Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong nhiều sách Thầy nói về chùa to Phật lớn và có ví dụ như nước CamPuChia có chùa Đế Thiên, Đế Thích và tháp Angkor . Về phần này có hai cách hiểu khác nhau:
Thưa Thầy, Thầy dạy những bậc tu Phạm hạnh của đạo Phật là ba y một bát nay đây mai đó. Chùa càng to Phật càng lớn thì càng bận tâm. Có đúng như vậy không thưa Thầy?
Hiện nay về phương diện lịch sử, kinh tế, du lịch, mỹ quan thì người ta cho đó là những kỳ quan cả thế giới công nhận, tuy nhiên khi làm ra nó thì vất vả tốn kém, song hiện nay người ta thu lợi rất lớn về du lịch và mọi người họ tự hào vì đã được Unesco công nhận lịch sử văn hóa hàng đầu của thế giới trong tám kỳ quan. Vậy Thầy có thể dạy trong sách việc xây chùa tượng bằng hai cách:
- Một là đối với tu sĩ chuyên tu thì nên sống đơn giản.
- Hai là đối với tu sĩ đã tu xong thì có thể đến nơi đó để thuyết pháp, vì những người này chùa nào họ cũng không động tâm. Nhờ nơi đó người dân dễ tập trung nghe pháp, nó sẽ làm tăng giá trị lịch sử của Phật giáo. Các thế hệ sau này cũng tự hào về tôn giáo của họ. Vậy, Thầy có thể giảng cho con tường tận vấn đề này được không?
Đáp: Ai đọc kinh sách Phật giáo Nguyên Thủy đều phải công nhận giáo lý của đạo Phật là chân lý của loài người. Nói chân lý loài người là nói đến một sự thật không hề có một chút xíu không đúng. Chính vì vậy nó là đạo đức nhân bản – nhân quả, nên đức Phật đã xác định:
“Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn”.
Đạo Phật chủ trương nhân bản, lấy con người làm trụ cột, biến cõi sống thế gian thành cảnh Cực Lạc, Thiên Đàng, chứ không có hình thức mơ mộng, ảo tưởng Thiên Đàng, Cực Lạc hoặc Thần Thánh, Tiên Phật, Ngọc Hoàng, Thượng Đế, Chúa Trời, v.v…
Do chủ trương nhân bản – nhân quả nên Phật giáo lấy đức hạnh (Giới luật) làm chỗ nương tựa, làm thầy hướng dẫn, làm cuộc sống cho mình. Vì thế, xây chùa to Phật lớn là sai. Gương hạnh đức Phật ngày xưa còn đó. Thành đạo dưới cội cây Bồ đề. Chết dưới cội Sa La song thọ. Thế mà ngày nay chùa to Phật lớn khắp nơi, lại còn có những ngôi chùa, tháp được mọi người công nhận là kỳ quan đệ nhất thế giới thì thử hỏi những việc làm này đi ngược lại tinh thần “xả phú cầu bần”của Phật giáo thì còn gì là Phật giáo nữa. Phải không các bạn?
Vì lấy con người làm gốc nên Phật giáo phải xây dựng con người. Xây dựng con người để trở thành những kỳ quan thế giới bằng chất liệu đức hạnh không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Theo chúng tôi thiết nghĩ đó là một kỳ quan thế giới tuyệt vời xứng đáng để con người tự hào hãnh diện về con người thì mới đúng nghĩa. Còn xây chùa to Phật lớn lấy chất liệu đất đá mô phỏng theo hình thức vạn vật vũ trụ thiên nhiên tạo ra rồi tự hào bảo nhau đó là kỳ quan thế giới. Thực tế trên hành tinh này vũ trụ đã xây dựng biết bao nhiêu kỳ quan đẹp đẽ gấp trăm ngàn lần những kỳ quan của loài người: như Vịnh Hạ Long, Phong Nha, v.v… Trước những cảnh này con người có làm được như vậy không?
Những kỳ quan thế giới hiện giờ chỉ là những sự mô phỏng bắt chước thiên nhiên vũ trụ, vẻ hùng vĩ đẹp đẽ của nó còn thua xa vũ trụ gấp trăm ngàn lần như trên đã nói thì có gì mà chúng ta tự hào?
Những vật chất này đều vô thường, không bền chắc, không giữ gìn được lâu dài, chỉ một trận động đất những kỳ quan này còn bảo tồn được nữa không?
Một kỳ quan của loài người, lấy chất liệu đạo đức xây dựng thì động đất không làm hư hoại, lũ lụt không trôi, bão tố không làm sụp đổ, hỏa hoạn không thiêu đốt được, đi khắp bốn phương ngược gió không trở ngại. Phật giáo chủ trương như vậy, vì lấy con người làm gốc, nên người nào đi ngược lại xây dựng chùa to Phật lớn là không phải Phật giáo là Thần đạo, là đạo mê tín, là đạo lường gạt con người.
Tôn giáo có thế giới siêu hình là tôn giáo phi khoa học, phi nhân bản, vô đạo đức nhân bản - nhân quả, v.v.. Phần đông những tôn giáo này đều có chùa to Phật lớn.
Đệ tử của đức Phật ngày xưa được sự chỉ đạo của Ngài nên không cất chùa to Phật lớn, chỉ am tranh vách lá cúng dường Phật và chư Tăng để tránh mưa ẩn nắng tu hành, chứ không có thờ phượng như chúng ta ngày nay. Những nơi ở ấy được gọi là “TỊNH XÁ”. Tịnh xá có nghĩa là ngôi nhà ở thanh tịnh. Trong kinh sách Nguyên Thủy thường nhắc những tịnh xá như: Tịnh xá Kỳ Hoàn, tịnh xá Trúc Lâm, v.v..
Hòa Thượng Huệ Quang, Hòa Thượng Khánh Anh tổ chức những chuyến hành hương về thăm xứ Phật. Trước mắt các Ngài tịnh xá Kỳ Hoàn và tịnh xá Trúc Lâm chỉ còn là một khu rừng hoang vu không tìm ra một cục đá, một viên gạch, chứng tỏ ngày xưa đức Phật và chúng Thánh Tăng sống dưới bóng cây, dưới túp lều tranh lá hay trong hang hóc… Những nơi Thánh địa ấy chứng tỏ Phạm hạnh của tu sĩ thời đó rất cao.
Tất cả các tôn giáo trên hành tinh đều nhắm vào sự xây dựng cơ sở đồ sộ vĩ đại để lại như: Tòa Thánh La Mã (Thiên Chúa), Đế Thiên, Đế Thích, đền Angkor (Phật giáo Nam Tông), tòa Thánh Tây Ninh (Cao Đài Giáo) v.v…
Còn cơ sở Phật giáo Nguyên Thủy chỉ còn là một khu rừng hoang vu. Chính khu rừng hoang vu ấy mới nói lên ý nghĩa đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh. Đó là tòa Thánh của Phật giáo, là một kỳ quan thế giới đẹp nhất của mọi người.
Mục đích của Phật giáo là giải thoát mọi sự đau khổ, vì thế phải dứt bỏ sanh y tức là xả bỏ sạch, chỉ còn ba y một bát, sống không nhà cửa, không gia đình. Sống không nhà cửa, không gia đình là một giới hạnh của người tu sĩ, thế mà có chùa to Phật lớn thì giới hạnh của tu sĩ còn gì? Như vậy tu sĩ nào sống trong chùa to Phật lớn là tu sĩ Phạm giới. Tu sĩ phạm giới là Ma Ba Tuần trong Phật giáo, là trùng trong lông sư tử đang diệt Phật giáo. Xin các bạn lưu ý.
Còn bảo rằng tu sĩ đã tu xong, ở trong chùa to Phật lớn, đâu sợ gì dính mắc. Vả lại dùng cơ sở đó làm nơi giảng đạo, mọi người tập trung về nghe pháp rất tiện lợi.
Thuyết giáo đâu bằng thân giáo, người sống phạm giới, phá giới thuyết giảng cho mọi người nghe cũng giống như đào kép hát múa, diễn tuồng trên sân khấu. Chùa to Phật lớn là sân khấu cho những giảng sư tu hành chưa tới đâu, còn người tu chứng đạo, vì ích lợi mọi người, nên giữ đúng Phạm hạnh “xả phú cầu bần”, lấy thân giáo dạy người, làm gương sáng đạo đức cho mọi người soi nên từ giã những nơi cung vàng điện ngọc, chùa to Phật lớn.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Trích Đường về xứ Phật, tập 2
Và đây
là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn
có thể tải về: Click tại đây