đã hỏi và trả lời ở những thời đại khác hay ở những nơi khác. Hãy xem họ đã nói gì với chúng ta và hãy sử dụng những gì giúp chúng ta tiếp tục truy tìm cách sống tốt hơn.
Nguyên tác: “The Great Religions By Which Men Live”
Tác giả: Floyd H. Ross và Tynette Hills
Dịch giả: Thích Tâm Quang