Lời Giới Thiệu của Dịch Giả: Schopenhauer (s. 22 tháng 2 năm 1788 – c. 21 tháng 9 năm 1860) có cách nhìn bi quan về phụ nữ, thậm chí có phần cực đoan nữa, tuy nhiên chúng ta cũng cần xem xét đời sống cá nhân của triết gia để có thể hiểu hơn về học thuyết của ông. Thời niên thiếu ông đã phải chứng kiến cái chết do tự sát của người cha cùng lối sống phóng túng của bà mẹ, Johanna Schopenhauer. Giữa Schopenhauer và mẹ không có được tình cảm tốt đẹp và nhiều lần trong đời ông đã không muốn gặp mặt mẹ. Mồ côi bố, gần như đoạn tuyệt mẹ, không vợ con, Schopenhauer kể như vô gia đình, vô xứ sở. Ông yêu thích súc vật hơn loài người.
Schopenhauer cho rằng phụ nữ quá phù phiếm và mang nhiều dục vọng. Những gì ông trình bày quả là “nghịch nhĩ” nếu đặt trong hoàn cảnh hiện tại khi thuyết nam nữ bình quyền được cổ xúy. Nhưng đôi lúc người ta cũng có thể thấy một vài tư tưởng “nữ quyền,” tuy có phần mâu thuẫn hoặc vô thức, trong lập luận có vẻ ghét đàn bà của ông.
Người ta thường đề cập nhiều về Schopenhauer nhưng ít ai có dịp đọc sách hay biết về con người thật của ông. Ở Việt Nam hiện tại có bản dịch Siêu hình tình yêu – siêu hình sự chết của dịch giả Hoàng Thiên Nguyễn. Thiết nghĩ một triết gia danh tiếng như Schopenhauer mà chỉ có mỗi một bản dịch như vậy thì còn ít quá, thành thử tôi cũng đem chút sức dịch thêm một số tiểu luận của ông.
* * * * *
Bài thơ của Schiller ca tụng phụ nữ, Wuerde der Frauen, là kết quả của những suy tư nghiêm túc, và người đọc bị thu hút là nhờ phong cách phản đề và việc sử dụng biện pháp tương phản; nhưng cách diễn đạt trong những lời tán tụng chân thật xét ra là dành cho họ, tôi nghĩ rằng nó thua xa những câu sau đây của Jouy: Thiếu phụ nữ, giai đoạn đầu đời sẽ vô dụng, trung niên thì vắng bóng lạc thú; đến cuối đời phải trông nhờ an ủi. Những câu tương tự được diễn tả một cách xúc động trong bài Sardanapalus của Byron:
Sự sống của con người khởi nguồn chính là từ bộ ngực của phụ nữ,
Những tiếng bi bô đầu tiên học từ đôi môi của họ,
Những giọt nước mắt đầu tiên được họ lau sạch, và cả những tiếng thở dài lần cuối
Thường được thở hắt ra để họ lắng nghe,
Khi đàn ông chùn bước trước nỗi âu lo đớn hèn
Bởi đến phút cuối đời thức canh xem ai là người dẫn đạo
(Hồi I Cảnh 2)
Hai đoạn đó biểu lộ quan điểm đúng đắn trong việc đánh giá phụ nữ.
Bạn cần phải xem xét hình thể mà Hóa Công đúc tạo nên phụ nữ để thấy rằng họ sinh ra không phải để chịu đựng sự lao động nặng nhọc, cả thể chất lẫn tinh thần. Họ trả nợ đời không chỉ bởi những thứ họ thực hiện mà cả bởi những điều mà họ phải chịu đựng; bởi những cơn đau kỳ sinh nở và chăm nom con cái, cộng với cả việc phục tùng người chồng mà với hắn ta họ phải nhất mực nhẫn nhịn và là một người bạn đời vui vẻ.
Nỗi đau thấm thía nhất cùng với những niềm vui không dành cho họ, kể cả khi họ kêu đòi được thể hiện nguồn sức mạnh to lớn. Hướng đi trong đời họ nên khoan hòa, thanh thản và tầm thường hơn cánh đàn ông mà về bản chất không hạnh phúc cũng như bất hạnh hơn thế.
Phụ nữ thì thích hợp một cách trực tiếp cho việc trở thành những bảo mẫu và giáo viên cho thời thơ ấu bởi thực ra bản thân họ thì cũng ngây ngô, nhẹ dạ và thiển cận; nói cách khác thì họ là những đứa trẻ lớn xác trong suốt phần đời của mình – một kiểu trung gian giữa trẻ em và người đã trưởng thành với cái nghĩa chính xác của từ này. Hãy nhìn người thiếu nữ vuốt ve đứa trẻ hằng ngày cùng với việc nhảy nhót, hát hò cùng nó; sau đó hãy nghĩ về một người đàn ông có ý chí cao đại nhất trên thế giới sẽ làm gì nếu anh ta rơi vào chung cảnh ngộ của cô ta.
Với những thiếu nữ thì Thiên Nhiên dường như đã chủ trương trong quan niệm thứ mà trong ngôn ngữ kịch nghệ gọi là hiệu ứng tạo ấn tượng; vì rằng trong vài năm ngắn ngủi, họ được Thiên Nhiên phú cho sự sung mãn về nhan sắc và duyên dáng để bảo đảm cho toàn bộ phần đời còn lại. Trong suốt những tháng năm ở tuổi thanh xuân họ có thể chiếm cứ óc tưởng tượng của người đàn ông để hắn đâm đầu vào chuyện nuôi nấng họ, trong một cách nào đó, cho suốt một cuộc đời – điều mà tên đàn ông, nếu hắn suy xét cặn kẽ hơn, có lẽ sẽ chẳng bao giờ làm. Suy ra, Thiên Nhiên trang bị cho phụ nữ vũ khí và mọi phương tiện cần thiết để bảo vệ cho sự tồn tại của họ, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian tạm đủ cho họ, vì Thiên Nhiên luôn hành xử với tính tiết kiệm thường lệ; như loài kiến chúa, sau khi thụ tinh thì mất đi đôi cánh vì trang bị này trở nên vô dụng, không những thế còn là mối đe dọa tới việc sinh sản: cũng như người phụ nữ, sau khi sinh một, hai con, thường đánh mất vẻ đẹp; chắc chắn là cùng những lý do tương tự.
Vì thế chúng ta thấy rằng những thiếu nữ, trước khi kết hôn, xem công việc nội trợ hoặc những chuyện khác như là trò đùa. Tình yêu, sự chinh phục, và mọi thứ dính dáng tới điều này như xiêm áo, vũ hội, là những điều các nàng quan tâm đến nhiều hơn ….
Một tạo vật càng quí phái và hoàn hảo thì tạo vật đó càng tiến tới độ trưởng thành chậm trễ và muộn mằn hơn. Người đàn ông đạt tới sự trưởng thành về năng lực lý trí và những khả năng tinh thần trước tuổi 28; phụ nữ thì ở tuổi 18. Nhưng sự trưởng thành của phụ nữ rất giới hạn. Đó là nguyên nhân tại sao phụ nữ vẫn chỉ là trẻ nít trong suốt quãng đời của họ; họ chả thấy gì ngoài những thứ hết sức quen thuộc, bám chặt lấy những khoảnh khắc hiện tại, xem bề ngoài là chân tướng, và yêu chuộng những thứ tầm thường hơn là những vấn đề tối trọng.
Vì khả năng lập luận của mình mà đàn ông không chỉ sống trong những giây phút hiện tại, như loài cầm thú mà chờ đợi và xem xét cả quá khứ lẫn tương lai; đây chính là khởi nguồn của sự khôn ngoan cũng như của tính thận trọng và mối âu lo ta thường thấy được biểu lộ ra ngoài. Những lợi điểm và bất lợi từ khả năng trên – do sự suy luận kém cỏi của phụ nữ – không ảnh hưởng mấy đến nàng. Thực ra, có thể mô tả phụ nữ như những tạo vật thiển cận về mặt trí tuệ, bởi vì, mặc dù thủ đắc trí tuệ trực quan đối với những điều cực kỳ gần gũi thì phạm vi quan sát của họ cũng bị hạn chế và không đạt tới những tầm xa rộng; cho nên những thứ vắng mặt, hoặc quá khứ hoặc tương lai, có tác động không đáng kể lên phụ nữ hơn so với nam giới.
Lí do này giải thích vì sao mà phụ nữ thường xuyên có khuynh hướng ngông cuồng, và thi thoảng đưa khuynh hướng này kéo dài đến ranh giới với điên loạn. Trong thâm tâm, phụ nữ nghĩ rằng nhiệm vụ của nam giới chính là kiếm tiền còn họ chỉ việc tiêu xài – nếu có thể trong suốt cuộc đời của người chồng, hoặc ít nhất là sau khi hắn chết. Từ lúc người chồng đưa thu nhập của hắn cho vợ để trang trải chi phí cho cuộc sống, mụ vợ sẽ được củng cố niềm tin rằng chồng mình là cái máy xay tiền. Dù cách suy luận này có nhiều bất lợi, thì dù sao cũng có một lợi điểm, đó là phụ nữ sống sống trọn vẹn trong hiện tại so với đàn ông, nếu hiện tại là tất cả những gì họ có thể chịu đựng được. Đó là cội nguồn của niềm hân hoan tiêu biểu của phụ nữ, khiến họ có khả năng giải trí cho đàn ông trong những giờ phút mà hắn cần giải lao, và an ủi hắn khi hắn suy sụp dưới sức nặng của âu lo.
Bàn bạc với phụ nữ về những vấn đề nan giải, như những người Đức đã từng làm thời xưa, là chuyện không bao giờ nên bỏ qua; vì cách nhìn của phụ nữ đối với sự tình thường khác biệt so với chúng ta, chủ yếu là họ thích đi con đường ngắn nhất để đến mục tiêu, và tập trung vào những điều ngay trước mắt; trong khi theo thói thường thì chúng ta nhìn xa rộng hơn, cũng chỉ vì chúng ta không để ý đến những gì nằm ngay trước mũi chúng ta. Trong trường hợp này, chúng ta cần trở về với cái ngay trước mặt để phục hồi quan niệm gần gũi và đơn giản. Vì vậy phụ nữ tỉnh táo trong cách nhận định tình hình hơn so với chúng ta, chính vì họ không nhìn thấy gì hơn ngoài thực tại trước mắt; trong khi, nếu tình cảm của chúng ta bị kích động thì chúng ta có khuynh hướng nhận xét sự việc một cách cường điệu hoặc tưởng tượng ra những thứ không hiện hữu.
Điểm yếu trong khả năng suy luận đồng thời cũng giải thích tại sao phụ nữ biểu lộ sự đồng cảm đối với những kẻ bất hạnh hơn so với nam giới và đối xử với người khốn khó ân cần và quan tâm hơn; tuy đó cũng là lý do mà họ lại kém hơn nam giới về tính công bằng, sự chân thật và tinh thần chăm chỉ. Chỉ bởi vì yếu lý trí cho nên những tình huống hiện tại đã làm họ bị lung lạc và gây ra sự cản trở cho họ, làm họ ít khi bị ảnh hưởng bởi những nguyên lý trừu tượng của tư duy, những luật lệ bất biến của đạo đức, những cam kết bền vững, đại loại là những suy tư về quá khứ cũng như tương lai, hoặc các mối quan tâm dành cho những thứ vắng mặt và mơ hồ. Vì vậy, họ thủ đắc những yếu tố cơ bản và chính yếu tạo nên nhân cách đức hạnh nhưng họ lại thiếu mất những đức tính thứ yếu, thường được coi là dụng cụ cần thiết cho việc khai triển lý trí. Phụ nữ có thể được so sánh trong lĩnh vực này như một sinh vật có gan nhưng không có túi mật. Vì lí do đó, chúng ta thấy rằng sai lầm cơ bản trong tính cách nữ giới là nó không có sự công bằng. Chủ yếu là do, như đề cập ở trên, phụ nữ thiếu khả năng suy lý và khả năng cân nhắc; và cũng vì Tạo Hóa cho họ mưu mẹo thay vì sức mạnh; và do đó họ bẩm sinh xảo quyệt, và không thể chừa thói dối trá. Như sư tử được trang bị móng vuốt, voi và lợn lòi với ngà và răng nanh, bò đực với sừng, mực với những đám chất lỏng để hòng thoát thân, phụ nữ được trang bị với nghệ thuật dối trá cho sự phòng thủ; tất cả năng lực mà Tạo Hóa ban cho nam giới dưới dạng sức mạnh thể chất và lý trí, cũng được ban cho phụ nữ qua sự dối trá.
Vì thế, đối với phụ nữ thì sự vờ vĩnh đã là bẩm sinh, và hầu như nó cũng nhiều như đặc tính ngu dốt và khéo léo. Họ tận dụng một cách tự nhiên điều đó trong mỗi thời điểm như thể những con vật sử dụng phương tiện tự vệ khi chúng bị tấn công; họ có cảm tưởng rằng chỉ khi hành động như vậy thì họ mới thực sự nắm được đặc quyền vậy. Cho nên có lẽ việc người phụ nữ hoàn toàn chân thật và không có thói nói dối là một điều bất khả, và cũng vì thế mà họ có thể nhanh chóng nhìn thấu được sự giả tạo ở những kẻ khác, do đó đừng bao giờ thử nói dối trước mặt họ. Từ khiếm khuyết cơ bản đề cập ở trên, và tất cả những điều liên quan đến nó, đã nảy sinh sự dối trá, sự bất tín, sự bội phản và lòng vô ơn.
Phụ nữ thường xuyên phạm tội khai man trước tòa hơn so với nam giới. Quả thực người ta thường hay chất vấn liệu phụ nữ có nên buộc phải tuyên thệ trước tòa hay không. Từ bao lâu nay, người ta thường thấy những trường hợp tái diễn, khi một số đàn bà, tuy không thiếu thốn bất cứ thứ gì trên đời, đã ngấm ngầm bỏ túi và ăn cắp những vật dụng bày bán ở các cửa hàng.
Tạo Hóa đã ấn định việc truyền chủng là công việc của những người đàn ông trẻ, khỏe và đẹp mã nhằm giúp cho giống nòi không bị thoái hóa. Việc này là ý định kiên quyết và cứu cánh của Tạo Hóa liên quan đến giống nòi, và người ta nhận thấy biểu hiện đó trong những đam mê của nữ giới. Không có qui luật nào xưa cũ và mạnh mẽ hơn điều này. Khốn khổ cho anh chàng nào dám có những yêu sách cản đường mục đích của phụ nữ; bất cứ điều gì hắn ta nói và làm sẽ bị tiêu ma một cách không thương xót ngay ở buổi ban đầu.
Vì qui luật bẩm sinh chi phối đức hạnh của nữ giới, dù cho là huyền bí và không theo qui tắc, nói đúng hơn là vô thức trong quá trình vận hành, là như thế này: Chúng ta có lý do chính đáng để dối gạt những người đàn ông – vì họ quan tâm một chút cho chúng ta – đó chỉ là trên phương diện cá nhân, nhưng họ tưởng rằng họ đã có toàn quyền trên phương diện nòi giống. Tạo tác, và sự tồn tại của nòi giống, đã được ủy thác trong tay chúng ta qua các thế hệ tiếp nối phát xuất từ chúng ta, để chúng ta tận tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Nhưng phụ nữ lại không có được kiến thức trừu tượng đối với nguyên lý chủ đạo này; họ xem đó chỉ như là một sự kiện cụ thể; và họ không có phương pháp nào khác để diễn giải hơn là cái cách mà họ tiến hành khi cơ hội đến với họ. Và thế là lương tâm không dằn vặt họ vì trong thâm tâm, họ cho rằng khi tổn hại đến cá nhân thì đồng thời họ đã hoàn toàn làm tròn bổn phận đối với giống loài, điều được xem là cao quí hơn hơn rất nhiều.
Vì phụ nữ tồn tại chủ yếu chỉ để lưu truyền nòi giống, và không vì điều gì khác cho nên họ sống – như một qui luật – vì giống loài nhiều hơn là vì bản thân, và tình cảm của họ đảm trách những sự vụ của giống loài nghiêm túc hơn so với những sự vụ mang tính cá nhân. Điều này là toàn bộ cuộc đời họ và mang tính chất phù phiếm; một xu hướng khác biệt cơ bản so với xu hướng của nam giới; chính điều đó là nhân tố gây ra sự bất hòa thường xuyên trong đời sống hôn nhân và hầu như đó là hiện trạng bình thường.
Cảm giác tự nhiên giữa những người đàn ông chỉ đơn thuần là sự dửng dưng nhưng giữa những người phụ nữ với nhau thì đó thực sự là tình trạng thù địch. Nguyên nhân của điều này là do lòng ghen tị – odium figulinum – thứ mà trong trường hợp của nam giới, nó không vượt quá ranh giới trong sự theo đuổi mục đích ngoại lệ của riêng họ; tuy nhiên nó lại bao gồm toàn thể giới nữ vì họ chỉ có mỗi một công việc duy nhất.
Thậm chí ngay cả khi gặp nhau ngoài đường, phụ nữ cũng nhìn nhau như thể Guelphs và Ghibellines vậy. Thực tế đó là khi hai người phụ nữ gặp nhau lần đầu tiên thì họ cư xử khiên cưỡng và vờ vịt hơn là khi hai người đàn ông gặp nhau trong cùng trường hợp; do vậy việc trao đổi qua lại những lời tán tụng giữa phụ nữ với nhau thì lố bịch hơn so với cánh đàn ông. Hơn nữa, trong khi một người đàn ông, theo phép tắc chung, sẽ luôn duy trì phần nào sự suy xét và lòng nhân đạo với kẻ khác khi trò chuyện, thậm chí với những người có địa vị xã hội rất thấp, nhưng khó có thể dung thứ khi nhìn một mệnh phụ, theo thói thường, sẽ hành xử một cách đầy kiêu ngạo và khinh thị đối với người đứng trong thang bậc xã hội thấp kém hơn (nhưng không phải là đầy tớ của bà ta), khi bà ta nói chuyện với người này.
Nguyên nhân của điều này có thể là đối với phụ nữ thì sự chênh lệch về địa vị xã hội có phần bấp bênh hơn nhiều so với chúng ta, bởi vì yếu tố này ảnh hưởng đến tư thế và cách hành xử của họ, trong lúc có hàng trăm những suy xét quan trọng trong tình cảnh của chúng ta thì đối với phụ nữ chỉ có một thứ, cụ thể đó là với người đàn ông đã đoái hoài đến họ; cũng đồng thời do hậu quả của bản tính đơn phương trong thiên hướng của mình mà phụ nữ có quan hệ gần gũi hơn với các người khác ngoài nam giới. Điều này khiến họ quan tâm nhiều hơn về sự khác biệt trong thang bậc xã hội.
Chỉ có loại đàn ông bị lú lẫn bởi dục tính mới định nghĩa chủng loài thấp bé, vai hẹp, mông to, chân ngắn này là phái đẹp vì vẻ đẹp tổng thể của phái nữ đã bị qui định bởi dục tính. Có nhiều lý do xác đáng để mô tả phụ nữ như chủng loài phi thẩm mỹ, thay vì coi họ là phái đẹp. Thực ra thì họ không có khả năng thưởng thức hoặc cảm xúc đối với âm nhạc, thơ ca và cả mỹ thuật nữa; đó chỉ là trò hề, trong nỗ lực mà họ muốn làm vui lòng đàn ông.
Do đó, như một kết quả của điều này, họ không thể thu bắt được lạc thú có tính khách quan thuần túy, đối với tôi nguyên nhân có thể như sau: Người đàn ông cố gắng đạt được sự tinh thông một cách trực tiếp đối với mọi vấn đề bằng việc nắm bắt chúng hoặc giả ép buộc chúng thực hiện ý chí của hắn ta. Nhưng người phụ nữ thì bao giờ và lúc nào cũng phải chấp nhận đạt được sự tinh thông đó theo chiều hướng gián tiếp, ấy chính là thông qua một người đàn ông; và bất cứ sự am tường trực tiếp nào mà họ thủ đắc được thì hoàn toàn thua kém hắn ta. Bản chất của phụ nữ là chỉ xem mọi sự như là một phương tiện để chinh phục nam giới; và nếu như họ có chú ý tới những thứ khác thì đó chỉ là sự vờ vĩnh- một con đường ngoắt ngoéo nhằm đạt được mục đích cuối cùng bằng cách làm đỏm và để che dấu những gì mà họ không hề cảm giác được. Vì thế, thậm chí Rousseau còn phải thốt lên rằng: Nhìn chung thì phụ nữ không dành tình yêu cho bất cứ môn nghệ thuật nào cả; họ không có kiến thức chính xác và họ không có thiên tư..
Không ai là không nhìn thấy được rằng vẻ bề ngoài có thể sẽ trở thành vô dụng trong việc đánh giá điều tương tự. Bạn chỉ cần quan sát cái kiểu quan tâm mà phụ nữ dành cho một buổi hòa nhạc, một vở diễn ô-pê-ra hay một vở kịch – đó là một sự hồn nhiên trẻ con, chẳng hạn, với những điều mà họ không thôi lải nhải trong những đoạn văn hay nhất của những tác phẩm vĩ đại nhất. Thực ra thì người Hy Lạp đã loại phụ nữ ra khỏi kịch nghệ và họ đã khá có lý với những việc mình làm; dù sao đi nữa thì bạn cũng có thể nghe thấy những gì diễn ra trên sân khấu. Ngày nay, bên cạnh đó hoặc giả thay vì nói, Phụ nữ hãy giữ im lặng trong nhà thờ, thì sẽ hợp lý hơn nếu nói Phụ nữ hãy giữ im lặng trong rạp hát. Có lẽ nên viết thành những chữ cỡ lớn trên tấm màn sân khấu.
Và bạn không thể chờ đợi điều gì ở phụ nữ nếu như bạn để ý thấy rằng những trí thức nổi trội nhất của toàn thể giống cái đã không bao giờ thành công trong việc tạo ra dù chỉ một thành quả đơn giản, thực sự vĩ đại, chân thực và nguyên bản trong hội họa; hoặc giả cống hiến cho nhân loại bất cứ công trình nào có giá trị trường cửu trong bất cứ lãnh vực nào. Đây là sự biểu hiện đáng chú ý nhất trong hội họa, nơi mà sự tinh thông kỹ thuật ít nhất cũng có nhiều trong khả năng cũng như đối với bản thân họ – do đó họ trở nên mẫn cán trong việc mày mò nghiên cứu; tuy vậy, họ lại không có được dù chỉ một tác phẩm hội họa vĩ đại riêng biệt để khoe khoang chỉ bởi vì họ thiếu đi khả năng nhìn nhận sự vật một cách khách quan, điều không thể tách rời trực tiếp ra khỏi hội họa.Họ không bao giờ thoát khỏi quan điểm cá nhân mang tính chủ quan. Những người phụ nữ bình thường vẫn không thủ đắc được sự nhảy cảm đối với hội họa một chút nào vì rằng Tạo Hóa đã bày ra trong sự nghiêm khắc – non facit saltum.
Và Huarte trong tác phẩm Examen de ingenios para las scienzias – một cuốn sách nổi tiếng gần 300 năm – chối bỏ sự chiếm hữu của phụ nữ đối với những khả năng cao đẳng hơn. Sự vụ không bị biến đổi bởi những trường hợp ngoại lệ cá biệt và từng phần; nói tổng thể thì phụ nữ vẫn hoàn toàn phàm tục và đúng là vô phương cứu chữa. Cho nên, sự dàn xếp mơ hồ cho phép họ chia sẻ thang bậc xã hội và danh nghĩa của chồng, họ là tác nhân kích thích kiên định đối với những tham vọng ti tiện của các đức lang quân. Hơn thế nữa, chỉ tại họ là những kẻ tầm thường cho nên trong xã hội hiện đại nơi họ có thể đảm nhận sự lãnh đạo và có tiếng nói, đi theo một chiều hướng tồi bại như vậy.
Câu nói của Napoleon – phụ nữ không có địa vị xã hội – nên được chấp nhận như một quan điểm đúng đắn trong việc quyết định vị trí của họ trong xã hội; và về những năng lực khác của họ thì Chamfort đã nhận xét rất chính xác: Hóa Công tạo ra phụ nữ để đổi chác lấy sự yếu đuối và ngu dại của chúng ta, nhưng trong đó không bao gồm lý trí. Sự cảm thông giữa phụ nữ với đàn ông chỉ là hời hợt cũng như nó không chạm tới phần tinh thần, những rung cảm hay tính cách.
Họ tạo thành sexus sequior- giới thứ yếu, thấp kém hơn so với giới đầu tiên; cần phải xem xét sự nhu nhược của họ một cách cẩn trọng nhưng thể hiện lòng tôn kính đối với họ thì quả là cực kỳ lố bịch, và đồng thời cũng là hạ thấp chúng ta trong cách nhìn của họ. Khi Tạo Hóa phân chia loài người thành hai giới, Ngài đã không vẽ một đường phân giới chính xác ở giữa. Những sự phân chia đó đối cực nhau, chính xác là như vậy nhưng sự khác biệt thì không chỉ đơn thuần là về chất mà còn cả về lượng nữa.
Đây thực ra là quan điểm của người xưa và của người phương Đông hiện tại về phụ nữ, và cách nhìn của họ đối với vị trí thích đáng của phụ nữ thì chính xác hơn của chúng ta nhiều so với quan điểm cổ hủ của người Pháp về sự nuông chiều phụ nữ và hệ thống lố bịch thể hiện lòng tôn kính- đó chính là sản phẩm thượng thặng nhất thuộc về sự ngu dốt Giec-manh Kito giáo. Những quan niệm đó chỉ khiến cho phụ nữ thêm phần ngạo mạn và hống hách, cho nên đôi khi người ta lại nhớ đến những con vượn thánh ở Benares trong trạng thái xuất thần và bất khả xâm phạm nghĩ rằng chúng có thể làm chính xác những gì mà chúng thích.
Nhưng ở phương Tây, phụ nữ và đặc biệt là các quí bà, tìm được cho mình những vị trí sai lầm; vì đối với phụ nữ, chính xác là theo cách gọi của cổ nhân – sexus sequior- không xứng đáng chút nào để làm đối tượng cho sự danh giá và lòng tôn kính hoặc giả được đặt lên vị trí cao hơn và có quan hệ ngang hàng với đàn ông. Hậu quả của những vị trí lầm lạc này thì đã nhỡn tiền rồi. Vì vậy, quả là đáng mong ước nếu giống người Đệ Nhị ở châu Âu chịu hạ mình xuống đúng với vị trí tự nhiên của họ và kết cục của mối phiền toái quí bà sẽ không chỉ khiến toàn cõi Á Châu chê cười mà còn bị xứ Hy Lạp và La Mã nhạo báng.
Không thể đánh giá những mặt tốt mà sự thay đổi đó sẽ mang lại trong những sự sắp đặt xã hội, dân sự và chính trị.
Không cần sử dụng đạo luât Xa-lic: điều đó là thừa. Ở châu Âu, quí bà, cứ gọi nghiêm túc là vậy, là một thực thể không nên hiện hữu một chút nào; cô ta nên trở thành một người nội trợ hay một thiếu phụ và cô ta cần được giáo dục để không tỏ ra ngạo mạn, thay vào đó là biết tiết kiệm và dễ bảo.
Chỉ vì những người được gọi là các quí bà ở châu Âu mà phụ nữ thuộc những tầng lớp thấp, nghĩa là phần lớn phái nữ, trở nên bất hạnh hơn những người ở phương Đông. Thậm chí Lord Byron còn phải thốt lên rằng: Nghĩ về tình cảnh phụ nữ dưới thời Hy Lạp cổ đại đủ thấy xứng đáng. Tình cảnh hiện tại như một tàn dư của sự man rợ thuộc thời đại hiệp sỹ và phong kiến có tính chất giả tạo và phi tự nhiên. Họ cần nghĩ về gia đình đồng thời cũng cần được ăn ngon, mặc đẹp nhưng không được phép hòa nhập vào xã hội. Thêm vào đó họ phải là người có giáo dục trong tôn giáo nhưng không được phép đọc thơ hay sách về chính trị, không gì khác ngoài sách về lòng mộ đạo và sách dạy nấu ăn. Có thể là âm nhạc- hội họa – khiêu vũ, thi thoảng cùng với chút ít nghệ thuật làm vườn và trồng trọt. Tôi đã nhìn thấy họ sửa đường rất cừ ở Epirus . Tại sao họ lại không thể chẳng hạn làm những công việc như phơi cỏ khô hoặc vắt sữa?
Luật hôn nhân phổ biến ở châu Âu xem phụ nữ ngang bằng với nam giới, nói cách khác, nó xuất phát từ một quan điểm sai lầm. Trên thế giới, chế độ hôn nhân một vợ một chồng phổ biến thì kết hôn nghĩa là chấp nhận giảm phân nửa quyền hạn và nhân đôi bổn phận.
Hiện tại, khi mà luật định ban cho phụ nữ những quyền lợi ngang bằng với nam giới thì đáng lý ra phụ nữ cũng cần được thụ hưởng khả năng hiểu biết của nam giới. Nhưng thực ra đó chỉ là sự tương xứng mang tính danh dự và quyền lợi của luật định ban cho phụ nữ, như vậy đã là vượt quá những gì mà Tạo Hóa trao truyền cho họ rồi, phải chăng có một sự giảm thiểu về số lượng phụ nữ được thụ hưởng những đặc quyền đặc lợi đó và những người còn lại thì bị tước đi những quyền tự nhiên ngang bằng với những người khác và vượt quá quyền lợi của họ.
Do cơ chế của hôn nhân một vợ một chồng cho nên luật hôn nhân đã dành cho phụ nữ một vị trí phi tự nhiên được hưởng các quyền lợi bằng việc coi họ hoàn toàn bình đẳng với nam giới; xem xét vấn đề này thấy rằng đàn ông khôn ngoan và cẩn trọng thường là đắn đo khi chấp nhận sự hy sinh lớn lao như vậy và bằng lòng với sự dàn xếp không công bằng kể trên.
Bởi vậy, trong những quốc gia có chế độ đa thê người ta cung ứng phụ nữ, còn chế độ hôn nhân một vợ một chồng lại hạn chế số lượng phụ nữ được phép kết hôn; và vì thế vẫn còn một lượng lớn phụ nữ không có chỗ dựa gia đình trong những giai cấp xã hội cao đẳng phải sống một cuộc đời tẻ nhạt như những bà cô già vô tích sự trong thế kháng cự yếu ớt những công việc nặng nề không phù hợp với họ; hoặc có thể trở thành gái bán hoa với cuộc đời thiếu vắng niềm vui danh giá.Nhưng dưới bất cứ hoàn cảnh nào thì cũng phải cần tới họ, và địa vị của họ được thừa nhận một cách rộng rãi nhằm phục vụ cho mục đích đặc biệt là bảo vệ trinh tiết những phụ nữ được định mệnh ưu ái đã tìm được hoặc có cơ may tìm được tấm chồng. Riêng ở Luân Đôn, có đến 80.000 gái điếm. Họ là ai nếu không phải phụ nữ, những người mà nếu sống trong chế độ hôn nhân đa thê đã có thể thoát khỏi tình cảnh tồi tệ nhất?
Số phận của họ quả là hẩm hiu: họ trở thành những vật tế – người dâng cúng lên ban thờ của chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh được nói đến ở đây là những đối tượng quen thuộc đối với các quí bà châu Âu đi cùng với đó là sự kiêu căng tự phụ của họ. Chế độ hôn nhân đa thê, do đó, chính là một lợi điểm thực sự đối với giới nữ nếu như nó được áp dụng một cách toàn triệt. Nhìn từ quan điểm khác thì thấy rằng chả có nguyên nhân đúng đắn nào giải thích việc một người đàn ông có vợ bị bệnh kinh niên và hiếm muộn đường con cái hoặc giả cứ dần dà trở nên quá già đối với hắn ta, không được phép cưới người vợ thứ hai. Động cơ khiến nhiều người cải đạo theo giáo phái Mormon chính là để chống lại sự quái đản của chế độ hôn nhân một vợ một chồng .
Tuy nhiên, việc thụ hưởng những những quyền lợi trái với tự nhiên của phụ nữ đi song hành với Luật Mamu, họ chịu sự kiểm soát của cha, chồng, anh trai hoặc chính con trai của mình. Chắc hẳn sẽ là hãi hùng khi chứng kiến cảnh người vợ xả thân nhảy vào dàn thiêu xác chồng nhưng cũng kinh hãi khi biết rằng nàng ta sẽ tiêu sạch sành xanh số tiền của của người chồng quá cố cùng với nhân ngãi trong khi đó là số tiền mà hắn ta làm việc quần quật cả đời mới chắt bóp được với niềm an ủi rằng số tiền đó sẽ để dành cho lũ trẻ.
Những người hạnh phúc là những người giữ được đạo trung dung – medium tenuere beati.
Tình cảm đầu tiên mà một người mẹ dành cho đứa con cũng như dành cho các loài động vật cấp thấp và đàn ông, thuần túy là đặc tính thuộc về bản năng, nó sẽ suy giảm khi đứa trẻ không còn ở trong tình trạng yếu ớt về mặt thể chất nữa. Sau đó, tình cảm đầu này sẽ chịu nhường bước cho thói quen và lí trí nhưng nó thường thất bại trong cách biểu lộ ra bên ngoài, đặc biệt là lúc người vợ hết yêu thương người chồng. Tình thương của người cha dành cho đứa con thì theo một kiểu khác và dường như có xu hướng kéo dài bởi vì nền tảng của nó dựa trên sự thật đó là hắn ta có thể nhận ra nội quan bản thân trong đứa con, nói cách khác thì tình thương của hắn mang bản chất siêu hình.
Tại hầu hết các quốc gia dù là xã hội cổ đại hay hiện đại, thậm chí trong cộng đồng người Hốt– tan –tô, chỉ những hậu duệ nam giới mới được quyền thừa hưởng tài sản, sự lầm lạc chỉ xảy ra ở châu Âu tuy vậy không bao gồm tầng lớp quí tộc.
Việc tài sản là thành quả của nhiều năm lao động cực khổ và nỗ lực của cánh đàn ông và để đạt được nó phải trải qua biết bao trắc trở sau đấy lại rơi vào tay đàn bà, những người vì thiếu lí trí, tiêu xài phung phí trong một khoảng thời gian ngắn, hoặc giả bị người đời phỉnh gạt, là một sự bất bình và là lỗi lầm tệ hại phổ biến, do đó cần phải ngăn chặn điều đó bằng việc hạn chế quyền thừa kế của phụ nữ.
Theo ý tôi, cách dàn xếp tốt nhất đó là phụ nữ dù là quả phụ hay thiếu phụ không bao giờ được phép thụ hưởng bất cứ thứ gì ngoài lợi tức phục vụ cho cuộc sống dựa trên tài sản được bảo đảm bởi sự thế chấp, và trong bất cứ trường hợp nào, tài sản hoặc tiền vốn, ngoại trừ tất cả những hậu duệ nam giới phá sản. Người kiếm ra tiền là đàn ông chứ không phải phụ nữ, từ điều này suy ra phụ nữ không được quyền thanh minh cho việc thừa hưởng số tài sản một cách vô điều kiện cũng như không phải là những người thích hợp để giao phó quyền làm chủ tài sản.
Khi tài sản, theo đúng nghĩa của từ này, nói cách khác như tiền bạc, ngựa, hoặc điền sản, đến tay họ như một sự thừa kế thì người ta không nên để họ muốn làm gì thì làm với số tài sản đó.
Trong trường hợp này, người ta cần chỉ định một người giám hộ; do đó họ không bao giờ được quyền tự ý quản lý con cái của họ trong bất cứ trường hợp nào. Sự phù phiếm của phụ nữ, thậm chí lớn hơn rất nhiều so với nam giới, gây ra nhiều nguy cơ hơn đến độ nó chiếm trọn phương diện vật chất. Họ thì tự phụ, ý tôi là về sắc đẹp của bản thân, và về xiêm áo, điệu bộ và sự lỗng lẫy. Đó là nguyên nhân khiến cho họ nắm giữ nhiều những yếu tố như thế trong xã hội. Đồng thời, nó cũng tạo cho họ thiên hướng ngông cuồng mạnh hơn là vì khả năng suy lý yếu kém của họ.
Chính vì thế, chúng ta có thể nhận thấy một nhà văn thời cổ đại đã mô tả phụ nữ, về đại thể, thủ đắc một bản tính ngông cuồng- [Greek: Gynae to synolon esti dapanaeron Physei] . Nhưng về đàn ông thì tính phù phiếm thường đi theo hướng nắm giữ lấy những lợi ích phi vật chất chẳng hạn như trí tuệ, học vấn và lòng dũng cảm.
Trong tác phẩm Chính trị luận, Aristote đã vạch ra những bất lợi to lớn xảy đến với dân tộc Sparta dựa trên thực tế đó là việc họ đã tỏ ra quá nhún nhường phụ nữ bằng cách trao cho họ quyền thừa kế tài sản, và quá nhiều sự độc lập, ông cũng chỉ ra việc điều này đã góp phần ra sao trong thất bại của Sparta.
Không phải chỉ ở Pháp, ảnh hưởng của phụ nữ đã gia tăng một cách đều đặn từ thời vua Louis XIII, được qui cho là đã gây ra sự suy đồi từ từ của Triều đình và Chính quyền, đó là nguyên nhân gây ra cuộc Cách mạng 1789, vậy tất cả sự hỗn loạn sau đó có phải là thành quả hay không? Tuy nhiên có thể là do những vị trí sai lầm mà phụ nữ đã chiếm giữ, được lấy làm minh chứng theo cách thức rõ ràng nhất bởi thể chế của các quí bà, là nhược điểm cơ bản trong tổ chức xã hội, và nhược điểm này, xuất nguồn từ chính cốt lõi của điều này, chắc hẳn sẽ lan tràn khắp nơi với những ảnh hưởng tai ác.
* * *
Việc phụ nữ, về bản chất, phải phục tùng có thể nhận ra được từ thực trạng: đó là mỗi khi người phụ nữ được đặt trong vị thế độc lập phi tự nhiên, tức thì phải gắn bó cuộc đời với một người đàn ông nào đó, người mà nàng qui thuận sự chỉ dẫn và chịu sự chế ngự. Vì rằng nàng cần phải có một chúa tể và chủ ông. Nếu nàng còn trẻ người đàn ông đó sẽ là tình nhân, còn nếu già lão thì sẽ là một cha đạo.
Arthur Schopenhauer
Chuyển ngữ: Trịnh Ngọc Thìn