Không nên đem lời giảng nói của Phật vào chổ đại tiểu tiện

Lời giảng dạy của Phật là pháp bảo, nhờ có pháp bảo chúng ta mới biết được đường lối tu hành đi đến giải thoát, khiến cho cuộc đời không còn đau khổ nữa. Vì thế chúng ta phải tôn trọng và cung kính những lời dạy quý báu này, không nên đem những lời dạy quý báu vàng ngọc này vào những nơi đại tiểu tiện bất tịnh và những nơi hôi thúi, uế trược khác.

Nếu chúng ta không cung kính, tôn trọng pháp bảo, đem những lời dạy này vào những nơi bất tịnh thì sẽ khiến cho chúng ta mất duyên với chánh pháp, và từ đó chúng ta dễ bị lạc vào tà pháp của ngoại đạo, dù cho có công tu hành cũng chẳng cứu mình thoát khỏi kiếp sống trầm luân và đầy đau khổ. Tu để mà cho có tu, chứ thật sự chẳng ích lợi gì cho bản thân của mình và cho ai cả, đó là tu sĩ đời nay, vì thiếu lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo, nên chẳng gặp chánh pháp của Phật mà lại gặp tà pháp ngoại đạo rồi cứ ngỡ tưởng là pháp môn của Đức Phật. Hiện giờ hầu hết tu sĩ đều tu theo giáo pháp của Bà La Môn, nhưng lại nghĩ rằng mình tu theo giáo pháp chơn chánh của Phật.

Từ giới 60 đến giới 85 trong 100 giới chúng học, thường trong các bộ luật của các Tổ viết soạn đều dùng danh từ “Tháp Phật và tượng Phật”, đó là một điều bịa đặt để chế thêm giới luật của các Tổ sau này, vô tình các Tổ đã để lộ sự thêm bớt của mình cho những người đời sau biết sự gian xảo đó.

Giới luật được đặt ra là do Phật chế, chứ không phải do các Tổ chế. Phật chưa tịch làm sao có tháp Phật và tượng Phật được? Đó là những giới luật của những người sau này chế ra.

Nếu Phật chế ra giới luật như vậy thì chứng tỏ Phật còn mang bản ngã danh lợi cá nhân của mình rất lớn giống như vua chúa, thì làm sao được gọi là bậc giải thoát, bậc A La Hán như trong các bộ luật ghi: “Tháp Phật tượng Phật thì không ai được làm và đem những vật bất tịnh vào”. Cấm như vậy không đúng tinh thần “vô ngã” của đạo Phật. Trừ khi Phật tịch các Tổ chế giới cấm như vậy là đúng, vì đó là lòng cung kính của các Tổ đối với Phật.

Lòng tôn trọng và cung kính ấy phải được để cho người khác tự tỏ lòng tôn kính, chứ lý đâu lại chế giới luật bắt buộc mọi người tôn kính mình như vậy. Đó là cái sai của các Tổ, khi soạn viết giới luật Phật, giống như các vị đế vương.

Để thấy rõ giới luật Phật không còn mang tính chất Nguyên Thủy. Các Tổ biên soạn giới luật Phật thêm bớt rất nhiều, nhưng dù sao giới luật vẫn là đạo đức của tu sĩ, nên thêm cho hợp lý thì rất tốt đối với tu sĩ, thêm mà không hợp lý làm mất giá trị giới luật đạo đức của Phật, là một điều tội lỗi rất lớn. Nhất là bẻ vụn giới luật hoặc bỏ mất, khiến cho người sau không biết đâu mà tìm kiếm.

Giới này Phật dạy chúng ta phải tỏ lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo. Người có lòng cung kính và tôn trọng pháp bảo thì mới có lòng cung kính và tôn trọng người khác.

Lòng cung kính và tôn trọng người khác là một đạo đức của con người đối xử với nhau. Loài vật không thể nào có sự cung kính và tôn trọng lẫn nhau như vậy được, chúng chỉ có lòng sợ hãi trước các con thú lớn, mạnh và hung ác.

Con người khác hơn loài vật là ở chỗ biết cung kính và tôn trọng lẫn nhau, nếu con người không có lòng cung kính và tôn trọng lẫn nhau thì có khác nào là loài cầm thú, mạnh thì hiếp yếu, lớn thì hiếp nhỏ.

Cho nên, trong giới luật Phật dạy chúng ta rất nhiều về đức cung kính và tôn trọng. Đức cung kính và tôn trọng pháp bảo tức là dạy chúng ta biết cung kính và tôn trọng người khác như trên đã dạy. Cung kính và tôn trọng người khác tức là cung kính và tôn trọng mình.

Tại sao cung kính và tôn trọng pháp bảo lại là cung kính và tôn trọng người khác; tôn trọng và cung kính người khác lại là cung kính và tôn trọng mình?

Đạo đức của Đức Phật dạy chúng ta không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Nếu không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh thì chúng ta phải có lòng cung kính và tôn trọng sự sống lẫn nhau. Nếu có lòng cung kính và tôn trọng sự sống lẫn nhau thì không ai làm khổ ai, tức là mọi người đã sống trong đạo đức của Đạo Phật. Có sống trong đạo đức của Đạo Phật thì mới thấy cuộc sống của con người trên hành tinh này là cảnh giới Thiên Đàng, Cực Lạc.

Chỉ vì chúng ta không có lòng cung kính và tôn trọng lẫn nhau nên đã tự làm khổ cho nhau, đôi khi vì tranh chấp những việc chẳng ra gì lại còn giết hại nhau mà chẳng chút lòng thương xót. Đối với những loài vật khác, chúng ta thường xem chúng là những thực phẩm của chúng ta ăn, nên giết hại và ăn thịt chúng, ăn với sự ưa thích, không có lòng đau thương xót xa trước sự kêu la, gào thét trong đau khổ và sự sống chết của chúng. Đó là bản năng hung ác của loài thú vật còn tồn động trong người của chúng ta chưa bỏ được. Chúng ta chỉ còn biết ăn ngon miệng, ăn cho mập cho béo, để rồi thọ lấy những bịnh tật khổ đau bất tận.

Nhờ có pháp bảo dạy chúng ta vừa biết cung kính và tôn trọng pháp bảo lại cũng vừa biết cung kính và tôn trọng người khác, có đức cung kính và tôn trọng người khác thì mới không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh như trên đã dạy; không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh thì tâm hồn chúng ta mới thanh thản, an lạc và giải thoát; tâm hồn có thanh thản, an lạc và giải thoát thì tâm mới vô lậu như kinh Phật đã dạy.

Cho nên giới luật Phật dạy chúng ta giải thoát vô lậu, gọi là giới vô lậu. Giới vô lậu tức là giới luật dạy chúng ta đạo đức làm người, có đạo đức làm người mới vượt thoát khỏi bản chất của loài cầm thú, thì lúc bây giờ tâm hồn chúng ta mới bất đọng trước các pháp và trước các cảm thọ. Đó là mục đích của Đạo Phật “Bất động tâm định”. Một loại thiền định chỉ Đạo Phật mới có mà thôi.

Con người chỉ cần vượt thoát ra khỏi bản chất hung ác, gian xảo, lừa đảo của loài cầm thú thì thế gian này sẽ là cảnh Thiên Đàng. Muốn được vậy chúng ta cần phải học đạo đức nhân quả, có học đạo đức nhân quả mới có những hành động không làm khổ mình khổ người, không giết hại và không ăn thịt chúng sanh.

Muốn tách lìa bản chất cầm thú trong chúng ta, thì chúng ta hãy cố gắng học tập và thường hằng trau dồi đạo đức nhân quả không làm khổ mình khổ người, thì trước tiên chúng ta phải thọ Tam Quy, Ngũ giới tức là tu học giới luật Phật. Vì trong giới luật Phật dạy chúng ta toàn là những hành động đạo đức giải thoát cho mình, cho người, luôn sống trong thiện pháp và xa lìa các ác pháp.

Biết cung kính, biết tôn trọng là một đức hạnh diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp rất hữu hiệu và tuyệt vời, tạo cho chúng ta có một tâm hồn cao thượng. Đức cung kính và tôn trọng cũng là một trong muôn ngàn hành động đức hạnh cao quý của Đạo Phật mà chúng ta cần phải bắt đầu học ngay từ bây giờ, để kịp thời cứu mình thoát khỏi cảnh trầm luân đau khổ của kiếp làm người, và cũng có thể chấm dứt luân hồi, sanh tử trong kiếp sau.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Trích Giới thứ bảy mươi bảy - Giới Đức Làm Người Tập 2
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post