Chưa bao giờ nhân loại lại phải đương đầu với lắm tệ nạn xã hội, và hiện trạng phức tạp như ngày nay. Hằng ngày có không biết bao nhiêu cảnh tượng đau lòng khủng khiếp, xấu xa bại hoại diễn ra trên thế giới và trong xã hội mà chúng ta hoặc chứng kiến hoặc được báo chí truyền hình đã truyền tin đăng tải.
Nào là chiến tranh khủng bố, nào là giết người cướp của, nào là xì ke ma túy, nào là bạo động biểu tình. Rồi thì, sự trừng phạt của thiên nhiên do môi sinh bị tàn phá, sự bùng nổ của những căn bệnh thế kỉ, sự đau đớn của những nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam. Thêm vào đó, hiện tượng li hôn, phá thai, tự tử, đạo đức xuống cấp, và nhiều tệ nạn xã hội khác đang ngày càng gia tăng đến mức báo động.
Tất cả những hiện trạng này cho thấy rằng con người và xã hội hôm nay đang đứng trước những khủng hoảng về tư tưởng, đạo đức, đặc biệt là về một nếp sống đẹp, và những khủng hoảng này mang tính chất toàn cầu chứ không phải riêng của một hay chỉ vài xã hội quốc gia cá biệt nào.
Khủng hoảng tư tưởng
“Tư tưởng không mang đến tri thức như những nhà khoa học, tư tưởng không mang đến sự khôn ngoan hữu ích cho phương thế hành xử trong cuộc sống, tư tưởng không giải quyết bất cứ ẩn ngữ nào của thế giới, tư tưởng không mang đến tức khắc những sức mạnh cho hành động”.
Nhưng, tư tưởng thật sự quan trọng, bởi nó vạch ra mục đích và hướng dẫn thái độ sống của con người. Con người có sống tốt đẹp hay không, xã hội có được ổn định hay không đều bắt nguồn từ tư tưởng. Nói như Hòa thượng Thanh Từ:
“Động cơ chính gây nên tội ác hoặc khiến con người đầu ngục nhớp nhơ trong biển sanh tử là tư tưởng. Ngược lại tạo vô lượng phước đức, đưa con người đến quả thanh tịnh giải thoát cũng do tư tưởng. Tư tưởng thủ một vai trò trọng yếu nhất trong đời người. Người nên, hư, tốt, xấu, tiến, thối... đều do tư tưởng quyết định”.
Điều này có nghĩa là, con người không thể có một đời sống cao cả giá trị, nếu không có một tư duy tốt đẹp, đúng đắn; xã hội sẽ không được ổn định nếu bị hướng dẫn bởi các hệ tư tưởng lệch lạc sai lầm. Và ngày nay, nhân loại với những thảm họa khôn lường ấy, phải chăng chính là hệ quả bởi sự khủng hoảng một hệ tư tưởng nhân văn làm nền tảng cho sự phát triển và tồn tại của xã hội?
Hỏi đã hàm nghĩa trả lời. Hãy nhìn xã hội loài người mà xem, tại sao con người ta lại dễ dàng tự tử? Tại sao có quá nhiều người lảng phí và hủy hoại đời mình bằng các cuộc rượu chè cờ bạc, xì ke ma túy? Rõ ràng tư tưởng của họ đang khủng hoảng. Họ mất phương hướng sống, sống không có lí tưởng, không có mục đích, sống chới với giữa dòng đời trăm ngã, không tìm ra được ý nghĩa và giá trị đích thực của cuộc đời. Chính vì thế, đối với hạng người nầy, cuộc đời quả thật vô vị. Do đó họ dễ dàng kết liễu đời mình chỉ vì những chuyện “chẳng đâu vào đâu”. Trường hợp của N.V. Tâm sau đây là một điển hình.
Chuyện kể rằng, trưa hôm đó Tâm đi đám cưới người quen, tới chiều về nhà nồng nặc mùi rượu nên bị mẹ la “đã không tiền không lo mần ăn mà còn nhậu hoài!”. Tâm tự ái ra sau nhà lấy dây treo thắt cổ, không kịp trăng trối.
Rõ ràng là một cái chết lãng. Nhưng, thế giới nầy đâu chỉ có một N.V.Tâm mà còn nhiều N.V.Tâm như thế. Nguyên nhân tại đâu? há chẳng phải do sự bất ổn của tư tưởng mà ra? Các vấn đề còn lại như xì ke ma túy, rượu chè cờ bạc, và các tệ nạn xã hội khác cũng vậy, đều là biểu hiện của những người sống mất định hướng, không có một lí tưởng sống.
Mặt khác, khủng hoảng tư tưởng còn đuợc nhìn thấy ở những con người có lí tưởng có mục đích, nhưng mà lí tưởng và mục đích vị kĩ, thấp hèn, và tàn bạo. Đây chính là động cơ thúc đẩy các cuộc chiến tranh đẩm máu, khủng bố bạo động và sự hãm hại lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày. Đúng như lời của Hòa thượng K.Sri Dammanada:
“Là một con người, chúng ta phải có mục đích cho cuộc sống. Kẻ không theo đúng con đường Chân chánh của đời sống sẽ không bao giờ nhìn thấy mục đích của cuộc đời và nếu không giữ một vài nguyên tắc cao thượng, kẻ đó sẽ trở nên nguy hiễm cho xã hội. Không nghi ngờ gì, các nhà khoa học, tâm lý học đã mở rộng tầm tri thức cho chúng ta, nhưng họ đã không thể cho chúng ta một mục đích sống mà những nguyên tắc thánh thiện có thể đem đến.”
(As human beings we must have an aim in our life. A peson not observing a righteous way of life and will never find the aim of life and if he does not uphold some noble principles he can even become a danger to society. No doubts scientists and psychologists have widened our intellectual horizon, but they have not likewise been able to give us a purposse in life, which only noble principles could do.)
Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là con người không chỉ sống có lí tưởng, có mục đích, mà còn phải là những lí tưởng và mục đích cao cả chân chánh. Đây là điều kiện cần và đủ để con người sống xứng đáng là một con người. Từ đó tạo dựng một xã hội ổn định hơn và trật tự hơn. Thế nhưng thời nay con người ít sống với lí tưởng và mục đích như thế. Và đó là lí do khiến cho xã hội loài người ngày càng trở nên hỗn loạn và phức tạp.
Có lẽ xã hội đang thiếu vắng một tư tưởng hệ đúng đắn để chỉ đạo tư duy và nếp sống của con người. Mặc dù thế giới hôm nay có rất nhiều hệ tư tưởng, nhưng hầu hết các hệ tư tưởng ấy cũng đang rơi vào khủng hoảng, ngay cả các hệ tư tưởng được xem là “ Vị Nhân”như là hệ tư tưởng triết học, hệ tư tưởng khoa học, hay hệ tư tưởng tôn giáo học. Điều nầy cũng dễ hiểu, bởi lẽ trong khi thế giới đang đang đòi hỏi một hệ tư tưởng đúng đắn để chỉ đạo và hướng dẫn tư tưởng con người hướng về Chân- Thiện- Mỹ, thì triết học, khoa học, và một số tôn giáo học lại không làm được như thế. Chúng ta sẽ tìm hiểu sơ về tôn chỉ của ba hệ tư tưởng này để thấy rõ sự bất lực của nó trong thế giới hôm nay.
Tư tưởng triết học thì chỉ giải quyết được những thắc mắc nội tâm và nhu cầu tri thức của con người, như là trả lời câu hỏi “giữa vật chất và ý thức cái nào có trước cái nào có sau và cái nào quyết định cái nào” cũng như “con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không?”. Điều nầy có ý nghĩa gì đối với hiện trạng rối ren của thế giới? Sau đây là nhận định của Thích Tâm Thiện :
“... Tư duy triết học quả là một tiến bộ của nhân loại. Song, những chủ đề mà tư duy triết học quan tâm, tìm kiếm như các chủ thuyết về duy tâm luận khách quan, chủ quan, ý chí kinh nghiệm, trực giác v.v... đều là những viễn kiến của tri thức hữu hạn của con người. Do đó mỗi chủ thuyết đều bị giới hạn bởi khái niệm, ngôn từ và nhất là bởi những thiên kiến. Tuy nhiên cái khuyết điểm lớn nhất của tư duy triết học là ở chổ tính chất giả định của nó hoàn toàn bất lực trong việc định hướng một con đường đi vào chân lí và hạnh phúc thật sự cho con người. Vì với con người, hạnh phúc là chân lí của đời sống hiện hữu chính là đối tượng thực thụ ngìn năm mà con người đi tìm kiếm. Vì thế, trước khát vọng thống thiết của con người: chân lí hạnh phúc, mọi cơ cấu của các luận triết trên đều rơi vào tha hóa”.
Nào riêng gì triết học, mà dưới sự thành tựu và phát triển của khoa học kĩ thuật, con người càng bị tha hóa nặng nề hơn và “toàn diện” hơn. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận vai trò của khoa học. Nhưng sự thật là khoa học càng tiến bộ thì thế giới càng có nhiều biến động hỗn loạn. Điển hình như là sự ô nhiễm môi trường do chất thải từ các nhà máy, con người sát hại lẫn nhau thông qua các vũ khí hết sức hiện đại... Vụ khủng bố có tính chất lịch sử vào ngày 1-9-2001 tại Hoa Kì, các cuộc chiến tranh đẩm máu ở Apganistan, ở Irac v.v...tất cả đều có liên quan đến sự tiến bộ của khoa học kỉ thuật. Có thể nói rằng khoa học không những không giải quyết được những khủng hoảng của thế giới mà còn làm cho thế giới tăng thêm sự khủng hoảng.
Vậy, triết học, khoa học, không phải là cơ sở để ổn định thế giới đang hỗn loạn, thế thì tôn giáo có làm được chăng?
Chúng ta biết rằng, tôn giáo là điểm tựa cần thiết cho tinh thần của con người. Nhưng hầu hết các tôn giáo đều ru ngủ con người trong ảo tưởng bằng các thuyết thần linh định số, hay sự tồn tại của một đấng toàn năng. Điều này ở một mặt nào đó nó có lợi thật sự vì dù sao nó cũng cho con người một niềm tin để sống. Nhưng mặt khác nó làm tê liệt ý thức vươn lên để hoàn thiện nhân cách của con người, đồng thời nó khiến con người sống buông xuôi phó mặc. Đó là chưa nói đến các dị giáo cuồng tín như là các giáo phái “thiên niên kỉ”. Nhìn vào các dị giáo nầy ta mới thấy con người bị khủng hoảng tư tưởng đến mức độ nào.
Nói tóm lại, khủng hoảng tư tưởng là một bi kịch của cuộc sống, vì nó đưa xã hội loài người rơi vào hai cực đoan: một là sống phó mặc, bất cần đời, sa đọa và trụy lạc; hai là sống tham vọng, đấu tranh, bạo tàn và tội ác. Hệ quả của hai lối sống nầy là đạo đức con người bị suy thoái trầm trọng. Cho nên có thể nói rằng, liền theo sự khủng hoảng tư tưởng là khủng hoảng đạo đức.
Khủng hoảng đạo đức
Đạo đức là điều kiện không thể thiếu trong cuộc sống con người, là cơ sở chuẩn mực để con người được gọi là Người đúng với ý nghĩa đích thực của nó. Thế mà ngày nay đạo đức con người bị suy thoái trầm trọng. Cái gọi là đạo lý, là lương tâm, là tình người, càng ngày càng ít được quan tâm; để rồi sự hận thù, tranh chấp, ác độc, và tàn bạo lan tràn khắp mọi nơi.
Trong gia đình, cái đạo đức luân lí bị đảo lộn. Con cái thay vì “một lòng thờ mẹ kính cha” thì giờ đây lại xuất hiện cái tệ nạn chửi mắng, hành hung, thậm chí có kẻ nhẫn tâm giết chết người đã sanh ra mình. Vợ thì âm mưu hãm hại chồng để tự do qua lại với người đàn ông khác, chồng thì chỉ một chút giận hờn mà công khai dùng bạo lực đối với vợ.
Nhà trường, nơi được xem là nền tảng, là cơ sở cho sự hình thành và phát triển đạo đức thì giờ đây bị xúc phạm đáng kể. Một số học sinh rơi vào nghiện ngập tiêm chích, dẫn đến trộm cắp, thậm chí giết người cướp của. “Những thiên thần của thế giới” nầy thế là trở thành tội phạm của quốc gia. Hiện tượng trò đánh thầy cũng không phải là không có. Ở các nước phương Tây, nhất là ở Mỹ, học sinh tự do mang súng vào trường, chúng đe dọa, hành hung giáo viên, nếu những người này la rầy hoặc cho chúng điểm kém.
Ngoài xã hội, người ta mưu hại lẫn nhau để tranh giành danh vọng và địa vị. Hai chữ đạo đức hầu như bị lãng quên.
Đạo đức bị khủng hoảng, có những con người sống đời sống của những con quái vật, mang thân người mà hoàn toàn mất hết tính người. Đó là những kẻ giết người không gớm tay, xem sự giết chóc chỉ là trò chơi giải trí. Sự khủng bố tàn khốc vào ngày 1-9-2001 như trước đã nêu là một minh chứng vậy.
Trong lịch sử thế giới, có bao giờ con người lại ăn thịt đồng loại mình, thế mà ngày nay lại có mới là điều đáng nói. Sự thật này đã xảy ra trên đất nước Philipines mới hồi tháng 8 của năm (2004) nầy. Chuyện kể rằng, có bốn người sau khi giết người họ hàng của mình rồi dùng dầu hỏa và lá dừa để quay thịt người ấy. Ăn xong, họ đem số thịt còn lại “phục vụ” cho khách mời đám cưới ( vốn xỉn nên không hay biết gì).
Tóm lại, trong thế giới hôm nay, vấn đề đạo đức bị khủng hoảng trầm trọng. Từ châu Mỹ, châu Âu, cho đến tận châu Á; từ thế giới, xã hội, cho đến tận gia đình; từ đời thường, báo chí, cho đến tận phim ảnh...đâu đâu cũng thấy những hiện trạng suy thoái đạo đức, bại hoại gia phong. Đến nỗi, xem phim ảnh cũng khiến cho người ta cảm thấy căng thẳng và sợ hãi. Sau đây là lời tâm sự của nhà báo Đoha Chams, ông ta than phiền rằng, những triệu chứng hoảng sợ bắt đầu xuất hiện kể từ khi ông ta rinh chiếc ti vi vào phòng, ông phải nhiều đêm mất ngủ và mơ thấy những giấc mơ khủng khiếp bởi những hình ảnh cực kì bạo lực, cực kì xấu xa, và cực kì nhảm nhí mà ông đã được xem từ đó. Những hình ảnh ấy được Đoha Chams tường thuật như sau:
“Bấm remote ở beirut , bạn có thể thấy gì? Trên kênh đầu tiên, một thằng nhóc bị quỉ ám đang rình lúc trăng tròn để “thịt” cha mẹ nó. Tôi dừng lại hơi lâu ở kênh thứ hai, bởi vì ở đây có robert de niro (tài tử gạo cội Mỹ). Ông ta sắm vai chính trong một bộ phim có mấy anh em trai bị bà mẹ xúi quẩy ăn nằm với một cô gái trước khi “thịt” cô ta. Kênh kế tiếp có những sinh vật ngoài hành tinh với cái đầu và đôi tai dài ngoẵng, chỉ phản ảnh duy nhất ý niệm về “ người ngoài hành tinh” của các đạo diễn mỹ. Rồi tôi bấm kênh khác, thấy một đám diễu hành mà những người tham gia đều mặc đồ liệm. Đó là tin tức nói về cuộc trình diễn các xác chết ở Iraq xen lẫn với cuộc họp báo của tổ chức Ân xá quốc tế tố các lính Anh giết hại thường dân nước nầy. Bấm tiếp romote, tôi sang đén kênh tử vi của Rifaat al-Assad( bác của tổng thống syria), rồi đến một mộ phim nhiều tập của Mexicô, trong đó một ả đẹp ác lấy một anh chàng bô trai vừa mới li dị với cô bạn thân (cũng đẹp ác) của ả, trong khi bà mẹ chồng (đẹp dữ dội) tìm cách thủ tiêu ả. Kênh kế tiếp chiếu xác những binh lính Isreal bị hành quyết sau khi đột nhập giải gara. Kênh sau đó phát một bộ phim nhiều tập của Ai cập, trong đó mơn mớn niềm kiêu hãnh”bốn vợ”của nam giới trung lưu Ả rập”.
Đó là một bức tranh thu nhỏ về những “gương mặt đen của” xã hội đương đại. Chúng ta có thể cho rằng đó chỉ là phim ảnh, nhưng nó phản ánh đúng hiện thực của một xã hội xuống cấp về đạo đức.
Đạo đức là nét đẹp muôn thủa của con người. Nó là điều kiện đầu tiên cần phải có để con người xây dựng một nếp sống nhân bản, cao quý- Một nếp sống đẹp - Cho nên, một khi đạo đức bị khủng hoảng, thì nếp sống đẹp cũng bị khủng hoảng vậy.
Nói tóm lại, khủng hoảng tư tưởng làm cho con người mất thăng bằng trong cuộc sống, điều nầy có ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức luân lí làm người, xã hội do đây thiếu vắng những nếp sống đẹp, xã hội mà thiếu vắng những nếp sống đẹp là động cơ cho các tệ nạn và bạo lực hoành hành. Chúng ta biết, đời người có ý nghĩa và giá trị, gia đình được hạnh phúc êm ấm, xã hội ổn định và trật tự, thế giới an lạc và thanh bình...tất cả đều do con người biết sống và sống đẹp. Thế mà ngày nay mọi nếp sống đẹp dần dần bị thiếu vắng. Các đạo lí vốn rất cao quý mà người Việt Nam thường quan tâm nhắc nhở như:
“Kính trên nhường dưới ”
“Thương người như thể thương thân”
“Lá lành đùm lá rách”
“Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”
. v.v.., đã bị mai một dần.
Xã hội thiếu đi sự tương thân tương ái, con người phần nhiều sống theo chủ nghĩa “sống chết mặc bay”, “mạnh ai nấy sống”. Nói chung, đạo đức và tình người ít được chú trọng. Các lối sống lịch sự, lễ độ, đức hạnh, nhân từ...thật đẹp biết dường nào, thế mà ngày nay chẳng có là bao. Người ta xung đột nhau bằng ánh mắt, ngôn từ, và hành động: nhìn nhau bằng cái nhìn ác cảm, thù địch; nói năng thì toàn những lời “bất hảo” làm nản lòng người; hành động thì trái với chân lí, trái với chuẩn mực xã hội, làm cho quan hệ giữa người và người ngày càng trở nên xấu đi. Đây quả là vấn đề hết sức nan giải mà con người và xã hội đương đại đang phải đối đầu. Nếu xã hội loài người cứ tiếp tục với những nếp sống như thế, thì không biết rồi thế giới nầy sẽ đi về đâu? Cho nên vấn đề cấp thiết được đặt ra bây giờ là, mọi người phải cùng nhau xây dựng nếp sống đẹp, vì đây là giá trị tồn tại của xã hội loài người. Song, muốn được như vậy, xã hội đòi hỏi phải có một triết lí nếp sống đẹp đúng đắn chung nhất để làm cơ sở chỉ đạo cho tất cả.
Chân Huệ Minh